Tạp chí Sông Hương - Số 181 (tháng 3)
Người thợ cạo
09:24 | 16/07/2009
WILLIAM SAROYAN (Mỹ)Cả thế giới muốn tôi làm một chầu hớt tóc. Cái đầu tôi thì quá bự cho thế giới. Quá nhiều tóc đen, thế giới nói thế. Mọi người đều nói, khi nào thì mày định đi làm một chầu hớt tóc vậy hả nhóc kia?
Người thợ cạo
Văn hào William Saroyan (Ảnh: Internet)

Do thế, cuối cùng tôi đi đến một bác thợ cạo người gốc Armenia ở phố Mariposa tên Aram, vốn là một nông dân chính nòi hay có thể là một thợ rèn, hay có thể là một triết gia. Tôi chả biết. Tôi chỉ biết rằng bác có một cửa tiệm nhỏ ở phố Mariposa và trải qua hầu hết thời giờ của bác để đọc báo chí tiếng Armenia, quấn thuốc lá, hút chúng, và ngắm nhìn thiên hạ đi qua. Tôi không bao giờ thấy bác làm một chầu hớt tóc hay cạo râu cho một người nào, dù vậy tôi cho rằng có một hay hai người vì nhầm lẫn đã bước vào trong cửa tiệm của bác.

Tôi đến cửa tiệm của Aram ở phố Mariposa và đánh thức bác dậy. Bác đang ngồi ở một cái bàn nhỏ với một cuốn sách tiếng Armenia mở ra trước mặt, vừa ngủ.

Tôi nói bằng tiếng Armenia, Bác sẽ hớt tóc cho tôi chứ? Tôi có hai mươi lăm xu.

A, bác nói, ta hân hạnh gặp cháu. Cháu tên gì? Hãy ngồi xuống. Trước tiên ta sẽ làm cà phê. A, té ra cháu có một cái đầu tuyệt hảo.

Mọi người muốn tôi đi làm một chầu hớt tóc, tôi nói. Bác có thể làm được chứ? Bác có thể cắt trụi nó đi, để trong một thời gian dài lâu, họ sẽ không nói năng gì về nó nữa.

Cà phê, bác thợ cạo nói. Trước tiên chúng ta hãy nhấm nháp chút đỉnh cà phê cái đã.

Bác mang đến cho tôi một tách cà phê, và tôi ngạc nhiên không biết nó ra làm sao, vì tôi chưa từng được uống cà phê trước khi gặp bác, có lẽ là người thú vị nhất trong toàn thành phố. Tôi biết bác là một con người phi thường từ cái lối bác thức dậy khi tôi đi vào cửa tiệm, từ cái lối bác nói chuyện, và đi, và làm điệu bộ. Bác vào khoảng năm mươi và tôi thì mười một. Bác chẳng cao hơn tôi là bao và chẳng nặng hơn, nhưng khuôn mặt bác là khuôn mặt của một con người đã liễu ngộ, kẻ hiểu biết, người thông thái, và dù rằng yêu đương mà không phải là không hảo tâm.

Khi bác mở mắt ra, cái nhìn của bác dường như nói, Thế giới à? Ta biết tất cả về thế giới. Sự xấu xa và biến lận, sự thù ghét và sợ hãi, sự thối tha và đồi trụy. Mặc dù thế, ta yêu tất cả nó.

Tôi nhấc cái tách lên và hớp cái thứ cà phê đen nóng. Nếm hương vị của nó thì tuyệt hơn bất cứ thứ gì mà tôi đã từng nếm trước đây.

Ngồi xuống, bác nói bằng tiếng Arrmenia. Ngồi xuống, ngồi xuống. Chúng ta không có việc gì để làm. Chúng ta không có nơi nào để đi. Tóc cháu sẽ không có mọc trong một giờ đâu mà!

Tôi ngồi xuống và cười bằng giọng Armenia, và bác bắt đầu kể cho tôi về thế giới.

Bác kể cho tôi về ông chú Misak của bác, cái kẻ sinh ra ở Moush. Chúng tôi uống cà phê và sau đó tôi ngồi vào trong ghế dựa và bác bắt đầu hớt tóc tôi. Bác cho tôi cái đầu hớt tóc tồi nhất mà tôi chưa từng có được, tồi hơn nhiều những đầu tóc mà tôi đã được hớt ở trường dạy hớt tóc bên đường tàu, miễn phí, nhưng bác đã kể cho tôi nghe về ông chú Misak khốn khổ của bác và con cọp gánh xiếc.

