Tạp chí Sông Hương - Số 179-180 (tháng 1-2)
Khi tôi nhớ về người em đã khuất
15:28 | 03/07/2009
ANH DƯƠNGCòn sống đến nay, ông tôi phải hơn trăm tuổi. Trước ngày chết, ông kể cho tôi câu chuyện thương tâm này.

Nghe ông tôi than thân trách phận: “Cành họ ông có mả vô đinh”, tôi hỏi: “Đã có ông, có cháu đây, sao ông bảo vô đinh hở ông?”. Ông bèn giải thích: “Bố mẹ ông phải mua ông năm Tuất, ông phải mua bố mày năm Mùi, còn mày, ông mua năm Dậu. Vào tang đói kém, người miền xuôi ngược lên bán. Dù mấy đứa gái cũng coi là vô, phải có một trai, sứt mẻ gì cũng được, để dân bản khỏi chê cười là vô phúc, thiểu đức, không có người nối dõi tông đường, hương khói cho ông bà ông vải!”.

- Thế sao không bảo mẹ cháu đẻ. Lúc nào mà việc đẻ chẳng dễ hơn là đừng đẻ. Có người đã bảo, chỉ cần “muốn” là đẻ thôi mà, ông?

- Ừ, thì lần mẹ mày đẻ con chị, giờ nó đã xuất giá rồi đó, lại đẻ một cái thằng tai to, mặt lớn, ra dáng tướng tài. Bà mụ còn đánh dấu chàm ở gáy lưng một hình ngôi sao năm cánh. Cái dấu hiệu dị tướng ấy thì không có thể lạc vào đâu được. Đầy tháng, bố mẹ mày, với bà mày địu theo thằng bé đi làm nương, treo nôi nó lên cây ở bìa rừng, mất nó lúc nào không biết. Vì thương tiếc mà mẹ mày, bố mày, bà mày đâm phiền não, chết theo!

Thời gian trôi đi như một dòng nước bào mòn vết thương đau. Vào một ngày kia, những người nông dân trong vùng, khi tiến hành phát cây cối, khai khẩn một vạt rừng cách bản chừng cây số để gieo trồng ngũ cốc, họ bắt đầu xua đuổi đàn khỉ chuyên phá phách nương rẫy ra khỏi nơi này và, chỉ khi ấy họ mới phát hiện một đứa bé trai cỡ ba tuổi giữa bầy khỉ sống trong rừng sâu, không có quần áo, không biết nói, hành vi của đứa bé này giống một con thú. Nhưng lúc đầu người ta cũng chỉ biết thế thôi chứ chưa ai có cách gì để chứng minh cho những người khác biết rõ hơn về một câu chuyện dù sao cũng còn bán tín bán nghi hoặc như một câu chuyện cổ tích nhưng trên thực tế là có thật.

Dân bản nhanh chóng truyền câu chuyện lạ ấy cho người thân ở các bản bên cạnh, mô phỏng, phán đoán với nhau theo cách hiểu biết của những người nông dân miền núi và nhiều người đem câu chuyện kể với một tay thợ săn kỳ cựu trong vùng. Người thợ săn này, sau khi nghe chuyện, muốn tỏ rõ tài nghệ của mình cho nhiều người biết, ông ta không quản ngày đêm, mai phục, dán mắt theo dõi từng bước hoạt động của bầy khỉ. Một hôm, sau khi khéo léo, bí mật theo đuổi bầy khỉ kéo nhau sang sống ở khu rừng bên cạnh. Lúc đầu, quan sát bằng mắt thường từ xa, người thợ săn còn nhầm đứa bé là một con đười ươi đực con theo bầy khỉ cùng đi kiếm hạt quả, leo trèo giỏi và, còn là bạn với chim muông. Thật đau buồn là em bé đã hoàn toàn mất khả năng ngôn ngữ của con người mà lại hú như khỉ, hung dữ như khỉ, di chuyển theo kiểu bò lổn ngổn như khỉ, cũng nhặt trái cây đưa lên mũi ngửi, cho vào miệng nếm rồi lại ném ngay xuống đất nếu không ưng, cũng dùng hai tay ôm chầm những con khỉ trong bầy đàn.

Mãi ba năm sau mới hay, con khỉ đã từng sống ở khu rừng này đã bắt trộm đứa bé sơ sinh vừa đầy tháng trong nôi treo trên cây ở bìa rừng đem đi nuôi ở khu rừng nào đó rồi lại cõng thằng bé về đây và người thợ rừng từng trải, khôn khéo đã dụng công bắt được bằng bẫy hầm.

