Tạp chí Sông Hương - Số 177 (tháng 11)
Cảm hứng
14:39 | 18/06/2009
NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNMọi người đến Huế với những lí do khác nhau. Riêng các văn nghệ sĩ thì thường đến để tìm cảm hứng sáng tác. Tuy nhiên ý tưởng của mỗi người thì mỗi khác, chẳng ai giống ai. Họa sĩ Vĩnh Trung và nghệ sĩ Hải Lý là một trong những trường hợp như vậy.
Cảm hứng
Minh họa: Ngô Lan Hương

Họa sĩ Vĩnh Trung vốn xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc. Cố nội của ông vào làm quan ở xứ Sài Gòn - Gia Định rồi lập nghiệp ở đó. Tuy xa quê hương đất tổ đã nhiều đời nhưng Huế chính là quê nội của ông. Hơn nữa, thời chiến tranh, ông đã từng vào sinh ra tử và đã gửi lại một phần máu thịt của mình ở đây. Là một hoạ sĩ có tài năng và tâm huyết nên cũng giống như bao hoạ sĩ khác, từ lâu, ông đã có tâm nguyện là sẽ vẽ một cái gì đấy về mảnh đất mà mình có nhiều duyên nợ. Vì thế, ở tuổi tri thiên mệnh, khi tài năng đã chín, ông quyết định về Huế để thực hiện kiệt tác của cuộc đời mình mà ông đã từng ấp ủ bấy lâu nay.

Nhân dịp Festival Huế - 2002, một số văn nghệ sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh tâm đắc với Huế đã rủ ông ra trẩy hội nhưng ông đã không đi trong dịp này. Mãi đến khi Huế đã vào mùa nắng mưa khắc nghiệt và khi đường phố chật ních những cậu tú, cô tú từ Bắc chí Nam lỉnh kỉnh lều chõng về Kinh dự thi thì ông mới hồi hương. Đợi đến thời điểm này ông mới ra vì ông là một người không những am hiểu Huế mà còn là một hoạ sĩ có ý thức và cẩn trọng trong nghề nghiệp. Ông không muốn Huế trong tranh của mình khoác chiếc áo sặc sỡ của ngày lễ hội. Ông muốn tranh của mình phải thể hiện được cái chân thật, cái thần thái đích thực của Huế. Bởi vì, ông biết Huế khắc nghiệt, nghèo khó nhưng thơ mộng sang trọng. Huế vừâa là Cố đô cổ kính, trầm mặc, vừa là thành phố của học sinh, sinh viên nhộn nhịp, trẻ trung. Huế có tiếng chuông chùa ngân nga và mùi hương trầm thoang thoảng. Đặc biệt là cái dễ thương nhưng thương không dễ của các cô tôn nữ...Ông muốn tranh của mình phải thể hiện được những điều đó.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ tâm thế và hành trang, họa sĩ Vĩnh Trung hăm hở lên tàu về quê. Đến Huế, như những lần trước, ông đã chọn khách sạn Lê Lợi để tá túc, vì ở đây chỉ cách ga vài trăm mét và việc đi lại trong thành phố cũng thuận tiện. Hơn nữa, nó lại nằm trên trục hoàng đạo: Điện Cần Chánh - Cửa Ngọ Môn - Kỳ Đài - Phú Văn Lâu - Đàn Nam Giao. Biết vào mùa tuyển sinh đại học, thí sinh đến Huế rất đông nên ông đã đăng kí phòng trước. Theo yêu cầu của ông, khách sạn đã dành cho ông phòng ngoài cùng ở tầng trên của dãy nhà đầu tiên. Phòng này có cái ban công. Ban ngày, đứng đó, ông có thể nhìn thấy kinh thành, sông Hương, núi Ngự... Ban đêm, ông có thể giao hoà với trời đất, mây nước, trăng sao...

Ổn định nơi ăn, chốn ở xong, họa sĩ Vĩnh Trung liền bày soạn cọ, màu và giá vẽ vào chỗ rộng rãi, thích hợp nhất của căn phòng. Xong, ông tiến hành đi tìm hiểu quan sát thực tế. Suốt một tuần liền, với chiếc xe máy thuê, ông đã có mặt khắp nơi trong thành phố và các vùng phụ cận. Nhưng ông vẫn không biết chọn gì để vẽ. Chỉ có sự kiên trì và kinh nghiệm nghề nghiệp mới giúp ông chiến thắng mình, mới giúp ông biết chờ đợi phút xuất thần, bùng nổ của trí tuệ và cảm xúc.

Ở đối điện với phòng họa sĩ Vĩnh Trung là nghệ sĩ Hải Lý. Cô từ Hà Nội vào Cố đô - nơi người chồng yêu quý của cô đã ngã xuống hồi chiến dịch Mậu Thân để viết tiếp bản nhạc mà anh ấy đang bỏ dở.

Hải Lý và người chồng quá cố của cô đều là nghệ sĩ đàn guitar. Những năm tháng sống bên nhau, anh ấy đã say sưa dùng tiếng đàn để thể hiện hạnh phúc lứa đôi. Nhưng bản nhạc mới được phần đầu thì anh ấy nhập ngũ, vào chiến trường và đã hy sinh. Hơn ba mươi năm sau, người quả phụ mới có điều kiện vào nơi chồng mình yên nghỉ để viết tiếp bản nhạc này.

Nghệ sĩ Hải Lý là một phụ nữ xinh đẹp. Sự lịch lãm, đoan trang, lạnh lùng làm cho cô có vẻ quý phái, sang trọng. Hình thức và tính cách đó dễ gây thiện cảm với người tiếp xúc. Vì vậy, ở khách sạn, cô luôn được mọi người chú ý. Tuy nhiên, người ta chỉ biết cô đến ở và thường rời khách sạn từ sáng sớm đến chiều tối mới quay về. Chẳng ai biết cô đi đâu và làm gì.

Chẳng giống với các du khách khác, nghệ sĩ Hải Lý đến Huế không phải để chiêm ngưỡng những danh thắng của Di sản Văn hoá Thế giới. Cô chỉ đến và đến tất cả những nơi mà hồi năm 1968, giao tranh đã xảy ra và có các chiến sĩ Giải phóng quân đã hi sinh. Đến đâu, cô cũng cố tìm gặp và hỏi han những người lớn tuổi. Cô hi vọng, biết đâu trong số họ lại có người biết chồng cô - một chiến sĩ mang cây đàn guitar đã ngã xuống và đang nằm lại ở đâu đó trong lòng đất.

Hơn một tuần ở Huế, họa sĩ Vĩnh Trung đã đặt chân đến nhiều nơi, hầu như những chỗ nào đáng đến, ông cũng đã từng có mặt. Thế nhưng ông vẫn chưa tìm được "ngôn ngữ" cho bức tranh của mình. Điều đó làm ông thao thức, trằn trọc. Cuối cùng, sự kiên trì cũng có giới hạn. Ông cảm thấy mình bất lực nên đành dậy tháo giá vẽ và thu xếp hành lí để sáng mai ra ga về sớm. Xong xuôi, ông ra ban công vươn vai, thư giãn.

Trời không một gợn mây. Trăng sáng vằng vặc. Họa sĩ Vĩnh Trung thấy nghệ sĩ Hải Lý đang lững thững đi trên cầu Ga. Hôm nào cũng đi suốt ngày mà chưa đủ ư? Sao giờ này, phụ nữ mà dám đi một mình? Đi dạo dưới ánh trăng để tìm cảm giác chăng? Phải đi theo cô ta mới được! Mà ở đời, có những cái chỉ có thể cảm nhận được trong sự thanh vắng, tĩnh lặng đấy thôi!... Nghĩ thế nên ông liền quyết định đi theo.

Đến cầu Bạch Hổ thì họa sĩ Vĩnh Trung đuổi kịp nghệ sĩ Hải Lý. Từ đây hai người như hình với bóng lặng lẽ đi trong đêm. Nghệ sĩ Hải Lý đi chậm rãi, thong thả. Họa sĩ Vĩnh Trung phải điều chỉnh tốc độ, luôn giữ một khoảng cách vừa phải để nghệ sĩ Hải Lý không biết ông đang là "cái đuôi" của cô ta.

Đến Nghinh Lương Đình, nghệ sĩ Hải Lý dừng lại. Họa sĩ Vĩnh Trung cũng thế. Họ nhìn thấy mặt nước sông Hương lăn tăn gợn sóng, lóng lánh như dát bạc dưới ánh trăng. Họ nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng như một nét sơn son giữa nền trời thếp vàng. Họ nghe thấy tiếng sóng vỗ dào dạt, tiếng gió thổi vi vu, tiếng ngọn quốc kỳ phần phật bay trong gió. Họ đứng đó rất lâu để lặng nhìn và lắng nghe hồn thiêng sông núi.

Bỗng nghệ sĩ Hải Lý đột ngột quay về. Lần này, khác với lúc đi, cô vội vã như đang có việc gì gấp gáp, như đang rượt đuổi một cái gì đó vô hình ở phía trước. Họa sĩ Vĩnh Trung phải vừa đi, vừa chạy mới không bị bỏ rơi.

Về phòng, mệt mỏi, hoạ sĩ Vĩnh Trung lăn ra nằm. Một lúc sau, ông nghe tiếng đàn guitar từ phòng của nghệ sĩ Hải Lý vọng sang. Tiếng đàn từ nhẹ nhàng, tươi vui chuyển sang tưng bừng, rộn rã rồi dữ dội, réo rắt và kết thúc êm đềm, dào dạt. Ông nhận thấy phần đầu của bản nhạc vừa nghe rất quen thuộc, còn phần sau thì hoàn toàn mới lạ. Giai điệu tiết tấu của hai phần tuy có sự khác nhau nhưng điều mà nó biểu hiện chỉ là một. Điều này làm ông phân vân. Ông thấy người rạo rực, bồn chồn. Hình ảnh của bức tranh ông muốn vẽ bấc giác hiện lên trước mắt. Phút xuất thần đã đến. Ông vùng dậy căng giá vẽ. Nhưng khi cầm cọ, tay ông lại ngập ngừng. Ông chưa thể thể hiện được hình ảnh mới hiện ra bằng đường nét, màu sắc cụ thể.

Cái trong đầu chưa đủ chín nên họa sĩ Vĩnh Trung không vẽ được nó. Cái giây phút hiếm hoi của sáng tạo đã đến nhưng ông không nắm bắt được. Cuộc đời của người nghệ sĩ có được mấy giây phút hiếm hoi này! Ai đánh mất nó, người đó sẽ chẳng có gì. Biết thế, ông muốn được nghe bản nhạc một lần nữa. Song, ông ngại - cái ngại của một người biết tự trọng. Không ngại sao được, khi đã cả chục ngày ở cạnh nhau, lại chỉ cách một hành lang nhỏ hẹp, mở cửa ra là giáp mặt nhau nhưng ông chưa hề hỏi han, trò chuyện với người ta. Giờ này, đã nửa đêm, gõ cửa vào phòng người ta coi sao được. Tuy vậy, cuối cùng, máu nghề nghiệp cũng đã chiến thắng sự mặc cảm. Ông mạnh dạn gõ cửa người "láng giềng".

Ba tiếng cốc...cốc...cốc đanh gọn vang lên. Đáp lại là một âm thanh ngập ngừng:

- A...i...?

- Tôi! Tôi là người ở phòng đối diện với chị đây, - Hoạ sĩ Vĩnh Trung vội vàng đáp.

Cánh cửa hé mở ánh sáng oà ra. Hai người nhìn nhau như quen, như lạ. Họa sĩ Vĩnh Trung nhanh nhẩu phân trần:

- Xin lỗi, tôi đã gõ cửa phòng chị vào lúc này.

Nghệ sĩ Hải Lý nhếch mép cười và khẽ gật đầu:

- Không sao. Chắc ông có việc gì cần?

Họa sĩ Vĩnh Trung mừng rỡ:

- Vâng! Vâng! Tôi muốn hỏi chị điều này.

Nghệ sĩ Hải Lý hất tay, nghiêng mình kiểu cách:

- Thế thì mời ông vào!

Vừa ngồi xuống ghế, họa sĩ Vĩnh Trung đã chủ động mào đầu:

- Chị đánh đàn hay quá!

- Không dám! Ông quá khen. - Nghệ sĩ Hải Lý đáp một cách xã giao.

Họa sĩ Vĩnh Trung tỏ vẻ dè dặt:

- Xin lỗi, tôi ít biết về âm nhạc. Hỏi khí không phải, bản nhạc chị vừa đánh là của ai?

Nghệ sĩ Hải Lý đưa mắt nhìn cây đàn, giọng miễn cưỡng, chắc nịch:

- Của tôi.

Họa sĩ Vĩnh Trung tò mò:

- Chị đã công bố nó bao giờ chưa?

- Chưa! - Nghệ sĩ Hải Lý kiệm lời đáp.

Họa sĩ Vĩnh Trung chăm chú nhìn cây đàn rồi quay sang chủ của nó:

- Nói chị đừng giận, trước đây, tôi đã được nghe phần đầu của bản nhạc này nhiều lần. Không tin, chị cho mượn cây đàn, tôi sẽ đánh cho chị nghe.

Nghệ sĩ Hải Lý trố mắt hỏi:

- Sao anh biết?

- Tôi nghe bạn tôi đánh nhiều lần và được anh ấy tập cho.

Nghệ sĩ Hải Lý gấp gáp hỏi:

- Anh ấy là ai?

- Anh ấy là tiểu đội trưởng của tôi.

- Anh ấy tên gì?

- Quốc Việt. Nguyễn Quốc Việt.

Nghệ sĩ Hải Lý chồm về phía họa sĩ Vĩnh Trung:

- Anh biết mộ chồng tôi ở đâu chứ?

Họa sĩ Vĩnh Trung giật mình:

- Sao? Chị nói sao?

Nghệ sĩ Hải Lý không trả lời, ngả người về phía sau, chăm chú nhìn họa sĩ Vĩnh Trung.

