Tạp chí Sông Hương - Số 177 (tháng 11)
Đề cương về văn hoá Việt Nam - 1943; 60 năm sau, đọc lại
19:24 | 19/06/2009
PHONG LÊBây giờ, sau 60 năm - với bao là biến động, phát triển theo gia tốc lớn của lịch sử trong thế kỷ XX - từ một nước còn bị nô lệ, rên xiết dưới hai tầng xiềng xích Pháp-Nhật đã vùng dậy làm một cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, rồi tiến hành hai cuộc kháng chiến trong suốt 30 năm, đi tới thống nhất và phát triển đất nước theo định hướng mới của chủ nghĩa xã hội, và đang triển khai một cuộc hội nhập lớn với nhân loại; - bây giờ, sau bao biến thiên ấy mà nhìn lại Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943(1), quả không khó khăn, thậm chí là dễ thấy những mặt bất cập của Đề cương... trong nhìn nhận và đánh giá lịch sử dân tộc và văn hoá dân tộc, từ quá khứ đến hiện tại (ở thời điểm 1943); và nhìn rộng ra thế giới, trong cục diện sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại; và gắn với nó, văn hoá, văn chương - học thuật cũng đang chuyển sang giai đoạn Hiện đại và Hậu hiện đại...

Dẫn một vài đoạn của Đề cương... trong nhìn nhận và đánh giá  lịch sử dân tộc, được chia thành ba thời kỳ, ở mục 1, phần Lịch sử và tính chất văn hoá Việt Nam.

"a. Thời kỳ Quang Trung trở về nước:
Văn hoá Việt Nam có tính cách nửa phong kiến nửa nô lệ, phụ thuộc vào văn hoá Tàu.

b. Thời kỳ từ Quang Trung cho đến khi đế quốc Pháp xâm chiếm:
Văn hoá phong kiến có xu hướng tiểu tư sản.

c. Thời kỳ từ Pháp sang xâm chiếm đến nay:
Văn hoá nửa phong kiến, nửa tư bản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa..."

Và, mục 2; Tính chất văn hoá Việt Nam hiện đại, Đề cương... khẳng định: "Văn hóa Việt Nam hiện nay về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản"(2).

Đây là nhận thức được soi sáng bởi triết học Mác trong buổi đầu tiếp nhận, còn mang tính chất sơ khai và đơn giản.Thế giới được hiểu trong mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần; giữa cơ sở hạ tầng kinh tế và kiến trúc thượng tầng chính trị cùng các hình thái ý thức xã hội. Trong mối quan hệ đó thì vật chất quyết định tinh thần; hạ tầng cơ sở kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng chính trị, văn hoá, tư tưởng, học thuật... Và do thế, trong xã hội phong kiến, gồm cả trước và sau thời Quang Trung (theo cách chia của Đề cương...) văn hoá thuộc thượng tầng kiến trúc tất nhiên là mang tính chất phong kiến, và nô lệ, hoặc phụ thuộc vào đế chế Tàu trước đó, và sau đó là chủ nghĩa đế quốc phương Tây.

Và trên nguyên tắc vật chất quyết định ý thức ấy thì văn hoá hiện thời phải là văn hoá thuộc địa, và các nhân tố tiền tư bản do xã hội thuộc địa tạo ra.

Ở đây, sự vận dụng chủ nghĩa Mác còn ở trong dạng sơ khai, nên tính độc lập, dẫu là độc lập tương đối của thượng tầng kiến trúc và ý thức tinh thần bao gồm cả văn hoá, học thuật, tư tưởng lại chưa được chú ý một cách thấu đáo. Do vậy Đề cương... chưa thể làm cho thấy được: xã hội có thể là phong kiến - thuộc địa, nhưng văn chương học thuật lại không như thế, hoặc không hoàn toàn như thế. Và như vậy càng chưa thể hiểu một nghịch lý lớn, cũng có nghĩa là một phép biện chứng lớn của lịch sử - đó là chính ở thời kỳ thối ruỗng nhất của xã hội phong kiến, trước và sau thời Quang Trung, lại là thời kỳ đỉnh cao của văn chương - học thuật trung đại. Và chuyển sang xã hội thuộc địa, thì sự phát triển lên đỉnh cao ở giai đoạn rực rỡ nhất của văn học hiện đại lại là thời kỳ trước sau 1940, với sự hội đủ tên tuổi các tác gia tiêu biểu của cả ba trào lưu: cách mạng, hiện thực và lãng mạn. Còn về khu vực học thuật - bao gồm khảo cứu, phê bình, nghị luận thì phải sau 1940 cùng thời với Đề cương... mới là lúc dồn tụ các tác phẩm tiêu biểu như của Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai...

Tất nhiên sự tiếp thu chủ nghĩa Mác trong hoàn cảnh nước ta phải vào những năm 30 mới có được những khởi động bước đầu, trong các cuộc tranh luận về duy tâm và duy vật, về nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh... Chủ nghĩa Mác chưa thể được tiếp nhận ở tư cách một học thuyết triết học với đầy đủ các phương diện mang tính duy vật và biện chứng triệt để của nó. Chủ nghĩa Mác chỉ mới ở dạng thái một lý luận cần thiết và thích hợp cho một cuộc cách mạng đang là một bức xúc của lịch sử. Do thế mà chỉ riêng khía cạnh chính trị về sự tất yếu của cách mạng vô sản trong học thuyết Mác là được khai thác một cách triệt để.

Sự bất cập trong tiếp nhận và vận dụng chủ nghĩa Mác cũng được thể hiện khi Đề cương... xác định các Công việc phải làm cho những người công tác văn hoá, và nhất là những nhà văn hoá mácxít Việt Nam:

"a. tranh đấu về học thuật, tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học Khổng, Mạnh, Đêcactơ (Descartes), Becson (Bergson), Căng (Kant), Nitsơ (Nietzsche) v.v... làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng.

b. tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng v.v... làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng)".

Lấy nhận thức bây giờ, thậm chí không phải bây giờ mà sớm hơn vài chục năm, cũng sẽ thấy đây là một nhận thức không toàn diện, thậm chí là bất cập, vì hoàn cảnh chính trị và xã hội của ta lúc bấy giờ không thể có nhu cầu tiếp thu một cách toàn diện, thấu đáo các loại triết thuyết và các trường phái văn nghệ phương Tây. Và do vậy cũng không có nhu cầu phải hiểu nó ở tư cách những học thuyết và trường phái nghệ thuật vốn có lý do ra đời, tồn tại, và làm nên diện mạo mới của nó trong lịch sử phương Tây. Thế  nhưng ta vẫn cần có sự phê phán, để loại bỏ các ảnh hưởng tiêu cực của nó, dẫu chưa có gì làm nhiều lắm, trong đời sống văn chương - học thuật của ta; bởi cái lý do bao trùm là phải hướng tất cả mọi hoạt động của con người vào các yêu cầu cụ thể bức xúc của một cuộc cách mạng đang đến rất gần.

Nhưng, dẫu với tất cả những bất cập có tính lịch sử như trên, sau quãng lùi 60 năm, vẫn có điều cần được nhận thức và khẳng định. Đó là, ngay từ 1943, khi chưa nắm được chính quyền, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có sự quan tâm đến mặt trận văn hoá. Và khi đặt mối quan tâm vào văn hoá, Đảng cũng đã sơ bộ nắm được phép biện chứng trong tác động trở lại của văn hoá đối với đời sống kinh tế, chính trị. Đó là các ý tưởng được đặt ra ngay trong phần Mở đầu của Đề cương có tên Cách đặt vấn đề.

"a. mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) ở đó người cộng sản phải hoạt động.

b. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hoá nữa.

c.đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hoá tiên phong".

