Tạp chí Sông Hương - Số 178 (tháng 12)
Tưởng nhớ anh - Nhạc sỹ Trần Hoàn
14:29 | 18/06/2009
NGUYỄN ĐÌNH SÁNGNăm 1975, lần đầu tiên tôi gặp nhạc sỹ Trần Hoàn tại Hà Nội. Lúc đó, tôi đang an dưỡng tại Ban thống nhất Trung ương và có ý định xin về Huế công tác. Nhà thơ Cù Huy Cận Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin lúc bấy giờ đã bảo tôi đến gặp nhạc sỹ Trần Hoàn để trình bày nguyện vọng. Anh tiếp tôi với một ngôn ngữ hết sức dân dã, mang đậm chất miền trung. Anh hỏi: “Mi quê mô?” Tôi thưa cùng anh: “Em người Quảng Trị.” Anh hỏi tiếp: “Rứa mi học cái chi?” Tôi thưa: “Em học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.” Anh nheo mắt cười và trả lời: “Đồng ý! Lên Bộ Văn hoá làm quyết định rồi về công tác. Trong miềng chừ nhiều việc lắm...”.
Tưởng nhớ anh - Nhạc sỹ Trần Hoàn
Nhạc sĩ Trần Hoàn

Từ đó dến nay đã gần 30 năm, anh đã trải qua nhiều trọng trách, nhiều cương vị công tác khác nhau của Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Nhưng đối với tôi, anh là một người anh, một mẫu người sốnghết mình vì công việc, một tấm gương sáng trong hoạt động nghệ thuật mà lớp trẻ chúng tôi noi theo.

Đầu tháng 11 năm 2003, nhân dự lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành Văn hoá Thông tin tại khách sạn La Thành, tôi đã ghé thăm anh và chị. Lúc này, trông anh đã rất yếu, nhưng anh đã hỏi tôi rất nhiều về tình hình của Thừa Thiên Huế, về các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, về việc chuẩn bị Festival Huế 2004, anh đã khuyên tôi nên đi thăm Trung Quốc và hẹn “thăm xong Trung Quốc nhớ ghé về tau”. Ngày 20 tháng 11 năm 2003, chúng tôi nhận được tin anh bị đột quỵ và hôn mê sâu. Ngày 21 tháng 11, tôi điện ra cho chị Hồng – vợ anh – hỏi thăm tình hình, chị cho biết, anh vẫn hôn mê sâu, nhưng huyết áp và nhiệt độ có khả quan hơn. Và ngày 23 tháng 11, tôi điện hỏi thăm tiếp, thì nhận được tin, anh đã ra đi lúc 5 giờ. Chúng tôi đã bàng hoàng xúc động. Sau nhà thơ Tố Hữu, nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và hoạ sỹ Bửu Chỉ – nhạc sỹ Trần Hoàn, một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt nam đã ra đi.

Năm 1975, lúc này tôi được ở cùng với anh tại 17 Lê Lợi (bên cạnh Đài phát thanh), tôi đã chứng kiến sức làm việc hết sức miệt mài, bền bỉ, dẻo dai và hết sức sôi động của anh. Mỗi ngày, anh chỉ ngủ khoảng 3 – 4 tiếng đồng hồ, tự mình tập lái xe ô tô đi làm việc. Anh nói với tôi: “Tau chỉ lái xe đi ban đêm, ban ngày người ta cấm cán bộ lãnh đạo không được lái xe”. Có một hôm, khi về phòng, anh đã hỏi tôi: “Mi có biết tau tên chi không?” Tôi thưa: “Anh là Trần Hoàn!” Anh nheo mắt cười nói: “Tau tên là Nguyễn Tăng Hích”. Và anh đưa ra khoe với tôi một bản nhạc đã rất cũ, được một người bạn ở Huế lưu giữ và tặng lại cho anh, đó là bài Hồn nước in từ năm 1946 (NXB Tân Hoa ấn hành) và anh kể: “Khi tau đưa bài Hồn nước cho Nhà Xuất bản thấy đề tên Nguyễn Tăng Hích, họ chê và đề nghị phải kiếm một bút danh khác. Vì mê nhạc của Văn Cao, tau đã lấy hai chữ Trần Hoàn trong câu Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn... trong bài Thiên thai để làm bút danh”. Tôi cũng đã chứng kiến sự ra đời nhiều ca khúc phục vụ nhiệm vụ chính trị như ca khúc nói về Bình – Trị – Thiên hợp nhất, Câu hò trên Nông trường Thạch Hãn... anh tự nhận mình không phải là một nhạc sỹ chuyên nghiệp, nhưng sức sáng tạo, sự nhạy bén, rung động trước cuộc đời của anh thì khó có một nhạc sỹ chuyên nghiệp nào theo kịp. Không có một vùng đất nào, một địa danh nào, một sự kiện nào mà không có trong tác phẩm của anh, đúng như lời của GS-NSND-Nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương đã đánh giá: “Xét cho cùng, trải qua bao nhiêu chức vụ khác nhau, vấn đề cốt lõi Trần Hoàn trước sau vẫn là cán bộ làm công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, do đó có điều kiện tiếp xúc với thực tiễn phong phú, từng vui với cái vui của dân, đau với cái đau của dân, được nhân dân tiếp sức cho những xúc cảm dồi dào từ cuộc sống và nhắc nhở anh phải viết một cái gì cho nhân dân”...

