Tạp chí Sông Hương - Số 201 (tháng 11)
Tìm hiểu câu tục ngữ "Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại"
15:15 | 15/04/2009
TRIỀU NGUYÊN1. Câu tục ngữ "Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại" được sách Kho tàng tục ngữ người Việt (Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), Nguyễn Thuý Loan, Phan Lan Hương, Nguyễn Luân; Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2002) (KT), tr 75, ghi lại, trên cơ sở 12 đầu sách có chép nó.

Sách này chép nghĩa từ hai nguồn:
- Theo sách Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nguyễn Lân; Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1989), tr 11: "Khuyên những người vợ kế nên thương yêu con vợ trước";
- Theo Nguyễn Hùng Vĩ: "Đây là sự than phiền về nỗi vất vả của người mẹ khi phải giúp đỡ con gái mình bồng bế, chăm sóc cháu ngoại. Có thể tái lập cả câu là: Thà ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại".

Sách Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành; Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội,1999) (TĐ), tr 45, cũng có ghi câu tục ngữ, kèm lời giải nghĩa: "Có tư tưởng coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ, ví như thà ẵm con của chồng, tuy không yêu quý thích thú gì, nhưng dẫu sao vẫn thuộc dòng họ nội, còn hơn bế con của con gái mình".

Nguyễn Đức Dương trong bài viết "Sao không đưa tục ngữ vào giảng dạy ở bậc tiểu học?" (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 10 - 2004; tr 4 - 9) (NĐD), sau khi dẫn lời giải nghĩa trên của Đại từ điển tiếng Việt, đã viết: "GS Nguyễn Như Ý cho rằng đây là câu phê phán "tư tưởng coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ". Cách giảng đó rõ ràng chưa nêu hết được chủ ý của tác giả câu tục ngữ đang xét. Giá coi trọng hơn nữa những đặc trưng về văn hoá hôn nhân lồng trong câu trên, chắc hẳn ông sẽ thấy ngay rằng mục đích chính của câu ấy không phải là bàn chuyện "trọng nam khinh nữ", mà là tập trung vào việc nhắc nhở các cô gái "cao số" (cho nên hay gặp chuyện trắc trở trong đường tình duyên) một kinh nghiệm quý được đúc kết từ thực tiễn nghiệt ngã của cuộc sống thời trước: [Thà lấy người goá vợ làm chồng] và bế ẵm [=chăm sóc] lũ con mà anh ta đã có với người vợ trước [để lúc về già có nơi nương tựa] còn hơn là [ở vậy để đến khi về già] chỉ còn biết bồng bế đám cháu phía bên ngoại của chính mình [cho đỡ cô quạnh]".

2. Những trình bày trên cho thấy, đây là câu tục ngữ khá phổ biến, nhưng cách hiểu không giống nhau giữa các nhà nghiên cứu. Vấn đề đặt ra ở đây là hoàn cảnh nào và vì sao ẵm con của chồng lại hơn bồng cháu ngoại?

"Ẵm" và "bồng" là hai từ đồng nghĩa(1) (miền Bắc hay dùng "ẵm", miền Trung và Nam thường nói "bồng"), ở đây, chúng còn hàm nghĩa chăm sóc, nuôi nấng.