Và ở mục: Vấn đề cách mạng văn hoá Việt Nam:
"Phải hoàn thành cách mạng văn hoá mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội...".

Như vậy là vai trò của văn hoá, ở mặt tích cực của nó, nếu chưa được nhận rõ khi trở lại gương mặt lịch sử, thì lại được khẳng định trong tương lai - vì sự cần thiết đến khẩn thiết của nó đối với một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo; và nội dung đó đã được nêu trong Đề cương... Một Đề cương... đã có thể ra đời 13 năm sau ngày thành lập Đảng, và bây giờ đang đứng trước sứ mệnh lịch sử chuẩn bị cho một cuộc cách  mạng sẽ diễn ra, 2 năm về sau.

Nhưng văn hoá là một khái niệm có nội hàm rộng. Nói như Đề cương... "Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật". Bây giờ ta có hàng trăm định nghĩa về văn hoá. Ở thời điểm 1943 - hiểu văn hoá ở ba phương diện: tư tưởng, học thuật, nghệ thuật, tất nhiên là chưa đủ chiều rộng; nhưng lại có được một đường biên cụ thể cho sự hình dung. Đó là sự bao quát phạm vi hoạt động của người trí thức, của giới trí thức trên hai lĩnh vực cơ bản là khoa học và nghệ thuật.

Và, dẫu quan niệm về văn hoá là rộng hoặc hẹp, thì điểm nhấn mạnh và tư tưởng xuyên suốt Đề cương vẫn là ở "ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hoá mới". Ba nguyên tắc xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng rất kịp thời cho các nhu cầu bức thiết của thực tiễn. Đó là:

"a.Dân tộc hoá (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập).

b. Đại chúng hoá (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng).

c. Khoa học hoá (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hoá trái khoa học, phản tiến bộ).

Ở đây, Dân tộc hoá là nguyên tắc được đặt ở vị trí số 1 trong Đề cương... Với nguyên tắc này, sự tiếp nhận của quần chúng, trước hết là các tầng  lớp trí thức sẽ có ý nghĩa như là một định hướng cho họ ở cả hai tư cách: tư cách người công dân và tư cách người trí thức - nhà khoa học và nghệ sĩ, trước một thời cuộc đang chuyển vào đêm trước cách mạng. Ở cả hai tư cách, người trí thức chỉ có thể chọn một con đường - con đường hướng về cách mạng và tham gia cách mạng, để cứu nước, trong đó có bản thân mình và nghề nghiệp của mình. Cái chân lý, như sau này Hồ Chí Minh có dịp nói đến: "Rõ ràng là dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng" (3). Trong tình thế khốn cùng của đất nước và những năm 40 đang tiến tới cao trào Tổng khởi nghĩa, đồng thời với thảm cảnh hai triệu người chết đói, các tầng lớp trí thức cũng bị dồn đến thế cùng. Qua Đề cương về văn hoá 1943 và với hoạt động của Hội Văn hoá cứu quốc, gần như tuyệt đại bộ phận đội ngũ trí thức khoa học và nghệ thuật của dân tộc đều hướng về cách mạng và tham gia cách mạng.

Cách mạng - trong nghĩa cụ thể của nó là Cách mạng tháng Tám - 1945, rồi sẽ được ghi nhận ở Hoài Thanh, như "một cuộc tái sinh mầu nhiệm" (4); ở Nguyễn Huy Tưởng như "một cuộc hồi sinh vĩ đại" (5), và ở Nguyễn Tuân như một "liều thuốc cải tử hoàn đồng" (6)...

