Tạp chí Sông Hương - Số 201 (tháng 11)
Ba mươi năm lí luận, phê bình, nghiên cứu văn học - thành tựu và suy ngẫm
09:25 | 15/04/2009
TRẦN ĐÌNH SỬLí luận văn học Việt Nam thế kỉ XX đã trải qua ba lần thay đổi hệ hình tư duy. Lần thứ nhất diễn ra vào những năm 1932 đến 1945 với việc hình thành quan niệm văn học biểu hiện con người, xã hội, lấy thẩm mĩ làm nguyên tắc, chống lại quan niệm văn học thời trung đại lấy tải đạo, giáo huấn, học thuật làm chính tông, mở ra một thời đại mới trong văn học dân tộc.

Lần thứ hai tuy đã có mầm mống từ trước, nhưng thực sự diễn ra từ năm 1945 với sự xác lập độc tôn lí luận văn học mác xít, xây dựng văn nghệ nhân dân theo phương hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, phê phán mọi tín điều lí luận văn học tư sản. Mọi vấn đề lí luận như quan hệ văn học và đời sống, đặc trưng, chức năng, phương pháp sáng tác, phê bình đều giải quyết theo quan điểm mác xít. Một nền văn học cách mạng đã ra đời, phục vụ nhiệm vụ chính trị của giai cấp vô sản do Đảng Cộng sản lãnh đạo, gắn bó với đời sống nhân dân và cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt Nam. Nhưng bước vào thời kì xây dựng nền văn nghệ dân tộc ở thời bình, trong điều kiện mở rộng giao lưu quốc tế, hệ thống phe xã hội chủ nghĩa tan rã, người ta mới thấy hết sự xơ cứng, nghèo nàn, đơn điệu của các tín điều lí luận văn học được tôn thờ trong ba mươi năm. Bởi vì xét cho cùng đó là một hệ thống lí luận có tính chất nhà nước, khó tránh việc biến thành giáo điều trói buộc sự tìm tòi phát triển nhiều mặt. Khẩu hiệu “cởi trói”, “tự cứu lấy mình” vang lên trong cuộc gặp mặt thân mật các văn nghệ sĩ với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh đã đánh dấu cuộc thay đổi hệ hình lí luận văn học lần thứ ba trong giới văn nghệ Việt Nam. Và văn học Việt Nam đứng trước những viễn cảnh phát triển mới.

Thực ra mọi cuộc đổi thay hệ hình lí luận không phải đợi ngày nay mới bắt đầu. Nó xuất hiện dần dần trong lòng hệ hình cũ, xung đột với hệ hình ấy nhưng phải có thời điểm thuận lợi nó mới được công khai thừa nhận. Chẳng hạn như trong khoảng những năm 60 đến năm 75 đã có những ý kiến đòi hỏi sử dụng hình thức ước lệ (“phá vỡ lôgích cuộc sống”), biểu hiện chân thật đời sống, coi trọng nhu cầu của người đọc, biểu hiện nhiều mặt đời sống con người nhưng đều đã bị phê phán gay gắt, xem là những lí luận tư sản, xét lại, đi ngược lại nguyên lí mác xít. Nói giai đoạn mới là ba mươi năm, nhưng mười năm đầu (1975 – 1985) chỉ là thời gian chuyển mình, lí luận thực sự thay đôãi phải tính từ những năm 80 thế kỉ XX đến nay.

Sau cú hích năm 1986, trong 20 năm qua lí luận văn học Việt Nam đã có những biến đổi rất to lớn. Lí thuyết phản ánh giản đơn, thô thiển đã bị phê phán mạnh mẽ, phương diện chủ quan năng động đã được khẳng định, tính chủ thể của nhà văn đã được coi trọng.Trong tư tưởng lãnh đạo, mối quan hệ giữa văn học và chính trị đã được hiểu uyển chuyển hơn, nguyên lí cứng nhắc “văn học phục vụ chính trị của giai cấp vô sản” được đổi thành “văn học vì Tổ Quốc và chủ nghĩa xã hội.” Trong nghị quyết 05 của Bộ chính trị, vấn đề văn học và văn hoá được đặt ra và xem chức năng chính của văn học là xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trên thực tế quan niệm văn học phục vụ chính trị đã được thay thế bằng quan niệm văn học thoả mãn nhu cầu tinh thần nhiều mặt của nhân dân, góp phần bồi dưỡng con người Việt Nam có văn hoá.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không còn được nêu ra như là phương pháp sáng tác tốt nhất, chủ nghĩa hiện thực cũng không còn chiếm địa vị độc tôn nữa. Khái niệm điển hình  và điển hình hoá không còn được dùng thường xuyên trong phê bình như một thước đo của chất lượng sáng tác. Các biện pháp tưởng tượng, kì ảo được sử dụng rất phổ biến. Hình thức miêu tả cuộc sống giống như thật không còn là nguyên tắc bắt buộc. Trong một số văn kiện đã thể hiện chủ trương khuyến khích mọi tìm tòi về phương pháp và phong cách văn học. Các khái niệm như con người mới, con người tiên tiến, anh hùng thời đại, con người quần chúng vốn được nêu ra như đối tuợng chủ yếu của văn học trước đây, nay không còn nhắc đến như một yêu cầu của văn học nữa. Quan niệm con người giai cấp như một yêu cầu nhận thức không còn sức ràng buộc, trên thực tế, con người được miêu tả với tất cả mọi cung bậc: xã hội, tự nhiên, tâm linh, bản năng, vô thức.

Có thể nói nền văn học cách mạng thích hợp với thời chiến đã chuyển dần sang nền văn học bình thường như mọi nền văn học khác. Tinh thần cách mạng vẫn có sẵn trong bầu nhiệt huyết của nhà văn, song họ không còn sáng tác theo các tiêu chí nội dung và hình thức như ở nền văn học cách mạng trước đây nữa. Thử lấy bất cứ sáng tác tiêu biểu của thời này mà so thì sẽ thấy rõ. Thật khó gọi các sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu là văn học cách mạng đúng nghĩa như trước.  Có thể nói có một hệ thống nguyên lí lí luận chặt chẽ đã mất thiêng, không còn sức ràng buộc và xuất hiện một bầu chân không lí luận để cho đủ thứ lí luận đa dạng tràn vào, bao gồm các lí luận văn học phương Tây vốn bị coi là bất hợp pháp, hoặc các lí luận “hình thức chủ nghĩa” từng bị phê phán ở Nga. Có thể nói: Đổi mới lí luận tức là cởi trói lí luận, là tạo một không gian thông thoáng cho sự tiếp nhận và những tìm tòi lí luận mới có điều kiện phát triển. Cũng giống như tình hình trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương nghiệp, doanh nghiệp, sự thay đổi chính sách của nhà nước đã tạo điều kiện cho các lĩnh vực này có nhiều thành tựu mới: Việt Nam từ một nước thiếu gạo trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, kim ngạch xuất khẩu tăng, doanh nghiệp tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế quốc dân,  sự “cởi trói” trong lĩnh vực lí luận văn nghệ cũng đã tạo ra một không gian mới làm cho nó phát triển vượt bậc.

Lí luận là nhu cầu nội tại của văn học và phê bình văn học. Một người ghét lí luận khá điển hình như Hoài Thanh cũng buộc phải nghiên cứu lí luận và trước khi viết được cuốn Thi nhân Việt Nam nổi tiếng, ông đã là nhà lí luận về đặc trưng, chức năng  văn học, về phê bình văn học và đã đứng ra tranh luận lại với Hải Triều về lí luận. Sự kiện đó rất có ý nghĩa, nó chứng tỏ giới văn học Việt Nam từ rất lâu đã luôn luôn mong muốn có những lí luận phù hợp với đặc trưng văn học, tạo không gian thông thoáng cho sáng tạo nghệ thuật nẩy nở.

Thành tựu lí luận văn học lớn nhất trong thời gian 20 năm qua là phê phán các giáo điều lí luận xơ cứng, và làm cho chúng mất thiêng. Đó là một điều kì diệu do thời đại ban tặng. Mặc dù sự phê phán ấy cho đến nay vẫn chưa được triển khai đầy đủ và một số nguyên lí vẫn còn được nhắc đến đây đó, nhưng nhiều người chỉ nhắc tới như một nghi thức, chứ không phải như là những niềm tin  kích thích sáng tạo thực sự.