Bác nói với tôi, ông chú Misak khốn khổ của ta sinh ở Moush một thời gian lâu lắc trước đây và ông là một chàng trai hết sức hung hãn, mặc dù ông không phải là một tay đạo tặc. Ông dữ tợn với những kẻ cho rằng họ mạnh mẽ và ông có thể đấu vật với bất cứ chàng trai nào trong toàn thành phố, và nếu cần, cha họ và mẹ họ đồng thời. Ông nội và ông ngoại và bà nội bà ngoại họ nữa, bác nói.

Do đó mọi người nói với ông chú Misak khốn khổ của ta, Misak, mày mạnh đấy, tại sao mày không trở thành một tay đô vật và kiếm ra tiền? Dó đó Misak trở thành một tay đô vật. Ông bẻ xương của mười tám lực sĩ trước khi ông hai mươi tuổi.

Tất cả những gì ông làm với tiền bạc của mình là ăn và uống và cho tụi trẻ nhỏ số còn lại. Ông không cần tiền.

A, bác nói, việc đó đã lâu rồi. Bây giờ mọi người đều cần tiền. Họ bảo ông rằng một ngày kia ông sẽ hối tiếc, và dĩ nhiên là họ đúng. Họ bảo ông rằng ông hãy quan tâm đến tiền bạc của mình vì một ngày kia ông không còn mạnh mẽ nữa và ông sẽ không có khả năng đấu vật, ông sẽ không có tiền. Và cái ngày ấy đến. Ông chú Misak khốn khổ của ta đã bốn mươi tuổi, và không còn mạnh mẽ nữa, và ông không có tiền. Họ cười nhạo ông và ông bỏ đi. Ông đi đến Constantinople. Sau đó ông đi đến Viên.

Viên? Tôi nói, ông chú Misak của bác đi đến Viên à?

Phải, dĩ nhiên, bác thợ cạo nói. Ông chú Misak khốn khổ của ta đi đến nhiều nơi trên thế giới. Ở Viên, bác nói, ông chú khốn khổ của ta không thể tìm ra việc làm, và ông gần chết đói, nhưng liệu ông có ăn cắp cái gì nhiều nhặn như một ổ bánh mì chăng? Không, ông không ăn cắp cái gì cả. Sau đó ông đi đến Berlin. Ở đó ông chú khốn khổ của ta cũng gần chết đói.

Bác đang hớt tóc tôi, trái và phải. Tôi có thể thấy tóc đen trên nền nhà và cảm thấy đầu tôi đang trở nên càng lúc càng lạnh trần lạnh trụi. Và càng lúc càng nho tí nhỏã ti. A, Berlin, bác nói. Đường phố và đường phố, và nhà và nhà, và người ta và người ta, nhưng không có một cánh cửa nào cho ông chú Misak khốn khổ của ta, không một căn phòng, không một cái bàn, không một người bạn.

A, Chúa ơi, tôi cầu nguyện, ấy là sự cô độc của con người trong thế giới. Sự cô độc gớm ghê kia của cuộc sống.

Và, bác thợ cạo nói, như thế ở Paris, như thế ở London, như thế ở New York, như thế ở Nam Mỹ, cứ như thế ở mọi nơi, phố và phố, nhà và nhà, cửa và cửa, nhưng không có chốn nào cho ông chú Misak khốn khổ của ta.

A, Chúa ơi, tôi cầu nguyện, hãy che chở cho cụ ấy. Cha trên thiên đàng ơi, hãy che chở cho cụ ấy.

Tại Trung Quốc, bác thợ cạo nói, ông chú Misak khốn khổ của ta gặp một người Ả Rập vốn là một anh hề trong một gánh xiếc Pháp. Anh hề người Ả Rập và ông chú Misak khốn khổ của ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Anh hề nói, huynh à, huynh có phải là một kẻ yêu thương con người và thú vật không vậy? Và ông chú Misak khốn khổ của ta nói, huynh à, tôi yêu thương con người và thú vật và cá và chim và đá và lửa và nước và mọi thứ thấy được và không thấy được. Và anh hề Ả Rập nói, huynh à, huynh có thể yêu đến cả một con cọp không, một con cọp rừng già dữ tợn? Và ông chú Misak khốn khổ của ta nói, huynh à, tình yêu của tôi đối với những con dã thú rừng già hung dữ thì vô hạn. A, ông chú Misak khốn khổ của ta là một con người bất hạnh.