Trong thời gian tôi đang học Đại học lý luận âm nhạc, theo yêu cầu của chương trình, năm thứ ba sinh viên phải chọn một nhạc sỹ Việt Nam để làm niên luận và tôi đã chọn nhạc sỹ Trần Hoàn với tiêu đề “Bước đầu tìm hiểu cấu trúc âm nhạc trong ca khúc của nhạc sỹ Trần Hoàn”. Lúc này tôi mới có điều kiện tìm đọc và xem xét toàn bộ các tác phẩm của anh. Cho đến thời điểm năm 1997, anh đã có gần 1000 ca khúc. Toàn bộ ca khúc của anh như một cuốn nhật ký bằng âm thanh của cuộc đời, là một phần lịch sử mà thế hệ anh đã sống và cống hiến cho đất nước. Tôi rất thích 2 ca khúc: Sơn nữ ca Một mùa xuân nho nhỏ của hai thời kỳ cách nhau 50 năm như một sự khẳng định về tài năng của anh. Ca khúc Sơn nữ ca được anh viết vào năm 1948 lúc anh tròn 20 tuổi, một tình khúc được viết theo nhịp điệu tango nói về cái tôi hết sức riêng tư so với các tác phẩm sau này của anh với lời ca: Sơn nữ ơi, đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây... và 50 năm sau, cánh chim ấy vẫn tung bay, nhưng đã đi vào chiều sâu trong một ca khúc nổi tiếng Một mùa xuân nho nhỏ (lời thơ Thanh Hải). Anh đã bộc bạch: “Tôi rất tâm đắc với lời thơ trong bài thơ cuối cùng của Thanh Hải, vì nó đã nói hộ tôi mục đích, ý nghĩa việc sáng tạo của mình với đất nước, quê hương, với nhân dân và cuộc đời”: Ta làm con chim hót, ta làm một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến, ta biến trong hoà ca...

Trong thời gian anh làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Phó Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, không năm nào anh không về Huế. Bao giờ về Huế, anh cũng đến thăm tôi. Mặc dù tôi chỉ là cán bộ bình thường. Để cùng đi ăn cơm hến, bún hến, bàn luận về âm nhạc, nghe các sáng tác mới của anh. Và năm nào về Huế anh cũng có những tác phẩm để lại. Năm 2000, để chào mừng một thiên niên kỷ mới, anh đã sáng tác ca khúc Chào năm 2000, mà theo lời anh phải mang được chất sôi động, tươi trẻ. Năm 2002, trong dịp vào Huế, anh cũng đã có một sáng tác dành tặng cho Festival Huế 2002, với một giai điệu và tiết tấu sôi động, mang được hơi thở của thời đại với câu mở đầu: “Bay bay lên ơi Huế của ta ơi...”

Với bản tính, nhiệt huyết, sôi động vốn có của mình anh đã huy động học sinh, sinh viên của trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Thừa Thiên Huế vừa tập, vừa sửa chữa, vừa dàn dựng và tác phẩm hoàn thành sau hai ngày, kịp phát trên sóng phát thanh và truyền hình để phổ biến rộng rãi trước lễ hội Festival Huế 2002...

Hôm nay, ngày 23 tháng 11 anh đã vĩnh viễn ra đi, khép lại 75 năm chiến đấu, lao động, sáng tạo. Điều còn đọng lại đó là nhân cách và tác phẩm mà anh đã cống hiến cho cuộc đời. Lịch sử âm nhạc đương đại của Việt Nam khi nhắc đến Trần Hoàn, không thể không nhắc đến Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Lời ru trên nương, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Một mùa xuân nho nhỏ... Đối với bạn bè, anh em, đồng sự, đồng nghiệp, gia đình nhắc đến anh là nhắc đến nhân cách của một người cộng sản chân chính, miệng nói, tay làm. Tác phong giản dị, gần gũi, chan hoà, sôi động và hôm nay anh đã về cõi vĩnh hằng, để lại niềm thương tiếc cho mọi người.
Xin vĩnh biệt anh - một chiến sỹ, một nhạc sỹ tài hoa, một nhà văn hoá lớn!

Huế, 9 giờ 30 ngày 23/11/2003
N.Đ.S
(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng