Người ta quen gọi anh là nhạc sĩ cũng đúng. Vì anh bén duyên với âm nhạc từ năm 1956, sau khi cởi lốt áo thiếu sinh quân Nam tiến hồi cách mạng tháng 8 và sau khi tốt nghiệp khoá II trường âm nhạc nay là Nhạc viện Hà Nội. Tuy gửi hồn mình vào thế giới cầm ca không chuyên nhưng hoạt động chính của anh lại là ngành văn hoá thông tin, trên địa bàn từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Đúng hơn, nếu "phần số thăng hoa" anh có thể trở thành cán bộ chủ chốt ngành văn hoá thông tin cấp tỉnh hoặc cao hơn. Vì anh đã từng được lựa chọn đi học lớp chuyên tu 2 năm, đào tạo toàn diện về văn hoá nghệ thuật thông tin từ mỹ học, mỹ thuật, đến các chuyên ngành sân khấu, tuồng chèo, hội hoạ, sáng tác và cả phong trào văn nghệ quần chúng nữa... Anh đã trở thành ứng cử viên sáng giá trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngành! Thế nhưng trên 40 năm lăn lộn trong ngành anh vẫn là người lính chiến - "người đá suốt đội hình, qua hầu hết các vai thủ thành, hậu vệ, tiền vệ, trung phong, tiền đạo... cho đến ngày nghỉ hưu.
Với phong độ chân chất xởi lởi, nhiệt tình sẵn có anh vừa bắt tay tôi vừa sa vào bàn viết và tủ sách kề bên lục tìm tài liệu gì đó và nói với tôi:
- Ông ngồi chơi, rót nước uống! Tôi cho ông xem cái này.
Anh hồ hởi khoe:
- Đây là tập bản thảo mới của tôi sắp in ở nhà xuất bản Thuận Hoá.
Anh chìa trước mặt tôi: Tuyển tập ca khúc và ca cảnh thiếu nhi với tiêu đề "Mặt trời tí hon" trình bày khá công phu, và bản báo cáo danh sách tác phẩm của anh dự giải Cố đô của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức 5 năm một lần.
Tôi dẹp gọn các tài liệu đó sang một phía và ôn tồn nói với anh:
- Xin lỗi anh Hoà. Đề tài về âm nhạc, nhất là những tác phẩm dành cho thiếu nhi của anh nhiều bài báo đã giới thiệu như là: "Nhạc sĩ Mai Xuân Hoà người bạn già của các em" hoặc bài "Chỉ làm quả bóng cho mặt trời tí hon" hay chương trình văn nghệ giới thiệu tác giả tác phẩm do Đài phát thanh, truyền hình Thừa Thiên Huế thực hiện, tôi đã nghe và đã đọc cả rồi. Hôm nay tôi gặp anh chỉ đề cập đến đề tài khác. Ngón nghề tay mặt của anh kia.
Như gáo nước tạt ngang nguồn hào hứng. Mặt anh thoáng gợn nét buồn hụt hẫng, rồi trấn tĩnh tiếp lời tôi:
- Ông muốn nói đến vấn đề văn hoá thông tin phải không? - Vâng.
Tôi muốn vào đề ngay nhưng rồi lưỡng lự đảo mắt nhìn quanh gian phòng khách. Nơi đây gần một năm trước anh đã tiếp tôi. Ấn tượng về một gian phòng giống như khu bảo tồn văn hoá, trưng bày các mẫu vật thể của mô hình văn hoá quần chúng vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Ở phía phải gian phòng là dáng dấp một thính phòng với nghi thức tổ chức lễ mừng thọ cho các bậc cao niên. Cảnh trí gồm mấy tấm pa-nô kẻ chữ "Phước, Lộc, Thọ" trên các tranh cách điệu hình mai, lan, trúc dựng sát vào nhau làm phông chắn trước bục gỗ vuông, sơn son thiếp vàng, trên đó đặt chiếc ghế tai ngai cũng sơn son thiếp vàng, kẻ hoa văn mang họa tiết cổ xưa như trống đồng Ngọc Lũ. Nơi đó làm chỗ ngồi trân trọng của ông bà cháu con chúc mừng lễ thọ. Hai bên bục chính lễ treo các bức tranh sơn dầu vẽ trên bạt ni lông theo bút pháp nghệ thuật dân gian hình ảnh 4 cô tố nữ, biểu tượng cho 4 lĩnh vực nghệ thuật: cầm kỳ thi hoạ. Mô hình mẫu của nếp sống hiếu nghĩa gia phong vốn có của Huế và Việt Nam tạo dựng lại được có ý nghĩa biết nhường nào.
Ở góc sân gần đó là cảnh một sân chơi văn nghệ quần chúng. Ở đây đặt hai chiếc trống, một lớn và một nhỏ, sơn son thiếp vàng, vẽ hoa văn mây rồng cách điệu đặt trên 2 giá gỗ. Bên cạnh đó đặt hai cối giã gạo bằng gỗ chạm trổ bốn góc, đông, tây, nam, bắc. Trên mỗi chiếc cối xếp gọn 4 chiếc chày bằng gỗ, chuốt láng sơn son, nổi bật trên màu xanh lá cây.
Ngày đó, anh còn đưa tôi xem những bộ trang phục ứng dụng trong các lễ hội, như áo dài chữ thọ, khăn đóng, giầy da cá lóc bằng gấm đỏ cho cụ ông và áo dài in hoa, khăn vành, hài thêu cánh phượng bằng gấm xanh cho cụ bà; mấy bộ áo dài nối vai dành cho các cô hò giã gạo; và cả nội dung những bài ca, bài hò đậm nét văn hoá nói lên lòng tôn kính hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, anh cũng đã nhờ các nhà văn, nhà thơ soạn sẵn.
- Ôi! Công trình kể biết mấy mươi Mà sao chẳng thấy có người hỏi han.
Tôi buột miệng hỏi anh:
- Anh Hoà, những mẫu vật anh trưng bày ở đây đâu rồi?
Giọng điệu buồn anh trả lời gọn lỏn: - Dẹp rồi!
Tôi tiếc rẻ hỏi lại:
- Không để lại mà chào hàng nữa sao?
Anh liền phản ứng:
- Nhiều người cũng hỏi tôi như ông. Khổ quá! Các ông chẳng hiểu gì hết. Cái tôi làm ra là sự khảo cứu một mô hình văn hoá nghệ thuật mang tính đặc thù của Huế chứ có phải món hàng thương nghiệp đâu mà phải chào hàng, chào họ.
Tôi vội ngắt lời anh:
- Đây không phải là món hàng thương nghiệp, nhưng nó là tác phẩm là công trình khảo cứu đầy tâm huyết và công phu cần phải có thuyết minh giới thiệu để mọi người biết được ý đồ, tầm vóc tư tưởng, tính khả thi đến mức nào để có thể tuyên truyền thử nghiệm trong thực tiễn cho mọi người biết và chấp nhận nó. Anh đã bỏ công sức tiền của ky cóp được từ đồng lương hưu chật hẹp mới có công trình như vậy, chả lẽ bỏ xó được sao?
Anh nhấp một ngụm trà, nuốt ực ít nhiều cay đắng trong lòng rồi phân trần tiếp.
- Ý tưởng ban đầu của tôi nó đơn sơ và ước mơ nho nhỏ thôi nhưng cái tâm vì quê hương, vì nghệ thuật, vì truyền thống văn hoá thấm đậm vào cảnh sắc núi Ngự sông Trăng vào nét đẹp thi ca đời này qua đời khác. Đến ngay tận bây giờ chúng ta chỉ biết đào bới, hái lượm sử dụng đến cạn kiệt mà không ươm trồng vun xới những mầm mới nhân bản mới phổ cập tận làng quê sông, suối, núi đồi, tạo thành những vườn cảnh xanh tốt, giữ lại cho con cháu mai sau. Có như vậy trong các lễ hội dân gian được tổ chức mới nảy sinh những phường, nhóm. Từ những cuộc thi hò giã gạo, thi hát đối đáp, qua đó mới phát hiện những nhân tài, hạt nhân mới, bổ sung vào đội ngũ văn nghệ của địa phương ta. Tôi nghĩ sự đề xuất, và sự tạo dựng thành mô hình trưng bày trong phạm vi hẹp của tôi mới chỉ là phác thảo ban đầu như một đốm lửa nhỏ, cần có sự tiếp ứng khác thổi bùng lên thành phong trào, thành rừng đuốc thiêng sáng lên trong cuộc sống chúng ta hiện nay.
Tôi tỏ thái độ đồng cảm rồi phát biểu với anh:
- Anh có ý tưởng tốt và tạo dựng được mô hình mới, sao không làm tiếp bước thể nghiệm đưa vào cuộc sống, lại bỏ xó thì đáng tiếc quá.
Nét mặt đầy vẻ chán chường, anh thốt lên những điều ngao ngán:
- Sức của tôi đến đó và dừng lại ở đó. Tôi có báo cáo việc làm này với các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hoá Thông tin. Các đồng chí rất hoan nghênh và gợi ý câu lạc bộ hưu trí ngành đứng ra hỗ trợ thực hiện. Rất tiếc câu lạc bộ hưu trí chỉ mạnh về mặt tinh thần, còn vấn đề "đầu tiên" như mọi tổ chức đặt ra thì không có. Cho nên công trình này của tôi dần dần rơi vào im lặng và lãng quên.
Tôi tỏ ý tiếc cho cung đàn "Bá Nha" không được cái tai tri âm tri kỷ của "Chung Tử Kỳ" hưởng ứng rồi nói lên mấy lời động viên an ủi:
- Dù sao nó cũng là đứa con tinh thần của anh nó đã thành hình, nó phải được sống, nó phải được giới thiệu chào hàng như bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào khác. Tôi có nghe anh Hồ Ngọc Ánh nói: Trong dịp anh đến thăm Quảng Bình, anh có gặp cán bộ văn hoá huyện Lệ Ninh và giới thiệu mô hình này, anh em ở đó rất thích, cho rằng nó phù hợp với phong trào "làng vui chơi làng ca hát", ở huyện xã các tỉnh phía Bắc. Nếu chúng tôi mượn mô hình đó để thể nghiệm ở địa phương chúng tôi có được không? Vấn đề này nếu có người đề nghị thẳng với anh, anh có đồng ý không?
Nét mặt đầy rạng rỡ phấn chấn anh nói to:
- Tôi vui lòng cộng tác nếu tổ chức nào đó yêu quý đứa con tinh thần của tôi mà có được môi trường sống và điều kiện phát triển cho nó là tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng cống hiến. Cha mẹ nào chẳng vui mừng khi thấy đứa con mình sinh ra nuôi khôn lớn có người quan tâm đặt vấn đề cưới hỏi, thì hạnh phúc nào bằng. Tôi mong đó là sự thật và chờ ngày thấy kiệu hoa đến rước.
Tôi cũng vui lây với niềm hy vọng đó của anh.
N.T.T (176/10-03) |