Bên những chiếc ghe bầu chòng chành trong Quảng ra còn thấy những chiếc thuyền mành, những chiếc “gọ” của Nghệ An, Hà Tĩnh vào. Ghe Quảng Nam cung cấp đường xe, đường đọi, đường muỗng; ghe Bình Định chở theo dừa tươi, dừa kho, dây dừa... ghe Quảng Ngãi thì rao bán mạch nha, đường phèn, đường phổi; ghe Phan Thiết chở nước mắm và cá mòi. Các chiếc “gọ” của Nghệ An, Hà Tĩnh thì đầy ắp những lu vại nước mắm gọi là “nước mắm gọ” để phân biệt nước mắm Nam Ô của Quảng Nam. Thỉnh thoảng có vài chiếc thuyền mành lớn đến từ Trà Cổ, Mống Cái bán toàn đồ sành sứ... Trên bến Bao Vinh, bạn có thể nghe đủ thứ giọng nói: giọng Nghệ An, giọng Huế, giọng Quảng xen nhau; thỉnh thoảng lại nổi lên những tràng tiếng líu lo của những người dân tộc thiểu số, mình trần, đóng khố gùi những lâm hải sản từ các vùng đồi núi về họp chợ. Họ bán mật ong, nấm mèo, ớt khô, dầu trong, dầu rái, lá nón, lá tơi giang và sợi mây... Đổi lại họ mua chuối, đường và cồng chiêng bằng đồng. Xét như thế, thương cảng Bao Vinh chẳng thiếu mặt hàng nào, nông phẩm, thuỷ sản, hải sản, lâm sản đều có đủ. Nếu bạn ở tận bến An Cựu hay Vĩ Dạ mà cần mua một vài ống giang để chẻ lạt hay một ít dầu rái để trét xuồng đương nhiên là bạn phải tìm về Bao Vinh, khu phố này xưa có tên là Cảng Thanh Hà gồm một dãy nhà gạch nên cao nhưng mái thấp, lợp ngói âm dương hay ngói liệt, quay mặt ra sông, đối diện với một hàng ghe thuyền chen chúc xôn xao ngoài bến.
“Bao Vinh cao bợt hẳn bờ Ghe mành lui tới, mẹ nhờ duyên con”
Trong buôn bán, thời nào, nơi nào, cũng cần phải tiếp thị mà hiệu quả của tiếp thị tốt vẫn phải do các cô hàng xinh đẹp, duyên dáng. Các bà mẹ ở đây đã nhờ vào “duyên con” để thu hút các thương lái bốn phương có hàng tốt thì ưu tiên dành cho họ, đôi khi quen biết trở nên thân tình, cứ đổ hàng xuống mùa sau lấy tiền cũng được không muộn. Đó là kiểu bán gối đầu nhờ thế họ làm ăn lâu dài, có thể cũng có vài ba mối tình nảy nở. Có không thì không chắc lắm nhưng các anh thương lái trẻ vất vả giong buồm vượt biển từ Sông Cầu, Tam Quang, Qui Nhơn, Bình Định ra Huế hẳn sẽ tìm thấy niềm an ủi trước những nụ cười của các o ở phố cổ này mà quên đi nỗi vất vả của cuộc hải hành dài.
Bao Vinh không chỉ là đất buôn bán. Ở đó còn nhiều nhà nho, nhiều quan lớn trong triều, nhiều văn nhân nghệ sĩ và những chiến sĩ cách mạng. Cụ thể Võ Bá Hạp là một nhà cách mạng lão thành, đồng chí của cụ Phan Bội Châu; những ngày cuối đời đã quay về ẩn dật trong một ngôi nhà vườn gần bên cầu Bao Vinh. Người ta quen thấy một ông già rất đẹp lão, đầu búi tó củ hành, mặc bộ áo lụa trắng thường lui tới thấp thoáng dưới tàn cây bóng lá của khu vườn như là một hưu quan. Bao Vinh cũng từng in dấu ngựa xe của quan Phu chánh đại thần Trần Tiến Thành (1813 - 1883).
Sau cái chết của vua Tự Đức, vì bất đồng chính kiến Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nên Trần Tiến Thành bị hai ông này sai người đang đêm đến nhà giết chết.
Tư thất của ông nằm quá cống Bao Vinh một đổi, thuộc địa phận làng Minh Hương. Ngay tại phố cổ Bao Vinh vào những năm 40 còn thấy có hai ông quan làm việc cho Nam Triều thường ngồi trên xe nhà có người hằng ngày kéo vào Đại Nội. Sau này, dưới trào Ngô Đình Diệm, nhiều người ở Bao Vinh đã giữ những chức vụ quan trọng cao cấp trong bộ máy hành chánh lẫn quân sự của chế độ cũ. Trước đây Bao Vinh có một rạp hát nằm sau chợ, tuy rạp dùng bằng tranh tre nhưng các gánh cải lương trong Nam ra, ngoài Bắc vào đều ghé đó trình diễn. Đó cũng là nơi trình diễn thường xuyên của gánh Hát Bội trong tỉnh. Riêng Bao Vinh cũng tự mình thành lập nên một ban ca kịch Huế mà các nhạc sĩ là thanh niên trong làng gồm đủ các nhạc công tranh, tỳ, nhị, nguyệt, bầu sáo... và đã nhiều lần trình diễn như một đoàn chuyên nghiệp. Đó là các ông Ích, ông Miễn, ông Khánh, ông Nhạc, ông Đại... hầu hết giờ đây đã qua đời, ai còn sống sót cũng đạt tới tuổi 80.
Lớp trẻ của Bao Vinh theo tân học, nhiều người đã thành đạt, tốt nghiệp bác sĩ như bác sĩ Thu, ra Bắc theo cách mạng, nay đã về hưu hiện ở TP.HCM; Bác sĩ Trương Thìn hiện là Viện Trưởng Viện Y - học dân tộc, vừa vẽ tranh vừa làm nhạc; bác sĩ Ngô Viết Phúc, nguyên chánh văn phòng Hội Nhà Báo Thành phố; bác sỹ Trương Quý Lâm, dưới bút hiệu Lan Giao đã xuất bản tập truyện ngắn Bút Thu. Hiện tại, có họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng chuyên vẽ tranh sơn mài, đang dạy Mỹ thuật Huế cũng là người Bao Vinh. Bao Vinh còn sản xuất ra nhiều nghệ nhân điêu khắc rất giỏi về nghệ thuật chạm gỗ và khảm xà cừ. Đây là nghề cố hữu của Bao Vinh mới trở lại phát đạt khoảng chục năm gần đây. Có điều thú vị là phố cổ Bao Vinh còn có một gánh xiếc lớn, đó là gánh xiếc Long Tiên. Không hiểu ông chủ gánh - vốn là người Bắc - yêu mến phố cổ ra sao mà đến Bao Vinh mua nhà, mua đất tọa lạc ngay tại đó. Gánh Long Tiên này đã cung cấp cho người yêu nhạc hai nhạc sĩ: anh em Xuân Tiên, Xuân Lội. Xuân Tiên chơi Saxo, tác giả Chờ một kiếp mai; Về dưới mái nhà... Xuân Lội thì thổi Clarinette, tác giả bài Nhạc nắng mang hơi nhạc Sông Hương...
Từ thập niên 40 trở đi, vì giao thông khó khăn, mất an ninh do chiến tranh nên các ghe thuyền trong Nam, ngoài Bắc không vào Huế nữa, thương cảng Bao Vinh trở nên vắng vẻ. Trên bến Bao Vinh người ta xây nhiều nhà tứ giác cách quãng nhau. Về sau, người đông mà đất hẹp nên có chỗ nào trống là thiên hạ tranh chiếm để dựng nhà, thét rồi, Phố cổ Bao Vinh trước kia chỉ có một dãy phố nay biến thành hai dãy nhà đối diện nhau, ôm lấy một con đường hẹp. Bây giờ, Đào Hoa Nữ có muốn chụp hình phố cổ Bao Vinh từ ngoài sông vào thì chỉ chụp được dãy phố san sát, thực ra không “cổ lắm”. Cổ là dãy ở phía sau bên kia, mà cũng chẳng còn cổ bao nhiêu vì trừ một đôi nhà đã xây xệ, tường long mái lở còn in dấu tích cũ, các nhà khác đều “lên đời” thành nhà cao tầng hai ba tấm khiến người xa phố cổ lâu ngày, có dịp trở lại, ngắm nhìn Bao Vinh không khỏi vừa vui mừng vừa pha lẫn chút ngậm ngùi.
V.N.L (200/10-05) |