Đại chúng hoá, ở vị trí số 2. Và dẫu ở vị trí số 2 nó vẫn là nguyên tắc được đón nhận dễ dàng và có tác động sâu rộng đối với đời sống văn hoá, tinh thần nói chung và văn học - nghệ thuật nói riêng... Bởi, vào năm 1943, khi Đề cương... ra đời, thì những nền tảng cho sự canh tân văn hoá, văn học - nghệ thuật dân tộc đã được thực hiện bởi mấy thế hệ các nhà Nho học và Tây học; nhưng hiệu quả của nó vẫn còn giới hạn ở các tầng trên, vẫn còn chưa động tới được các bề sâu. Đề cương văn hoá... tiếp tục sứ mệnh lật sâu, đào sâu xuống các nền tảng của đại chúng, nhằm đưa văn hoá vào quần chúng, và đưa quần chúng vươn dần lên và hướng tới các mục tiêu từ thấp lên cao của tiếp nhận và sáng tạo văn hoá. Chính nhờ vào các kết quả của Đại chúng hoá mà ngay sau 1945, nền văn học - nghệ thuật dân tộc đã tạo được một chuyển đổi nhanh chóng để sớm có một gương mặt mới, một giọng điệu mới, thậm chí đến cả một thi pháp mới trong sáng tạo và tiếp nhận thơ, văn, nhạc, họa ... sau những gì đã đạt được trên các lĩnh vực thơ văn hợp pháp trước 1945.

Nhưng khi trình độ mọi mặt của quần chúng được nâng cao, trong và sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khi nhu cầu giao lưu với thế giới đã được mở rộng thì nhận thức về đại chúng và yêu cầu đại chúng hoá phải được thay đổi. Có điều đáng tiếc là sự thay đổi về nguyên tắc đại chúng hoá này là chậm, nhất là khi các bài học về Văn nghệ Diên An và tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông có hoàn cảnh thâm nhập vào đời sống chính trị, văn hoá của ta. Sự thâm nhập đó quả có gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nhất định, khiến cho bệnh công thức, sơ lược và tệ tô hồng, minh họa vẫn có đất đai để tồn tại; và các di chứng của nó vẫn còn lưu lại trong đời sống văn hoá văn nghệ ở ta vài chục năm sau.

Nguyên tắc Khoa học hoá là kết quả sự vận dụng chủ nghĩa Mác để phân tích lịch sử văn hoá dân tộc và thực trạng văn hoá hiện thời. Từ đó đề ra phương hướng phát triển văn hoá "tân dân chủ". Nó muốn là công cụ cho nhận thức và hành động của các giới văn hoá, để phê phán quá khứ; để từ bỏ mọi tìm kiếm về tông phái mà hướng về tả thực và tả thực xã hội chủ nghĩa; để loại trừ di hại của chế độ phong kiến - thuộc địa... Một nguyên tắc như vậy, trong tổng thể ba nguyên tắc được nêu ở thời điểm tiền cách mạng là rất cần; cần cho nhận thức và hành động; cả hai - lúc này đòi hỏi mang tính cách mạng triệt để.

Tính cách mạng triệt để,
tôi muốn nhấn mạnh ý đó để nói về yêu cầu giành chính quyền, về nhiệm vụ lật đổ nền thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân kéo dài ngót 80 năm. Chính cái yêu cầu cách mạng triệt để mang nội dung sinh tử đó: độc lập hay là chết, tự do hay là chết, buộc Đảng Cộng sản phải huy động tổng lực sức mạnh dân tộc vào một cuộc chiến cuối cùng nhằm lật đổ cái cũ; cũng đồng thời buộc tất cả mọi hoạt động văn hóa, tinh thần phải có cách nhìn phê phán triệt để, thậm chí là cực đoan với mọi cái cũ. Và một tình hình như thế cũng đã từng xẩy ra trong lịch sử. Chẳng hạn nước Nga thời Piốt đại đế buộc phải nhìn nước Nga cũ là "lạc hậu, ỳ ạch", là "hoàn toàn bị cách biệt với châu Âu"; trong khi sự thật thì nước Nga trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có quan hệ với châu Âu. Hoặc nước Nga thời tiền Cách mạng tháng Mười phải là một nước Nga "lạc hậu về văn hoá" - dẫu trong nền văn hoá ấy đã đẻ ra biết bao là cây cao bóng cả cho văn hoá nhân loại như Lomonosov, Puskin, Gogol, L.Tonxxtôi, Dostoievxki..., để có nước Nga Xô viết "từ lạc hậu thành tiến bộ". (7).