A, Chúa ơi, tôi nói.

Anh hề Ả Rập rất lấy làm vui lòng khi nghe nói đến tình yêu của ông chú ta đối với những con dã thú của rừng già, vì bác ta cũng là một con người rất dũng cảm. Huynh à, bác ta nói với ông chú của ta, huynh có thể yêu một con cọp đủ để đặt cái đầu của huynh vào trong cái miệng đang há ra của nó không?

Hãy che chở cho ông ấy, Chúa ơi, tôi cầu nguyện.

Và, Aram, bác thợ cạo nói, ông chú Misak khốn khổ của ta nói, huynh à, tôi có thể. Và anh hề Ả Rập nói, huynh muốn gia nhập gánh xiếc không? Ngày hôm qua con cọp đã vô ý đóng cái mõm của nó lại quanh cái đầu của Simon Perigord khốn khổ, và gánh xiếc chẳng còn có người nào với tình yêu vĩ đại như thế đối với các sinh vật của Thượng Đế vô biên. Ông chú Misak khốn khổ của ta đã mệt mỏi về thế giới, và ông nói, huynh à, tôi sẽ gia nhập vào gánh xiếc và đặt cái đầu của tôi vào cái mồm đang há ra của con cọp thần của Thượng Đế mỗi ngày một chục lần. Điều đó không cần thiết, anh hề Ả Rập nói. Một ngày hai lần là sẽ đủ. Do đó ông chú Misak khốn khổ của ta đã gia nhập gánh xiếc Pháp ở Trung Quốc và bắt đầu đặt cái đầu ông vào trong cái mồm đang há ra của con cọp.

Gánh xiếc, bác thợ cạo nói, du hành từ Trung Quốc đến Ấn Độ, từ Ấn Độ đến Afghanistan, từ Afghanistan đến Persia, và ở đó, ở xứ Persia, việc đã xảy ra. Con cọp và ông chú Misak khốn khổ của ta trở nên những người bạn rất tốt. Tại Teheran, trong cái thành phố cổ xưa ấy, con cọp lại trở nên man rợ. Đó là một ngày rất nóng nực, và mọi người cảm thấy lười biếng. Con cọp càng lúc càng trở nên lười nhác và chạy quanh quẩn suốt ngày. Ông chú Misak khốn khổ của ta đặt cái đầu của ông vào trong cái mồm đang há ra của con cọp, tại Teheran, và ông sắp sửa lấy đầu ông ra khỏi mồm con cọp thì con cọp, đầy sự xuẩn ngốc của các sự vật đang sống ở trần gian, sập hai hàm răng nó lại.

Tôi ra khỏi ghế và nhìn thấy một người lạ trong gương. Chính tôi. Tôi sợ hãi và tất cả tóc tai của tôi đều ráo sạch. Tôi trả bác Aram thợ cạo hai mươi lăm xu và trở về nhà. Mọi người cười nhạo tôi. Krikor anh tôi nói anh chưa hề nhìn thấy một cái đầu tóc được hớt một cách ngu xuẩn như thế bao giờ.

Dù sao, việc ấy cũng hoàn toàn đúng.

Trong hàng tuần lễ, tất cả những gì mà tôi có thể nghĩ đến là về ông chú Misak khốn khổ của bác thợ cạo, kẻ đã bị con cọp gánh xiếc cắn đứt đầu, và tôi trông đợi đến cái ngày mà tôi lại sẽ cần đến một chầu hớt tóc, do thế tôi có thể đi đến cửa tiệm của Aram và lắng nghe câu chuyện của bác về con người trên thế gian, mất mát và cô độc và luôn luôn bị hiểm nghèo, câu chuyện buồn về chú Misak khốn khổ của bác. Câu chuyện buồn của mọi con người hiện sống.

VĨNH HIỀN dịch
(Trích tuyển tập truyện ngắn tiếng Anh,
Nhà xuất bản Moscou 1982)

(181/03-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng