Nhưng như thế không phải lúc nào và ở đâu, một tác phẩm thơ cũng trở thành trác tuyệt. Vậy cái gì đã làm nên giá trị và sức sống của một thi phẩm? Đó chính là sự hài hoà thẩm mỹ giữa trí tuệ và cảm xúc; giữa cái ảo và cái chân; giữa hình thức và nội dung. Trong đó, tính triết lý là một phương diện cần có để làm giàu nhận thức, liên tưởng và suy tưởng của con người.
Để làm sáng tỏ môt số nhân tố chủ yếu của quá trình tâm lý sáng tạo văn học nghệ thuật, làm hiện rõ mối quan hệ giữa tác giả - tác phẩm - độc giả nhằm cuối cùng chỉ ra cơ sở của tính trí tuệ trong thơ, chúng tôi tìm hiểu mối quan hệ giữa triết lý và thi ca, giữa những vấn đề có liên quan đến nhà thơ hoặc trí tuệ - thơ...
Trên bước đường khát khao sáng tạo của trí tuệ, con người thường ưu tư và hoài nghi về sự hiện hữu của chính họ. Có lúc, họ đã bơ vơ và bất lực nhìn lại gương mặt sầu muộn của mình và không khỏi nghi vấn về những kinh nghiệm sống qua (expérience vécue). Và hình như có một nghịch lý nào đó khiến con người không ngừng từ bỏ khát vọng sống của mình dù họ có cảm tưởng như họ đang bị lạc lõng giữa dòng thời gian vô định đang cuồn cuộn chảy.
Với thi nhân, vấn đề trên càng trở nên bức thiết. Sau một chặng đường thăng hoa của ý tưởng và trí tuệ, họ đã đi bên cạnh cuộc đời với niềm vui chấp nhận sự đơn độc. Họ thao thức và không ngừng khám phá, thăm dò hiện thực để yêu thương và mơ mộng vào những gì tốt đẹp cho con người và chính mình bằng tác phẩm. Họ có nhu cầu nhìn lại những gì đã qua để điều chỉnh, hoàn thiện. Phải tin vào những điều kỳ diệu ấy, phải đánh giá đúng mình, có vậy nhà thơ mới tồn tại.
"Thơ và triết học hoàn toàn bình đẳng với nhau khi cắm rễ vào những vấn nạn thực tại của nhân loại, của chân lý và của giá trị con người. Điều đó thật là mãnh liệt, nếu như có những tứ - vẫn câm nín, thì thơ vẫn chẳng bao giờ ngừng hứa hẹn thăng hoa khuôn mặt vừa sắc sảo, vừa khả ái cho cuộc đời.
...Kỳ thực, thơ là kinh nghiệm về thơ, hoặc là kinh nghiệm của một tâm hồn lấp lánh phản ánh lời giải đáp, chúng chẳng cầu xin câu hỏi, nhưng ở giữa búp chồi sáng tạo một câu hỏi bắt nguồn. Và thông qua búp chồi đó, kinh nghiệm có thể diễn dịch chính nó hay thực tại, và từ đó nó siêu phóng một thị kiến, một cấu trúc hay một hình thức của bài thơ. Bài thơ chỉ tiệm tiến môt biểu tượng về kinh nghiệm" (Bách khoa thần học New Catholic, Bàn về thơ, Báo Văn nghệ, số 13 - 1994).
Như vậy, rõ ràng thơ ca là một hình thái ý thức thuộc kiến trúc thượng tầng nhưng khác với các hình thái khác cũng cùng kiến trúc thượng tầng như pháp luật, chính trị, tôn giáo... bởi nó có tính đặc trưng riêng, có sức mạnh nội cảm hóa riêng do hình thức tổ chức ngôn ngữ và trạng thái cảm xúc đặc biệt của chủ thể sáng tạo mang lại. Hành trình tìm đến cái đẹp, mỗi nhà thơ đều có cách tiếp nhận riêng bằng liên tưởng, phát hiện và đề xuất theo cách của mình. Nhà thơ lớn thường là nhà tư tưởng, họ trực tiếp hoặc gián tiếp trình bày vai trò cực kỳ quan trọng của thi ca trong đời sống tinh thần của con người bằng nhiều cách nói tưởng như xa lạ. Trong lời tựa tập Điêu tàn do Chế Lan Viên viết cũng đã có cách biện lý này: "Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện tại. Nó xối trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý". Những cái vô nghĩa hợp lý này chính là cách biểu hiện để nói lên hiện thực theo cách riêng của Chế Lan Viên. Điều này cũng được Breton - người sáng lập trường phái siêu thực Pháp thừa nhận: "Chất thơ được hình thành qua những hình ảnh thoạt nhìn có tính cách cao độ, nhưng sau khi khảo sát kỹ càng, tính cách phi lý lui dần, nhường chỗ cho những gì có thể chấp nhận được" [1, 154]. Đó cũng chính là sự gặp gỡ của những điều nghịch lý trong quan niệm thi ca của thi sĩ muôn đời.
Không chú tâm bàn về những quan niệm đầy nghịch lý của nhà thơ, nhưng ở chương "Sự tham gia của lý tính" trong tác phẩm Tâm lý học sáng tạo văn học, M.Arnaudov có nói: "Nhà thơ, nói cho thật chính xác, không phải là nhà tư tưởng, nếu hiểu nhà tư tưởng như một trí lực được hướng vào việc giải thích hợp lý thế giới, như một sức mạnh của lý trí mà biểu hiện cao nhất của nó là nằm trong việc xây dựng hệ thống triết học hay lý luận khoa học (...). Nhà thơ chủ yếu là con người của tình cảm và tưởng tượng; anh ta chỉ là "nhà tư tưởng" chừng nào trong sáng tác của mình xuất phát từ một số cảm thụ riêng về thế giới và từ thế giới quan của chủ thể; và thế giới quan này càng độc đáo và càng dưạ trên sự trừu tượng bất giác có thấm đượm cảm giác trực quan, chứ không dựa trên một sự phản tưởng khô khan hay các quan sát có hệ thống thì nó càng giá trị hơn. Điều tiêu biểu đối với thế giới quan nhà thơ là nó mang dấu ấn của cá tính, nó không phải là cái gì chuyển tiếp, mà bao giờ cũng chứa đựng sự thật của nó. Nếu một học thuyết khoa học và hệ thống triết học đành phải đổ vỡ, đành bị thay thế bởi những cái khác chính xác hơn do các phát minh mới mẻ đưa lại, nhất là khi chúng giải quyết các vấn đề to lớn còn chưa được chứng minh bằng thực nghiệm, thì tư tưởng thơ ca bao giờ cũng đúng, dù như một sự đánh giá, dù như một ấn tượng, vì nó xuất phát từ những bức tranh toàn vẹn và thể hiện trung thực bản chất của sự vật" [2, 500-501].
Dĩ nhiên nêu ý kiến này, Arnaudôp không loại trừ sự kết hợp cho phép và có thể được giữa khoa học và những tư tưởng trừu tượng, cũng như thơ ca để tăng giá trị, hiệu quả của thơ. Trong Vàng sao, chương Đêm tin tưởng, Chế Lan Viên đã viết: "...Ta nhìn ra. Muôn sao thôi độc dữ. Không tách riêng ra tư tưởng để nói triết học giữa trời, chúng ta đã lần vào thi ca, trong chăn gối dâng lên từ cảnh vật. Ẩn một chút gì tươi mát giữa cỏ cây, chúng ca lên những tiếng ca xanh".
Như vậy, để tìm một định nghĩa về triết lý trong thơ ca quả là khó. Vì nếu nó có một định nghĩa chuẩn xác được mọi người thừa nhận thì cả cuộc đời, các nhà thơ đã không phải vất vả và tốn nhiều giấy mực tranh biện như thế. Nhiều ý kiến cho rằng nhà thơ là người luôn luôn ở giữa hai đối lập như ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, hiện hữu và hư vô, hiện thực và huyền ảo... đều có cái lý của họ. Nhà thơ là người triền miên suy nghĩ nhưng chỉ những phút bất thần mới khám phá ra nội tâm mình và những bí ẩn cuộc đời bằng ngôn ngữ cũng rất bất ngờ. "Một bài thơ là một biểu tượng toàn thể lớn lên từ cốt lõi của đôi cánh tưởng tượng" (Deni de Rudemond).
