Tạp chí Sông Hương - Số 174 (tháng 8)
Một lời nói tối hậu với con người
10:09 | 01/06/2009
TRẦN HUYỀN SÂMNếu nghệ thuật là một sự ngạc nhiên thì chính tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu là sự minh định rõ nhất cho điều này. Tôi bàng hoàng nhận ra rằng, luận thuyết: con người cao quý và có tình hơn động vật đã không hoàn toàn đúng như lâu nay chúng ta vẫn tin tưởng một cách hồn nhiên. Con người có nguy cơ sa xuống hàng thú vật, thậm chí không bằng thú vật, nếu không ý thức được giá trị đích thực của Con Người với cái tên viết hoa của nó. Phải chăng, đây chính là lời nói tối hậu với con người, về con người của tác phẩm này?
Một lời nói tối hậu với con người

Với ý nghĩa trên, tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu chứa đựng nhiều ẩn số bất ngờ và có khả năng mở ra những tầng nghĩa sâu xa để người đọc không ngừng chiêm nghiệm, suy ngẫm.

Tác phẩm đề cập đến những vấn đề vừa có tính thời sự, vừa có tính muôn thuở. Đó là sự hoành hành, thao túng của cái ác mà tiêu biểu là bọn lâm tặc; sự thoái hóa, biến chất và mất dần tính người ở con người, ngay trong hàng ngũ Đảng viên; sự trả giá đớn đau của con người trong cuộc đấu tranh giành lại cái thiện.

Dĩ nhiên, giải thưởng dành cho tác phẩm không chỉ ở chiều sâu văn bản mà còn ở hình thức nghệ thuật độc đáo của một ngòi bút già dặn, sắc sảo, có tay nghề cao. Một lối viết rất lạ, không đi theo một khuynh hướng hay một thể thức nhất định nào. Cách viết hiền lành, nghiêm cẩn như một đặc điểm quen thuộc của nhà văn Nguyễn Khắc Phê nay đã bị phá vỡ. Tính chất "giễu nhại", lối nói "cợt nhả" pha lẫn màu sắc huyền thoại đã tạo cho tác phẩm một không gian riêng trong xu hướng tiểu thuyết hiện nay.

1. Cốt truyện đơn giản, nhân vật ít, nhưng tình tiết phức tạp, vấn đề rối rắm. Câu chuyện kể về làng Sim ở rặng núi Yên Ngựa, thuộc miền Trung. Đức - nhân vật chính, trở về từ chiến trường miền Nam, mang theo trên cơ thể nhiều thương tật; đau khổ hơn là không còn khả năng sinh con vì chất độc màu da cam. Trở về hậu phương, anh lại lao vào một cuộc chiến đấu mới: chống lại bọn lâm tặc để bảo vệ rừng xanh. Lòng bao dung và tính trung thực của anh đã bị kẻ ác hãm hại. Anh bị chúng hành hạ bằng một hình thức dã man không kém gì nhà tù đế quốc: biến thành một cây thập giá sống giữa rừng sâu. Đói khát, đau đớn và cái chết đã cận kề. Cuối cùng, anh cũng được cứu sống, nhưng không phải bởi con người mà là một con hổ.

Mặc dù hình tượng người trần thuật ở ngôi thứ ba số ít, nhưng rất khó xác định một "tiếng nói xuyên văn bản". Tiếng nói người kể chuyện thường xuyên bị các nhân vật tiếm vị, nhất là những lúc độc thoại và đối thoại. Nhân vật trong truyện rất ít khi trùng khít vào chính bản thân mà là vô số con người trong mỗi bản thể hắn ta. Tính chất này càng tăng thêm độ quyết liệt trong sự giằng xé đau đớn, cam go giữa phần con và phần người, giữa cái thiện và cái ác, giữa cái cao quí và cái thấp hèn.

2. Ý nghĩa phê phán và chiều sâu văn bản trước hết là ở biểu tượng cây thập giá. Đây vốn là một biểu tượng về Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, tác phẩm không nhằm ca ngợi chúa Giêsu, mà là hướng về cõi trần thế với những con người chân trần mắt thịt. Những tác phẩm nghệ thuật chân chính là tác phẩm vô thần. Mà ở đây, thần linh cao nhất là con người, với tất cả những đặc tính tiềm ẩn của nó.

Ý đồ nghệ thuật của tác giả được lộ rõ ngay từ lúc mở đầu: "Không ai biết cây thập giá đầu tiên được dựng trên mặt đất này từ bao giờ. Chỉ biết sau khi Giêsu Nazarét bị Tổng trấn Philatô xét xử thì... những cây thập giá cao vót lên như muốn chọc trời xanh như nhắc nhở con người là cái Ác vẫn lây lan, vẫn không thôi mọc mầm ra rễ như ung thư di căn". Ý đồ đó đã được nhà văn thể hiện tập trung và triệt để nhất qua hình ảnh: Đức bị bọn lâm tặc trói đứng vào cây gỗ hình thập giá như kiểu Giêsu bị đóng đinh, bị hành hình.

Vậy thì, cái ác đâu phải do quỉ Satăng gây ra mà là do chính con người tạo nên. Dối trá, gian hoạt, dâm tặc và tham ô, đó là nguyên nhân đẩy con người đến chỗ tàn nhẫn, mất tính người - hiện thân cho cái ác. Cũng không phải con người bán linh hồn cho quỉ sứ như các cha cố đã răn dạy con chiên, mà chính con người tự biến linh hồn mình thành quỉ sứ. Cả một hệ thống từ trên xuống đều thoái hóa, biến chất và mang linh hồn của quỷ. Ông huyện thì ”ngồi mát ăn bát vàng", lạm dụng quyền hành để "bật đèn xanh" cho cấp dưới thao túng. Hạt trưởng hạt kiểm lâm- người trực tiếp chịu trách nhiệm "chăm lo bảo vệ rừng", lại là một tay buôn gỗ lậu ngoại hạng, luôn thông gian với bọn lâm tặc để chặt phá rừng một cách không thương tiếc. Mậu - vị phó chủ tịch xã, một đảng viên Đảng cộng sản: không chỉ tham lam mà còn dâm ô, không chỉ gian hoạt mà còn tàn nhẫn. Chỉ ba nhân vật trên cũng giúp ta hình dung được sự sa đọa, thoái hóa, biến chất của bộ máy chính quyền ở nơi này. Khi con người đã biến linh hồn thành quỷ sứ thì cái ác sẽ hoành hành, nảy nở và tha hồ "mọc mầm ra như rễ ung thư di căn" là điều đương nhiên.

 3. Sẽ là phạm thượng và thô bạo khi đặt con người bên cạnh động vật để so sánh. Nhưng đâu phải kẻ viết bài này phạm thượng, mà chính là những kẻ thô bạo kia, trong xã hội này, đã dám làm hoen ố danh dự con người. Hãy đặt nhân vật con hổ và nhân vật Mậu lên bàn cân thì sẽ thấy: nó - con hổ có tình và nặng "chất người" hơn Mậu rất nhiều. Kết luận trên được rút ra từ hành động của các nhân vật qua một tình huống đầy gay cấn: Đức bị trói đứng trong đêm giữa rừng sâu và sự đối mặt của ba nhân vật này trước sự sống và cái chết.

Xét trong mối quan hệ giữa Đức và Mậu, Đức và con hổ, thì cả hai đều chịu ơn của anh. Đức đã từng tha cho Mậu cái tội hèn nhát, sợ chết: giả làm bị thương một cánh tay để khỏi ra chiến trường. Đừng tưởng đây là chuyện nhỏ, trong chiến tranh, đó là một trọng tội. Còn con hổ thì được Đức cứu sống trong một trận càn B52 của địch: hổ mẹ bị giết, hổ con còn đỏ hỏn như một con mèo, đang nằm kêu thảm thiết trên vũng máu.

Trong những tình huống gay cấn và cam go nhất thì hành động sẽ là tiêu chí cơ bản để làm thước đo cho bản chất con người. Ba hành động sau của Mậu đã cho thấy y là kẻ vừa vô ơn lại vừa vô nhân: chủ mưu để bọn lâm tặc hành hung Đức bằng hình thức dã man; chiếm đoạt vợ anh; đang tâm giết anh bằng thắt lưng siết chặt vào cổ. Những hành động khả ố và tàn bạo đó đã bộc lộ rõ con người thật của Mậu: y là một con thú mang mặt nạ người. Còn con hổ, tuy đã lạc chủ và bao năm xa cách, vậy mà nó vẫn nhận ra Đức, thậm chí, dám đổi bằng chính mạng sống để cứu anh. Có lẽ, mùi mồ hôi năm xưa trong chiếc áo lót mà Đức đã bọc nó đem về nuôi "chăm bẵm như con đẻ" nay vẫn còn vương lại? Cuộc hội ngộ giữa vật nuôi và chủ khiến cho núi rừng cũng phải cảm động: "Din"(tên của con hổ)... tiếng gọi chỉ nghe như nói thầm... Vậy mà con hổ hình như nghe được, nó hơi nghiêng đầu và chớm bước lên. "Din"... Mày không nhận ra tao à? Hồi nhỏ, tao bế ẵm mày những đêm rét, tao nhường sữa cho mày, nhớ không?... "Din!" Lại đây! Đừng sợ! Chúng nó trói tao... Mày có cách chi cứu tao không?... Tối qua, sao mày biết có đứa định hại tao mà xông vào cứu? Mày không thấy đôi tay tao bị trói chặt đây à? Đừng sợ! Tao chỉ nhúc nhích có vậy thôi... Lâu rồi không ai vuốt ve, tắm táp cho mày, lông lá mày bờm xờm và hôi hám quá!... Kìa, mày làm gì mà nhe răng lè lưỡi dễ sợ thế?... con hổ hiểu lời Đức... nó liền ngoác miệng đớp ngang một đầu thanh gỗ rồi gặm nát. Nó thừa khôn ngoan để không gặm vào bàn tay Đức..." (tr.246-247).

Cuộc hội ngộ cảm động trên có thể chỉ xảy ra trong trang sách nhà văn Nguyễn Khắc Phê, chứ không tồn tại ở ngoài đời thực, nhưng nó đã phản ánh một cách chân thực mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. Không ít những con vật trở nên "có hồn" và "biết nói" nhờ con người đã sống với nó bằng những ánh nhìn ấm áp và những thái độ thiện chí. Dĩ nhiên, cái đích của tác phẩm không chỉ nói đến điều này, mà sâu xa hơn, là qua đó, để nói lên những chiêm nghiệm và suy ngẫm của nhà văn trước con người và cuộc đời.

Tôi muốn nói rằng, qua hành động của Mậu và con hổ (được bộc lộ trong cảnh ngộ của Đức), tác phẩm đã làm bật lên hai vấn đề mà người đọc cần suy ngẫm. Thứ nhất, đừng xem thiên nhiên như một sự đối địch với con người. Con người làm chủ tự nhiên nhưng không hủy diệt tự nhiên. Hãy trở về với ý tưởng ấm áp của nhà nhân văn chủ nghĩa Montaigne ở thế kỷ 16 "Thiên nhiên là bà mẹ vĩ đại nhất của con người". Bất kỳ một sự đối trọng nào với thiên nhiên, con người cũng sẽ hứng nhận những hậu quả đáng sợ. Trận lũ dữ dội ở cuối tác phẩm chính là sự cuồng nộ của thiên nhiên đối với con người.

Thứ hai, con người sẽ có nguy cơ đẩy xuống hàng thú vật nếu không ý thức được danh hiệu cao quí của con người. Quỷ dữ ẩn nấp trong con người chúng ta không gì khác, đó chính là lòng tham và sự tàn nhẫn - nó như một chất axít gặm nhấm phần người và nó sẽ thắng thế bất kỳ lúc nào, nếu chúng ta không thường xuyên tự ý thức để khuất phục nó bằng sự hướng thiện.

Nhìn từ góc độ trên, Thập giá giữa rừng sâu không chỉ là một văn bản nghệ thuật ngôn từ thuần túy, mà là một âm bản vang lên những lời đối thoại không dứt với người đọc.

Lối kết thúc mở với cách xử lửng lơ của vụ án (các tội phạm vẫn êm thấm đâu vào đấy), cũng đã cho người đọc hiểu rằng: không phải lúc nào và bao giờ cái thiện cũng có thể chiến thắng cái ác. Con người không mất niềm tin vào cái thiện nhưng để chiến thắng cái ác là điều không dễ dàng. Mậu - con người vô ơn, vô nhân và là tội nhân kia, cuối cùng lại được giàu có, sung sướng và còn được trọng vọng: Xí nghiệp gỗ giải thể và đã thuộc về Mậu, y nghiễm nhiên trở thành giám đốc nhờ tiền viện trợ của ông bố từ nước ngoài: "Mậu được thơm lây với cái chức Giám đốc và tiền bạc tự do chi tiêu, khiến cho y vênh vang hơn cả trước đây. Bảo rằng y không cần danh hiệu đảng viên và chức Phó chủ tịch là vì thế". Xã hội đã manh nha một loại người mới còn nguy hiểm hơn Mậu trước đây. Thế mới biết chân lý vẫn còn ở phía xa kia và cuộc đấu tranh của loài người còn khắc khoải và đớn đau đến nhường nào.

 4. Tiểu thuyết hiện nay đang có xu hướng đi vào "thế giới mờ đục" hay còn gọi là những "vùng mờ ẩn ức" của tâm linh. Thập giá giữa rừng sâu không phải là cuốn tiểu thuyết tâm lý nhằm "chăm chú vào cái bí ẩn của tâm thần". Và hình như nhà văn Nguyễn Khắc Phê cũng không có mục đích xây dựng một cuốn tiểu thuyết theo dạng ấy. Tuy nhiên, với thủ pháp kéo căng thời gian, tác giả đã tạo ra một hệ quả tất yếu, ngoài dự kiến: những điểm cực của sự dồn nén tâm lý. Mỗi nhân vật là một điểm cực đang tự hành xác mình trong cái thế giới mà nó chẳng bao giờ nhận ra mình là ai. Tính tột cùng của nhân vật vì thế đã đạt đến độ hoàn hảo tuyệt vời.

Sự dồn nén tâm lý nhân vật được thực hiện theo tỷ lệ nghịch với thủ pháp kéo căng thời gian. Sự việc chỉ xảy ra hơn một đêm mà nhà văn trải dài ra gần ba trăm trang sách. Mọi chuyện từ thượng vàng hạ cám, những kỷ niệm xưa và nay đều được dồn vào trong một đêm. Mọi nhân vật cũng bị dồn vào trong đêm. Chúng suy tư trong đêm, "sờ soạng" trong đêm và hành sự trong đêm. Chính trong không gian đêm, các nhân vật mới có thể mưu mô, tính toán, và mới dám bộc lộ hết con người thật của chính mình. Đêm như kéo dài ra vô tận để cho mỗi nhân vật khắc khoải theo mục đích của riêng mình. Hòa thì khắc khoải đợi chồng, nén thở để lắng nghe một chiếc lá rơi, một tiếng bước chân người, một âm thanh vang lên trong đêm, và lắng nghe cả nỗi lòng xao động, "râm ran" của chính mình. Đức cũng thắc thỏm đối diện trước cái chết, đối diện với nỗi cô đơn giữa núi rừng hoang vắng, huyền bí đến rợn người. Và nhất là Mậu, y như căng ra trong nỗi dục vọng hau háu để "chiếm được con mồi". Giết hay không giết Đức? chiếm được Hòa hay không chiếm được Hòa? Những ý nghĩ đối cực đó đã dồn y vào một trạng thái tâm lý căng thẳng đến tột cùng. Tâm hồn y như vữa ra trong đêm, tan ra trong đêm. Và y thực sự đã trở thành một con bệnh tâm thần, nhất là lúc bị "bóng ma Đức" hiện về ám hại.

Đêm tối giúp con người nhận ra chính mình, nhưng đêm tối cũng đồng lõa với tội lỗi. Đêm tối đã nhấn chìm tâm hồn con người, biến con người thành linh hồn của quỷ sứ. Vì thế, Hòa mới có nguyên cớ để phản bội lại chồng, Mậu mới có cơ hội để phản bội lại ân nhân của mình. Không gian đêm đã trở thành một hình tượng nghệ thuật đầy sức ám gợi, giúp nhà văn khắc họa thành công thế giới nội tâm của nhân vật. Thủ pháp kéo căng thời gian và dồn nén tâm lý, vì thế, theo tôi, là một đặc điểm nghệ thuật cơ bản làm nên nét riêng độc đáo của tác phẩm này. Và chỉ khi nào nhà văn tuân theo thủ pháp nghệ thuật này, thì lời nói tối hậu trên về con người mới có thể có hiệu quả và tạo sức âm vang.

Lối kết cấu "ngông cuồng", phi logic và cách nhà văn "lỡm" chúng ta ở một số tình tiết, sự kiện trong tác phẩm cũng đã mang lại những thú vị bất ngờ. Chẳng hạn, đoạn nhà văn đưa ra thông tin giả là Đức đã bị hổ xé xác - một kết cục đi ngược lại mong muốn của bạn đọc, khiến cho "ai nấy" đều run lên vì giận dữ và thất vọng. Dĩ nhiên, đó chỉ là thông tin "dỏm". Hay đoạn giả mở phiên tòa xét xử theo kiểu Bao Công với những lời thị uy rất Bao Công, và sự gặp gỡ bất ngờ giữa bà Hợi với ông Huyện Đường- người tình vụng trộm năm xưa của bà. Rồi một số tình tiết khác như sự đụng đầu thú vị giữa Mậu và Bá vì đang mải mê bối rối trước cảnh người đàn bà "phởn phơ" đang "thoát y" tắm táp...v.v.

Hình như Thập giá giữa rừng sâu "có duyên" và "thông minh" hơn những đứa con mà nhà văn đã sinh ra trước đó rất nhiều. Tôi những muốn nói rằng, nếu nhà văn Nguyễn Khắc Phê cứ tiếp tục phá vỡ lối viết nghiêm cẩn, hiền lành trước đây và duy trì cái lối viết vừa bỡn cợt mà đằm thắm, vừa gân guốc mà tha thiết này, thì tin chắc rằng, ông sẽ gặt hái được những kết quả khả dĩ trên địa hạt của thể loại tiểu thuyết.

Tôi vẫn cảm thấy nuối tiếc một điều gì đó khi đọc xong tác phẩm này. Hình như tác giả chưa thật sự dụng công trong việc xây dựng nhân vật chính. Ngoài lòng cao thượng, vị tha, đức hi sinh cao cả, nhân vật Đức cần có thêm một gương mặt sắc cạnh, một ngôn ngữ cá tính, một bản thể hai mặt của phần con và phần người. Một vài hành động và chi tiết cũng chưa thật sự phù hợp với bản chất của hình tượng nhân vật này. Con người từng trải và thấu đáo như Đức làm sao có thể chiến đấu chống lại bọn lâm tặc một cách bồng bột và đơn độc như vậy? Và nhất là cái chết của Đức. Đức chết là cần thiết, nhưng có nên chết bằng cách ấy không? Chẳng phải tác giả lẫn bạn đọc đã khao khát sự hòa điệu giữa con người và thiên nhiên, mà Đức là biểu tượng cho niềm mong ước đó? Vậy thì, sự phẫn nộ của thiên nhiên phải dội lên đầu của bọn lâm tặc kia, chứ sao lại là Đức? Giá tác giả biết khắc phục được những điểm này, tôi nghĩ, cuốn tiểu thuyết còn đi xa hơn nữa.

Mỗi cuốn tiểu thuyết, nói như Kundera, dẫu muốn hay không muốn đều đề xuất một câu trả lời trước câu hỏi: Con người là cái gì vậy? Thập giá giữa rừng sâu đã phần nào trả lời được câu hỏi đó. Lời nói tối hậu trên về con người đã khiến cho mỗi chúng ta phải day dứt về sự tồn tại của chính mình ở thế giới này. Sự day dứt một cách có ý thức đó sẽ là "cái ngưỡng" để giúp chúng ta không tuột khỏi cái lằn ranh giới - phần cao quí của con người.

T.H.S
(174/08-03)

Các bài mới
Bà cụ Tuần (02/06/2009)
Các bài đã đăng
Về với chị (27/05/2009)
Cái tâm (27/05/2009)