Tạp chí Sông Hương - Số 174 (tháng 8)
Sắc thái mới của sân khấu miền Trung
10:17 | 01/06/2009
VŨ HÀSuốt mười ngày đêm (từ 3.5 đến 13 tháng 5 năm 2003) trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương thành phố Đà Nẵng, hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên của 12 đơn vị nghệ thuật từ Thanh Hoá tới Khánh Hoà đến tham gia Liên hoan khu vực đã ra mắt 12 vở diễn phong phú các sắc màu, giọng điệu tươi mới nồng nàn, làm nên gương mặt sân khấu của những năm tháng này...

Tiếng nói nghệ thuật cho hôm nay

Ngay 5 vở tuồng cổ truyền cũng không chỉ đơn thuần tái tạo hình ảnh nhân vật và các chuyện kể xa xưa để gặm nhấm lịch sử hoặc tôn vinh những ông hoàng bà chúa của thời quá vãng. Mộng bá vương (Nhà hát Tuồng Đào Tấn - Bình Định), Sóng ngầm trong phủ Chúa (Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế), Người khởi nghiệp Đàng Trong (Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế) khai thác sâu sắc nguyên nhân sự tranh giành quyền bính khốc liệt của những kẻ nuôi tham vọng làm bá chủ thiên hạ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Âm mưu và tội ác. Tội ác và sự trừng phạt của lịch sử, của quy luật, của lòng dân. Sức mạnh của những "hiểm kế độc", của những liên minh ma quỷ cường quyền nhất thời có thể tác quái tác oai, làm gió làm mưa, giập vùi biết bao số phận vô tội cùng vô số nhân tài, nhưng rốt cuộc đều phải khuất phục trước ý chí mạnh mẽ của nhân dân, quy luật tất yếu của tồn tại và phát triển. Hãy lắng nghe tiếng vọng thống thiết của lịch sử trong ý tưởng chói sáng của nhân vật ông Hai Nguyễn Hoàng - người khởi nghiệp Đàng trong: Phải làm sao đem phúc ấm đến muôn dân. Phải làm sao thực hiện hoài bão đời đời là đất nước thành bình, giang sơn thống nhất, nam bắc hai miền một nhà cùng hát khúc âu ca... Hoài bão lớn lao của các bậc tiên liệt, lớp lớp các thế hệ cháu con đã và đang biến thành hiện thực trên dải đất toàn vẹn Việt Nam dưới bầu trời Á Châu này... Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam! Âm hưởng hào hùng đó mãi mãi âm vang...

Hai vở tuồng truyền thống cách mạng đều tập trung xây dựng hình tượng người mẹ. Đấy là Bà mẹ Làng Sen (Đoàn Nghệ thuật Tuồng Khánh Hòa). Bà Hoàng Thị Loan như bao bà mẹ Việt Nam khác, vô cùng nhân hậu tảo tần, son sắt thuỷ chung dâng hiến cả đời mình vì tương lai sự nghiệp của chồng con, vì vận mệnh của non nước. Bà mẹ Làng Sen trong lao khổ đã sinh ra người con yêu của giống nòi, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Vở Mẹ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố Đà Nẵng hết sức dung dị, ngợi ca một bà mẹ bình thường ở mảnh đất "Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ". Mẹ đã chịu đựng tột cùng những nỗi đau mất mát, hiên ngang vượt lên số phận nghiệt ngã của cuộc đời, vững vàng qua giông bão của chiến tranh. Mẹ đã sinh ra và nuôi lớn những anh hùng. Đã cứu mạng sống cho bao đứa con của những bà mẹ khác, đã trả lại phẩm giá làm người cho bao đứa con lầm lạc... Giản dị như cây dương, như cây dừa nước quê mình mà kiên trung vĩ đại, bởi một lẽ thường tình, Mẹ là MẸ VIỆT NAM: Chúng con xin nguyện hy sinh, chiến đấu suốt đời vì Người - MẸ VIỆT NAM ơi!

Dân ca kịch cũng là nét đặc sắc, một thế mạnh của sân khấu miền Trung. Nếu tuồng phát huy đặc trưng sở trường ở khu vực đề tài lịch sử, truyền thống, thì dân ca kịch với giai điệu trữ tình sâu lắng, lại có khả năng đi sâu khai thác những tâm trạng điển hình của con người dương đại. Ngoài đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh với kịch bản mang tính truyền thuyết Thượng kinh ký sự còn 5 vở dân ca khác đều đi vào những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế thị trường hôm nay. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt chiến thắng đói nghèo, phản ánh vật vã ở những làng quê chang chang cồn cát và luôn luôn bị hăm dọa những cơn giận dữ đột ngột của biển cả và các đợt lũ quét bất thần. Thách thức dai dẳng của thiên tai cùng sự ác độc tham lam của những kẻ vị kỷ không thể đánh gục ý chí ngoan cường "ăn sóng, nói gió" của những con người kiên trung nơi quê nghèo, "cái nghèo leo lên cả giường ngủ" như câu ca cay đắng thuở nào... Vì quê hương là ĐẤT MẸ, là cội nguồn, là nơi chôn rau cắt rốn dưỡng dục ta thành con người kiêu hãnh dám ngẩng mặt nhìn mặt trời. Không thể bội phản quê hương, không thể đang tâm để bà mẹ vĩ đại mãi oằn lưng dưới sức nặng ghê gớm của cái đói triền miên, của cái nghèo ám ảnh. Các nhân vật là những con người chân chính của làng cát đã kết liên trí tuệ và dũng khí của lòng tin đổi mới thành lực lượng. Một lực lượng đang ngày ngày cải tạo đất đai và vượt lên mọi thách thức để quê hương tươi xanh, để tiếng cười lảnh lót mãi ngân dài trong gió cát. Tất cả có thể cải thiện nếu anh đốt lửa, trái tim mỗi người đều đốt lửa. Ánh lửa tình yêu của sự vượt thoát và niềm tin lạc quan. Đấy là "Thông điệp xanh" vang trên sân khấu của ca kịch Nghệ An, ca kịch Huế từ tác phẩm Vú cát của nhà biên kịch Nguyễn Quang Vinh, cây bút hiện thực, cây bút xông xáo của làng quê Bảo Ninh - Quảng Bình.

Ca kịch bài chòi của Khánh Hoà góp tiếng nói mạnh mẽ phê phán những người đã có một thời vinh quang trong kháng chiến trước kia nay bị sức mạnh đồng tiền làm loá mắt, biến chất, tim trúng "viên đạn bọc đường" thành kẻ giả trá hạ cấp, rồ dại "nhảy múa với quỹ dữ", chối bỏ lý tưởng đã từng tuyên thệ trong khói lửa "thời đạn bom". Điều thiêng liêng đã mất của Khánh Hoà là một trong ít vở diễn gây ấn tượng sắc sảo ở Liên hoan sân khấu miền Trung 2003 này. Ca kịch bài chòi Bình Định với tác phẩm Đứa con tôi và ca kịch Quảng Nam với kịch bản Con yêu rung hồi chuông cảnh báo xã hội trước sự băng hoại đạo đức của những phụ huynh không làm tròn trách nhiệm làm cha, làm mẹ, đã vô tình hay cố ý đẩy những đứa con cô đơn ra vỉa hè thành những kẻ lang thang cơ nhỡ, không được hưởng mái ấm gia đình, sa chân vào tội lỗi cùng nhữmg cảnh huống bất hạnh đến đau lòng... Có thể nào dửng dưng, có thể nào thờ ơ "vì trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai"? Có thể nào! Những làn điệu bài chòi thấm đẫm nước mắt đã "hô" lên thao thiết giữa kịch trường miền Trung như thế.

Đoàn ca múa kịch thuộc Nhà hát Lam Sơn - Thanh Hoá qua bản diễn Người trong cát (một phiên bản Vú cát) tính xung đột được đẩy lên tới đỉnh điểm. Vấn đề được "đánh bài ngửa", không khoan nhượng: Tồn tại hay không tồn tại. Sống là đây mà chết cũng là đây! Rạch ròi. Khoát đạt. Không "mờ chồng", không cải lương nửa vời. Vấn đề này không của riêng ai. Là của bí thư Lúa, của cô kỹ sư trẻ Thu Liên, của anh cựu chiến binh Trần Nhớ, ở cả "bản mệnh" đồi bại, bất lương của những kẻ như trưởng thôn Hoạt, như tên "cave dự án" Văn Phởn... Không của riêng ai mà của tất cả "người trong cát", của "số phận con người" hôm nay trước thách thức của một thời kỳ văn minh đầy bất trắc. Ý tưởng hàm chứa tính triết học "thời thượng" này được đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang và tập thể nghệ sĩ diễn viên kịch nói tỉnh Thanh trình bày thuyết phục bằng những chuỗi cười liên tiếp, hài hước thông minh, tả thực đời thường mà hàm ý. Tiếng cười. Phải chăng là tiếng cười giã từ quá khứ? Cười đấy nhưng trái tim nhói đau, trái tim loạn nhịp, "trái tim không ngủ yên". Đây là thành công mới, một bước ngoặt nghệ thuật đáng kể của kịch nói Thanh Hoá trong tiến trình "đi tìm khán giả", đưa sân khấu vào đời sống, mang hơi thở nồng nàn của đời sống, là chất xúc tác mạnh mẽ vào đời sống đồng thời mở rộng cánh cửa đón nhận "cơn bão táp" mặn mòi hào phóng của đời sống ngập tràn sân khấu, nhằm quyết đoán một phong cách, làm mới mẻ nền kịch nghệ đang hờ hững "đi bên cạnh cuộc đời" phổ biến hiện nay...