Hai lối nghĩa ở KT và cách giải thích của TĐ chưa thoả đáng, bởi không xác định được hoàn cảnh, bối cảnh tạo ra (hay ứng dụng) của câu tục ngữ, cũng như chưa giải thích lí do vì sao chăm sóc con chồng lại hơn nuôi nấng cháu ngoại. Hướng tiếp cận của NĐD tuy có nêu hoàn cảnh và lí do (rất vắn tắt) của vấn đề, nhưng lại có chỗ cần bàn. Chúng ta thường dùng "ngoại" khi đặt trong quan hệ đối sánh với "nội". Người chưa có chồng / vợ thì chỉ phân biệt "nội", "ngoại" ở phía bà con thuộc cha hay mẹ mình. Nên khi nói người phụ nữ "ở vậy để đến khi về già chỉ còn biết bồng bế đám cháu phía bên ngoại của chính mình", thì nghe rất lạ tai. Vì người phụ nữ trong trường hợp này chỉ có hai loại cháu để có thể chăm sóc, đó là con của anh chị em chú bác cô cậu dì ruột(2) (ít gặp), và con của anh chị em ruột (gặp nhiều hơn), cả hai đối tượng là cháu này, người phụ nữ đều được gọi bằng cô (một số tỉnh miền Trung gọi là O), bằng dì, trong nói năng bình thường, không ai coi đó là cháu ngoại(3). Nên đây không phải là lời khuyên dành cho các cô gái "cao số".

Như vậy, hoàn cảnh viện ra cho câu tục ngữ này chỉ có thể là: người phụ nữ đã lớn tuổi nhưng chỉ sinh toàn con gái, nay người chồng cần có con trai để nối dõi tông đường (thường bằng hai cách, hoặc lén lút quan hệ với một người đàn bà nào đó, hoặc cưới vợ lẽ)(4), đặt người phụ nữ này vào một sự lựa chọn, hoặc tìm mọi cách ngáng trở chồng, chấp nhận lấy cháu ngoại làm vui khi tuổi già, hòng bảo vệ hạnh phúc, hoặc để chồng kiếm con trai, chịu hi sinh phần nào hạnh phúc, và phải khó nhọc chăm sóc con trai của chồng để nhờ cậy về lâu dài; và bà ta đã chọn (hoặc được cộng đồng khuyên nên chọn) cách sau: "Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại".

Vì sao "Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại"? "Con chồng" chẳng những không có quan hệ máu mủ mà thường nằm ở vết thương lòng của người phụ nữ (bằng chứng về sự thiếu chung thủy của chồng). Có điều, vết thương này đã có hai phương thuốc chữa: một là tâm lí đã được cộng đồng chuẩn bị "trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng"; hai là sự báo đáp theo luật tục của con trai chồng: anh ta và con cháu của anh ta có trách nhiệm phải phụng dưỡng khi già yếu, lo tang chế khi mất, và sau đó, lo xây lăng đắp mộ, cúng giỗ phụng thờ mãi mãi... "Cháu ngoại" (nói riêng đối với bà ngoại) thì chắc chắn là máu mủ của mình, chăm sóc, cưng chiều chúng là hiển nhiên. Nhưng cháu ngoại thì khuyết điểm rất lớn, mà tục ngữ đã nhìn nhận: khi bà còn sống thì "Bà nuôi cho uổng công bà; đến khi nó lớn, tìm cha nó về"; khi bà đã chết thì "Cháu ngoại không đoái đến mồ". Như vậy, lấy cái được mất của bản thân mà xét, thì nuôi nấng "cháu ngoại" chỉ thoả mãn tình cảm trước mắt, còn nuôi nấng "con chồng" lại nhằm làm chỗ dựa lâu dài. Còn nếu đem vai trò "phụng sự gia nương chồng" ra mà xét, thì nuôi con chồng là giúp chồng được việc lớn, tục ngữ nói "Gái có công, chồng không phụ", tất sẽ được chồng, gia đình chồng yêu quý. Theo đó mà suy, thì quả là "Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại" (5).

3. Trở lại với cách giảng giải câu tục ngữ của NĐD, nếu chúng ta xem "cháu ngoại" là cháu không trực hệ, tức không do con mình sinh ra, mà là con (hay cháu) của anh chị em mình, thì có thể xem đó là hướng nghĩa thứ hai của câu tục ngữ. Nhưng như trên đã phân tích, sức thuyết phục của cách hiểu như vậy không cao.

