Tạp chí Sông Hương - Số 177 (tháng 11)
Các nhạc sĩ ở Huế đang nghĩ gì?
10:42 | 21/06/2009
LTS: Đại hội khoá II (nhiệm kỳ 2003 - 2008) của Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam Thừa Thiên Huế vừa diễn ra vào trung tuần tháng 9. Nhạc sỹ Hồng Đăng, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam, thay mặt cho BCH Hội Nhạc sỹ Việt Nam vào tham gia chỉ đạo Đại hội. Tại Đại hội, nhiều tham luận, ý kiến phát biểu của các nhạc sỹ đã thể hiện được sự trăn trở về thực trạng và hướng phát triển của nghệ thuật âm nhạc đương đại Huế. Sông Hương xin trích đăng một số ý kiến đã trình bày tại đại hội.

*Nhạc sĩ TRẦN HỮU PHÁP: Điều mang tính cấp bách hiện nay là dư luận có nhiều ý kiến về không khí âm nhạc đang có chiều hướng ngoại lai, nhất là trong giới trẻ. Nhiều người có thể đã thấy khó chịu khi trên các kênh thông tin truyền hình có những màn trình diễn nặng về tiết tấu hơn là giai điệu, nhưng dù sao đó cũng là một đòi hỏi tất yếu của tuổi trẻ...

Chúng ta không có quyền làm mất đi những tinh hoa của âm nhạc cổ truyền. Ngược lại chúng ta cần phải phát huy hết cái vốn quý giá đó, làm sao để tâm hồn dân tộc luôn luôn là tiếng lòng của đông đảo tầng lớp nhân dân; và mọi người thực sự cần nó như cần khí thở hàng ngày.

Hiện nay tuổi trẻ đang nô nức hưởng ứng những hoạt động âm nhạc mà trong đó ít nhiều có những cái xa lạ với ngôn ngữ âm nhạc quê hương. Nhưng chúng ta phủ nhận nó chăng? Vì muốn hay không nó vẫn tồn tại trong đời sống ca nhạc. Vậy để dung hoà hiện tượng này, chúng ta, những người hoạt động âm nhạc phải làm gì?.

Thử nghĩ âm nhạc hiện đại là gì? Đâu chỉ là những bài bản có tiết tấu sôi động hay "giật gân", mà âm nhạc hiện đại vốn đã mang trong mình dòng chảy âm nhạc từ ngàn xưa. Nhiệm vụ của những người hoạt động âm nhạc là phải cố gắng thể hiện được điều này trong tác phẩm của mình.

*
Nhạc sĩ THÂN VĂN: Cùng với các hoạt động sáng tác và biểu diễn thì công tác lý luận âm nhạc (bao gồm lý luận nghiên cứu và lý luận phê bình) đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống ca nhạc hiện nay. Lý luận âm nhạc góp phần đúc kết mọi tinh hoa của nền âm nhạc truyền thống, các khuynh hướng và thành tựu trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn âm nhạc Việt Nam đương đại, nhằm gợi dẫn con đường xây dựng và phát triển một nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, đó là, trong khi hoạt động lý luận nghiên cứu có vẻ như đang "xuôi chèo, mát mái" thì diễn đàn lý luận phê bình hầu như bị bỏ ngỏ, có chăng cũng chỉ vang lên một cách yếu ớt, thưa thớt, và nhiều khi tịch bóng trong thời kỳ ca nhạc hiện nay - một thời kỳ ca nhạc có thể được coi là "sôi động" nhất, bao hàm cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Tình trạng não nuột về ca từ, cũ mòn về giai điệu, dễ dãi về hoà âm phối khí trong lĩnh vực sáng tác; tình trạng kỳ quặc về trang phục, nhố nhăng về phong cách, trịch thượng về thái độ ứng xử với khán giả trong lĩnh vực biểu diễn (ở đây muốn nói về phong cách biểu diễn và thái độ của ca sĩ); cùng với hàng loạt biến tướng của thời "thị trường ca nhạc" như lăng xê, quảng cáo, ăn cắp bản quyền tác phẩm... và sự thao túng của các "đầu nậu" ca nhạc, khiến cho các giá trị âm nhạc chân chính và người nghệ sĩ chân chính bị vùi lâæp, lãng quên dưới sự "thăng hoa" như nấm gặp mưa rào của nhiều "siêu sao" ca nhạc!.

