Nói như thế cũng có nghĩa là thơ đối với đời sống xã hội và đời sống tinh thần, tâm linh của con người Việt Nam đã là sản phẩm phi vật thể vô giá của dân tộc với những nét đặc sắc riêng trong suốt tiến trình lịch sử thi ca Việt. Nhân dân ta đã từng sáng tạo và phát huy biết bao kiểu, loại văn học và sinh hoạt diễn xướng dân gian thông minh và độc đáo mà những hình thức lễ hội, hát hò, khúc ru, điệu hát giao duyên, huê tình...luôn có sự hiện diện của thơ ca với tư cách là yếu tố nòng cốt.
Có được tên gọi Ngày thơ Việt Nam chính là ý tưởng đầy trăn trở và tâm huyết của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam được sự nhất trí và cộng cảm của mọi người và đã dược “Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương, Bộ văn hoá thông tin có văn bản hướng dẫn các cấp, các ngành tổ chức” (Hữu Thỉnh - Tiền Phong Chủ nhật, số 5, ngày 1/2/2004, Tr.8). Đúng là niềm vui vô hạn không chỉ riêng ai; trước hết, đó là niềm vui của công chúng yêu thơ, của toàn thể những người làm công tác sáng tạo văn học nghệ thuật và của chính bản thân thi ca. Có được ngày thơ này, đời sống thi ca của dân tộc lại có dịp thuận lợi để giao lưu, hội nhập, tiếp biến mạnh mẽ, hấp dẫn và sinh động hơn nữa giữa truyền thống và cách tân; giữa cổ điển và hiện đại; giữa dân tộc và quốc tế, giữa tác giả - thi ca và độc giả... Cứ như thế,thi ca ngày càng nội cảm, lan sâu vào thế giới thẳm sâu của tâm hồn con người, làm sống lại những giá trị mới; làm cao đẹp và phong phú thêm đời sống tinh thần của con người trên hành trình đi tìm hạnh phúc và những chân giá trị văn hoá-thi ca bổ sung.
Chế Lan Viên đã ví “Thơ hay như người đẹp-Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng”. Có thể từ hệ quy chiếu ấy để nói rằng thơ hay bao giờ cũng trường cửu trong cõi người, cõi thơ, được độc giả đón nhận, yêu quý nồng say. Vẻ đẹp thánh thiện, huyền ảo, cao cả và thanh tân của thi ca-qua thử thách của thời gian và tiếp nhận, nó càng ngời lên thứ ánh sáng mới lạ và lan toả những rung cảm kỳ diệu, làm khơi dậy những giấc mơ tro vùi, những tâm hồn nguội lạnh; nó chống lại sự già nua và độc ác, giả trá. Thơ vĩnh cửu và cao quý lắm thay!
Tôi hiểu nội hàm của tên gọi Ngày thơ Việt Nam theo nghĩa phổ quát và nghĩa hàm ẩn của nó. Đó không chỉ là sự khuấy động, kích thích không khí thơ, biến nó thành ngày hội trong sinh hoạt, sáng tạo và thưởng thức, giao lưu của công chúng và thi nhân thời họ sống, mà đó còn là sự tái hiện, hội nhập, tiếp bước và nâng cao, làm hiển minh những giá trị thi ca, lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc tự ngàn xưa. Sự hội nhập, tiếp bước như thế rõ ràng là nó luôn đồng nghĩa với sự tiến bộ, hợp quy luật của nhu cầu sáng tạo, thưởng thức thi ca của con người và của chính bản thân quy luật thi ca. Và, về một ý nghĩa sâu thẳm khác, ngày thơ còn là sự biết ơn tiền nhân, tôn vinh thi ca quá khứ và kỳ vọng vào sự đổi mới của thi ca tương lai.
Một năm, từ khi chính thức có Ngày thơ Việt Nam cho đến nay, mọi miền, từ tỉnh thành đến những huyện thị, làng xã..., không khí sinh hoạt thơ trở nên sôi nổi. Không chỉ là những ngày hội thơ với Đêm thơ Nguyên Tiêu, mà rải đều khắp trong năm, những ngày hội thơ, những đêm giao lưu thơ, những sinh hoạt thư pháp thơ,câu lạc bộ thơ, kịch thơ, tranh thơ, thả đèn thơ trên sông, thả diều thơ, khắc thơ trên cây, trên đá, đốt trầm xông hương cho những đêm đọc thơ được diễn ra, mang lại sức sống và ý nghĩa mới. Chính những hình thức này có sức vẫy gọi và kích thích, làm sống lại những tiềm năng thơ, tạo ra không khí giao hoà, giao cảm giữa các thế hệ nhà thơ, giữa các kiểu tiếng nói thi ca, giữa công chúng yêu thơ và tác giả, tác phẩm. Thơ không chỉ là hình thức in ấn mà còn là đọc và giao lưu bằng tờ thơ, diễn thơ, ngâm thơ, nhạc thơ. Người tiếp nhận không chỉ là độc giả chủ yếu như lâu nay mà còn là thính giả, khán giả, diễn giả... Không gian, thời gian thơ không còn bó hẹp và đơn điệu mà được mở rộng biên độ,địa bàn, thời điểm; có thể trên sông, trên núi đồi, nơi công viên, nơi làng quê hoặc ở các khu di tích văn hoá nào đấy. Thời gian không chỉ vào dịp lễ tế, hội hè... mà bất cứ lúc nào con người cần đến thơ, có nhu cầu thưởng thức thơ.
Vậy, một giá trị và ý nghĩa mới được đánh thức tiềm lực từ Ngày thơ Việt Nam - nếu có thể nói như vậy - đó là giá trị và ý nghĩa nhân bản-dân chủ-phổ quát của thơ. Thơ tôn vinh con người và cuộc sống, sau đó, cuộc sống và con người lại tôn vinh thơ. Đó là những ứng xử văn hoá đối với thi ca vậy.
Thơ và giá trị thơ, nhân bản thơ, cuộc sống thơ-thơ cuộc sống sẽ bất tử. Ngày thơ Việt Nam - Ngày hội của mọi người.
Huế, đêm Nguyên tiêu Tết Giáp Thân H.T.H (181/03-04) |