Như vậy, chất triết lý trong thi ca, đặc biệt ở những nhà thơ lớn, bên cạnh kiểu tư duy thuận lý, dường như bao giờ cũng thể hiện sự nghịch lý nhưng là sự nghịch lý nằm trong tính toàn thể của nó, bao gồm cả hình thức và nội dung, để cuối cùng người đọc nhận ra một nét riêng, một phong cách đặc biệt từ sự hài hòa này. Quan niệm đầy nghịch lý về tính triết lý trong thi ca ở bất kỳ nhà thơ nào đó, dù là vô hình trung đi nữa thì nó cũng hàm chứa trong bản thân nó sự mâu thuẫn được điều hòa làm thành cảm xúc thơ, giá trị thơ; do quá trình sáng tạo được chỉ đạo từ một quan niệm, một tư tưởng triết lý nào đó. Wugotski trong Tâm lý học nghệ thuật đã chỉ ra rằng: "Chỉ trong một hình thức cụ thể của mình, một tác phẩm nghệ thuật mới có được sự tác động tâm lý của mình".
Có những tác phẩm rất quái đản về cách tổ chức ngôn ngữ nhưng hiệu cảm thẩm mỹ lại bất ngờ, bởi vì nó hàm ẩn những triết lý lạ, gợi sự tò mò trí tuệ ở người đọc để thỏa mãn nhận thức. Phải tìm cái đẹp ẩn chứa bên trong đã tạo ra sự khoái cảm ấy từ hình thức tương ứng mới thấy hết tư tưởng nền tảng của nhà thơ. "Thơ diễn đạt những quá trình đa dạng nhất và hệ quả tư duy đầy ám ảnh, giữa tư duy và ngôn ngữ dù có liên quan với nhau nhưng ngôn ngữ không phải là kho phương tiện sẵn có, vô tận và phù hợp ngay để có thể tư duy và thể hiện kết quả tư duy (...). Chính chuỗi hình ảnh đã mang vào tư duy ký ức và kinh nghiệm chứa đầy màu sắc tình cảm, nên không thể bỏ qua sự tương phản giữa ngữ nghĩa và hình ảnh ước lệ. Đó là nghịch lý trong thơ, là sự thể nhất nhưng không đơn nhất, là sự hòa quyện nhưng khác biệt", nhưng "trước kia, ta chỉ nói đến sinh mệnh thơ như một chỉnh thể tương tác giữa bộ phận và toàn thể hoạt động trong cấu trúc nội tại nhịp nhàng. Sinh mệnh thơ tồn tại trong môi trường của nó. Đấy là văn cảnh, là bối cảnh lịch sử, là hoàn cảnh sáng tạo, là tình huống giao tiếp. Định mệnh thơ nhấn mạnh đến những mối liên hệ không thể làm chủ đươc dự kiến trước. Có thể nhắc tới sự bừng ngộ của trực giác, sự chớp lóe của trí tuệ mẫn tiệp, sự gặp gỡ giữa cái vô hình và hữu hình, giữa ý tưởng thơ và hình ảnh phù hợp... Ngoài ra, định mệnh thơ còn quan tâm đến những sự qui định và chi phối của những yếu tố không thể tự giác, từ bên ngoài tác động tới thơ." [3, 61-63]. Nhiều tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Cầm và các thi sĩ tài danh trên thế giới được hình thành trong trường hợp như vậy.
Cho nên, tính triết lý trong thi ca có thể được hiểu trong sự biểu hiện ở hình thức nghệ thuật của nó. Điều này, giúp ta có cơ sở đi sâu tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ phong phú, đa dạng của các thi nhân. Tính đặc biệt về hình thức đã làm cho quá trình tìm hiểu thơ trở nên phức tạp nhưng vô cùng kỳ thú chứ nó hoàn toàn không làm nghèo nhận thức của người đọc. Một khi đã giải mã được nó thì những vấn đề thuộc nội hàm như: tư tưởng, tính triết lý, tứ thơ sẽ hiện lên. Vậy, ở đây một câu hỏi có tính bản thể luận đặt ra Triết lý là gì? đã phần nào mang ý nghĩa một bộ phận quan trọng của thi ca. Đó là vấn đề về tính triết lý trong thơ.