Tiềm tàng một nguồn lực:

Đó là khâu kịch bản, vấn đề đang làm đau đầu những người quan tâm đến đời sống kịch trường hiện nay. Xu hướng "sa - lông hoá" sáng tác khiến cho các trang bản thảo hoặc nhợt nhạt thiếu sinh lực, quẩn quanh trong những mẩu chuyện nhàm chán hoặc các mối quan hệ đang rạn vỡ trong những ngôi nhà trọc phú hào nhoáng đầy đủ tất cả, thừa mứa đến lộn mửa tất cả, chỉ thiếu những trang sách thơm mùi mực, vắng những tiếng nói mộc mạc, những tiếng cười trong trẻo hồn nhiên... Sân khấu miền Trung vẫn còn ngọn gió hiu hắt ấy, nhưng rất mừng nó đã bị đánh bạt trước "đối phong" ào ạt của vùng đất tràn trề sóng gió, của chính những cây bút nơi đây. Một Hồ Hải Học nồng nàn của Đà Nẵng; êm trầm lặng lẽ chất chứa nhiều suy tư của Đoàn Thanh Tâm ở đất Cố đô; bút pháp giàu chất thơ của Văn Trọng Hùng - Bình Định; lối viết phóng túng nhiều âm điệu của Sĩ Chức ở thành phố biển Nha Trang... Bất ngờ là sự xuất hiện đầu tiên của cây bút nữ La Thị Cẩm Vân của xứ Huế. Vốn là diễn viên lâu năm của nghệ thuật tuồng truyền thống chốn kinh thành. NSƯT Cẩm Vân đau đớn trước trang sử xa xưa rớm máu nơi cung cấm. Tác phẩm đầu tay của người phụ nữ đoan trang ấy hiện diện trên sân khấu Liên hoan Đà Nẵng lần này khiến đồng nghiệp ngỡ ngàng. Kịch phẩm Sóng ngầm trong phủ Chúa không đơn thuần kể lại chuyện tranh giành quyền lực bạo liệt của những ông hoàng, bà phi ở vương phủ cách đây trăm năm có dư mà khắc khoải niềm trắc ẩn ngày nay. Hãy canh phòng, luôn luôn canh phòng trước mọi toan tính đố kị nhỏ nhen tầm thường và sự ham hố đồng tiền thái quá nơi con người. Nó ẩn chứa trong mỗi chúng ta từ kẻ tiểu tốt đến bậc quyền quý cao sang, nó là thuộc tính con người, mỗi khi trỗi dậy đã làm mất đi phẩm cách cùng vẻ đẹp tâm hồn con người... Tác phẩm hứa hẹn một triển vọng trong sáng tác của cây bút La Thị Cẩm Vân.

Miền Trung, đội ngũ những người chuyên tâm viết cho sân khấu chưa được tập hợp nhưng có thế mạnh không phải nơi nào có được. Mới chập chững như Cẩm Vân hoặc cao lão như tác giả Mịch Quang của Khánh Hoà đều mong muốn góp mặt. Đặc biệt là cây bút hăm hở đến nhiệt cuồng của nhà phóng sự báo chí xứ cát Quảng Bình Nguyễn Quang Vinh. Độc giả báo Lao Động thường bắt gặp những bài phóng sự bỏng rát nỗi đời của anh. Đó là những chuyện có thực đang diễn ra, những con người đang tồn tại, là bằng chứng sống, nhân chứng sốáng cho bao vấn đề nhức nhối ở miền gió cát. Tác phẩm văn học kịch VÚ CÁT của Nguyễn Quang Vinh tích tụ suy nghĩ đằm sâu cùng sự phẫn nộ chính đáng trước hiện thực xa xót ở vùng đất đã oằn lưng gánh chịu bao mất mát, thân thể đầy thương tích thời chiến, nay thời bình đang "đi ngược chiều gió" đêm đêm ngày ngày chống trả với thiên tai và sự lãng quên... để sống! Để sống làm người, là con người không xa lạ với những gì không xa lạ với con người... Chính vì thế Liên hoan không bất ngờ vì sao trong số 12 vở diễn tham dự, có tới 3 đoàn nghệ thuật thuộc ba kịch chủng khác nhau, ở 3 địa phương, đã đưa tác phẩm VÚ CÁT của nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Vinh lên sàn diễn. Và tới thời điểm này anh trở thành nhà biên kịch được các vị đoàn trưởng săn đón "đặt hàng" nhiều nhất. Tôi hy vọng "hiện tượng Lưu Quang Vũ" ở thập niên tám mươi sẽ tái diễn ở sân khấu Miền Trung, Miền Bắc, Miền Nam thì hạnh phúc biết bao cho kịch trường xứ ta ở những năm đầu của thế kỷ này.

Sự xuất hiện những cây bút trẻ, năng lực sáng tác nhiều suy tư, giàu tính biểu đạt, nồng nàn hơi thở đời sống đầy sóng gió là nguồn lực tiềm tàng cho cách tân và phát triển. Đấy cũng là sắc thái mới của sân khấu Miền Trung qua Liên hoan sân khấu khu vực năm 2003 này.

V.H
(174/08-03)

Các bài mới
Bà cụ Tuần (02/06/2009)
Các bài đã đăng
Về với chị (27/05/2009)
Cái tâm (27/05/2009)