Tạp chí Sông Hương - Số 201 (tháng 11)
Nước Nga - nghe, thấy và cảm nhận
09:39 | 16/04/2009
TRẦN LỘC HÙNG1. Bạn bè tôi thường nói: “Không hiểu nước Nga nuôi mày kiểu gì mà tới bây giờ mày vẫn yêu nước Nga”. Vợ con tôi cũng vậy. Nước Nga dưới con mắt của những người thân của tôi hoàn toàn khác tôi. Đơn giản vì tôi đã tới nước Nga từ những năm tôi mới 17 tuổi, hơn nữa tôi đã sống, học tập và làm việc ở nước NGA ngót nghét 10 năm.
Nước Nga - nghe, thấy và cảm nhận

Tôi đến nước NGA với những vần thơ và truyện ngắn của Puskin, với “Anh hùng thời đại” của Lemantov, hay “Chiến tranh và hoà bình” của Lev Tolstoi. Tôi rất mê thiên tài quân sự Napoleon Ponapac, nhưng tôi cũng biết rằng ông ta phải chịu rút chạy thảm hại trước ý chí kiên cường của người Nga và mùa đông khắc nghiệt của nước Nga. Tôi cũng biết nước Nga qua chiến thắng vĩ đại tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức với một tổn thất lớn nhất là mất trên 20 triệu người trong chiến tranh thế giới thứ hai (1941-1945). Nhưng có lẽ tôi yêu nước Nga từ khi tôI được hấp thụ nền văn hoá Nga, và được đào tạo bởi nền khoa học cơ bản của Nga từ các trường đại học ở Kiev, ở Tashken và ở Misnk thời hưng thịnh của Liên bang Xô viết. Còn vợ con tôi biết nước NGA chỉ qua giai điệu của những bài hát “ Chiều Mat- xcơ-va”, “Cây bạch dương” hay “Kachiusa”... mà thỉnh thoảng hứng chí tôi vẫn ngêu ngao.



(Văn hào Lev Tolstoi)


2. Tôi thật sự bị sốc khi biết tin Vũ Anh Tuấn, sinh viên năm thứ nhất tại trường Bách khoa Saint Petersbourg, bị những phần tử quá khích giết hại đêm 13 tháng10 năm ngoái. Nước mắt của người đàn ông 50 tuổi như tôi trào ra một phần vì thương Tuấn, bạn cùng lứa tuổi với con trai tôi, một phần vì cảm giác với hình tượng nước NGA trong mình hoàn toàn sụp đổ. Không lẽ nước NGA bây giờ lại khác hoàn toàn với nước NGA mà tôi đã biết những năm 1971-1992. Không lẽ người NGA bây giờ lại khác với những thầy cô giáo mà tôi đã từng được dạy dỗ trong những năm tháng học đại học và làm luận án Phó tiến sỹ, khác với những người bạn NGA mà tôi đã từng sống cùng ký túc xá, khác với những người công nhân NGA mà tôi đã có dịp làm việc trong thời gian những ngày hè ở nước NGA.

3. Tuấn ơi, chú nghĩ rằng khi cháu ngã xuống, cháu cũng không ngờ là mình lại là đối tượng của những kẻ cuồng tín mới tại nước NGA.Chú nghĩ, bọn chúng không phảI là “ người NGA”. Và chú cũng mong khi cháu từ giã cuộc đời với tuổi 20, cháu vẫn nghĩ tốt về nước Nga và người Nga. Chú không nhớ trong một cuốn truyện nào đó mà chú đã đọc, chú rất thích thuật ngữ “Tâm hồn Nga, tính cách Nga”, và chú cũng đã hiểu được phần nào thuật ngữ đó khi chú đã sống, học tập và làm việc ở Nga.

4. Những ngày đầu năm 2005, tôi có dịp ghé lại Mat-xcơ-va nhân chuyến công tác tại Trường Tổng hợp Quốc gia Belarus (Cộng hoà Belarus). Xuống sân bay Domodemovo, tôi cảm thấy yên tâm vì không còn cảnh chen chúc và hỗn loạn của hành khách như tôi đã từng gặp tại sân bay Shemecheva 2 ở những năm 90 của thế kỷ trước. Trên quãng đường dài trên taxi về thành phố, tôi gợi chuyện người lái xe về cuộc sống, về sự đổi mới, về tất cả mọi chuyện trên trời dưới biển đang diễn ra ở nước Nga. Tôi cảm nhận được nước Nga thực sự đã khác với nước Nga mà tôi đã biết. Nước Nga đã giàu lên rất nhiều với số lượng tỷ phú trẻ hiện có, với các siêu thị chứa đầy hàng hoá mang nhãn mác phương tây. Ngoài đường các biểu ngữ tuyên truyền cho lối sống của nbững người giầu như mời đi du lịch nước ngoài, mời tiêu tiền tại các khu cờ bạc CASINO, vv và vv. Và hình như không còn có taxi nào chở khách theo đồng hồ nữa, mà hoàn toàn theo sự thỏa thuận.

