Tạp chí Sông Hương - Số 177 (tháng 11)
Cho nghìn sau
14:39 | 10/06/2009
NGUYỄN VĂN VINH                                 Bút kýAi về cầu ngói Thanh ToànCho em về với một đoàn cho vui
Cho nghìn sau
Cầu ngói Thanh Toàn

Trong sắc nắng rực rỡ cuối tháng bảy, Đoàn chúng tôi về cầu ngói Thanh Toàn. Cách Huế chừng 7 km, Thủy Thanh hiện ra với vóc dáng trù phú vùng trọng điểm lúa của huyện Hương Thủy. Một vùng trũng được bọc quanh đường biên bởi dòng sông Như Ý. Người xưa kể rằng, sông Như Ý là sông đào, nó đã thuận lợi cho nghề nông và giao thông đi lại nên hoá thành tên Như Ý. Nhờ vậy, cây lá nơi đây bốn mùa xanh tốt, không khí thoáng đãng, trong lành. Thuỷ Thanh là một miền quê còn lưu giữ, bảo tồn nhiều vốn cổ của lịch sử, văn hoá như phủ thờ Tôn Thất Thuyết, đình làng Vân Thê. Trong những năm qua đã tổ chức đêm thơ Ai về Cầu Ngói hàng năm vào đêm 16/3 âm lịch. Đặc biệt năm 2002 mở phiên chợ quê ngày hội phục vụ Festival Huế. Đình làng Vân Thê lập ra vào khoảng thế kỷ 15 để thờ ông Chế Văn Kiệt, bổn thổ thành hoàng làng và tám vị khai canh các họ: Chế, Nguyễn, Phan, Đỗ, Trần, Hoàng, Văn, Lê. Còn phủ thờ Tôn Thất Thuyết là ghi ơn quan Phụ chính Đại thần có công tổ chức con em làng Vân Thê nổi dậy tấn công vào quân đội viễn chinh Pháp vào đêm 5/7/1885. Mỗi năm cũng tổ chức kỵ bà Trần Thị Đạo người xây dựng Cầu Ngói cách đây hơn 200 năm để bà con đi lại giữa đồng không mông quạnh gặp cơn nắng quái mưa dầm có nơi trú chân, nghỉ tạm.

Không chỉ đình, phủ, cầu, nghĩa trang để lại cho đời sau mà còn dòng máu cách mạng lưu truyền trong huyết thống. Sự hy sinh cao cả của các thế hệ con em Thuỷ Thanh xưa nay đời đời cho chúng ta ghi ơn tạc dạ. Trong những thập niên sáu, bảy mươi dân số Thuỷ Thanh chừng 2.800 nhân khẩu (hiện nay 8.126 nhân khẩu) mà trên địa bàn xã có hơn 600 liệt sĩ. Và 36 bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH), xã có nhiều BMVNAH 4 con liệt sĩ, mẹ Phạm Thị Hải có 3 đời liệt sĩ (chồng, con, cháu) và ông thương binh Ngô Viết Thuyên ở Lang Xá Bàu có 6 liệt sĩ, 3 thương binh 1/4. Đặc biệt 11 cô gái Sông Hương, thì 9 cô là con em của xã Thuỷ Thanh. Trong cuộc tấn công nổi dậy 1968, 11 cô gái Sông Hương do Phạm Thị Liên làm đội trưởng đã phối hợp với tiểu đoàn 10 Quân Giải phóng kiên cường chiến đấu đánh lui nhiều đợt phản kích của các tiểu đoàn Mỹ, diệt hàng trăm tên, làm chủ trận địa từ chợ Cống đến sân vận động Huế. Bác Hồ đã có thư ngợi khen:

Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường
Bác khen các cháu dân quân gái
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương

Gần đây có ông Ngô Viết Thụ ở Lang Xá Bàu là một kiến trúc sư tài danh. Bản vẽ của ông đã làm nên những công trình nổi tiếng như Dinh Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, nhà thờ Trà Kiệu ở Quảng Nam, Dòng Chúa Cứu Thế, Khách sạn Hương Giang Huế...