Nghe tin, cả bản mường đổ vào rừng xem mà nhận ra đích thực thằng bé bỗng dưng mất tích ba năm trước. Bây giờ thằng bé đã hoá “người khỉ” chứ không còn là người nữa. Tuy vậy, bên cạnh con khỉ độc luôn bám sát để bảo vệ thằng bé khỉ, nhìn vào dấu chàm lồ lộ ở gáy lưng mà bà mụ đánh dấu, ta rất dễ phân biệt thằng bé khỉ không phải con của khỉ sinh ra mà là con của người sinh ra.

Ông tôi cần quyền chuộc nhưng người thợ săn đã bảo: “Không phải chuộc, nó là của ông, của tôi, của cả bản rừng ta đó. Khoan, khoan hãy tính đến chuyện đó. Trước tiên là tuỳ theo khả năng, tuỳ theo tấm lòng rộng mở như rết nhiều chân, cả bản xúm cùng tôi, cùng ông, ta giúp phục dưỡng, “hoàn nhân” để kịp thời cứu đứa bé ba năm nay bị đồng hoá thành khỉ, bị khỉ bắt vào rừng nuôi!”. Còn tôi, ai cũng biết, gần một đời người, ngày đêm lăn lộn sống trong rừng với nghề săn bắn, tôi chẳng lạ chi đời sống và cách sinh sống của nhiều loài trong rừng này, nhất là loài khỉ, tôi có kinh nghiệm hơn thì tôi xin chịu trách nhiệm trong việc nuôi dạy thằng bé khỉ biết đi đứng thẳng thớm đàng hoàng như người, biết ăn, biết nói, biết gói, biết mở... như tổ tiên nó.

Người thợ săn bắt tay ngay vào việc dạy dỗ thằng bé khỉ tất cả như một con người, đúng với tên gọi thiêng liêng mà tạo háo đã ban tặng cho.

Từ trẻ chí già, ai trong bản mường này cũng thấy cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, cùng lời nói có lý, có tình, cũng cảm phục đức độ của người thợ săn lịch lãm đó. Và từ nay, ông trở thành cha nuôi “Thằng người khỉ”.

Theo kế hoạch của người thợ săn, dân bản nghe lời không nỡ giết con khỉ độc vì dẫu sao nó cũng có công nuôi nấng, cõng thằng bé từ ngày còn một tháng tuổi, cứ để rồi tách dần, tách dần thằng bé, khi cần thiết. Đến ngày gần tách được thằng bé ra thì con khỉ độc kia cũng chết, vì nó đã già lắm rồi.

Cũng phải nói, lúc đầu đặt tên cho thằng bé khỉ là “Thằng người khỉ”, nhiều người cho như thế là không ổn, thì người thợ săn giải thích: “Tên chỉ là quy ước để gọi với nhau, cái có ý nghĩa là vật đem ra gọi là “Thằng người khỉ”, chúng ta cố giúp nó mau chóng hoàn thiện được nhân cách tốt đẹp của đồng loại, để sớm hoà nhập với đời sống xã hội, cộng đồng kia”.

Một hôm, có người hỏi người bố nuôi rằng: “Thằng người khỉ” biết nói chưa? Người bố nuôi đáp: “Còn bập bẹ các tiếng: “Chon chào sày chi dầng đề a!”. Hai tháng sau, người ấy lại hỏi: “Biết nói chưa?” Bố nuôi đáp: “Đã rõ các tiếng: “con chào thầy đi rừng về ạ!” Ba tháng sau, cũng người ấy hỏi: “Biết nói đến đâu rồi?” Bố nuôi đáp: “Trông thấy mười điều, nói tám, chín”. Tháng sau, cũng lại người ấy hỏi: “Chắc nay, trông thấy mười điều, nói đủ mười!” Bố nuôi đáp: “Biết nói rồi, trông thấy mười điều, chỉ nói hai, ba” Người kia đâm ngạc nhiên, tò mò hỏi đi, hỏi lại: “Ủa, thế thì biết nói ít lắm, khéo mà khỉ lại hoàn khỉ thì công cốc!”.

Người bố nuôi vẫn điềm đạm: “Biết nói rồi, thưa ngài, xin ngài vui lòng phân biệt ít nói khác với nói ít. Thì thánh Khổng Tử, cả đời ngài chu du khắp các nước chư hầu, suốt tháng, năm ngài thuyết giáo, truyền đạo, có ai chê bai, dè bĩu ngài là nói nhiều, nói ít đâu? Cái kỳ công, cái chuẩn đích của tôi là khổ luyện cho “Thằng người khỉ” của tôi ý thức ngay từ giây phút đầu là đừng bao giờ nói thừa tiếng, đừng thấy gì nói nấy, thao thao bất tuyệt. “Ăn có nhai, làm có nghĩ”. Nói như con vẹt mới là biết nói ư? Thưa ngài!”.