5. Một giáo sư người Belarus không giấu vẻ khó chịu khi nói với tôi về Mat-xcơ- va, thủ đô của nước Nga. Bởi vì theo ông ta, Mat-xcơ-va là thành phố giầu nhất trên thế giới mà ông ta đã tới, nhưng cũng là nơi mà ông ta ngại ghé lại nhất vì sự không an toàn. Tôi cũng thực sự chia xẻ cảm giác đó với vị giáo sư khi tôi được cảnh báo qua tờ Đất nước - một tờ báo của Hội người Việt sống tại Nga – về 10 điều ghi nhớ khi tới Mat-xcơ-va. Đó là không nên ra ngoài nếu không thực sự cần thiết, và không muộn quá 8 giờ tối. Không nên đi qua những góc phố tối hay vuờn hoa. Không nên xuống đường ngầm khi vắng người, vv và vv. TôI cũng thực sự lo ngại khi thấy trên các kênh truyền hình của Nga chiếu nhiều phim mô tả lối sống thực dụng của một số người Nga hiện nay, mô tả sự hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự, kinh tế. Và tôi cũng thực sự lo ngại khi đọc được thông tin về việc 63% người dân Mat-xcơ-va không thích những người dân gốc châu á. Có lẽ nạn khủng bố đã làm cho nhiều người Nga phải luôn cảnh giác. Nhưng không lẽ người Nga lại cảnh giác và khó chịu với những sinh viên Việt nam nhỏ bé, hiền lành và chịu khó? Những sinh viên Việt nam tới Nga để được học văn hoá Nga và những thành tựu khoa học tiên tiến của nước Nga, Họ hoàn toàn không phải là đối tượng để những người Nga chân chính thù ghét và xua đuổi.

6. Thời gian tôi ghé lại Mat-xcơ-va cũng chính là thời gian mà các cuộc biểu tình phản đối việc cắt ưu đãi cho những người về hưu và cựu chiến binh.Tôi đã thấy những người biểu tình yên lặng đứng ngoài trời giá lạnh– 5 độ với những yêu cầu thiết thực nhất cho cuộc sống như đi lại, chữa bệnh, lương hưu. Lúc đó tôi thực sự thông cảm cho Tổng thống Nga PUTIN-người mà tôi đánh giá là người đàn ông của thế kỷ 21- trước những khó khăn mà nước NGA đang gặp phải. Nhưng tôi cũng hy vọng rằng nước Nga sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt, như họ cũng đã vượt qua nhiều khó khăn trong lịch sử. Trong tôi như lại vang lên giai điêu một bài hát của Nga “Tổ quốc bắt đầu từ đâu”, trong đó có câu “ chúng ta không đầu hàng ai”.



7. Tôi cũng nhận thấy nước Nga đang thay đổi từng ngày, từng giờ trong mọi lĩnh vực. Cải cách hành chính chắc chắn sẽ làm gọn nhẹ ngân sách nhà nước nhưng cũng đẩy nhiều người tham gia đội quân thất nghiệp vốn đã không ít ỏi gì. Tôi bắt gặp nhiều người, già có trẻ có, đứng ở các lối xuống các đường ngầm ở thủ đô Mat- xcơ-va với những giỏ trái cây hái vội từ vườn nhà, những đôi tất len tự đan với hy vọng bán được để trang trải những khó khăn trong mùa đông giá lạnh của nước Nga. Tôi cũng đã thấy rất nhiều nam nữ thanh niên ca hát ngoài đường phố với mọi thứ nhạc cụ. Họ không ngửa tay xin tiền của khách qua đường, nhưng họ cũng hy vọng những bài ca của họ được trả bằng những đồng tiền rúp, và vì vậy họ không hề từ chối những đồng rúp của những vị khách qua đường hảo tâm thả xuống. Tuy nhiên cũng không phủ nhận rằng người Nga đã giàu lên nhanh chóng khi nền kinh tế tập trung chuyển qua kinh tế thị trường. Ngoài đường nhiều người Nga trẻ tuổi, vẻ mặt tự mãn với những chiếc áo da đắt tiền, ngự trên những chiếc xe ô tô mà chắc thời bao cấp chỉ có các vị trong Bộ chính trị mới được dùng. Trong các cửa hàng lớn, hàng hoá nhiều chủng loại và từ nhiều nguồn được bày bán nhiều tới mức tôi nhớ lại thời kỳ mà đất nước Xô viết đang là một đối trọng với phương Tây. Năm 2001, tại sân bay Toronto (Canada), tôi tình cờ gặp và trao đổi với một phụ nữ Nga - cán bộ của Bộ Thương mại Nga - qua Canada dự hội nghị chuyên đề. Lúc đó tôi được biết lương trung bình của một cán bộ công chức Nga là khoảng 200 đô la Mỹ. Người phụ nữ Nga đã đỏ mặt khi tôi với bản tính hay châm chọc, đã hỏi cảm tưởng của chị ta thế nào khi ở sân bay với một đống hàng hoá mà chị ta sẽ mang về Nga qua chuyến đi công tác nước ngoài. Tôi phải nhắc khéo chị ta một kỷ niêm đau buồn mà ở trong những năm 90 của thế kỷ trước, những người Việt nam đã bị coi thường khi đưa những hàng hoá sản xuất tại Nga về nước sau những đợt công tác, học tập hoặc kết thức hợp đồng lao động tại các nhà máy ở Nga. Cái nhún vai của người phụ nữ Nga như hàm ý nói: cuộc sống là như vậy đó. Ghé qua Nga lần này tôi thực sự ngạc nhiên khi biết rằng tiền lương trung bình của một giáo sư Nga khoảng 400 đô la Mỹ vào đầu năm 2005. Cuộc cải cách của nưới Nga đã động chạm cả tới cả những lĩnh vực mà người Nga vẫn rất tự hào là khoa học cơ bản. Nhiều trường đại học danh tiếng của nước Nga đã thay đổi chương trình, cách thức đào tạo cũ bằng những chương trình và cách thức đào tạo hiện đại. Hiện tại, nhiều trường Đại học của Nga vẫn là những địa chỉ đáng tin cậy trong đào tạo các chuyên gia chất lượng cao. Điều đó đã thu hút nhiều sinh viên các nước tới học tại các trường đại học của nước Nga. Lương của các giáo sư Nga cũng được trả cao hơn và có nhiều khoản trả giống chúng ta là phần cứng (lương cơ bản) và phần mềm (các khoản dạy ngoài giờ, dạy hệ không chính quy hoặc tiền thưởng). Có lẽ điều đó phần nào hạn chế nạn chảy máu chất xám tại nưới Nga trong giai đoạn hiện nay. Chỉ có điều là hình như người Nga không tốn nhiều giấy mực như chúng ta khi nói về cải cách giáo dục.