Nhận thức mang tính quyết liệt và phần nào cực đoan đó, vào thời điểm 1943, có thể giải thích ở sự cần thiết của lịch sử buộc chúng ta phải tìm đến một tư thế chính trị hoá văn hoá trước khi nói đến văn hoá. Còn văn hoá hoá chính trị là nhiệm vụ sẽ đến sau khi chúng ta có chính quyền, với trước mặt cả một chiến lược văn hoá lâu dài nhằm từng bước, ngay trong hoàn cảnh chiến tranh, đưa dân tộc vào con đường văn minh và tiến bộ xã hội.

Tóm lại, ba nguyên tắc Dân tộc hoá, Đại chúng hoá, Khoa học hoá (mà theo thói quen, không biết bắt đầu từ lúc nào, ta quen gọi: "Dân tộc, Khoa học, Đại chúng" - với một thay đổi vị trí không đúng) được nêu trong Đề cương về văn hoá Việt Nam - 1943 là sự trả lời kịp thời các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một tình huống đặc biệt của lịch sử, trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Đồng thời nó là sự tiếp tục trong mạch sâu một tiến trình đã diễn ra từ đầu thế kỷ XX, trong phong trào Canh tân đất nước, được khởi xướng và tiếp tục bởi nhiều thế hệ trí thức yêu nước. Nó đã làm trọn nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho nó.

Và do khả năng đón đợi, tập hợp và đưa tất cả đội ngũ trí thức vào cách mạng, nó đã góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng tháng Tám 1945. Đồng thời góp phần tạo cơ sở lý luận cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá kháng chiến - kiến quốc trong các thập niên tiếp theo.

Như vậy là, nếu theo thời gian, một số nội dung của Đề cương... có bị lạc hậu trước thời đại, nhất là một thời đại mà sự phát triển của nó là theo lối nhảy vọt, tính bằng từng thập niên một, khiến cho mọi tìm tòi sáng tạo của văn chương - học thuật rất nhanh chóng bị lỗi thời và vượt qua, như thế kỷ XX, thì tinh thần tìm tòi của Đề cương... sức hấp dẫn của Đề cương... đối với quần chúng, trước hết là đội ngũ trí thức của nó, ở thời điểm ra đời, vẫn là bài học rất quý báu, và còn có sức sống dài lâu đối với chúng ta.

Hà Nội 4 và 5-6-2003
     P.L
(177/11-03)

--------------------
(1)Từ đây xin gọi tắt là Đề cương...
(2) Các trích dẫn Đề cương... trong bài này, rút ở văn bản Đề cương về văn hoá Việt Nam, đăng trên Tiền phong số 1 (được coi là tái bản), ra ngày 10-11-1945; tr.18-21.
(3) Bài nói chuyện tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3, 1962; Về công tác văn hoá, văn nghệ, Nxb Sự thật; II: 1997, tr.81
.
(4) Dân khí miền Trung, Tạp chí Tiên phong số 3-1945.
(5) Ngày mùa; 1946; trong Tập văn cách mạng và kháng chiến; Hội văn nghệ Việt Nam; 1949.
(6) Ngày đầy tuổi tôi cách mạng; Văn hoá và cách mạng; 1946.
(7) Dẫn theo bài của Viện sĩ D.X Likhachốp có tên: Văn hoá Nga trong thế giới hiện đại; đăng trên Thế giới mới (tiếng Nga), số 1-1991; bản dịch của Đào Tuấn Ảnh, đăng trên Tạp chí Văn học số 2-1992.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cảm hứng (18/06/2009)
Lũ quét (17/06/2009)