Tạp chí Sông Hương - Số 243 (tháng 5)
Làng thời mở cửa
10:38 | 29/06/2009
NGUYỄN VIỆT HOÀLGT: Khi ánh sáng phản chiếu từ mặt trái đồng tiền ùa vào cánh cửa làng mở rộng, “sức nóng” của nó gần như thiêu rụi mọi nền tảng đạo đức một bộ phận không nhỏ đám thượng lưu gồm cả quan viên hương lý. Căn bệnh mà tác giả Nguyễn Việt Hoà mổ xẻ trong truyện ngắn dưới đây, dẫu chưa cao tay để diệt bằng hết những vi-rút-làng, song việc ngăn chặn một đại dịch bắt đầu là có thể...S.H
Làng thời mở cửa
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Thế kỷ hai mốt đã đi được một đoạn đường. Theo cái lẽ tự nhiên, thời gian cứ tịnh tiến thì sự nhố nhăng, trớ trêu trong đời sống cũng theo đó mà vơi bớt dần đi. Đó là ngoài thiên hạ, là ở đâu đâu. Còn ở làng tôi, quê tôi, dường như nó lại không tuân theo cái lẽ tự nhiên ấy thì phải. Cứ ngồi ru rú trong nhà, giúp vợ nấu nướng, bày cho con học, rảnh thì vặn rađiô hay bật tivi mà nghe, mà xem thì chẳng có gì phải nghĩ ngợi, phải ấm ức, cáu giận. Vợ tôi khuyên tôi vậy. Làm cái anh giáo trường làng, cái anh “phó thường dân” thì nên biết an phận. Ừ thì cũng muốn vậy. Nhưng tạo hóa cho hai con mắt, hai lỗ tai và cái não bộ, nó như cái cần ăng ten. Cứ đi ra ngoài là nó cảm ứng, nó tiếp sóng. Làm sao mà tuân thủ được sự khuyên răn của vợ. Nhưng rồi, sự đời có lúc cũng làm tôi trắng mắt. Kể ra, cái cách các bà vợ khuyên chồng an phận không phải lúc nào cũng thừa…

Sự trắng mắt nhớ đời nhất đối với tôi bắt đầu từ cái thằng cha Bất ở trong làng (tôi không biết gọi hắn như thế nào ngoài cách gọi này). Tuổi hắn mới hơn có năm mươi. Thời đi học, hắn nghịch như quỷ. Hắn chỉ học đến lớp năm, rồi bỏ. Giờ hắn là một trong những đứa giàu nhất làng. Chữ nghĩa không có là bao nhưng hắn dẻo mỏ, bẻm mép. Hắn giàu sang cũng như thiên hạ giàu sang thì mừng cho hắn, cho thiên hạ, có sao. Thành thử, mỗi lần hắn đến nhờ tôi viết giúp cho một giấy tờ gì (mà hắn nhờ từ cái giấy khai sinh trở đi), tôi đều giúp vô tư. Hắn cũng tỏ ra biết điều. Mỗi lần nhờ là hắn mang theo một túi hoa quả cảm ơn (sau này tôi mới biết hắn trả công chứ chẳng có ơn huệ gì!).

Tôi nhớ như in, cách đây ba năm, thằng Lâm con hắn học đến lớp sáu (bằng lớp năm của cha nó ngày trước) thì bỏ học. Thật, cha nào, con nấy! Muốn bỏ thì kệ cha con nó, vướng víu vào nó làm gì cho bận tâm. Đằng này, như trêu ngươi, nó lại rủ rê, theo đuôi nhau bỏ cùng một lúc. Mỗi lần tập trung chào cờ, ngồi trông xuống sân trường thấy vẹt đi một góc cũng nóng ruột nóng gan thật. Khốn nạn nữa, trong số học trò bỏ học, con nhà nghèo thì ít mà con nhà giàu lại là phần đông.

Thế rồi, đến kỳ họp, trưởng phòng giáo dục vừa đưa trường tôi ra bêu riếu vừa đe nẹt hiệu trưởng:

- Không vận động được học sinh trở lại trường thì viết đơn từ chức hiệu trưởng đi! Dạy dỗ gì mà để học sinh bỏ học như sung rụng vậy?

Về, hiệu trưởng lại trút sự ấm ức ấy lên đầu giáo viên như một cái khuôn:

- Mỗi giáo viên không vận động được ít nhất hai học sinh trở lại học thì viết đơn mà nghỉ dạy đi!

Với các giáo viên khác thì chẳng biết. Còn với tôi thì họa vô đơn chí, ách giữa đàng quàng lên cổ! Hiệu trưởng thấy tôi vừa có thâm niên vừa quen biết gia đình Bất nên giao cho tôi đến vận động thằng Lâm con hắn. Đúng là quen biết, và thỉnh thoảng giúp hắn chuyện giấy tờ nhưng thâm tâm tôi vẫn rất ngại. Sự đời như xương đầu cá rô, có giống như sách vở đâu. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn âm thầm chuẩn bị, chọn lựa bao “lời hay ý đẹp” về chuyện học hành để làm tư tưởng, thuyết phục cho cả nhà hắn...

Đúng như linh tính, tôi bị sụp đổ ngay từ khi mới “mở bài” xong.

- Cảm ơn thầy! - Tôi nhận ra cái giọng kéo dài mỉa mai của hắn. Học lắm mà làm gì thầy! Cháu nó biết đọc, biết viết là đủ rồi!

- Nhưng...

Tôi sắp chuyển sang “thân bài” thì đã bị hắn cắt ngang:

-Thì thầy coi, trong cái làng cái xã này, có ai học nhiều mà giàu có đâu. Tất cả đại gia ở làng ở xã này chẳng có ai học đến cấp ba, đại học cả? Thầy thấy tôi nói có đúng không?

Đấy, hắn tự xưng những đứa giàu có trong xã này là đại gia. Nghe đến trịch thượng. Hắn còn dùng câu hỏi để vặn lại tôi nữa! Biết những “lời hay ý đẹp” nói ra lúc này sẽ lạc lõng, vô duyên, phí phạm nên tôi cố nhịn để vớt vát chút sĩ diện. Nghĩ hắn là đầu óc củ chuối, tôi chẳng giữ ý giữ tứ, nói thẳng:

- Lắm tiền nhưng cái giấy khai sinh cũng có biết viết đâu.

- Thầy lắm chữ mà chậm hiểu. Thời này có tiền là sẽ có người viết, thầy ạ! Lâu nay tôi vẫn sòng phẳng với thầy là gì!

Đến đây, hắn lộ rõ kiểu ứng xử của kẻ chợ búa.Tôi tím mặt. Thật đắng cay, thậm tệ! Tôi cảm thấy trời như quay xuôi, đất thì đảo ngược đổi chỗ cho nhau. Mình như không phải là mình nữa. Mọi đường mòn trong tâm thức hình thành gần một đời dạy học như bị một trận lỡ núi vùi lấp ngổn ngang. Đầu óc tôi mụ mẫm, mặt mũi tối sầm…

Thế mà lạ chứ. Đêm đó, nằm gác tay lên trán, không hiểu sao tôi lại thấy hắn có lý. Có những cái hắn nói đúng. Có những sự thật hiển nhiên. Ngày trước hắn nghèo nhất làng, không, đúng ra là nghèo nhất xã, nhất huyện. Hắn nghèo đến mức có đến bốn đời vợ! Rễ khoai cũng không đủ ăn. Cái nhà tranh dột nát không đủ chỗ trú trong những đêm mưa nên vợ trước đến vợ sau đều lần lượt chào hắn mà đi không chút luyến tiếc! Cùng đường, hắn thế chấp mảnh vườn, vay vốn cho thằng con theo đường dây lậu sang Đức. Ở Đức chỉ bán thuốc lá lậu mà mỗi tháng con hắn gửi về cho hắn vài chục triệu. Thế rồi chẳng biết ai bày đường, con hắn nhảy phốc sang Anh trồng thuê cần sa. Từ Anh, hắn nhận được ba ngàn bảng mỗi tháng, bằng cả trăm triệu đồng Việt Nam. Hắn tưởng mình sống trong mơ! Có vốn, hắn đưa thêm hai thằng con nữa sang. Ba thằng con hắn từ chỗ làm thuê, giờ thuê cả người trồng, thuê cả nhà (ở Anh cần sa phải trồng trộm trong nhà). Từ đó, ba thằng đua nhau gửi về đều đặn mỗi tháng một tỉ. Cứ thế, hắn vác bì sọc xanh đi nhận tiền, giống như hơn chục năm về trước vợ hắn đi quét lá khô về đun. Còn hơn cả chuyện hoang đường, hắn như sống trong “ác mộng”! Điều đáng nói là, ba thằng con của hắn, đứa học dở cấp một, đứa học dở cấp hai. Vì thế, hắn cho thằng Lâm - con út, nghỉ học để nối gót ba thằng anh nó. Học hành mà làm gì. Vậy mà, không hiểu sao tôi lại ngu xuẩn, gan góc, đâm đầu đến nhà hắn để vận động con hắn trở lại trường (!). Có sự hài hước nào hơn như thế. Vài cái lời lẽ sáo mòn, tẻ nhạt, rỗng tuếch làm sao mà chinh phục một sự thật đồ sộ, hiển nhiên như vậy cơ chứ!

Giả như, chỉ riêng có nhà hắn thì tôi sẽ cho là cá biệt, không có tính “điển hình”, “phổ biến” để bảo vệ cái tư duy như cái khuôn đúc lâu nay. Đằng này, bấm trên đầu ngón tay, trong cái xã này, có đến hơn hai chục đại gia như hắn. Nhà nào cũng có một đến hai đứa ở Anh, đều học chẳng đến đầu đến đũa. Nhưng bố mẹ thì cứ hàng tháng vác tiền tỉ về.

Chuyện đó đã lạ rồi nhưng dẫu sao tiền Tây thì cũng còn tin được. Lạ lùng nữa là trong xã có sáu đứa: thằng Thìn, thằng Vượng, thằng Mão, thằng Luông, thằng Hướng, thằng Tính tuổi chưa đầy bốn mươi, chẳng cần đi Tây đi Tàu, chỉ buôn bán thôi mà cũng đều trở thành tỉ phú, đại gia. Tất nhiên là chúng buôn bán siêu đẳng, hàng độc.Thiên hạ đoán già đoán non thế. Và đúng thế. Vì đôi ba lần, khi thì đứa này bị bắt đang chở hổ ướp, khi thì đứa kia đang vận chuyển ngà voi hay đang bán sừng tê giác. Bị bắt nhưng mọi chuyện đều êm đẹp chứ chẳng đứa nào trắng tay, sạt nghiệp như người ta tưởng. Buôn bán siêu đẳng nên đứa ít cũng phải trên dưới chục tỉ. Riêng thằng Vượng phải hơn vài ba chục. Tiền Vượng nhiều đến không ai có thể hiểu nổi. Trong địa hạt có nhà thờ nào xây là ở đó có “mạnh thường quân” Vượng. Mỗi nơi phải vài ba trăm triệu. Với bán kính năm cây số, xã nào có đất mặt đường đấu thầu, vào tay Vượng hết! Ai cũng chặc lưỡi, cũng suy diễn một cách độc địa - tiền ấy chỉ có buôn heroin!

Điều kỳ lạ mà tôi cũng không thể hiểu nổi nữa, là trong sáu đứa, bốn đứa chưa học qua cấp một! Hai đứa học dở lớp bảy, trong đó có Luông! Có giấy tờ gì buộc phải ký và ghi rõ họ tên thì người khác khó lòng mà đọc được tên của mấy đứa vì cứ tưởng đó là chữ Ả Rập(!).

Khuya lắm rồi, tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Đời cũng đã gặp lắm đắng cay nhưng chưa lần nào tôi thấy lòng tự trọng bị xâm xỉa đến như vậy. Chưa bao giờ tôi phải đối diện một sự thật đến đồ sộ. Cũng chẳng phải tôi từ trên trời rớt xuống, hay xa quê lâu ngày như chàng Nhuận Thổ của Lỗ Tấn. Tôi đã từng là anh giáo (giờ là ông giáo) ngót nghét gần bốn mươi năm dạy ở trường làng. Tôi rành rẽ mọi chuyện chứ có phải bây giờ mới biết đâu. Nhưng không hiểu vì sao, bao nhiêu năm trời, tôi cứ ôm khư khư một cách nghĩ, cố giữ lấy một cách nhìn. Một cách nhìn luôn bị khúc xạ của một lăng kính. Tôi cứ cho rằng, lắm tiền mà ít chữ thì cái sướng bị mất đi một nửa. Học ít thì đầu óc đâu mà thẩm thấu được hết sắc màu của đời sống. Giàu kiểu đó thì có ngày bóc lịch, dựa cột.

Thật là không hiểu, sao tôi lại cố chấp như vậy? Hay đó là sự ghen ăn tức ở mà chính tôi cũng không nhận ra, chính tôi tự dối mình? Quả như hắn nói, những người học hành đến nơi đến chốn ở cái làng cái xã này, cặm cụi một đời, ki cóp một đời cũng không bằng một đêm chơi gái cao cấp của mấy đứa. Một đời, tôi chỉ chắp vá được ba gian nhà cấp bốn. Còn nhà của mấy đứa là những biệt thự đời mới. Phòng nào cũng ốp pơmu, lát, đinh hương. ốp cả sáu mặt. Mùa hè rười rượi chẳng cần máy lạnh. Ai bước vào lần đầu cứ tưởng như lạc vào cung vua, phủ chúa thâm nghiêm. Một đời giỏi lắm tôi cũng chỉ tậu được chiếc Jupito, Dream. Thế cũng là đỉnh rồi, oai rồi. Vậy mà mấy đứa thi nhau đổi hết Toyota Camri đến Ford Everét rồi Mercedes...