Sách KT ngoài ghi lại câu tục ngữ đang bàn từ 12 đầu sách có chép nó đã nói, còn ghi thêm một "bản khác", từ sách Nam âm sự loại (sách Hán nôm, sưu tập cả tục ngữ và ca dao, do Vũ Công Thành biên soạn năm 1925), quyển 2, tr 6a, đó là: "Ẵm con chồng hơn bồng cháu ruột". "Cháu ruột" ở đây là con của anh chị em ruột. Cách hiểu của NĐD phù hợp với câu này hơn (với một bổ sung, là không chỉ người con gái "cao số" - hiểu như luống tuổi, hết khả năng sinh nở - mà còn cả những người phụ nữ lấy chồng đúng dịp xuân thì, nhưng vì một lí do gì đó mà không sinh đẻ được) (6).

Nắm hiểu nghĩa của tục ngữ là chuyện không mấy dễ dàng. Như câu tục ngữ đang bàn, vấn đề không nằm ở bản thân câu nói, mà thuộc vào hoàn cảnh, bối cảnh để câu nói ấy phát huy tác dụng. Thường thì đó là một vấn đề thuộc phong tục, tập quán, lĩnh vực văn hoá nói chung, mà để hiểu được câu tục ngữ không thể không biết đến(7). Hoàn cảnh càng hẹp, xác định càng khó, có khi người đọc có cảm giác khiên cưỡng. Nhưng có lẽ trong trường hợp đang xem xét, không còn cách nào khác hơn.

T.N.
(201/11-05)
           
-----------------------
(1)Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê (chủ biên); Nxb Khoa học xã hội-Trung tâm từ điển học, Hà Nội, 1994): “ẵm đg. Bế (trẻ nhỏ). Mẹ ẵm con.” (tr 10); “bồng đg. (cũ; hoặc ph.). Bế, ẵm. Bồng con. Bồng trẻ dắt già.” (tr 81).
(2) Thường nói là anh chị em con chú con bác (ruột), anh chị em con cô con cậu (ruột), anh chị em bạn dì (ruột)
(3) Trong quan niệm của ngừoi Viêt, cháu gọi bằng cô thuộc về bên nội, cả với người phụ nữ đã có chồng con tử tế. Riêng cháu gọi bằng dì, thì ít thấy đặt vào bên “nội” hay bên “ ngoại”.
(4) Lưu ý là tập quán ủng hộ việc làm này của người đàn ông, không xem đó là hành động thuần tuý vì nhục dục. Khi người đàn ông không có con trai quan hệ vụng trộm với người đàn bà không phải là vợ mình, nếu sinh được con trai, người đàn bà ấy sẽ giao con lại cho ông ta, xem như “đẻ giúp”, bấy giờ, người vợ của người đàn ông này sẽ sắm vai mẹ, chăm sóc đứa trẻ.
(5) Cái lẽ thì như vậy, nhưng có không ít người phụ nữ không đồng tình. Người viết đã chứng kiến khá nhiều trường hợp người vợ (chỉ sinh toàn con gái) không chấp nhận con riêng (là con trai ngoại hôn) của chồng mình, khiến những người con ấy vĩnh viễn không nhận được họ cha, và người chồng phải tiệt tự.
(6) Theo đó, thì vấn đề “bản khác” đối với tục ngữ cần hết sức thận trọng, bởi lắm khi tưởng khác biệt một vài từ ngữ thì chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến ý nghĩa cả câu, nhưng thực chất là vấn đề liên quan đã bị chuyển lệch một khoảng rất lớn.
(7) Tương tự câu đang bàn, có câu “Góc ao không bằng đao đình”. Hoàn cảnh ứng dụng của câu này là chuyển trổ hướng nhà. “Nhà hướng vào góc ao hay đao đình đều độc, nhưng hướng vào đao đình thì độc hơn” (Vũ Dung, Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào; Từ
điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam; Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993; tr 362).

Các bài mới
Bàn về bạn (17/04/2009)
Các bài đã đăng