(Cổng chợ TOGI)


8. Trong thời gian chờ chuyến bay, tôi đã ghé thăm TOGI- một trong những trung tâm buôn bán lớn của người Việt ở Matxcova. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là ngoài lối vào trung tâm, luôn có vài cảnh sát Nga và bảo vệ người Nga làm nhiệm vụ. Trung tâm này nguyên la một trong những cơ sở của nhà máy TOGI, đầu những năm 1990 đaî được một số người Việt nam thuê để làm nơi buôn bán. Khi mới bước vào đây, tôi có cảm giác như mình đang đứng ở các khu phố Hàng Đào, Hàng Ngang của Thủ đô Hà nội. Hàng hoá chủ yếu có xuất xứ từ Trung quốc với mẫu mã đẹp, và “chất cực tốt–giá cực rẻ”-theo lời giới thiệu của những người bán hàng. Hàng nhiều vô kể về cả chủng loại và số lượng, nhưng hình như người bán lại đông hơn người mua. Có nhiều người Nga được thuê bán hàng với tiền công là 10-15 USD một ngày.Thỉnh thoảng tôi lại phải dùng tiếng Việt để giải thích cho một vài người bán hàng người Việt, vì họ cứ tưởng tôi là khách từ vùng Trung á lên mua hàng. Khi vừa quay lưng đi, thì từ đâu đó vọng tới tai tôi: “thế mà cứ tưởng là một con gà béo”.Thì ra “gà béo” là từ mà những người bán ở đây ám chỉ những vị khách giầu có.Trao đổi với một người có trách nhiệm ở trung tâm TOGI, tôi được biết thời gian gần đây, việc buôn bán của người Việt không được phát đạt cho lắm. Kinh tế thị trường, sự đi lên của nền kinh tế Nga trong mấy năm gần đây, luật lệ buôn bán được thắt chặt, các loại thuế phải đóng v.v và v.v, đã làm cho một số người Việt phải vỡ mộng làm giàu trên đất Nga. Rời trung tâm TOGI, tôi cứ suy nghĩ mãi và tự hỏi, không biết bao giờ người Việt chúng ta ra nước ngoài với tư cách chuyên gia giỏi hay những người đi du lịch giầu có.

9. Về tới sân bay Nội bài sau11 giờ đồng hồ bay từ Mat- xcơ-va, mặc dù rất mệt nhưng cảm giác của chúng tôi là thật sự yên tâm. Sự bình yên của mảnh đất quê hương, mặc dù chưa giầu có bằng ai, nhưng thực sự là một thành công lớn của Đảng và Nhà nước ta sau 20 năm đổi mới. Trước khi rời nước Nga, một vị giáo sư người Nga hỏi tôi đại ý là ở đâu tốt hơn, ở nước Nga hay ở Việt nam. Tôi cũng dùng thành ngữ tiếng Nga để diễn đạt ý của mình là: “rất tốt khi làm khách, nhưng ở nhà mình vẫn tốt hơn”.

T.L.H
(201/11-05)

Các bài mới
Bàn về bạn (17/04/2009)
Các bài đã đăng