Thuật ngữ tính trí tuệ hay tính triết lý xuất hiện từ rất sớm. Khái niệm "thơ trữ tình triết học" gắn liền với tên tuổi các nhà thơ lớn trên thế giới như: Block, Schiller, Bretch, Rilke, Baudelaire, Valéry, Claudel..., đến thời của chủ nghĩa lãng mạn, Arnaudov cho biết cũng có một số nhà thơ sáng tác theo khuynh hướng này mà người Đức gọi là "trữ tình trí tuệ", thơ ca gắn với cuộc sống và có sự thâm nhập lẫn nhau giữa một bên là nghệ thuật, một bên là khoa học, triết học. Và Arnauđốp thêm: "Vào thời cận đại, chúng ta ngày càng bắt gặp nhiều hơn trong trữ tình những mô tip dắt dẫn ta vào vương quốc của các tư tưởng. Như Ghugô nói, ở những chỗ lý tính thường không được thỏa mãn thì cảm xúc ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm sự thỏa mãn, để tìm ra được khoái cảm trong một điều gì đó chúng ta nhất thiết phải suy nghĩ tạo ra một trong những nguyên nhân của tiến bộ đạo đức và thẩm mỹ" [2, 514]. Như vậy, tính triết lý trong văn chương không phải là những gì khô khan; vì nếu thế, các lĩnh vực khác như triết học, tư tưởng sẽ đắc địa hơn nhiều. Tính triết lý ở đây được thăng hoa từ cảm xúc và suy nghĩ trên cái nền hiện thực cụ thể mà chủ thể sống qua. Thơ ca từ xưa đến nay đều vươn lên thể hiện sự hài hòa này. Không phải chỉ câu thơ, bài thơ mà ngay cả những gì trong đầu óc nhà thơ đã bao hàm một ẩn tàng triết lý. Và khi đươc thể hiện ra, lập tức nó làm giàu, nâng cao hiệu quả thơ. Nhà thơ nào có vốn văn hóa, vốn triết học cao và biết vận dụng chúng trong sáng tạo để hình thành kiểu tư duy độc đáo, đậm đặc mang cá tính, giọng điệu riêng khi bình giá cuộc sống thì được xem như nhà thơ trí tuệ, nhà thơ triết lý.
Có nhiều người nói đến thơ trí tuệ và thơ triết lý nhưng đây là vấn đề không dễ xác định. Thật ra, giữa chúng có nội hàm liên quan với nhau. Theo Từ điển tiếng Việt thì Trí tuệ là khả năng nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định, còn Triết lý là lý luận chung của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội. Một bên chỉ khả năng lý tính để nhận thức đối tượng; một bên chỉ quan niệm và sự đánh giá đối tượng bằng lý tính. Sự triết lý sâu sắc và cao viễn đến đâu phải nhờ đến trí tuệ, sự thông thái của từng cá nhân. Như vậy, hai thuật ngữ này khi đứng trong nhóm từ thơ trí tuệ, thơ triết lý thì chúng gần nghĩa nhau, có thể gọi cách nào cũng được. Nhưng một nhà thơ dù có trí tuệ và triết lý đến đâu thì họ cũng phải ưu tiên cho chất trữ tình - đặc trưng cơ bản của thơ - nhiều hơn. Cho nên triết lý, trí tuệ ở đây nên hiểu là tính chất trí tuệ, tính chất triết lý mà nhà thơ ưu tiên thể hiện bên cạnh những tính chất khác. Căn cứ định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, chúng tôi chọn cách gọi tính triết lý, thiết nghĩ dễ chấp nhận hơn. Nhà thơ nào cũng bằng vốn trí thức và văn hóa chung của mình để miêu tả, bình luận và đánh giá cuộc sống theo quan niệm riêng và đạt đến trình độ siêu phóng, mới mẻ nào đó, với giọng điệu riêng, hấp dẫn thì mới gọi là có tính triết lý. Hơn nữa, nhiều người vẫn cho rằng tính triết lý thể hiện đậm đặc cả trong thơ trữ tình lẫn trong thơ trí tuệ; còn tính trí tuệ thì thể hiện trong thơ chính luận nhiều hơn thơ trữ tình. Dùng trí tuệ để triết lý và triết lý đạt tầm trí tuệ đến đâu là hai quá trình khác nhau. Với ý nghĩa ấy, chúng tôi thống nhất dùng tên gọi tính triết lý mà vẫn không hề đối lập với những gì thuộc về trí tuệ, tính trí tuệ. Chúng tôi cũng tránh dùng Thơ triết học (Triết thi - poésie philosophique) vì nó quá