Cách đây mười tám năm, trên chuyên mục “Trang viết đầu tay” của Tạp chí Sông Hương xuất hiện một chùm thơ ba bài của Nguyễn Thị Thái. Chùm thơ đã làm mọi người yêu thơ ở Huế trầm trồ tán thưởng. Những câu thơ mới lạ, mạnh bạo nhưng chân thành và chua xót: Trên ngực anh hao gầy tôi đếm được Những chiếc xương lộ liễu phơi bày Tôi lần tay đếm, đếm và đếm Cô đơn xin nắm lại giữa đêm này! (Không thể đếm)
Hồi đó, các biên tập viên tạp chí Sông Hương rủ nhau tìm đến “tổ con tò vò”, thì ra Nguyễn Thị Thái là một cô thợ may khéo tay đang trọ may ở thôn La Chữ ở cách Huế hơn chục cây số. Ngày ngày may quần áo cho khách, đêm Thái chong đèn đọc sách, làm thơ. Đó là nét sinh hoạt hiếm thấy ở những người công nhân cùng lứa của chị! Từ đó thơ Thái thường xuyên xuất hiện trên các báo Tuổi trẻ chủ nhật, Sông Hương, báo Thừa Thiên-Huế, Chưyangshin, Văn Nghệ.v.v... Dần dần Nguyễn Thị Thái khẳng định mình, làm cho độc giả tin rằng đây là một cây bút thơ nữ chững chạc, một tác giả thơ nữ có bản sắc và ấn tượng. ... đàn ông nhiều như chim cánh cụt đẹp lắm nhưng sợ nhầm giống nhau nên tôi chẳng dám mơ màng chỉ thiết tha với bạn bè bạn tóc xanh gọi bằng anh tóc bạc cũng bằng anh tuốt. (Bạn trai)
Chị cũng nhiều câu thơ hay với cảm xúc tinh thế, nhiều câu lục bát nhuần nhuyễn, như “Bánh tròn xinh như vú”, “Bàn tay chạm biển hái toàn trăng rơi”, “Chuồn chuồn mỏi cánh vẫn bay / Còn bao nhiêu nữa mà ngày cứ xa...”. Chị cũng có nhiều hình ảnh lạ trong thơ như “Quả tim vuông, quả tim tròn”, “rượu như trăng”... Hẳn nhiên đây không phải là cách lộng ngôn chữ nghĩa như trong thơ một vài cây bút nữ gần đây, mà đây là tâm trạng thật, cái tình thật. Chính cái thật đã làm nên cái lạ, làm nên sự xúc động.
Trong cuộc thi thơ của Tạp chí Sông Hương 1996- 1997, Nguyễn Thị Thái giành được giải 3 với chùm thơ hai bài: “Bạn trai”, “Thiếu phụ”. Đây là hai bài thơ có nhiều phát hiện mới về hình ảnh, rất trực cảm, không hoa hòe hoa sói mà chinh phục được người đọc: “Đàn ông- nhiều như chim cánh cụt” nhưng “Bạn tôi không giống loài cánh cụt”. Nên tôi có nhiều bạn trai. Nhưng khi đến thăm họ thì gặp phải “Đằng sau mắt khác long lên / Cùng tiếng rủa thầm cay độc”, và tôi đã khóc: Tôi khóc bằng chân, đôi chân run bần bật Không có nước mắt mà nghẹn chìm lồng ngực (Bạn Trai)
“khóc bằng chân” là hình tượng thơ ám ảnh, lần đầu tiên tôi đọc được. Đúng là “khóc bằng chân” là rất nữ tính, những tôi nghĩ không chỉ phụ nữ, mà đàn ông cũng không ít khi “khóc bằng chân”. Nhưng chỉ có Thái mới thốt lên đường bằng thơ... Đêm của người “Thiếu phụ” mới là những đêm khủng khiếp. Người thiếu phụ “Mơ tay mình là thiếu nữ / Mơ tay mình là lửa thiêng”, rồi thiếu phụ “Vẽ vầng thơ nàng tặng gió / Vẽ điệu hờ nàng tạng dêm / Vẽ cho trời xóa bớt trăng”. Thật đau đớn và nghiệt ngã!
Nhưng, hình như Huế chưa đủ rộng để chị tìm hiểu, khám phá, Nguyễn Thị Thái đã tự tìm lên vùng đất Tây Nguyên phóng khoáng, nơi “Chân phấp phỏng rừng cao su lá rụng”, “Nụ cà phê như hoa tai bằng ngọc”... Đến DakLak, chị vẫn sống bằng nghề may và thơ. Thơ Thái ngày càng chín chắn và có chiều sâu hơn: Em như con ve tìm tình yêu Hát một đời một mình vẫn hát...
Nguyễn Thị Thái đã có gần hai mươi năm gom nhặt chữ nghĩa cho thơ, hai mươi năm chắt chiu những nỗi đời vất vả, buồn đau của mình để đúc nên những câu thơ buốn tê buốt. Nhờ sự tài trợ giúp đỡ của Hội Văn học nghệ thuật DakLak, chị mới mạnh dạn chọn trong hàng trăm bài thơ chép trong sổ tay ra thành một tập thơ mỏng “Không thể đếm”, mong gửi đến độc giả niềm an ủi, sẻ chia giữa cuộc đời còn lắm đen bạc này! N.M (201/11-05) |