Tạp chí Sông Hương - Số 244 (tháng 6)
Cây nhà lá vườn (*)
10:12 | 24/07/2009
VÕ QUANG YẾN Tôi yêu tiếng nước tôi                Từ khi mới ra đời làm người                                                Phạm Duy
Cây nhà lá vườn (*)

Năm 1986, về thăm quê hương lần thứ nhất sau 37 năm xa cách, nhận thấy nền khoa học đất nước cần phải phát triển và phát triển mạnh mới mong rút kịp các nước láng giềng đang hùng hổ trở thành những rồng con, tôi cảm thấy mình lâu năm đi học ở nước ngoài, không thể dửng dưng đứng nhìn như người ngoài cuộc. Hôm chia tay, bà Nguyễn Đình Chi nắm chặt tay tôi, dặn đi dặn lại: Huế tội nghiệp lắm, phải làm một cái chi cho Huế nhé! Làm sao quên được mấy lời tâm huyết đó. Nhưng suốt đời đi làm khảo cứu khoa học thuần túy, trừ chuyện dạy học, tôi có biết làm gì ngoài phòng thí nghiệm! Hồi ấy ở Huế cũng như ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, đi đâu cũng nghe nói đến rong câu chỉ vàng, chiết xuất agar. Không phải là một kỹ nghệ hoàn toàn hóa học là ngành khảo cứu của tôi, có lẽ đây là một lối ra có khả năng giúp Huế. Về lại Pháp, tôi chạy vạy kiếm và tìm ra được một phòng thí nghiệm chuyên về rong rau. Hơn nữa, nhà khảo cứu đã học hỏi về rong câu chỉ vàng lại đang mở ra một công ty chiết xuất agar. Nghĩ là dịp hiếm có, gặp đúng lúc, một cơ hội cần phải nắm lấy, tôi điều đình để anh ta đồng ý về Việt Nam với tôi xem xét tại chỗ. Sau nhiều lần tiếp xúc với Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, công ty của anh ta ở Pháp và các viện đại học, các xí nghiệp nuôi trồng rau câu, chế biến agar ở trong nước thấy có khả năng đi đến một cuộc hợp tác có lợi cho đôi bên. Sau chuyến qua Pháp thực tập của những giáo viên Huế, tôi mừng thầm thấy đồ án có hy vọng thành công. Nhưng đáng buồn thay, chuyện không thành, có lẽ thời cơ chưa đến, mục tiêu không rõ, hay nơi làm không đúng,…

Năm năm sau, viện Biển ở Nha Trang đưa ra đề tài lấy máu sam làm thuốc thử nội độc tố. Cũng chẳng phải là một đề tài hóa học, tôi lại chạy kiếm và may mắn như lần trước tìm ra được một công ty ở Pháp chịu đưa hai anh tổng giám đốc và giám đốc kỹ thuật về Nha Trang với tôi xem xét điều kiện khả thi. Về nhân lực, phòng thí nghiệm ở viện Biển thấy có đủ khả năng thi hành công tác. Bây giờ công ty Pháp chỉ còn đem về máy móc và kỹ thuật là có thể dựng lên đơn vị chiết rút máu sam. Điều kiện còn lại cần thiết là một phòng thí nghiệm vô trùng, xây dựng có phần tốn kém. Chúng tôi liền ra Hà Nội tiếp xúc viện Khoa học, được viện ưng thuận ủng hộ xây phòng và luôn tiện đỡ đầu dự án. Mọi việc trong bước đầu rất khả quan và khi lên máy bay trở về lại Pháp, hai nhà kỹ nghệ lạc quan hứa hẹn tiếp tục. Thế nhưng sau nhiều tháng thư từ qua lại, có những trở ngại gì đây, họ cho tôi biết khó lòng làm việc ở Việt Nam. Vẫn biết thuốc thử nội độc tố là một chất thuốc chiến lược, hiện nay còn nằm trọn vẹn trong tay Hoa Kỳ, nước ta hồi ấy lại đang còn bị cấm vận, khó khăn có thể từ đấy mà ra. Đằng khác, như với dự án rong câu chỉ vàng, một công ty cỡ nhỏ hay vừa không có quyền thất bại, nghĩa là họ chỉ dám bắt tay vào khi chắc chắn thành công. Tôi rất tiếc ta không nắm ngay cơ hội, nhất là tôi chỉ tìm ra được một công ty độc nhất ấy chịu nhận ý nghĩ chuyện làm thuốc ở Việt Nam. Đứng làm trung gian trong một chuyện xây dựng kỹ nghệ ở nước ta thấy ra không dễ!