Thành tựu thứ hai là giới thiệu, phiên dịch những lí luận văn học trước nay bị xem như là vùng cấm. Đó là giới thiệu về chủ nghĩa cấu trúc, lí thuyết kí hiệu học,  thi pháp học, lí thuyết tiểu thuyết và đối thoại của M. Bakhtin, văn học so sánh, lí thuyết của chủ nghĩa hình thức Nga, lí thuyết tiếp nhận, giải thích học, tự sự học, chủ nghĩa hậu hiện đại.  Thậm chí một số tác giả tiêu biểu của chủ nghĩa xét lại trước đây bị lên án gay gắt nay cũng được giới thiệu như là những nhà mác xit phương Tây đáng được tham khảo. Đã xuất hiện một số công trình giới thiệu đại lược các trường phái lí luận phê  bình văn học phương Tây. Một số công trình giới thiệu lí luận văn học phương Tây ở miền Nam trước ngày giải phóng cũng được in lại. Đáng chú ý là một số tác phẩm triết học, mĩ học phương Tây như Hégel, Kant, Heidegger, Sartre, Barthes, Kundera. Có vẻ như phương Tây, một phương Tây rộng lớn đang trở lại với mảnh đất hình chữ S và đang nhen nhóm những cách nhìn mới, kích thích những tìm tòi mới. Tất nhiên như Hoài Thanh đã nhận xét năm xưa, bất cứ cái gì của phương Tây, một khi đã đi được vào Việt Nam thì nó phải được Việt hoá. Phương Tây có thể giúp ta hiện đại hoá, song không thể làm mất bản sắc của ta, vì những gì lai căng, mất gốc thì tự nó sẽ bị mai một và đào thải. Những lí luận nói trên đã xuất hiện một cách tự phát, chủ động, bắt nguồn từ nhu cầu của người đọc, thời đại và sáng kiến của những người tâm huyết.

Thành tựu đáng kể thứ ba là sự vận dụng và sáng tạo những lí thuyết mới trong nghiên cứu và phê bình văn học. Những công trình phê bình, nghiên cứu văn học thời kì này phần nhiều có một bộ mặt khác hẳn trước do những khái niệm công cụ mới tạo nên. Những khái niệm như đề tài, chủ đề, hình tượng, tính cách điển hình, phản ánh... không còn được sử dụng như trước.Thay vào đó là các khái niệm  như phong cách, cảm hứng, quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người, không gian, thời gian nghệ thuật, điểm nhìn nghệ thuật, cấu trúc ngôn từ, tính đa thanh, phức điệu, tính đối thoại, nhạc tính, cái tôi, chủ thể, sử thi, thế sự, đời tư, tâm linh, vô thức, bản năng, phi lí tính, kì ảo, nghịch dị... Cả một hệ thống các khái niệm  lí luận nhiều màu sắc làm thành hệ hình mới của tư duy văn học. Cái chung của các cố gắng ấy là đổi mới góc nhìn và cách tiếp cận. Tuy vẫn không tách rời văn học với đời sống xã hội và thời đại, nhưng bây giờ người ta phải xem xét tác phẩm văn học như những sáng tạo về nghệ thuật, về ngôn ngữ, về văn hoá, về nhân học, vai trò đặc biệt của cá tính sáng tạo, sự quan tâm tới con người theo một tinh thần nhân văn sâu sắc và rộng rãi chưa từng có. Với những khái niệm đó đã xuất hiện những công trình nghiên cứu văn học Việt Nam có sức thuyết phục cao, đánh dấu một thời đại mới của phê bình, nghiên cứu văn học. Các hiện tượng văn học mới nói chung được đánh giá thỏa đáng, nhiều hiện tượng văn học của các giai đoạn trước từng trải qua nhiều thăng trầm nay được nhìn nhận lại theo tinh thần mới.

Bên cạnh những thành tựu bao giờ cũng có những yếu kém và bất cập mà bất cứ thời nào cũng không tránh khỏi. Khi tổng kết mười năm phong trào thơ mới 1932 – 1941 Hoài Thanh có đề ra nguyên tắc hợp lí là không so sánh các giai đoạn văn học qua tác phẩm yếu kém, mà chỉ so sánh bài hay với bài hay, thì với nguyên tắc đó, trong thời gian hai mươi năm vừa qua chúng ta cũng có được các công trình đáng nhớ, có sức sống để tự hào và có thể nói là không thẹn với các giai đoạn trước.

Những thành tựu ấy tuy đáng kể, song chưa nhiều, và cũng khó mong có nhiều trong một đất nước mà ý thức coi trọng lí thuyết còn rất mờ nhạt và điều kiện tối thiểu để nghiên cứu lí luận còn rất thiếu thốn. Tuy nhiên với những thành tựu ấy, như trên đã nói, là kết quả của tinh thần thời đại, nhu cầu của người đọc và tinh thần chủ động sáng tạo của những người có tâm huyết. Điều đó nói lên rằng một thời đại lí luận do nhà nước hoàn toàn bao cấp đã đi qua và thời đại lí luận văn học của những người làm lí luận văn học đã đến. Sự lãnh đạo của các cơ quan chức năng vẫn còn, song thiên về chỉ đạo phương hướng lớn và quản lí thành quả  hơn là đưa ra những nguyên lí lí thuyết cụ thể rồi yêu cầu học tập, quán triệt vào nghiên cứu, sáng tác, phê bình. Sự kiện trên cần được hiểu đúng để phát huy ý nghĩa của nó. Dù cho trong xã hội hiện tại, lí luận văn học cũng giống như mọi lí luận khác đều có tính chất ý thức hệ, song xét về bản chất lí luận văn học, nghiên cứu văn học với tư cách là những bộ môn khoa học, nó không thể là một bộ môn có tính nhà nước và tính quan phương. Cho dù Đảng lãnh đạo chủ trương lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm thế giới quan của mình thì  về mặt khoa học, nội dung của học thuyết Các Mác và Lê nin vẫn được hiểu khác nhau và không ai có thể độc quyền trong việc lí giải một học thuyết cũng như không ai có thể độc quyền chân lí. Điều này đòi hỏi ở người nghiên cứu một tính chủ động, sáng tạo có tính chất cá nhân rất cao. Sự đối lập gay gắt một thời giữa chủ nghĩa Mác Lê chính thống với các thứ gọi là “chủ nghĩa xét lại” ngày nay đã có cách nhìn khác.

Ở Trung Quốc trong các giáo trình đại học người ta đã coi trọng các nhà Mác xít phương Tây như những người phát triển lí thuyết mác xít và ở đó cũng có những vấn đề chưa giải quyết như ở mọi nhà mác xit khác. Thêm nữa, chủ nghĩa Mác không phải là vạn năng, nghĩa là nó có phạm vi vấn đề của nó , có vùng còn để trắng của nó mà người ta không thể không tìm đến những học thuyết khác để giải quyết các vấn đề mới. Sự thù địch một thời đối với chủ nghĩa cấu trúc, phân tâm học, lí thuyết kí hiệu, thi pháp học... đã tỏ ra không có sức thuyết phục và đã bị thời gian và cuộc sống vượt qua. Ngày nay lí luận văn học chỉ là một ngành khoa học đang mở ra nhiều hướng, mà không còn là lĩnh vực lí luận quan phương do nhà nước bao cấp. Một lí luận “chính thống” như trước đây là trái với tinh thần khoa học. Một số ít người vẫn còn khư khư ôm lấy quan điểm chính thống năm nào, lặp lại lối phê bình chụp mũ xưa cũ, chỉ là một thứ bảo hoàng hơn vua, lạc hậu so với những tư tuởng mới mẻ trong một số nghị quyết của Đảng. Họ không thấy được một sự thật rất lớn là nếu trước đây tư tưởng lãnh đạo văn nghệ chủ yếu là yêu cầu quán triệt và đề phòng đi chệch hướng, thì ngày nay tư tưởng chủ yếu là làm cho văn nghệ phát triển, phong phú và đa dạng, vượt qua ranh giới của sự nghèo nàn. Không thể không nhận thấy vẫn còn rất nhiều giáo điều lí luận văn học đã lỗi thời, song còn lởn vởn trong không khí. Nếu không kịp thời nhận ra, đến một lúc nào đó chúng sẽ cản đường cỗ xe đổi mới tiếp tục lăn bánh.

