Tạp chí Sông Hương - Số 201 (tháng 11)
Chúng ta còn mắc nợ cuộc đời sự thật
09:52 | 15/04/2009
NGUYỄN XUÂN HOÀNG   (Đọc “Lý luận và văn học”, NXB Trẻ 2005 của GS.TS Lê Ngọc Trà)Ra mắt bạn đọc năm 1990, năm 1991, cuốn sách “Lý luận và văn học” của Giáo sư - Tiến sĩ Lê Ngọc Trà được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. 15 năm qua, những tưởng một số vấn đề về lý luận văn học mà cuốn sách đề cập đã không còn mới, đã “lạc hậu” so với tiến trình phát triển của văn học. Nhưng không, khi đọc lại cuốn sách được nhà xuất bản Trẻ tái bản lần thứ nhất năm 2005, những vấn đề mà GS.TS Lê Ngọc Trà đề cập vẫn còn nóng hổi và giữ nguyên tính thời sự của nó.
Chúng ta còn mắc nợ cuộc đời sự thật

Không ngại đụng chạm, với tinh thần khoa học, GS.TS Lê Ngọc Trà đã đi sâu, phân tích những vấn đề khá nhạy cảm, điểm nóng của lý luận và văn học, đó là mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, về vấn đề văn học phản ảnh hiện thực, vấn đề con người trong văn học, văn học và đạo đức, văn học và lương tri của con người v.v...

Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, chân thành trung thực, những vấn đề mà GS.TS Lê Ngọc Trà đặt ra xù xì góc cạnh và có sức thuyết phục. Về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, theo ông phản ảnh hiện thực là thuộc tính chứ không phải là nhiệm vụ của văn học. “Việc nhấn mạnh quá mức bản chất phản ảnh và nhiệm vụ mô tả hiện thực của văn học là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “suy tư tưởng” của khá nhiều tác phẩm văn học trong mấy chục năm qua”. Trong khi nhiều nhà văn rất “cường tráng” về quan điểm lập trường thì lại rất “suy dinh dưỡng” về chất triết học, chiều sâu của sự khái quát, không bộc lộ được bản lĩnh và cách nhìn riêng của nhà văn về thế giới. Cách lựa chọn “an toàn” của người viết đã làm cho văn học nghèo đi. Đó cũng là một trong những nguyên nhân tại sao mấy chục năm qua, chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm văn học lớn. Một khi văn học là sự thật, văn học là lương tâm của xã hội, thì việc né tránh sự thật, hoặc phản ảnh sự thật bằng minh họa, phi cá tính, người viết lựa chọn sự an toàn đã dẫn đến một hệ lụy là “văn học chúng ta còn mắc nợ cuộc đời về sự thật”. Là tấm gương phản ảnh đời sống, là lương tâm - tâm hồn nhân loại, cố nhiên văn học ủng hộ sự tiến bộ xã hội, nhưng cũng chính ở đây GS.TS Lê Ngọc Trà cảm thấy lo lắng vì “nếu chỉ viết về các quá trình đó, chỉ say sưa với các khẩu hiệu, các chủ trương, thì trong tình hình hiện nay, văn học chưa làm đầy đủ chức năng xã hội của mình”. Và không ít người cầm bút đã “bẻ cong ngòi bút”, dối mình, dối người và “phạm vào cái điều thiêng liêng nhất của sự sáng tạo”.

Với nỗi lo lắng này, 15 năm trước, GS.TS Lê Ngọc Trà đã khuyến cáo “muốn cứu vãn văn học phải cứu lấy nhà văn, cứu không chỉ phần xác mà cả phần hồn, nhân cách của người cầm bút”.

GS.TS Lê Ngọc Trà đặc biệt tâm huyết khi ông đề cập đến vấn đề con người trong văn học, sự cần thiết phải nhận thức trở lại mối quan hệ giữa văn học và con người: “Chúng ta vẫn bắt gặp con người nhưng phần lớn đó là con người tập thể, con người - quần chúng, con người - nhân dân, chứ chưa phải là những cá nhân, số phận”. Cái điều mà ông cho rất “lạ lùng” là dù đề cao nhiệm vụ phản ảnh hiện thực nhưng văn học nước ta vẫn còn quá ít những tác phẩm đạt đến chủ nghĩa hiện thực sâu sắc trong việc mô tả cuộc sống và con người. Mà một trong những nguyên nhân là con người cụ thể, với tất cả nỗi cô đơn và sự yếu ớt của nó chưa ở vào vị trí trọng tâm của tác phẩm. Và nhà văn chúng ta đã có một “quan niệm không đầy đủ về chủ nghĩa hiện thực XHCN..., miêu tả một chiều bước đi của cuộc sống, sự phức tạp của con người”.

Cũng thật quả cảm khi GS.TS Lê Ngọc Trà đã đề cập đến một vấn đề nhạy cảm mà nhiều nhà nghiên cứu né tránh, đó là mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Theo ông cần phải phân biệt rõ:

a/ Quan hệ của văn nghệ với một chế độ chính trị.

b/ Quan hệ của văn học với chính trị như là những hình thái ý thức xã hội. Từ mối quan hệ thứ hai, GS.TS Lê Ngọc Trà đã phân biệt rõ sự khác nhau giữa ý thức chính trị và ý thức nghệ thuật, chất chính trị và chất văn, tư duy chính trị và tư duy văn nghệ... Nếu nhà chính trị chú ý đến cái logic, cái tất yếu, thì với nhà văn sự quan tâm là ở đằng sau cái logic đó, nó là tiếng nói về số phận con người. Với sự nhạy cảm đặc biệt về cái đẹp, về quyền sống của con người, “nghệ sĩ giữ một mối quan hệ phức tạp với nhà chính trị. Khi chính trị trùng với lương tri, họ là bạn đường, khi chính trị dẫm đạp lên lương tri, họ là địch thủ”. Trên cơ sở của sự phân tích khoa học và sự khác biệt giữa văn nghệ và chính trị, GS.TS Lê Ngọc Trà cho rằng “coi thường đặc thù về nội dung nghệ thuật sẽ dẫn đến đồng nhất giữa nghệ thuật và tuyên truyền”, “biến nghệ thuật thành sự minh họa cho các tư tưởng chính trị hay chân lý đạo đức” và “chất chính trị cao nhất của văn nghệ nằm ngay trong bản thân nó”.

Thẳng thắn, trung thực, chân thành và không ngại trao đổi, đụng chạm, cuốn lý luận và văn học của GS.TS Lê Ngọc Trà là lời tâm sự của một nhà nghiên cứu. Dù đã 15 năm, nhưng những vấn đề mà ông đề cập vẫn cứ nóng hổi tính thời sự. Bởi đây đó vẫn còn cách viết minh họa một chiều, hời hợt, không đi đến tận cùng bản chất đời sống. Cái cõi người mênh mông với bao nhiêu trăn trở, lo âu và hy vọng vẫn còn là một khoảng trống trong các tác phẩm văn chương. Chính cách tự khép kín về khoa học xã hội “khiến cho khoa học xã hội nước ta nói chung và lý luận văn học nói riêng lạc hậu nhiều so với thế giới, biến thành trở lực kìm hãm sự vận động của tư duy xã hội, tư duy nghệ thuật”.

Lý luận mà không nặng nề, đề cập đến những vấn đề lớn mà nhẹ như không. Giọng văn thẳng thắn, điềm đạm mà vỡ vạc bao nhiêu vấn đề về lý luận văn học, cuốn sách thực sự là một cẩm nang giúp người yêu văn chương, các thầy cô giáo dạy văn tiếp cận văn chương sâu sát hơn. Và đặc biệt, nó giúp những người viết trẻ tránh vết xe đổ của những người đi trước, có sự lựa chọn cho riêng mình để có những tác phẩm hay sinh thành từ máu thịt đời sống hôm nay.

N.X.H

(201/11-05)

Các bài mới
Bàn về bạn (17/04/2009)
Các bài đã đăng