Nhân đây chúng tôi cũng muốn phác thảo đôi điều trăn trở về hoạt động âm nhạc ở Huế. Nhiều nhạc sĩ cũng đã từng thấy rõ ràng: hoạt động âm nhạc dân gian và hoạt động âm nhạc đương đại ở Thừa Thiên Huế như một "đôi chân khập khiễng". Dường như cái thành phố thuộc về di sản văn hoá nhân loại này chỉ gắn liền với Ca Huế, và chưa biết đến bao giờ sẽ có phòng hoà nhạc đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, khi mà ở đó, bên cạnh sự ưu đãi của một môi trường thiên nhiên đầy tính nhạc (và các lĩnh vực nghệ thuật khác), còn có hẳn một trường Đại học Nghệ thuật, từng có lịch sử hình thành và phát triển ngót nửa thế kỷ qua!

Hệ quả tất yếu của vấn đề là không có phòng hoà nhạc sẽ không có dàn nhạc giao hưởng thính phòng, các nhạc công giao hưởng, các ca sĩ thính phòng sẽ không thể về Huế. Lại nữa, môi trường "dụng võ" tưởng chừng giản dị nhất cho sự tồn tại của một nền âm nhạc hiện đại Việt Nam là sự hiện hữu của một đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp thì hầu như đã bị "xoá sổ" gần hai chục năm nay (1986). Và như thế, các nhạc sĩ sáng tác ở Huế sẽ không có môi trường hữu hiệu để kích thích sự sáng tạo và dàn dựng các tác phẩm có quy mô. Rồi năm tháng qua đi, họ cứ loanh quanh hoài với thể loại ca khúc quần chúng và phần phối âm của cây đàn điện tử. Như một sự tình cờ cay nghiệt, ít ai hay rằng; một số nhạc sĩ sáng tác ở Huế đành phải ôm mãi kỷ niệm về tác phẩm giao hưởng đầu tay (tác phẩm tốt nghiệp) và nó có thể sẽ là bản giao hưởng duy nhất trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình.

*
Nhạc sĩ VIỆT ĐỨC: Ở Huế chưa có một trung tâm sản xuất, phát hành băng đĩa nhạc mà chỉ là thị trường tiêu thụ băng đĩa của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy mà ngoài một số ca khúc có chất lượng khá tốt, thì không thiếu những ca khúc rẻ tiền với thị hiếu tầm thường phát ra rả suốt ngày đêm trong những quán cà phê, nhà hàng, trong những quầy bán băng đĩa... làm rối loạn thị trường ca nhạc và tính thẩm mỹ âm nhạc của công chúng.

Mặt khác, gần hai chục năm qua Huế không có một đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp, không có một phòng hoà nhạc nào để chuyển tải nội dung các tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc, cho dù là ít ỏi, khiêm tốn.

Về lĩnh vực đào tạo và biểu diễn, chúng ta có cả một trường đại học nghệ thuật phát triển theo mô hình Nhạc viện Hà Nội gần ba thập kỷ qua, nhưng bộ đồng, bộ gỗ, bộ dây đều què quặt; ước mơ có một nhóm tứ tấu thính phòng mà cho đến nay cũng chưa trở thành hiện thực chứ đâu dám đặt chân lên khát vọng dàn nhạc. Các ca sỹ ở Huế chưa có thói quen tìm kiếm, vỡ vạc các tác phẩm mới, mà chỉ quen "nhai lại" những ca khúc của các "sao ca nhạc"; những dĩa "top ten" ở hai đầu đất nước.

Về các phương tiện truyền thông đại chúng, ở Huế có đến hai đài truyền hình; mặc dù có rất nhiều cố gắng, song do kinh phí quá eo hẹp trước nhu cầu thù lao của các ca sỹ, nghệ sỹ và các chi phí kỹ thuật khác, nên một năm mỗi đài cũng chỉ sản xuất được vài ba chương trình có dính một số bài hát của các nhạc sỹ Huế và cũng chỉ được phát sóng đôi lần rồi trở về nằm im tại kho băng đĩa.

Về vai trò của hội nghề nghiệp, mà cụ thể là Hội Nhạc sỹ Việt Nam, trong những năm qua ít có tiếng nói tác động trực tiếp đến vùng đất Huế và các tỉnh miền Trung để giúp các nhạc sỹ trong này tháo gỡ khó khăn về mặt tư tưởng và tác phẩm.

(177/11-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cảm hứng (18/06/2009)
Lũ quét (17/06/2009)