Chưa bao giờ thời đại đòi hỏi nhiều về lí luận văn học nghệ thuật như bây giờ. Cái bầu chân không lí luận văn nghệ trên cái nền lí luận cũ vẫn chưa được lấp đầy. Hàng loạt câu hỏi về văn nghệ vẫn chưa có câu trả lời sáng tỏ. Có người choáng ngợp trước bao điều mới mẻ đã phản ứng lại bằng cách  ngồi ôn lại các thứ lí luận cũ để dùng cho thành thục, dị ứng với những tìm tòi mới. Nhiều lí luận vừa mới nhập khẩu vẫn còn “nguyên đai nguyên kiện” như là “của người khác”, chưa được Việt hoá, còn để ngổn ngang như những thứ “phôi” chưa được cắt gọt, mài giũa để trở thành đồ dùng. Nhiều người nhìn chúng bằng con mắt xa lạ. Có những người “sính Tây”, chủ trương một thứ học Tây “thuần tuý”, như thứ hàng còn nguyên cả chữ “made in ...” như thế mới sang. Thực ra trong lí luận xưa nay không có cái gì thuần tuý cả. Tất cả đều ở trong sự tương tác, biến đổi và sáng tạo lại. Yêu cầu “thuần tuý” chỉ có nghĩa là nói lại, chép lại của người khác nữa mà thôi. Lại có người vận dụng các thủ pháp nghiên cứu tân kì nhưng không biết để làm gì.

Yêu cầu của thời đại đặt ra cho nhà lí luận một trách nhiệm nặng nề. Anh ta phải vượt qua cái đại dương bao la của tri thức mà hoàn cảnh lịch sử đã làm anh tụt hậu. Anh ta phải chủ động tìm tòi để chọn cho mình một lối đi để khỏi lạc đường, nhưng cũng đừng ỷ lại, chờ có người cầm tay chỉ đường. Lí luận của anh ta phải góp phần giải quyết những vướng mắc lí luận của người Việt Nam hiện tại, soi sáng một số hiện tượng của văn học nước nhà.  Làm như thế lí luận của anh ta sẽ thực sự góp phần đổi mới tư duy về văn học. Đặc điểm của lí luận văn học hiện đại là có tính mở, có nhiều chân trời, có thể nhìn văn học từ nhiều phía. Có nhiều chứ không phải một thứ lí luận văn học. Lí luận bây giờ chính là con voi mà hầu hết các nhà lí luận Việt Nam hiện đại thường chỉ mới là anh thầy bói đang bắt đầu sờ soạng, kị nhất là cái hoạ đánh nhau toạc đầu chảy máu trong truyện ngụ ngôn. Nghề gì cũng đòi hỏi một tinh thần hợp tác và đạo đức nghề nghiệp, một lí tưởng, hoài bão. Lí luận văn học là một ngành khoa học nhân văn. Tính nhân văn không chỉ thể hiện trong đối tượng, phương pháp nghiên cứu, mà còn ở trong thái độ ứng xử nghề nghiệp. Đây là ngành khoa học đòi hỏi tinh thần tự trọng, tự tôn, tinh thần đối thoại, sáng tạo rất cao.

Chúng ta có nhiều người làm lí luận nhưng còn quá ít nhà lí luận, bởi đây là một lĩnh vực có lắm chông gai. Muốn có một nền lí luận xứng tầm, điều cần nhất lúc này là khơi dậy nhiệt tình, niềm tin, hoài bão cho ngưòi làm lí luận và đảm bảo một không gian rộng mở cho những tìm tòi nghiên cứu khác nhau nhất.

T.Đ.S.
(
201/11-05)

Các bài mới
Bàn về bạn (17/04/2009)