rộng dù nhiều nhà thơ cố tình đưa những yếu tố và thuộc tính phô diễn cách đánh giá về vũ trụ, nhân sinh, về thời gian, cái chết... theo đặc điểm của tư duy triết học. Trên thế giới có rất ít người được gọi là nhà thơ triết học. Chẳng hạn Prudhomme và tiêu biểu nhất có lẽ là Schopenhauer và Nietzsche nhưng như Nguyễn Đình Thi trong bài viết Thơ triết học (Tri tân, số 135, 23-3-1944) có viết: cả “hai nhà tư tưởng ấy chỉ viết về triết học mà không định làm thơ”, “Thơ triết học gồm hai phần rất dễ thấy: một phần thơ và một phần triết học. Nó tham lam hơn thơ vì muốn bắt nguồn ở tư tưởng, nó tham lam hơn tư tưởng vì muốn có một hình thức đẹp và say sưa. Nhà thơ thông thường (xin chớ lầm với nhà thơ tầm thường) muốn làm rung động lòng người, nhà thơ triết học, tham lam hơn, muốn bắt người đọc phải nghĩ trong say sưa nữa”. Vậy chứng tỏ không có nhà thơ nào tự nhận mình là nhà thơ triết học. Còn tính triết lý, tính trí tuệ thì dĩ nhiên không phải một mà rất nhiều nhà thơ theo đuổi, tìm tòi. Để tránh cách gọi khoa trương, chúng tôi dùng nhóm từ Tính triết lý trong thi ca với những lý lẽ trên. Nhà thơ triết lý không chủ tâm phô diễn những quan niệm có tính triết học của mình bằng tư tưởng một cách khô khan. Trái lại, ở họ, kết hợp được tình cảm và lý trí để xây dựng những hình ảnh, những tâm trạng điển hình, chân thật của cuộc sống bằng ngôn ngữ, giọng điệu có tính triết lý nhưng yếu tố trữ tình, gợi cảm vẫn đằm sâu. Đó là thi pháp cá nhân của từng nhà thơ. Họ chú trọng đến, trước hết, chất thơ và hình thức thích hợp để chứa đựng tư tưởng, triết lý. Từ đó bắt người đọc phải rung động và nghĩ suy một cách say mê.
Khi Nguyễn Du viết “Trăm năm trong cõi người ta - Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” thì rõ ràng ông không bình thản, thụ động lập lại quan niệm “tài mệnh tương đối” làm tư tưởng cho tác phẩm mà là muốn tạo sắc thái mới cho nó. Tính triết lý của Truyện Kiều là ở giọng điệu của tác giả khi đánh giá tư tưởng trên.
Tương tự như vậy, Chế Lan Viên luôn thể hiện tính triết lý trong thơ bằng nhiều biện pháp nghệ thuật để tạo giọng điệu mang tính triết lý. Khi ông viết: “Ôi! Cái thuở lòng ta yêu Tổ quốc - Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên?” thì ông đã công khai nói lên niềm sung sướng nhất của lòng mình (và cả cho mọi người) khi gặp lại Nhân dân và Tổ quốc. Tình yêu Tổ quốc được đánh thức trọn vẹn trong ông và trở thành hạnh phúc ban đầu, thiêng liêng mầu nhiệm, nó xa lạ với kiểu tình yêu Tổ quốc trước đó khi chưa ý thức đầy đủ. Nhờ giọng điệu thông qua tổ chức ngôn ngữ mà tính triết lý và tư tưởng tác giả được tỏ lộ. Dĩ nhiên, muốn sáng tạo theo hướng này, nhà thơ phải vượt qua nhiều trở ngại để tạo thành vẻ đẹp nghệ thuật, dù có khi khó bình luận, phân tích ở ý nghĩa ẩn chìm của chúng.
Sự tương quan giữa tư tưởng và sáng tạo thi ca bao giờ cũng có sự liên kết chặt chẽ, có khi ẩn kín, khó nắm bắt ngay lập tức, bởi vì "trong việc phụng sự cho ngôn ngữ , cả hai, tự tận tụy dâng hiến tiêu phí trao tính trọn vẹn. Tuy nhiên giữa hai bên đồng thời có một hố thẳm ngăn cách, vì cả hai đều trú ngụ trên những ngọn núi cách biệt hẳn hoàn toàn" [4, 86]. Chính vì vậy, những quan niệm về tính triết lý trong thơ bao giờ cũng có vẻ như những quan niệm đầy nghịch lý, nhưng là sự nghịch lý trọn vẹn, hợp lý.
Trên đây là những suy nghĩ bước đầu của chúng tôi về tính triết lý trong thi ca. Rất mong được nhận những ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp.
H.T.H (179-180/01&02-04) |