Ở bản Thắng này, câu chuyện “Thằng người khỉ” như một nồi nước sôi già, nhấc ra khỏi lửa, thời gian càng nguội dần...

Đã lâu, không thấy ai gọi là “Thằng người khỉ” mà gọi là “Chú thợ săn kề cận” vì nó thường xuyên đi về với cha nuôi vào ra rừng và, nhiều hôm hai cha con cùng khiêng về hàng buộc khỉ với nhiều thú rừng khác. Người bố nuôi cho biết là “Thằng người khỉ” có biệt tài hơn ông về cách phát ra thứ âm thanh để dụ gọi khỉ về hầm bẫy. Từ ngày có nó theo ông vào rừng, nhờ nó giúp thêm tay, tuy không còn tinh nhanh như thời tuổi trẻ, ông vẫn săn bắn được nhiều hơn trước, nên đời sống khấm khá hơn. Ai cũng bảo ông có phúc nên có phần đấy!

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, người ta chóng già là thế. Nay “Thằng người khỉ” đã 10 tuổi. Những hôm xấu trời vào rừng không thuận tiện, cha con người thợ rừng ở nhà. Người ta thấy “Thằng người khỉ” lớn bổng giữa đám trẻ làng như một con ong tướng giữa đõ ong vậy. Nó cùng đám trẻ ở sân đình chơi trò đánh trận giả, 5 đứa khác cụm lại làm voi, cũng có vòi, có đuôi bằng một tay của đứa đầu, đứa cuối, vẫy vẫy, huơ lên, huơ xuống; nó và một thằng nữa ngồi trên lưng voi, thằng ngồi sau nó, cầm cái gốc cây sắn làm búa đóng quản tượng, một tay cầm cây kích là thân một cây sắn đã lau mắt, vạt nhọn một đầu, có sơn vôi trộn lẫn nhọ nồi. Nó ngồi trước, đầu đội mũ cánh chuồn kết bằng lá vàng, một tay cầm cây kiếm gỗ, tay kia cầm cái loa vận bằng lá dứa, chõ lên mà dõng dạc giữa tiếng hò reo, tiếng thét “sát! sát!”, tiếng gõ “cheng, cheng!” vào chậu thau đồng của bầy trẻ: “Hỡi tam quân, nghe trẫm truyền: chỉ có tiến chứ không lùi, không lùi!”.

Người cha nuôi thực bụng không muốn cho con theo vào rừng, tuy là nghề của ông sinh sống lâu nay. Ông bảo con khi ôm nó vào lòng: “Con à, theo công việc chữ nghĩa, văn thơ, khoa học mới khó, mới hay, chứ cái nghề săn bắn thì khó chi. Con hãy nghe cha chuyển nghề!”... “Thằng người khỉ” thì bảo nó thương cha vào ra một mình đêm hôm nơi rừng sâu hun hút thiếu chi nguy hiểm, nên cứ năn nỉ xin cha đi theo, còn chuyện học hành chữ nghĩa hẳn là phải theo lời cha, nhưng sẽ lo sau. Ban đầu người cha nuôi nể và chiều con. Vả lại, thực tình ông không muốn xa rời nó dù giây phút.

Trẻ con trong bản mường thì chưa sáng đã tốp tốp kéo đến ngõ rủ “Thằng người khỉ” đi cầm đầu trò chơi đánh trận giả cho vui.

Già làng nhắc bố nuôi đi xin lập tờ khai sinh cho con, theo luật quan châu lâu nay đã chậm trễ lắm rồi!