Năm năm trước tôi có dịp về Thuỷ Thanh. Đạp xe lòng vòng trên những con đường đất rợp mát bóng tre và những cánh đồng ngan ngát hương lúa. Hồi đó chưa có đường bê tông như bây giờ. Nay toàn xã bê tông hoá đường liên thôn dài 5.234 m, kiệt xóm 11.851 m, điện, đường, trường, trạm khang trang và đã mắc nước máy sinh hoạt dài 6.200m, phục vụ cho 65% hộ dân. Bà con toàn xã có 860 ha đất tự nhiên, trong đó 634 ha trồng lúa hai vụ, dù luân phiên hạn hán, úng lũ nhưng từ năm 1981-1982 bình quân lương thực đầu người từ 310 - 320/ người/ năm, nay 850-860/người/năm. Tôi ở Thuỷ Thanh mười ngày biết bà con trong buổi nông nhàn toả đi làm thợ nề khắp nơi và mỗi ngày khách du lịch người nước ngoài đến tham quan Cầu Ngói Thanh Toàn và các di tích năm bảy lượt, lượt nào cũng vài ba người, có khi một đoàn gần mười người. Nhưng ngay khu vực chợ Cầu không có bày bán hàng lưu niệm, giải khát tươm tất, nếu có cũng chỉ lèo tèo vài quán xá chợ quê mang tính tự phát. Nên chăng, mở vài ba ki-ốt bán hàng lưu niệm, nón lá... để nhân dân có thêm thu nhập. Tuy Thuỷ Thanh chưa mấy để tâm về các mô hình thu nhập từ du lịch, nhưng đời sống của nhân dân ngày càng khởi sắc. Sự khởi sắc bắt nguồn từ những hy sinh của lớp lớp cha anh, từ lứa trai tráng đầu tiên của xã sớm giác ngộ cách mạng hăng hái theo tuyến đường dây giao liên lên chiến khu Dương Hoà chống giặc.

Xe chúng tôi bon bon trên quốc lộ 1A, đến ngã ba Dạ Lê rẽ vào tỉnh lộ 7. Chạy một quãng đường nhựa trong địa phận xã Thuỷ Phương rồi lại rẽ vào con đường đất lên dốc quanh co vùng gò đồi xã Phú Sơn, anh em gọi là "Đèo Dương Hoà". Đây là đường giao liên từ thời chống Pháp, chủ yếu hoạt động từ chiến khu Dương Hoà đến trạm trung tâm ở khe Là, khe Sòng về Ngũ Tây, Dạ Lê vượt quốc lộ 1A đến khu ba Hương Thuỷ. Năm 1994 huyện làm xong đường ô tô khai thông đến bờ Tả Trạch, cách trụ sở uỷ ban gần 1 km. Đến bến uỷ ban tôi thấy thợ nề đang xây trường, hỏi ra mới biết khu vực này ngoài chân đập không di dời, thợ xây trường tiểu học Thanh Vân I để đón các em vào niên khoá tới.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, trưởng phòng văn hoá thông tin huyện dẫn đoàn chúng tôi lên Dương Hoà. Trông chị xăng xái và rất quen thuộc với địa hình đồi núi, dốc đá cheo leo hiểm trở này. Tháp tùng chị là anh chị phòng văn hoá thông tin huyện. Các anh chị mang vác lỉnh kỉnh nào loa, máy, sách báo lên chiến khu cũ tuyên truyền và triển lãm sách báo cho các em thiếu niên nhi đồng và người dân Dương Hoà. Ở đây, đoàn chúng tôi được các anh ở xã đưa lên ngược nguồn sông. Chiếc đò máy cắt từ quả bom Mỹ nối lại ì ạch chở chúng tôi lên khu vực lòng hồ thuộc thôn Vinh Hà và Lương Miêu I, phong cảnh hai bên bờ Tả Trạch đẹp man dại và uy nghiêm. Tôi xúc cảm trước gam màu xanh của nước, của rừng, của cây lá và núi non trùng điệp. Bất ngờ gặp một dải thuỳ dương quen mọc ở miền gió cát và những luỹ tre, hàng mít xanh đến nao lòng. Đò qua thác Cá, khe Vàng và vượt cạn một đoạn thì đến trạm Kiểm lâm Hai Nhánh. Tôi gặp anh Mai Văn Toàn và chị La Thị Khê ở thôn Vinh Hà, lên đây từ năm 1980 khi cả hai còn là con trai, con gái. Lấy nhau hơn hai mươi năm có ba mặt con. Anh chị trồng cà phê, nuôi dê, nuôi heo, làm mương, trồng rừng. Cây cà phê không thu hoạch được vì khi chín đúng vào mùa mưa. Cuộc sống gia đình anh chị cũng ổn định. Trước khi đến khu tái định canh anh chị đã trồng thêm 8 ngàn gốc bạch đàn. Anh nói: "Nếu sau này không bị ngập nước thì hưởng. Còn mười năm nữa chớ ít sao, tôi sẽ trở lại thu hoạch". Bà con ở khu vực lòng hồ ai cũng trồng thêm rừng trước khi đi. Họ lưu luyến vùng đất họ sống hơn phần tư thế kỷ, bây giờ trước lúc chia tay họ cũng trồng cây gây rừng bởi rừng vốn chở che, nuôi sống họ và gia đình họ. Và cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của con cái họ. Họ mãi yêu rừng.

Năm 1985 Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến thăm chiến khu Dương Hoà và khảo sát chương trình xây thuỷ điện. Kính thưa Đại tướng, ý tưởng phác thảo của Đại tướng sẽ thành hiện thực. Bà con Dương Hoà và nhân dân Thừa Thiên Huế đang chờ giây phút hàn khẩu lịch sử ngăn dòng Tả Trạch. Bảy năm nữa sẽ khai sinh hồ chứa Tả Trạch. Hồ cùng hồ thuỷ điện Hoà Bình, đập thuỷ điện Yaly và đập thuỷ điện sông Hinh vận hành tưới tiêu, chống lũ, điều tiết sinh thái, cải tạo thổ nhưỡng... và cung cấp điện cho đất nước.