Rõ là mình ghen tuông rồi còn gì. Mình quá nhỏ nhen, lạc lỏng rồi còn gì. Cái chữ,
cái nghĩa mà mình từng đề cao, vỗ ngực có nghĩa lý gì trước các tỉ phú? Mình có “khúc xạ” theo kiểu Đônkihôtê thì khi nhìn lại, mình vẫn là mình, đại gia vẫn là đại gia!

Đó là chuyện cái đầu ngốc nghếch của tôi mấy năm về trước. Bây giờ, sự khờ khạo, ngây ngô trong đầu tôi đã được đổi chỗ bằng sự “thông thái” một cách thần diệu! Cuộc sống luôn biến thiên. Mọi chuyện trên đời này đều có thể xẩy ra, đều có thể song song tồn tại. Nó xẩy ra, tồn tại ngoài cả ý muốn. Không biết đó có phải là quy luật? Có lẽ thế nên bao nhiêu chuyện tréo ngoe ở cái làng, cái xã này như cái gai bồ kết đâm vào tròng mắt, tôi cũng chẳng thấy nhói đau. Cái bản năng khó chịu, bất bình trong tôi không biết nó triệt tiêu tự lúc nào. Và cũng chẳng biết tự lúc nào, tôi quen dần lối sống “ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau” của những kẻ có thế lực diễn ra hàng ngày, giữa thanh thiên bạch nhật.

Oái oăm thay, sự thích ứng ấy trong tôi lại bắt đầu từ sự khuynh đảo của những tỷ phú mà tôi đã kể ở trên. Nó phá vỡ những gì cổ lỗ sĩ tưởng như đã quánh đặc lâu nay trong đầu tôi. Giờ đây, những tỷ phú này đã được ông Chí, chủ tịch xã tôn sùng là nhóm “G7”. Ông đắc chí với cách gọi ấy của mình lắm.

Thế rồi, nhóm “G7” cùng với ông Chí đã phù phép đưa đại gia Luông vào hội đồng nhân dân trước sự sững sờ của cả làng cả xã. Trong bụng, ông là người hiểu rõ nhất sự phù phép ấy rất khó coi. Nhưng bên ngoài, ông lại tỏ ra mình là một cán bộ nhạy cảm với thời thế. Ông phân bua trước mọi người:

- Chúng ta không nên bảo thủ. Phải thay đổi thế giới quan về lớp trẻ.- ý ông muốn nói đến nhóm “G7”- Thời này có giỏi người ta mới làm giàu được, mới trở thành được tỷ phú. Sách vở có khi người ta học ít nhưng đường đời người ta lại học nhiều. Chữ có khi ít nhưng nghĩa có khi lại nhiều!

Ông nói thì ông nghe. Còn bàn dân thiên hạ thì lắc đầu chép miệng. Họ không “bắt tận tay, day tận mặt” chứ họ thừa biết chuyện gì đã xẩy ra. Một tỷ phú trong nhóm “G7” đã khoe với anh bạn tôi về cái chiêu, sự phù phép của những “tờ giấy màu” để dắt mũi ông Chí và các vị trong “tứ trụ triều đình” của xã. Từng trải giữa thương trường nên các tỷ phú có thừa sự ma quái. Ma quái của nhóm “G7” là “đi đêm”, đánh lẻ vào những thói tham của từng quan xã. Những cuộc rượu bất tận; “nem công chả phượng” ở chốn “bồng lai”; những “phong bì” mà một “xếp giấy màu” trong đó bằng cả chục năm trời các vị nai lưng ra làm. Tất cả đều bất bại! Thế vẫn chưa đủ. Để xâu mũi các vị, nhóm “G7”đã không thương tiếc ghi lại cảnh “tiên sa cá nhảy” ở chốn “bồng lai”. Nhờ những hình ảnh “ngoạn mục” sinh động này mà từ đây, các vị biến thành những rô bốt cho nhóm “G7” điều khiển từ xa.

Cũng không phải ngay từ đầu, các vị chịu sự bấm nút điều khiển. Khi nghe nhóm “G7” bộc lộ ý đồ, ông Chí giãy nãy:

- Cái gì! Tai tôi có điếc không đấy? Vào hội đồng mà ăn cám à! Để làm chuyện lạ như VTV3 à!

Đến khi biết không phải là chuyện đùa, ông Chí đay đãy:

- Thằng Luông chưa học hết cấp hai thì làm sao giới thiệu dược vào hội đồng! Hơn nữa, nó đã có tiền án...

- Chuyện đó nhỏ hơn con thỏ! - Vượng, được suy tôn nhóm trưởng “G7” trấn an chủ tịch Chí. Anh không biết sáu năm đi làm trong miền Nam (thực chất là sáu năm Luông bỏ trốn sau khi gây án), nó đã học xong bổ túc cả cấp hai và cấp ba rồi còn gì. Còn việc bị “cớm” đuổi trước đây, xong rồi, trắng rồi!

Ông Chí và mấy vị cùng hội thấy việc không đơn giản, khó lòng mà làm được, đành đánh bài lẫn. Nhóm “G7” gửi ngay cho mỗi vị một đĩa hình ghi lại cảnh nguyên thuỷ của chính các vị, không cần kèm theo một lời nào. Mấy ngày sau đó, vị nào mặt mũi cũng bơ phờ, hốc hác, không cười, không nói năng gì. Quả ngọt đã trở thành quả đắng! Không có đường lùi, các vị đành phải chịu sự bấm nút của các tỷ phú. Trong một tiệc rượu, thằng Vượng thay mặt nhóm, xoè hai cái bằng tốt nghiệp bổ túc của Luông ra trước mặt ông Chí:

- Thế này thì chủ tịch đã yên tâm chưa?

Ông Chí thừa biết sự phù phép của hai cái bằng tốt nghiệp. Ông cười một cách cay đắng rồi giao kèo:

- Được rồi, tôi và chủ tịch mặt trận sẽ đảm nhận phần việc làm thủ tục. Còn chuyện bầu bán các vị tự lo lấy?

- Tất nhiên rồi! Nhưng chủ tịch phải xếp Luông được bầu ở “xứ sở hoa hồng” đấy?

 Trước ngày bầu cử, Vượng và nhóm “G7” đã nhiều lần mở chiến dịch vận động cử tri trong làng. Cứ mỗi lần như thế là cả làng được uống bia no say. Có người thấy chướng tai gai mắt bỏ về, không thèm uống. Họ không quen cái kiểu lấy lòng cử tri kiểu như thế. Kiểu đó là ở bên Tây. Mình là xã hội chủ nghĩa. Lại có người bẻ: đó là lối nghĩ cố hữu. Thời này khác rồi, đổi mới rồi. Suy cho cùng, họ mời bia mời rượu dân làng thì có gì sai? Uống thì uống, còn bỏ hay không là quyền mình, phải không nào?

 Đến ngày công bố kết quả, Luông đã trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân xã với số phiếu tối thiểu nhất. Chỉ thế thôi cũng là quá viên mãn của một sự phù phép rồi.

Nghe xong chuỵện, anh bạn tôi không hiểu nổi, tỷ phú thừa tiền như thế vào cái chân đại biểu hội đồng xã làm gì? Làm chủ tịch hay phó chủ tịch thì chẳng đến phần. Làm cái anh đại biểu trơn thì cũng chẳng để làm gì. Hay thừa tiền, sướng quá không chịu nổi nên phát điên, phát rồ ra? Chơi nhởi nhiều quá, chán quá rồi bây giờ thích ngồi họp? Suy diễn mãi chẳng thấy giả thiết nào có lý cả, anh bạn tôi đành căn vặn mấy đứa:

- Tôi thật không hỉểu, các vị bày trò ra như thế để vào hội đồng làm gì, được cái gì?

Vẫn thằng Bất nhanh mồm và vẫn cái giọng cao ngạo của kẻ lắm tiền:

- Thầy giáo nói đùa đấy chứ? Thầy giáo nhiều chữ hơn bọn em cơ mà! Cái trò của chúng em cũng như một cuộc chơi!

 Nghe vậy, anh bạn tôi ngơ ngác. Anh là giáo viên dạy toán. Có lẽ anh quen với “tư duy lôgic” nên vẫn không hiểu được sự móc máy của những tỷ phú thừa tiền.

Một lần khác, tôi được Tính - tỉ phú duy nhất trong nhóm “G7”, còn nhớ tình thầy trò, mời tôi đến dự khai trương nhà hàng “Gió Núi” ở tận thị trấn huyện. Nghe nói, Tính đầu tư vào nhà hàng này đến ba tỉ. Mọi người còn xì xầm, nhà hàng có phòng “cơm đút”! Tôi định không đi. Anh bạn tôi (cũng được Tính mời) rủ:

- Ngày khai trương chưa bán cơm đút đâu. Mà phòng cơm đút chỉ dành cho các tỉ phú, các sếp. Đâu đến ta. Anh cũng thông cảm cho Tính, bây giờ kinh tế thị trường, không như trước đây nữa. Không có phòng lạnh, phòng karaoke, phòng matsa, phòng cơm đút, không có các tiếp viên đẹp thì không rút ruột được các sếp, các tỉ phú.