Sau những phút im lặng kéo dài, họa sĩ Vĩnh Trung thong thả kể:

- Hồi ấy, chúng tôi vào giải phóng Huế. Khi địch phản công tái chiếm, tôi bị thương nặng, được đưa ra hậu cứ. Anh ấy cùng anh em ở lại. Bị địch bao vây, anh ấy đã lệnh cho mọi người rút lui, một mình ở lại kháng cự, cầm chân địch và hy sinh. Không ai tìm thấy xác anh ấy. Có lẽ anh ấy đang yên nghỉ đâu đó trong lòng đất của thành phố này.

Nghệ sĩ Hải Lý ngồi nghe, mặt biến sắc, mắt đỏ hoe. Khi nghe người đồng đội của chồng mình kể xong, chị run run cầm cây đàn đưa cho ông ta. Người cựu chiến binh mân mê cây đàn một lúc rồi say sưa đánh. Những giọt nước mắt đua nhau lăn trên đôi má tái nhợt của người quả phụ làm những ngón tay của ông như có hồn.

Khi nốt nhạc cuối cùng vừa tắt, nghệ sĩ Hải Lý lau nước mắt, nói trong tiếng nấc:

- Cảm ơn anh. Đó là phần anh Việt sáng tác. - Cô vừa nói, vừa với cây đàn - Còn đây là của tôi.

Nghệ sĩ Hải Lý âu yếm ôm cây đàn, trông hệt như người mẹ đang bế con ru. Những ngón tay biết nói của cô làm cây đàn ngân lên những tiếng lòng sâu lắng. Họa sĩ Vĩnh Trung chăm chú nhìn và nghe, không bỏ sót một động tác và âm thanh nào. Khi thấy nghệ sĩ Hải Lý buông đàn, ông đột ngột đứng dậy:

- Cảm ơn. Cảm ơn chị.

Nghệ sĩ Hải Lý chưa kịp nói gì thì cánh cửa phòng mình đã đóng lại.

Trưa hôm sau, khi ra về, nghệ sĩ Hải Lý ghé phòng của họa sĩ Vĩnh Trung để tặng ông ta bản nhạc mà cô vừa kí âm xong. Cửa phòng họa sĩ khép hờ, cô gõ cửa mấy lần nhưng không nhận được sự hồi âm nào. Cô băn khoăn và quyết định đẩy cửa bước vào. Trước mắt cô, họa sĩ đang gục ngủ trên chiếc ghế trước giá vẽ. Chắc là ông ấy đã thức suốt đêm. Nghĩ thế, cô không nỡ đánh thức ông ta. Cô rón rén bước đến đứng xem bức tranh. Bức tranh đang vẽ dở nên cô chưa thể hiểu hết ý nghĩa của nó. Cô chỉ biết lư hương trước đài liệt sĩ được tác giả đặc tả là hình ảnh chiếc đàn guitar cách điệu. Những làn khói hương mỏng mảnh bay trông như những sợi giây đàn đang rung lên. Phía sau là thành quách, lâu đài, lăng tẩm và xa xa thấp thoáng những công trình hiện đại. Bên trái là hai đoàn tàu đang giao nhau ở ga Huế. Màu sắc của bức tranh từ tím nhạt mờ ảo chuyển sang tươi sáng...

Tỉnh dậy, thấy bản nhạc cài trên bức tranh của mình và thấy bên phòng của tác giả bản nhạc, nhân viên khách sạn đang tiếp nhận người khách mới đến, họa sĩ Vĩnh Trung tất bật chạy ra ga. Khi ông vào được trong ga thì đoàn tàu đã rùng rùng chuyển bánh. Thấy cánh tay của nghệ sĩ Hải Lý vẫy vẫy, ông lao đến. Ông đưa tay để nắm bàn tay của cô ấy đang cố chìa ra ngoài cửa sổ của con tàu nhưng không được, khoảng cách cứ xa dần, xa dần. Ông chỉ kịp vừa chạy, vừa nói vọng theo:

- Chị cho phép tôi lấy tên "Thời gian" của bản nhạc đặt tên cho bức tranh nh...é...

Nghệ sĩ Hải Lý nói câu gì đó nhưng họa sĩ Vĩnh Trung nghe không rõ. Ông chỉ thấy cô ta gật gật đầu và cười rất tươi.

Khi đoàn tàu khuất hẳn ở phía bên kia cầu Bạch Hổ, họa sĩ Vĩnh Trung thẫn thờ trở về khách sạn. Ông khoá trái cửa phòng, tiếp tục hoàn thành bức tranh.

Phía nhà ga thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng còi tàu. Nơi đó đã, đang có nhiều người rời và đến Huế với những lí do, cảm hứng khác nhau.

Trại sáng tác VHNT TTH-2003
Thanh Thuỷ, 15-25/7

N.Đ.S.T
(177/11-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lũ quét (17/06/2009)