Tả Trạch sông Hương chảy từ núi Mang và núi Atine, qua Nam Đông, lên tây bắc uốn khúc quanh co vào vùng đồi núi hiểm trở của Dương Hoà rồi chảy đến ngã ba Tuần hợp với dòng Hữu Trạch thành sông Hương. Tả Trạch có 55 thác, hàng năm thường làm lũ lụt gây thiệt hại cho cư dân ven sông. Lụt 1999 dìm Dương Hoà và phần lớn đất Thừa Thiên Huế vào biển nước làm chết và mất tích 358 người, thiệt hại hơn 1.784 tỷ đồng. Đấy là một trong nhiều nguyên nhân chính để xây hồ chứa Tả Trạch. Công trình hồ chứa Tả Trạch xây dựng trên sông Tả Trạch, tại chân núi Đá Đen vắt ngang sông, qua núi Cà Nghêu. Cao trình đập +56m, tổng chiều dài 610m. Tràn xã lũ sáu cửa. Nhà máy thuỷ điện gồm 3 tổ máy với công suất lắp máy 3 x 6000KW. Hồ có dung tích 610 triệu khối nước và sẽ làm ngập 1.267,5 ha rừng trồng, 437 ha rừng tự nhiên, 46,5 ha ruộng lúa, 216,3 ha đất hoa màu, 11,6 ha đất thổ cư và 5 km đường giao thông. 425 hộ trong 669 hộ dân ảnh hưởng di dời tái định cư. Trong đó gồm các thôn Lương Miêu 1, 2, 3, 4, 5, Vinh Hà, Hai Nhánh và 1 bản Vân Kiều. Chiến khu Dương Hoà không di dời mà đứng trước hồ chứa Tả Trạch cùng tồn tại với thiên thu.

Chúng tôi lại về thôn Lương Miêu 3, loanh quanh trong thôn tôi thấy nhiều ngôi nhà ngói kiên cố và bán kiên cố, quanh các nhà vườn tược sum xuê. Tôi gặp chị Tuyền, chị Bờ bồng con về Trạm y tế lĩnh thuốc suy dinh dưỡng cho các cháu. Hai chị nói: "Đi cũng rất tiếc", "Đi thì đi ri thôi chớ cũng buồn". Còn chị Hà Thị Tham, một mẹ sinh sống ở đây, chồng chết bị gỗ đè, nuôi 5 con ăn học đã tỏ ý rất thích về khu tái định cư. Con gái đầu của chị sinh ra và lớn lên ở đây là em Hoàng Thị Thanh năm nay lên lớp 9. Chị đi, tiện cho việc học của các con.

Đoàn chúng tôi chuẩn bị về lại Thuỷ Thanh, anh Nguyễn Đình Bảo văn hoá xã góp phần văn nghệ trước lúc chia tay. Anh cất giọng hát bài: "Về lại chiến khu xưa" của nhạc sĩ Mặc Hy. Bài hát có đoạn làm tôi xúc động: "... Những con đường còn vang chiến thắng. Những con người trong hàng quân đã vắng...". Tôi nhớ lại hơn mười năm trước, nhà văn Trần Thuỳ Mai, nhà thơ Trần Nguyên Vấn và nhạc sĩ Mặc Hy đến thăm tôi. Khi ấy tôi còn cơ cực, lấn bấn với cảnh gà trống nuôi con. Trong nhà tôi chỉ leo lét ngọn đèn dầu vàng chạch, nhún nhẩy, u ám. Sớm mai tại Sở Văn hoá Thông tin anh Mặc Hy và tôi ôm nhau khóc ràn rụa... Chỉ vì anh thương cảm cảnh ngộ của tôi và anh cũng có thời lận đận, sóng gió. Hôm nay, xúc động trước đoạn nhạc của anh và nhớ anh tôi lặng lẽ quay lưng và khóc...

Bịn rịn tạm biệt các anh uỷ ban xã. Vĩnh biệt trụ sở Dương Hoà. Nơi đây trong bảy năm tới sẽ là chân đập.

Trụ sở uỷ ban và tám thôn của Dương Hoà sẽ vĩnh viễn chìm trong lòng nước để kết tủa vỉa trầm và mạch ngầm nguồn cội hạnh phúc, sẵn sàng tiêu úng, chống lụt cho huyện, tỉnh nhà. Đó cũng là sự hy sinh. Sự hy sinh của các liệt sĩ và sự ra đi của bà con Dương Hoà cho dù hiện nay có khó khăn, vất vả nhưng sẽ toả bóng mát cho muôn đời sau, sẽ mãi mãi đơm hoa kết trái, góp phần đem lại sự phồn vinh, hiện đại cho xứ sở, quê hương.

Trại viết Thuỷ Thanh, 25/7/2003
N.V.V
(177/11-03)

Các bài mới
Cảm hứng (18/06/2009)