- Không phải vậy. Những thứ đó cái đầu mình “thấm nhuần” từ lâu rồi. Mình chỉ ngại, mình sẽ lạc lõng giữa những bợm dời. Uống rượu mà lạc bầu lạc bạn thì khác gì uống nước lã!

- Thì đến đó ta chọn bạn mà ngồi chứ anh? Nó đã thịnh tình mời thì nó biết sắp xếp chứ?

Nghe xuôi tai, tôi nhận lời đi. Rất chu đáo, Tính đã bố trí thằng Mão đánh Toyota đến tận cổng đón tôi. Tôi định từ chối nhưng trên xe đã có chủ tịch Chí, và Hoàng bạn tôi. Tôi chỉ còn một cách là lên xe đi cùng.

Tôi thật sự choáng ngợp khi một xã có hơn hai mươi chiếc xe hơi nối đuôi nhau nườm nượp như diễu hành. Toàn xe xịn, đời mới, bóng lộn, đậu kín sân nhà hàng. Nếu có ai ở Hà Nội, Sài Gòn về đây thì cũng không tin được một vùng quê xa phố phường lại có nhiều tỉ phú đến vậy, biết xài sang đến vậy. Họ càng không thể hiểu nổi, dân quê thì làm cái gì mà trở thành tỉ phú được cơ chứ? Rồi họ cũng đâu biết, thời nay, từ cái nghèo rớt mồng tơi đến tỉ phú có khi chỉ trong tích tắc. Như thằng Tủng, con trai thứ ba của Bất chẳng hạn. Đang ăn ở trong căn nhà ọp ẹp, một đàn con lít nhít, nheo nhóc. Đùng một cái, hai thằng anh rải tiền lót đường cho nó bay sang Anh. Sang Anh, chẳng biết nó có làm gì khác nữa (ngoài việc trồng cần sa và cả đi “thu hoạch hộ” cần sa như hai anh nó), mà mỗi tháng nó gửi về cho vợ mười ngàn bảng. Ba tháng nó thành tỉ phú. Ba tháng nữa, vợ hắn cất ngôi nhà ba tầng lừng lững bên bờ sông. Nếu cứ đà này, không biết chừng nó giàu nhất thiên hạ cũng nên…

Nhà hàng “Huynh Đệ” của Tính cũng làm tôi không ít choáng ngợp. Giữa lúc gỗ đắt hơn vàng thế nầy mà một nhà hàng hai tầng được thiết kế lắp ghép hoàn toàn bằng gỗ quý. Từ sàn lên tận mái chỉ có gỗ, lại được phun sơn PU tạo nên một không gian sáng rực sang trọng. Cột nào cũng găm mặt nạ bò rừng, mặt nạ sơn dương, sừng hươu, gạc nai…gợi vẻ dữ tợn khác thường. Tôi có cảm giác, nhà hàng này chỉ dành cho khách đi xe bốn bánh.

Rồi bữa tiệc khai trương chẳng phải như tôi và bạn tôi đã hình dung ở nhà. Đó là một bữa tiệc đứng mà lần đầu tiên tôi được dự. Tiệc đứng nên chẳng có mâm cố định. Khách tầng một có thể leo lên tầng hai; khách tầng hai lại có thể lộn xuống tầng một. Cứ thế mà vòng vèo. Khách đi chúc tụng có thể không cần quay về chỗ ban đầu nữa. Cả nhà hàng như một dòng chảy, ồn ã, hỗn độn. Các gã trai lơ, các ả nàng đã luống tuổi đều chuếnh choáng men, vuốt má nhau, ôm hôn nhau chùn chụt, tự nhiên như Tây. Ai cũng tỏ ra mình sành điệu. Hình như khi lắm tiền, người ta thấy mình có một cái quyền gì đó, có thể sống khác người thì phải. Cách ăn uống tiệc tùng này làm tôi cũng không hiểu ra làm sao nữa. Có lẽ cái nếp ăn uống, sinh hoạt xưa nay sau luỹ tre làng đang bị công phá do cũ kĩ, cục mịch quá rồi?

Trong bữa tiệc, đúng như linh tính, tôi và bạn tôi có cảm giác lạc lõng thật. Tôi quen nhiều bạn bè nhưng lại ít quen các thương gia, tỉ phú. Mà bạn bè thì không có ở đây. Thành thử tôi chẳng phải lộn quanh lộn quéo. Đứng một chỗ nhưng tôi phải đụng mặt gần hết các tỉ phú, quan khách. Đều là những lời chào xã giao, vội vã, những câu chúc muôn thuở, rỗng tuếch. Chúc như thế để làm gì nhỉ? Hay bây giờ người ta sống với nhau như thế? Cứ thế, cả nhà hàng người ta thi nhau đi chúc tụng. Còn tôi lúc đầu thấy cái gì cũng lạ lẫm. Sau, quen dần.

Buổi đại tiệc kéo dài từ mười một giờ đến hai giờ chiều. Tiệc tùng gần tàn thì mỗi khách nhận được một giấy mời xuống khách sạn Bãi Lữ để nghỉ. Lần này tôi và bạn tôi được Tính gửi lên xe của Vượng cùng với chủ tịch Chí. Sợ mình lại sắp rơi vào tình thế lạc lõng khó xử khi xuống khách sạn, tôi nhờ chủ tịch Chí nói với Vượng tạt xe qua nhà cho chúng tôi về. Tôi nói dối là hơi quá chén. Thực ra, “cắt đuôi” lúc này là đắc sách nhất.

Trên đoạn đường hai mươi kilomet về nhà, tôi và bạn tôi lại được chứng kiến quyền uy của đồng tiền. Cái quyền uy mà tôi tưởng chỉ có trong truyện Kiều ngày xưa mà chúng tôi dạy cho học sinh.

Xe vừa chạy được một đoạn đường, Vượng điện thoại cho Mão:

- Mày đánh xe lên nhà riêng đón lão Hành nhé. Lão ranh ấy không để mang tiếng ở những bữa rượu như trưa nay đâu. Lão chỉ “ăn đêm” thôi. Tao điện nói có con “gà non”. Nghe vậy lão híp mắt lại rồi.

Chủ tịch Chí điện mời người nào đó có tên là Xích. Không biết ông bấm nhầm loa ngoài hay ông cố ý bấm cho mọi người trong xe cùng nghe. Nhờ đó mà tôi và bạn tôi mới nghe được tường tận cú điện thoại này:

- Chuẩn bị đi, khoảng hai rưỡi xe qua đón nhé!

- Chuẩn bị cái gì? Lúc nào cũng sẵn, làm gì phải chuẩn bị? - sau câu nói là tiếng cười hô hố.

- Thế không phải viết kịch bản à?

- Kịch bản cũng sẵn rồi. Mỗi lần đi, diễn một tiểu phẩm. - Lại cười hô hố - à này, nói với thằng Vượng, lần trước gà béo nhưng hơi già. Lần này kiếm con gà
tơ, mượt lông ấy.

Ông Chí đưa điện thoại cho Vượng. Vượng tiếp:

- Trại em hôm nay có cả “U” mười sáu, mười bảy. Không để anh thất vọng đâu.

Điện thoại lại đưa cho ông Chí:

- Cứ thế anh nhé.

Ông Chí gấp điện thoại, Vượng cười mỉa mai:

- Được voi đòi tiên! Chê gà già mà cũng “nhắm” suốt đêm!

Điện thoại của Vượng lại có tiếng mèo kêu. Nghe Vượng nói, tôi biết thằng Luông gọi:

- Cái gì? “Sư tử Hà Đông” đòi đi cùng à? Thế “cụ khốt” không biết làm “con lừa” à?

- Lão Nhường phải không? - Ông Chí hỏi xen vào.

Vượng gật đầu và nghe tiếp điện thoại.

-...

- Không được! Đưa mụ đi để khoe tổ chuồn chuồn à?

-...

- Thôi thế này! Mày “đấm” cho mụ một “xấp”, nói là nhờ anh Nhường đi giải quyết công việc. Nhớ là đưa như đưa ngoài chợ ấy, không phong bì phong biếc gì hết. Cho mụ hoa mắt lên!

Khoảng mười phút sau, tiếng mèo lại kêu lên từ điện thoại của Vượng. Vượng tỏ ra đắc chí:

- Biết mà. Đàn bà nào thì cũng một giống cả!
...

Về đến nhà, tôi và bạn tôi như được thoát ra khỏi mê cung. Rót đầy hai cốc nước lọc, chúng tôi chẳng nói chẳng rằng, cùng tu ừng ực một hơi khoan khoái. Tĩnh tâm lại, anh bạn hỏi tôi:

- Anh có biết, ba người có tên là Hành, Xích, Nhường mà ông Chí và thằng Vượng gọi đi gọi lại khi ngồi trên xe là ai không?

- Không biết nhưng chỉ là mấy thằng vớ vẩn, cùng hội cùng thuyền với nhau chứ còn ai.

- Thế anh có biết “gà non, gà già” là gì không?

- Thú thật, lúc đầu mình chẳng biết. Đến khi thằng Vượng nói “U” mười bảy, mười tám mình mới ngờ ngợ...

- Anh có tin, lão Hành chính là viện trưởng viện kiểm sát, Xích là đội trưởng đội hình sự công an, và Nhường là ở toà án.

- Đừng võ đoán thế mang tiếng người ta. Đó là sự trùng tên ngẫu nhiên đấy - tôi cãi lại - Cậu không nghe, khi thằng Vượng gọi điện thoại, nó nói xách mé à?

- Anh vẫn ngây thơ. Nó ít tuổi nhưng đồng tiền của nó lại nhiều tuổi!.

Đến đây, tôi như người vỡ mộng. Cái đầu của tôi được xem là thông thái nhưng không có nghĩa cái gì tôi cũng biết. Thì đấy, dự khai trương nhà hàng, ngồi xe của thằng Vượng, chuyện phơi ra trước mắt nhưng cũng phải nhờ anh bạn “phiên dịch” lại tôi mới thẩm thấu được. Sự “thần diệu” trong cái đầu của tôi là khi hiểu sự việc rồi, tôi không còn cảm giác lạ lẫm nữa. Không còn băn khoăn, tức tối nữa. Và cả không còn khó hiểu. Rõ là, cuộc sống vẫn tồn tại ngoài ý thức. Trước, tôi chỉ biết nhìn nó bằng cái vẻ mượt mà, êm ả ở mặt ngoài. Giờ, tôi biết thêm cả mặt trong xù xì, tởm lợm của nó.

Chuyện tản mạn trong cái đầu vừa ngốc nghếch vừa thông thái của tôi là như vậy. Tôi đã ghi chép lại vào sổ tay, quẳng vào xó bàn và coi đó như một chuyện cá biệt của làng mình, xã mình. Tôi đinh ninh, sẽ chẳng bao giờ gửi in để chia sẻ với bạn đọc.

Ấy mà, đêm nay tôi lại làm cái việc mà tưởng chẳng bao giờ làm. Bởi mấy ngày vừa qua, làng xã tôi bỗng dưng có chuyện động trời. Đầu làng cuối xã náo loạn cả lên. Gặp nhau bất cứ đâu là người ta xì xồn, xì xào với nhau chuyện động trời ấy…

Nàng Thu Quế - nhân vật tôi chưa hề nhắc đến trong thiên truyện của mình, phát bệnh. Nàng Thu Quế cũng là một tỉ phú. Tiền tỉ của nàng được đánh đổi bằng cái vốn tự có của mình. Thân hình cao ráo, nước da trắng bóc, bộ ngực luôn căng tròn đầy khêu gợi. Trừ một chuyện không khêu gợi: nàng là đứa khinh thường chữ nghĩa! Nàng đã có một gia đình. Nhưng lý tưởng của đời nàng là tiền. Chồng nàng chẳng thương tiếc gì loài hoa không hương không nhuỵ. Thế là, sau những lần bắt được nàng đi bán hoa mang từng xếp tiền về, chồng nàng thả cho nàng tự do đi hoang. Và nàng đã đi hoang với tất cả các tỉ phú trong làng trong xã suốt mấy năm trời để rồi nàng cũng trở thành một tỉ phú như ai. Rồi các tỉ phú lại lấy nàng làm mồi để nhử những con cá to... Cho đến khi tiền nàng vừa đầy két thì thân thể nàng cũng bắt đầu héo quắt như tàu lá chuối bị đốt lửa. Tưởng chỉ vì đi hoang quá công suất làm cho cơ thể nàng tàn tạ đi nhưng không phải, nàng đã nhiễm HIV từ mấy năm trước, giờ đã chuyển sang AIDS.

Nàng chết là đương nhiên rồi. Nàng chết chẳng ai thương tiếc, thậm chí còn được thiên hạ rủa là đằng khác. Rồi nàng chết cũng chẳng có gì là động trời cả. Chuyện động trời là nàng đã biết rửa hận đời bằng một bản “di chúc” có một không hai. Trên trang giấy học trò nhàu nát, nàng đã kê nguệch ngoạc hàng chục tỉ phú, đại gia, quan chức từng làm đĩ với nàng. Và nghĩa là, bảy tám năm sau, sẽ có một đại dịch ở cái làng, cái xã này.

N.V.H
(243/05-09)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ba lần gặp Bác (19/06/2009)