Một hôm, ngày lành tháng tốt, người bố nuôi dẫn con cùng đi gặp viên cai bạ hàng tổng để “Thằng người khỉ” tự trình bày mà xin ông cai bạ cấp giấy khai sinh. Vốn là người làm việc trong tổng nên viên cai bạ không lạ lý do và nội dung câu chuyện, ông là người khét tiếng khắt khe về nguyên tắc, lại khó tính, nhưng hôm nay ông rất ôn tồn, niềm nở đón tiếp cha con người thợ săn. Sau khi nghe lời lẽ thông minh, từ tốn, lễ phép tự trình bày của “Thằng người khỉ”, ông bạ tươi cười nhìn sang người cha nuôi và có lời nhận xét về đối tượng xin cấp giấy khai sinh, với lời khách quan, không chút lấy lòng: “Tuy trên chân tay, mặt thằng bé, lớp lông tơ dài hơn, dày hơn mọi đứa trẻ khác, nhưng điều đó không can chi. Tôi thấy lớp lông tơ đó góp phần tăng thêm vẻ đẹp khác thường cho thằng bé, ông ạ (chỉ cha nuôi). Rõ là một con Người đích thực rồi, một thằng bé mới 10 tuổi đầu, có 3 năm lại là ba năm đầu của đời người, sống sót giữa bầy dã thú, như ông khai, nhưng cao to, lực lưỡng hơn cả đứa 13, 14 tuổi, một chàng thiếu niên đầy vẻ tài trí, thông tuệ, tràn đầy sức lực, khoẻ mạnh, ăn nói linh lợi hoạt bát, điềm đạm, lễ phép. Cứ tiếp tục nền giáo dục như thế của gia đình và xã hội, đứa bé sẽ trưởng thành nhân cách tốt đẹp. Nghĩa là biết “Khiêm”, “Nhã”, “Kính”, “Ái” làm phương thế phục lòng mọi bậc người trong xã hội. Còn việc lập tờ khai sinh, ông không lo, tôi không thể không tận tâm giúp cháu. Bố mẹ sinh con cái, nhà nước nào cũng phải cấp khai sinh cho các cháu. Có điều, lẽ ra bố mẹ đẻ của cháu phải làm kịp theo quy định của quan châu, nhưng không may gặp phải trường hợp bất thường, xin khất ông, để tôi tự lên quan châu đã, trường hợp này tôi không được phép thiện tiện”.

Trước khi chia tay, viên cai bạ thắm thiết ôm hôn “Thằng người khỉ” như con mình và “Thằng người khỉ” kính cẩn chào biệt để cùng người cha nuôi cáo lui.

...Tiếp được công văn của viên cai bạ, quan châu cho lệ đem tờ sức về ngay tổng, cùng viên cai bạ, người cha nuôi, thân hành đưa “Thằng người khỉ” lên dinh châu, để quan châu ngài mắt thấy chứ lâu nay mới tai nghe.

Trong bản mường lại có kẻ xấu bụng, ghen ăn tức ở rằng “Chuyện cấp giấy khai sinh là nhỏ, rất nhỏ, sao quan châu nay lại ôm rơm? Không phải là để chiều lòng tò mò của mọi người trên phủ đường, nhất là các bà lớn, bà nhỏ vợ quan, cậu ấm với hai cô chiêu của quan hay sao?”

Đến hẹn, đoàn người thân hành đưa “Thằng người khỉ” đến tận nơi quan châu ngồi làm việc, hôm đó cũng có đầy đủ các bà, các cô, cậu, nha lại, lính tráng.... Bà lớn đang ngồi ngả ngửa trên cái ghế bành lót nhung màu xanh, bỗng đứng phắt lên mà trố mắt nhìn quan, nói: “Quan xem kìa, thằng bé hay hay quá đi thôi!”. Hai nường công chúa của quan vào tuổi cặp kê, thấy “Thằng người khỉ” đĩnh đạc, phổng phao đáng yêu thì e thẹn, cứ ả này ẩy ả kia về phía “Thằng người khỉ’ như kiểu “muốn ăn gắp bỏ cho người”. Cậu ấm thì chìm lút giữa mấy hàng ghế cạnh quan vì quá lùn, quá mảnh khảnh mà lại sứt mũi và yếu ọt như thằng phải gió! “Bà” vợ bé của quan nghe nói mới vào tuổi 17, thì đưa mắt con mèo cái nhìn “Thằng người khỉ” như nhìn bát mỡ mới rán còn bốc lựng mùi thơm. Rõ là háu cái tướng mạo bên ngoài của người con trai, là cái căn bệnh muôn đời của người con gái. Quan châu hình như ngài cũng ghen, cũng buồn vì ngài tự xét hình thức, tư chất của cậu ấm sứt của mình còn ở gót chân của “Thằng người khỉ”! Nhưng quan cũng cố trấn tĩnh gọi viên cai bạ và người cha nuôi lại gần căn dặn: “Một đấng nam nhi như thế này, từ nay không cho phép ai được gọi tên là “Thằng người khỉ” nữa, mà phải theo giấy khai sinh quan châu đích thân cấp:

Tên: Tân (nghĩa là mới); họ: lấy họ người cha đẻ (đã quá cố); tên lót: mang họ người cha nuôi”. Rồi quan đặt hai bàn tay ngón tháp bút xanh xao vàng vọt của quan lên bờ vai rộng như vai Từ Hải của Tân mà hỏi: “Đã muốn đi học chưa con?” Tân trả lời: “Bẩm thưa quan, có ạ. Quan khen: “Tốt lắm! tốt lắm!” Quan lấy một tờ giấy hồng điêu trên bàn, viết mấy chữ, giới thiệu với một thầy đồ có tiếng hay chữ trong tổng, để Tân kịp nhập học tháng tới. Quan lại bảo với bà lớn cho Tân thêm 5 đồng nữa để mua giấy bút. Có lẽ vì thiện cảm với con người Tân nên bà lớn cho Tân thêm 5 đồng nữa là 10 đồng! Quan nói cho người cha nuôi phấn khởi, đưa con trở về chăm sóc nó thêm việc học hành, sau đó sẽ có bằng cửu phẩm quan ban, vì đã có công cứu một cậu bé 3 năm tuổi thoát khỏi bàn tay dã thú, vừa có lòng nhân đạo vừa biết cách dạy ăn, dạy nói..., giúp một con người đã hoá khỉ “hoàn nhân”, trở lại với cuộc sống của xã hội văn minh của con người.

Nghe lời quan, Tân đến trường học chữ, ngừng việc đi rừng với cha. Nhưng hàng tháng, Tân xin thầy đồ về thăm cha nuôi và ông (là ông tôi đó) và có kèm theo thư báo khen của thầy đồ gửi cho phụ huynh, khen rằng: Trong đám học trò có cả con cái các phú ông hàng châu, Tân vượt trội hẳn lên về mọi mặt!

Nhưng than ơi! đến năm tròn tuổi giáp đầu thì Tân qua đời, với căn bệnh đau màng óc, như lời viên đốc tờ châu thông báo.

Từ đó, người trong bản Thắng không ai thấy bóng dáng người cha nuôi trong rừng săn bắn nữa. Ông đi lang thang, luôn đeo chúc nòng khẩu súng kíp, không có đạn, mồm thì luôn lẩm nhẩm: “Thằng người khỉ”, “Chú thợ săn kế cận”, “Thằng Tân - con tôi, nó đã biết nói rồi mà, một trăm phần trăm biết nói rồi, sao nó chết rồi, chết rồi!”.

Vài tháng sau, vì quá thương tiếc đứa con, người cha nuôi phát điên phát cuồng, rồi chết! Để lại túp lều xiêu vẹo, rách nát cô quạnh nơi cửa rừng như một nhân chứng. Tài sản đáng giá chỉ có một con dao khoắm, một khẩu súng kíp tự tạo, người thợ săn sử dụng đã 50 năm, cán dao và báng súng lên nước trơn bóng, treo lủng lẳng vào mấu cột chòi, chỗ đầu tấm liếp làm giường nằm của hai cha con.

Còn tôi thì các bạn biết đó, không hề rõ mặt mũi của cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, là một đứa trẻ mồ côi cút, được ông tôi mua rẻ về nuôi từ lúc tôi chưa có quần áo mặc. Trong cái xã hội cũ, cá lớn nuốt cá bé, bòn mót ra miếng cơm, manh áo đã khó, nói chi chuyện học chữ.

Chưa đến tuổi thành niên, nhưng tôi xin gia nhập vào một đơn vị bộ đội qua bản làm liên lạc nhiều năm mới đủ sức cầm súng đi chiến đấu và, cho đến ngày kết thúc Điện Biên Phủ, đeo cái huy hiệu thương binh loại bốn về thăm mừng dân bản và ông tôi thì ông tôi đã qua đời!.

Ai cũng thông cảm: Bộ đội thời kháng chiến chống Pháp đâu có thời giờ học văn hoá, anh em người biết chữ bày cho chỉ biết được đôi ba vần. Phục viên về, sau hoà bình, tôi mới có thời giờ tự học. Việc học chữ đối với tôi bây giờ quả là “măng mọc quá pheo”. Những lúc học không vô được, là tôi nghĩ ngay đến “Thằng người khỉ”, “Chú thợ săn kế cận”, thằng Tân - em tôi, để mà tự khắc phục cái yếu kém của mình, chớ tự ái vặt mà lơ là, chểnh mảng việc tự học hành thường xuyên liên tục của mình!...

(Bản Thắng xã Hải Long huyện miền núi Như Thanh - Thanh Hoá
trước Xuân Giáp Thân 2004)

A.D
(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Lòng mẹ (13/07/2009)
Ông và cháu (13/07/2009)
Trở về (10/07/2009)
Các bài đã đăng