Tôi đã từng đắn đo: mình không phải là nhà kinh doanh, nếu từ Pháp đưa được kỹ nghệ gia về Việt Nam xây dựng công ty, nhà máy trên những nguyên liệu có sẵn trong nước là việc làm đúng với tình hình đất nước và nằm trong vòng khả năng của mình. Về dạy học cũng là việc có thể làm trong khuôn khổ đóng góp chất xám, nhưng trong nước đâu có thiếu giáo sư: người ta thường bảo Việt Nam là một trong những nước đang phát triển có nhiều bằng cấp đại học nhất. Mặc dầu hai thí nghiệm kỹ nghệ không đưa đến kết quả hoàn toàn mong muốn, tôi không nản lòng nhưng cũng không dám tiến thêm một bước, nhất là không tìm ra được đề tài trong lãnh vực của mình. Về nước thấy Đông y đang chuyển mình nhưng trong dân gian còn đang dùng nhiều cây lá đem sắc uống như ông cha ta đã từng làm từ xưa. Khi sắc thuốc tức là chiết xuất mọi hoạt chất trong cây lá, chất thuốc có mà chất độc cũng nhiều. Trong Tây dược trái lại, mỗi một cây thuốc được đem phân tích tìm cho ra hoạt chất có tính chất dược liệu, khảo cứu về mặt sinh học trước khi đem thử trên sinh vật, con người, sau đó mới tính chuyện cho ra thành thuốc. Nhiều nhà khảo cứu bên nhà đã ý thức vấn đề nầy và tôi nhận lời đi tìm tài liệu cây thuốc cho họ. Âu cũng là một cách đóng góp chất xám nằm trong tầm tay của mình.

Công việc tôi muốn giúp tương đối không khó cho một người đã từng làm khảo cứu ở Pháp. Tôi biết ở thư viện nào có sách báo hóa học, có thì giờ ngồi tìm đọc, có khả năng hiểu những bài báo, có chí tiêu hóa những tài liệu lượm lặt được để đúc kết thành những bài mà tôi gọi là tổng luận, loại review hay mise au point quốc tế, miễn là có thiện chí muốn làm… Lúc đầu, tôi chỉ sao chụp những bài báo và gởi cho những nhà khảo cứu nhưng nhiều lần về nước thấy những bài báo được sắp trong các ngăn kéo, không mấy ai đọc được, nên ý nghĩ đến với tôi là chịu khó viết và cho đăng những bài tổng luận ấy lên báo cho mọi người được hưởng. Tuy phải chịu khó và bỏ công vào, vượt qua những chướng ngại danh từ, thuật ngữ, đặc biệt cho một kẻ sống tha hương hơn một nửa thế kỷ, vận dụng hàng ngày toàn ngoại ngữ, viết bài khoa học bằng tiếng Việt, sau nhiều năm cố gắng tập dượt, đối với tôi hết còn là một chuyện khó. Tôi nhớ lại từ những năm thập niên 60 đã từng viết những bài khoa học phổ thông đăng trong các báo Bách Khoa, Phổ Thông bên nhà: các bạn tôi khen tôi đã có công thầm kín kích thích tinh thần khoa học trong số các bạn đọc trẻ, một bước đầu có khả năng ảnh hưởng lên nền giáo dục nếu được áp dụng đại trà. Bây giờ đây, hướng về những khảo cứu viên, bài tổng luận cần phải được bàn bạc sâu rộng hơn với đầy đủ tài liệu, nghĩa là với một tinh thần khác các bài phổ thông.

