Tạp chí Sông Hương - Số 177 (tháng 11)
Cấu trúc điệu hò mái nhì
09:44 | 17/06/2009
PHAN THUẬN THẢO                Chiều chiều trước bến Vân Lâu                Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,                Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông.                Thuyền ai thấp thoáng bên sông,                Đưa câu Mái đẩy chạnh lòng nước non.                                              (Ưng Bình Thúc Giạ)
Cấu trúc điệu hò mái nhì

Đối với nhiều người Việt Nam, nhất là người Huế, câu hò mái nhì trên đây đã trở nên quen thuộc. Không biết tự bao giờ, hò mái nhì đã trở thành làn điệu dân ca đặc trưng nhất của Huế. Mỗi khi nhắc đến thành phố nên thơ này, bên cạnh các đền đài, lăng tẩm cổ kính, người ta nghĩ ngay đến điệu hò mái nhì với âm điệu trầm mặc, trữ tình, sâu lắng, có lẽ do điệu hò này diễn tả được chân xác nhất chiều sâu tâm hồn của người dân xứ Huế giữa khung cảnh thơ mộng của miền núi Ngự sông Hương.

Cho đến nay, chưa có ai xác định được hò mái nhì ra đời từ bao giờ, nhưng môi trường sản sinh và phát triển của điệu hò này gắn liền với dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế là điều không ai có thể phủ nhận. Trước khi tình trạng cơ giới hóa diễn ra ở Huế, nghĩa là cách đây khoảng 50-60 năm, người ta vẫn nghe giai điệu của hò mái nhì vang vọng trên các con thuyền xuôi ngược sông Hương. Thuở ấy, các cô lái đò thường mượn làn điệu dân ca trữ tình này để bộc bạch nỗi niềm tâm sự chất chứa trong lòng, để vơi bớt cái mệt nhọc của tay chèo trên những quãng sông xa.

Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá,
Đò từ Vỹ Dạ, thẳng Ngã ba Sình.
Lờ đờ bóng ngã trăng chênh,
Tiếng hò xa vọng nhắn tình nước non.
                       (Ca dao)

Điệu hò có nhịp điệu tự do, chậm rãi, giai điệu nhẹ nhàng, êm ái cứ miên man, dàn trải, tỏa ra xa mãi, xa mãi trên mặt sông phẳng lặng. Những tiếng đệm hò, ơ... kéo dài tưởng như bất tận, cứ mãi níu kéo lòng người trong nỗi niềm tâm sự day dứt khôn nguôi...

Xét về lãnh vực văn học, hò mái nhì thường sử dụng các câu ca dao xứ Huế, về sau, còn có nhiều thi sĩ sáng tác các lời thơ cho điệu hò nổi tiếng này. Thông thường, lời hò được chia làm 2 phần. Phần đầu thường là một cặp thơ 7 chữ, 8 chữ,... với các lối biến thể rất tự do. Nội dung của phần này thường mang tính giới thiệu về không gian, cảnh vật (thường là ca ngợi cảnh sắc của xứ Huế) hoặc gợi mở ra ý nghĩa chủ đạo của toàn bài. Phần 2 luôn luôn là một cặp câu lục bát hoặc lục bát biến thể, thường mang tính tả tình. Đây chính là phần "mở nút" cho nội dung chính của toàn bài, nói lên tâm tình mà người hò muốn bộc lộ. Hai phần này gắn kết với nhau một cách logic và chặt chẽ, tạo nên một khối thống nhất cả về hình thức lẫn nội dung.

Trăng xứ Huế mơ màng màu sữa,
Nước sông Hương như dải lụa vuông dài
Cung đàn thánh thót nam ai,
Tiếng tơ não nuột khóc người ra đi.
                                                (Khuyết danh)
Hạt mưa rơi rơi mưa ngoài cánh cửa,
Mưa giữa chợ đời, mưa ở lòng tôi.
Gác tay nằm nghĩ sự đời,
Chán chê ngao ngán khóc cười dở dang.
                                                (Khuyết danh)

Tuy nhiên, từ cấu trúc văn học đến cấu trúc âm nhạc bao giờ cũng có một khoảng cách, dù ít dù nhiều. Đối với hò mái nhì, khoảng cách này càng đáng kể. Là một loại hình hát xướng đồng diễn, trong môi trường nguyên thủy của mình, hò mái nhì bao giờ cũng có người xướng, người , nghĩa là bên cạnh người hò chính (hò cái) còn có những người hò phụ họa (hò con). Hò cái diễn xướng nội dung chính của điệu hò, gọi là phần kể, hò con hò những đoạn phụ họa, gọi là phần xô. Mỗi khi hò cái dứt đoạn thì hò con đồng thanh cất giọng hò như một sự hưởng ứng, chia sẻ cảm thông với tâm sự của hò cái. Hãy thử phân tích cấu trúc âm nhạc của điệu hò mái nhì để thấy được hình thức cũng như tính chất đồng diễn, giao lưu của nó trong trình thức diễn xướng nguyên thủy. Ở đây, chúng tôi sử dụng băng tư liệu ghi lại giọng ca Huế đuợc xem là chính gốc, thuần chất của nghệ nhân Minh Mẫn với câu hò đặc trưng, quen thuộc nhất do cụ Ưng Bình sáng tác như đã nêu ở đầu bài viết này.

