Tạp chí Sông Hương - Số 179-180 (tháng 1-2)
Giàn trầu của ngoại
09:26 | 13/07/2009
DƯƠNG THỊ HIỀN“Vườn nhà ngoại có giàn trầu to nhất làng”. Hồi bé tôi vẫn thường chạy cùng xóm chỉ để khoe như thế. Mà giàn trầu ấy cũng rộng thật. Sau hiên nhà ngoằn ngoèo không biết bao nhiêu là thân trầu chen chúc, cố bám vào tường, vào cọc rào ngoại dựng sẵn. Trầu ra lá quanh năm, bất chấp cả cái nắng hanh hao của đất miền Trung cằn cõi hay cái giá lạnh của mùa đông. Nhất là sau cơn mưa, những ngọn trầu đâm lên tua tủa, vươn mãi tít tận mái ngói của dãy nhà 3 gian. Thân trầu yếu ớt, mảnh dẻ cứ đan cài, quyện chặt vào nhau hiển hiện sự gắn bó làm ánh lên sắc xanh mơn mởn của sự sống bất diệt.
Giàn trầu của ngoại
(Ảnh: Internet)

4 tuổi tôi lũn cũn và nhỏ như cái nấm luôn chạy trước đón đường ngoại mỗi lần ngoại ra hái trầu. Ngoại đi sau, lọ mọ chống gậy, tay cắp thúng bước chậm rãi. Ngoại hái mãi đến lúc hai đầu ngón trỏ xám ngắt, sưng phồng lên mới thôi. Ngoại bảo phải hái để trầu ra nhiều hơn, nhanh hơn. Hái rồi ngoại lấy lá chuối khô cuốn thành từng liền một đem bán hoặc biếu mấy ông bà trong xóm. Có hôm thấy môi ngoại đỏ giống y mấy cô diễn viên tôi cười như nắc nẻ: “Lêu lêu, ngoại già mà còn điệu quá, tô son đỏ chót kìa”. Ngoại bụm miệng cười cốc vào đầu tôi: “Cha bố mi! Ngoại ăn trầu thì đỏ chứ tô với trét cấy chi”. Tôi đứng ngẩn tò te một lúc rồi như sực hiểu. Tôi chạy vượt vòng quanh giàn trầu tìm lá nào to xanh nhất cho vào miệng nhai ngấu nghiến để có môi đỏ. Nhưng lá trầu cay quá, lại có mùi hắc làm tôi khóc ré lên . Lưỡi tôi nóng ran, rát bỏng. Ngoại lấy nước cho tôi súc miệng rồi ngoại kéo tôi xuống gốc trầu kể cho tôi sự tích trầu cau, ngoại còn dạy tôi sống phải biết yêu thương anh em... Nhưng lúc ấy cái đầu ngây ngô và non nớt của tôi mới chỉ hiểu ra rằng: muốn có môi đỏ thì còn phải ăn thêm cau và vôi nữa.

Năm tôi học lớp 2 - ngoại ốm không ra hái trầu được, tôi rủ tụi bạn ra giàn trầu chơi cùng. Cứ giữa trưa khi cả nhà đã ngủ say tôi lại trốn ra vườn. Ở đấy bọn bạn đã chờ sẵn. Chúng tôi chạy cùng vườn tìm đủ loại lá rồi uốn thành đồ hàng để chơi: lá tre là tiền, lá trầu thành bát đĩa... “Ai mua cá nào” “Ai mua kẹo nào”. Mấy cái miệng cứ nheo nhéo như thế sau hiên nhà, cũng may không bị phát hiện. Chơi chán, chúng tôi dọn dẹp bãi chiến trường rồi lén lút trở về nhà vờ ngủ tiếp. Kết quả của những buổi trưa như thế là da tôi đen nhẻm, tóc khét lẹt mùi nắng.

Có hôm con Hoa bán hàng đắt quá làm bọn tôi hái mãi mà không đủ “tiền”. Tức quá cả bọn vào hùa chửi nó. Tiếng cãi nhau chí choé làm ngoại tỉnh giấc. Ngoại gượng dậy chống gậy ra vườn. Ngoại nhìn từng đứa vẻ nghiêm nghị. Chúng tôi mặt tái xanh, run bần bật. Nhưng ngoại không đánh, không mắng mà ôn tồn bảo: “Trưa nắng các cháu phải ngủ chứ. Mà hái trầu như thế nó đau lắm đó. Muốn chơi chiều mát hẵng ra”. Cả bọn thở phào nhẹ nhõm và cũng từ hôm đó ngoại khoẻ hẳn ra lại hái trầu, kể chuyện cổ tích cho bọn tôi.

Những năm học cấp hai, giàn trầu trở thành người bạn thân thiết của tôi. Cứ chiều chiều tôi lại ra đó mà suy nghĩ vẫn vơ. Tôi bắt đầu thắc mắc: “Tại sao lá trầu lại có hình trái tim? Phải chăng đó là sự vô tình hay sự sắp đặt của tạo hoá. Những trái tim xanh ngắt sưởi ấm tâm hồn anh em họ Cao trong cổ tích xa xưa.

Mùa xuân năm tôi 15 tuổi - ngoại mất giữa lúc trầu bắt đầu mơn mởn. Đám tang ngoại, tôi hái nhiều lá trầu thật xanh cùng với quả cau và vội đặt lên mộ ngoại với hy vọng ở nơi đất xa ấy miếng trầu sẽ sưởi ấm cho ngoại bớt lạnh lẽo, cô quạnh. Tôi về thành phố với bố mẹ nhưng giàn trầu và hình bóng ngoại sẽ mãi là ký ức tuổi thơ tôi.

Ngày giỗ ngoại, tôi trở về. Mảnh vườn nhỏ vắng bóng ngoại giờ tiêu điều, hiu hắt quá. Những lá trầu vàng đã rắc đầy lối đi xưa. Tôi cúi nhặt chiếc lá trầu rơi rụng, áp vào tai - Âm vang của ngày xưa từ đâu vọng về... Thấp thoáng trước mắt tôi hình ảnh con bé nghịch ngợm, tíu tít bên người bà đang móm mém nhai trầu...

Nước mắt tôi nhoè ướt hàng mi, cứ lăn mãi, lăn mãi. “Ngày xưa ơi! Giờ chỉ còn là kỉ niệm.

D.T.H
(179-180/01&02-04)

Các bài đã đăng
Lòng mẹ (13/07/2009)
Ông và cháu (13/07/2009)
Trở về (10/07/2009)