Cái khó sau khi viết bài là tìm cho ra tờ báo chịu đăng. Bên nhà hiện có nhiều báo phổ thông khoa học, giá trị không đồng đều, nhưng đều không đáp ứng nhu cầu của tôi. May về Huế, tôi gặp anh Lê Phước Thúy (nay đã mất), hồi ấy làm Tổng biên tập tờ Thông tin Khoa học và Công nghệ của sở Khoa học Công nghệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh Thúy khuyến khích tôi viết và hứa đăng toàn vẹn, không sửa đổi, không cắt xén, dù bản tài liệu tham khảo dài dòng vì, theo anh, cái quý là số tài liệu. Trong tinh thần ấy, tôi đã dẫn không những tên tác giả, tên báo, số báo, trang báo mà còn cả tựa đề bài báo để độc giả có ngay một ý niệm. Tôi đã dựa nhiều lên tập Chemicals Abstracts qua các bản báo cáo hóa học, sinh vật học, các văn bằng sáng chế để kiếm những tài liệu ấy. Thắc mắc của tôi là nếu đi thẳng vào khoa học, kê khai thành phần cấu tạo cây lá rồi bước qua tính chất dược liệu, ứng dụng thuốc men sợ được xem như là một danh mục, một loại catalô, thì ai mà chịu mó tới. Tìm kiếm mãi đoạn vào đầu, tôi đạt đến những chuyện cổ tích, lịch sử mà tôi tin là hấp dẫn, sử dụng như ly nước giúp nuốt viên thuốc đắng, đồng thời góp phần vào ngành dân tộc thảo mộc học. Nếu có những bạn đọc không quen khoa học, chỉ muốn có một ý niệm sơ sài về cây thuốc và vị thuốc, tôi mời đọc đoạn đầu, đoạn cuối và lướt qua đoạn giữa mới xem thấy như khô khan. Nhưng tưởng các bạn cũng nên cần thêm vào một chút cố gắng như khi bạn có trước mắt một bài viết về triết lý, thiên văn hay ngôn ngữ, kinh tế với những danh từ ít thấy trong đời sống hằng ngày, có vẻ rắc rối, hoang dã không kém gì những tên hóa chất.

Lúc ban đầu tôi hy vọng viết và cho đăng được mươi bài, dần dần con số vượt quá sức mong đợi: 20, rồi 30, nay lên quá 40… Có những bạn, nhất là ở nước ngoài, than phiền tờ Thông tin Khoa học và Công nghệ, nay đổi thành Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, không phổ biến rộng rãi nên ngoài những bản sao tôi gởi tặng, họ không biết tìm đọc ở đâu. Vì vậy ý nghĩ gom góp các bài cho in thành sách gieo mầm trong trí óc tôi và nay có cuốn Cây nhà lá vườn. Hè vừa qua, nhân gặp Ban Biên tập Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, tôi được biết phần tài liệu được cho là dài. Vì vậy trong cuốn sách nầy, tôi đã rút ngắn số tài liệu lại, thường chỉ giới hạn trong phần ứng dụng, đồng thời bổ túc thêm tài liệu mới. Những sách tham khảo quen thuộc, tôi cũng rút ra khỏi phần tài liệu mỗi bài mà xếp lại trong một mục đằng sau. Tuy nước ta sử dụng tiếng Việt khoa học từ lâu, thấy như danh từ và danh pháp chưa được hoàn toàn thống nhất, nhất là với những bài viết gởi từ nước ngoài về. Thêm nữa, một số danh từ đã được thông dụng nhưng tưởng như cần phải được xét lại. Trong lúc chờ đợi kết quả của một Viện Hàn Lâm gồm có các nhà văn học, ngôn ngữ học cũng như khoa học đủ các ngành, tôi tạm dựa lên danh từ và danh pháp quốc tế. Tên cây thuốc lắm lúc cũng cần được xác định. Tôi tin tưởng ở công tác của viện Khoa học nước ta. Trong lúc chờ đợi, thay vì những báo chí thường hay đăng bài của tôi, tôi may mắn được nhà xuất bản Đà Nẵng chịu nhận cho in toàn tập, một cử chỉ mà tôi hết lòng cám ơn.

V.Q.Y
(244/06-09)


------------
(*) Nhà xuất bản Đà Nẵng 2009

Các bài đã đăng
Đêm của bướm (24/07/2009)