Trước tiên, hò cái xướng lên phần mở đầu với những tiếng đệm hò ơ kéo dài. Thực chất, ngôn ngữ văn học của phần mở đầu rất ngắn gọn, có khi chỉ cần đến vài từ, nhưng có tác dụng giới thiệu khái quát về câu hò sắp được trình bày. Thông thường, người ta lấy mấy chữ đầu của lời thơ, song cũng có khi hò cái chọn những ý hay và "đắt" ở giữa hoặc cuối lời thơ để xướng phần mở đầu.


Một điều đáng chú ý ở đây là người hò dùng thủ pháp đảo ngữ. Điều này thực ra hoàn toàn phụ thuộc vào thanh điệu của lời thơ. Sở dĩ người ta sử dụng thủ pháp này là vì phần mở đầu luôn kết bằng âm xàng (f) theo tuyến giai điệu từ xuống xàng (g - f), nên phần lời tương ứng phải là một từ có dấu huyền. Nếu từ này mang các thanh khác (ngang, sắc, hỏi, ngã, nặng) thì người ta không thể dùng âm xàng ngay được vì sẽ bị sai với quy tắc thanh điệu của tiếng Việt (trong trường hợp trên đây, chữ Văn Lâu sẽ thành ra Văn Lầu). Trong các trường hợp đó, hoặc người ta dùng thủ pháp đảo ngữ như trên để lấy từ cuối cùng có dấu huyền (từ chiều như trên đây) cho tương ứng với chữ xàng, hoặc người hò phải tiến hành về kết xàng một cách gián tiếp. Chẳng hạn, đối với từ có dấu sắc hoặc ngang, người ta phải dùng âm (thay vì âm xàng) rồi luyến nhanh xuống , sau đó luyến lên rồi trở về xàng và kết thúc ở đó như quy trình kết trực tiếp xê - xàng. Còn đối với các từ có dấu hỏi, ngã, nặng, do đều được phát âm ở âm vực thấp theo ngữ âm của tiếng Huế, chúng phải nhận âm xệ, hoặc cộng, sau đó luyến lên , lên rồi trở về xàng và kết ở nốt này. Để rõ hơn, xin xem vài ví dụ minh họa sau:


Trong các cách xử lý trên, nghệ nhân Minh Mẫn đã chọn cách thứ nhất (đảo ngữ), có lẽ do thủ pháp đảo ngữ tạo hứng thú hơn cho cả người hò lẫn người nghe. Tuy nhiên, sử dụng thủ pháp thứ hai (kết gián tiếp) vẫn được các nghệ nhân chấp nhận.
Khi hết phần mở đầu, hò cái dứt lời, thì ngay lập tức, hò con nhất loạt cùng xô:


Tiếp sau đoạn xô này là phần chính của điệu hò. Ở phần này, hò cái kể (diễn xướng) phần nội dung chính của bài với một giọng điệu ngâm ngợi tự do đầy chất tự sự. Hò cái phải chú ý ngắt câu sao cho bảo đảm được nội dung văn học của lời hò, nhưng cũng có lúc quy luật này bị phá vỡ để thực hiện sự ngập ngừng, day dứt trong nội dung của điệu hò:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu/
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm/
Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông/
Thuyền ai thấp thoáng bên sông/
Đưa câu mái/mái đẩy chạnh lòng/

Phần chính của điệu hò kết thúc ở gần cuối lời hò, trước khi bước sang hai từ cuối của câu bát. Đến đây, hò cái tạm dứt lời, cũng có nghĩa là đã đến lúc hò con đồng thanh xô lên lần thứ hai:


                       hơ...                        ờ...         ơ...

Phần cuối của điệu hò là đoạn hò cái kể tiếp hai từ còn lại của lời hò, thường dùng thủ pháp đảo từ, lặp từ. Rồi điệu hò kết thúc bằng nốt xàng với tiếng đệm ơ ờ ngân dài, lan xa mãi như tan loãng vào không gian, để lại cho người nghe những âm hưởng dìu dặt vấn vương hoài không thôi.


               Ơ...            non  nước  ơ         non          ờ.......      ơ    

Như vậy, điệu hò mái nhì có kết cấu âm nhạc chặt chẽ, gồm 3 phần rõ rệt: phần mở đầu, phần chính và phần kết. Cả 3 phần này đều do một người hò cái lĩnh xướng, xen giữa chúng là 2 đoạn xô do hò con đồng xướng. Có thể lập thàh sơ đồ cấu trúc âm nhạc của điệu hò mái nhì như sau:

P. mở đầu Phần chính P. kết
hò cái hò con hò cái hò con  hò cái
                                                   

Với âm điệu trữ tình, trầm lắng, bâng khuâng, phản ánh được một cách sâu sắc tâm hồn của người dân xứ Huế; kết cấu âm nhạc chặt chẽ, được làm mềm bởi tính co giãn của nhịp điệu tự do, hò mái nhì đã nhanh chóng phổ biến khắp nơi và trở thành điệu hò đặc trưng nhất của xứ Huế. Từ môi trường dân gian, hò mái nhì đã sớm du nhập vào môi trường bác học ở bộ môn Ca nhạc Thính phòng của giới quý tộc Huế. Ở đây, hò mái nhì có thể dùng để kết hợp với các bài bản Nam của Ca Huế, thường là mở đầu cho các liên khúc: hò Mái nhì - Nam Ai - Nam Bình; hò Mái nhì - Nam Bình; hoặc hò mái nhì - Tương tư khúc... Trong môi trường này, nó càng có điều kiện được trau chuốt, gọt giũa, nâng cao về mặt nghệ thuật. Ở đây, nó được hát lên bởi những giọng ca mượt mà nhất, được làm giàu bởi nhiều lời thơ đẹp, mang ý nghĩa sâu sắc của các thi sĩ tài danh của vùng đất Kinh kỳ. Nhờ thế, hò mái nhì càng được bay cao, bay xa hơn trên nền trời nghệ thuật nước nhà. Và đến khi môi trường diễn xướng dân gian nguyên thủy của hò mái nhì không còn nữa do tác động của cuộc sống hiện đại thì môi trường Ca Huế là nơi tốt nhất có thể gìn giữ, nuôi dưỡng nó để điệu hò đặc sắc này còn tồn tại và lưu truyền đến ngày nay dưới những hình thức, tính chất nguyên vẹn nhất.

Bên cạnh đó, hò mái nhì còn được đưa vào sân khấu ca kịch Huế, khiến cho môi trường diễn xướng của nó càng được mở rộng. Nhưng, một điều cần chú ý là môi trưòng diễn xướng mới này khiến điệu hò mái nhì bị biến đối khá nhiều về mặt cấu trúc. Sân khấu là nơi mà các làn điệu, bài bản được vận dụng một cách hết sức linh hoạt, nên chúng thường phải cắt xén, kết nối khá tự do để phù hợp với tính kịch của sân khấu và với nội dung vở diễn. Do tính chất đặc thù đó, hò mái nhì, khi được đưa lên môi trường sân khấu ca kịch, đã không còn giữ được cấu trúc nguyên thủy của nó. Từ hình thức đồng diễn có xướng có xô, hò mái nhì trong sân khấu ca kịch thường chỉ là độc diễn, cho nên phần xô hoàn toàn biến mất, kết cấu 3 phần của hò cái cũng bị phá vỡ: phần mở đầu dường như mất hẳn, phần chính và phần kết không còn được phân biệt rạch ròi như xưa. Có thể nói rằng, hiện tượng chuyển cảnh (transcontextualization: sự thay đổi về môi trường diễn xướng) đã tạo nên một dị bản hò mái nhì khác để dùng trong sân khấu ca kịch.

Ngày nay, trong âm nhạc truyền thống Huế vẫn tồn tại song song hai dị bản hò mái nhì theo hai phong cách ca Huế và ca kịch. Dù có âm điệu như nhau nhưng chúng có kết cấu khác hẳn. Đây là một hiện tượng khá phổ biến trong đời sống âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng do có nhiều điều kiện (khách quan và chủ quan) thích hợp hơn, nên hiện nay điệu hò mái nhì của sân khấu ca kịch cũng trở nên phổ biến hơn nhiều so với phong cách nguyên thủy của nó. Một số chương trình ca Huế phát trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trình diễn hàng đêm cho khách du lịch đều dùng điệu hò mái nhì của sân khấu ca kịch, trong khi đó, cách hò nguyên thủy chỉ được một số nghệ nhân ít ỏi của trường phái ca Huế Thính phòng (như các cô Minh Mẫn, Thanh Hương, Vân Phi, Thanh Tâm) sử dụng. Nói cách khác, nó đang bị lấn lướt bởi cách diễn xướng mới, nếu không có một môi trường diễn xướng phù hợp thì e rằng điệu hò mái nhì nguyên thủy cũng sẽ mai một dần. Âu đó cũng là quy luật thường tình, song chúng ta cũng cần phải lưu giữ, phổ biến cả điệu hò nguyên thủy đi liền với sự tồn tại của điệu hò mái nhì ca kịch để làm phong phú thêm sự đa dạng trong hò Huế, từ cấu trúc nguyên thủy hò trên sông nước đến sự phát triển biến dị trên môi trường sân khấu ca kịch. Hãy cùng lắng nghe và suy ngẫm trong âm điệu hò mái nhì vang vọng chơi vơi:
Ơ hờ...
Gió vầm vập mưa lưng chừng nơi bể Bắc,
Hạt mưa rơi tinh tang tích tắc rỉ rắc trước hàng hiên.
Muốn lơ đi mà ngủ, e sợ ngủ không yên,
Sợ mai kia mưa già nước ngập không biết dựa con thuyền vào đâu.
                                                            (Khuyết danh)
                                                                                   
P.T.T
(177/11-03)

Các bài mới
Cảm hứng (18/06/2009)
Các bài đã đăng
Cho nghìn sau (10/06/2009)