Tạp chí Sông Hương - Số 181 (tháng 3)
Chuyên gia “Tỳ bà hành” của chúng tôi
15:52 | 20/07/2009
VÕ THỊ QUỲNHĐến Hội Văn nghệ một chiều xuân Giáp Thân, tết còn đỏ hạt dưa, còn thắm mai vàng, còn hồng hoa đào và còn lủng lẳng tròn trịa những quả quất trĩu cành - chúng tôi tưởng nhớ anh - nhà thơ luôn dịu dàng, luôn hiền hoà: XUÂN HOÀNG. Bao kỷ niệm một thời nhà thơ sống gắn bó sáng tạo với Bình Trị Thiên, với Huế lại ùa về trong lòng những người đến thắp hương kính viếng hương hồn anh - chiều nay...
Chuyên gia “Tỳ bà hành” của chúng tôi
Nhà thơ Xuân Hoàng (Ảnh: cand.com.vn)

Biết rằng sinh lão bệnh tử là duyên nghiệp của kiếp người. Biết rằng nhà thơ ốm đã nhiều năm, nhưng gặp ai đến thăm, nhớ hay không nhớ họ, anh vẫn mỉm cười đôn hậu như thể bài thơ KHI NÀO THẤY còn đong đưa trên môi anh, dưới bàn tay chăm sóc lo toan hết mực cẩn trọng dịu dàng của chị - người vợ yêu quý của nhà thơ. Anh chị dường như vẫn nói với nhau và với đời rằng:

“Khi nào thấy trên đường dài mệt mỏi
Cần nghỉ ngơi đôi chút cạnh dòng sông
Em hãy đến tìm tôi nơi bến đợi
Tán đa tôi bóng mát vẫn quen dừng”


Khi nào thấy ... là điệp khúc yêu thương của tình thơ Xuân Hoàng. Biết gia đình anh chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, gặp nhau sẽ chỉ còn chuyện của năm, của n thời gian chứ không như cơm bữa nữa rồi, tôi vẫn tự an ủi mình rằng: vẫn được gặp nhà thơ, thầy giáo Xuân Hoàng, đặc biệt trong những giờ dạy “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị, trên lớp học hoặc ngoài trường lớp có không gian xanh tự nhiên vây quanh.

Bây giờ thì đã là quá vãng, là ngày xưa, một đi không trở lại rồi. Vẫn sẽ gặp anh mà trong một nỗi buồn nhớ thẳm sâu, thầy giáo Xuân Hoàng có biết không? “Sống biển hồ lai láng; Chết tính tháng kể ngày” chuyện rất dân gian đời thường cũng của kiếp người đó mà anh. Bao lần anh dạy cho bao lớp học sinh Chuyên Văn trường Hai Bà Trưng, trường Quốc Học bài Tỳ bà hành, chỉ có học sinh từng thế hệ nhớ kỹ. Riêng tôi cứ ngày rộng tháng dài không hề lo nghĩ vì bên mình có chuyên gia Xuân Hoàng rồi! Nói mãi Tỳ bà hành song có hết đâu. Không phải vì học sinh mới nghe anh giảng lần đầu nên không thấy cũ, mà chính vì anh đã trò chuyện, để bình thơ với tất cả hứng khởi của một tâm hồn sáng tạo rộng mở. Anh không có một giáo án soạn sẵn trên giấy gồm bao bước thật cổ điển như  chúng tôi nhưng lúc dạy bài thơ ấy, mỗi năm anh cho chúng tôi một hướng cảm nhận thơ mới. Tự bản thân tôi yêu thích điều này nên cứ đến hẹn lại lên, mỗi lần dạy đến gần tác phẩm này tôi lại mời anh và hẹn ngày giờ anh trò chuyện giao lưu cùng học sinh Chuyên Văn.

Người trò chuyện cùng học sinh có dáng cao, thanh, nước da trắng, tóc tự uốn lượn ngắn khỏe, giọng hiền hoà, cười đôn hậu. Người không nói nhiều về nguyên tác, bản dịch, người không nói nhiều về tác giả của bài hành. Người quan tâm nhiều nhất là câu chuyện của người kỹ nữ về già tàn phai nhan sắc, trắc trở đường tình, long đong đường đời, nhưng ngón đàn thời hoa niên mỗi ngày một thêm tuyệt diệu. Người có liên tưởng so sánh với bao tiếng đàn tri kỷ khác nổi bật trong thơ Việt, đặc biệt các khúc dài ngắn giọt tương đoạn trường của cô Thúy Kiều bạc mệnh ... như thể người rất yêu:

“Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu”


Và người rất sợ chia xa, sợ thời gian trôi theo dòng nước cuốn:

“Say những luống ngại khi chia rẽ
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong”


Có một lần cũng vào ngày xuân tháng xuân năm Rồng (1988), tôi mời anh trò chuyện Tỳ bà hành cùng lớp Chuyên Văn tôi dạy và chủ nhiệm. Lần này khác tất cả mọi lần vì không gian nói chuyện là một góc vườn thông trong lăng Tự Đức. Lần này anh không chỉ đến dạy rồi về mà cùng đi picnic đầu xuân với lớp chúng tôi trọn một ngày. Lúc ấy bệnh tiểu đường đã phái đồ đệ đến dọa anh một cách nhẹ nhàng. Lớp chúng tôi, từ cô giáo đến học sinh nam nữ đều biết điều ấy nên bới theo những thức ăn trưa cho mình có thêm một phần (tùy chọn) thức ăn kiêng cho anh. Đây cũng là cuộc gặp nhau đầu xuân nên hạt dưa, bánh mứt, của ngọt là nhiều lắm lắm. Và món dành riêng duy nhất một mình anh cũng khá đầy đặn. Điều ấy đã khiến anh cảm động, nhưng anh còn cảm động hơn vì học sinh đi picnic vẫn mang theo giấy bút để ghi lời anh giảng một cách say sưa (cuối buổi trên đường đạp xe đạp về anh tâm sự).

Riêng tôi, lần này tôi thực sự nhận ra một điều rằng, trong không gian xanh của vườn thông, trong kỷ niệm xanh của nhà thơ tình Tự Đức, anh nói chuyện có duyên hơn, hay hơn, đặc biệt đoạn kết:

“Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh”

Bóng chàng tư mã áo xanh ở đất Giang Châu đã lồng lộng nơi vườn lăng Tự Đức (Học sinh cũng đồng cảm điều này, cuối ngày trên đường chiều phơn phớt tím xuân, chúng tôi đã thi nhau nói với anh điều tâm cảm ấy). Anh cũng khoe: “Trưa nay sau khi đánh một giấc xuân tự tại bên gốc cây thông già, mình đã có ngay một bài thơ Ngủ trong rừng, thơ thất ngôn tự do ấy mà... Mai mình sẽ chép tặng cô giáo và các bạn trẻ”. Đúng hôm sau anh có thơ tặng chúng tôi - những giáo viên và học sinh Chuyên Văn.

Xin được cùng học sinh Chuyên Văn bao thế hệ gần xa, nơi chân trời góc bể, cùng thắp một nén nhang tưởng nhớ kính yêu anh vô vàn - nhà thơ, thầy giáo, chuyên gia “Tỳ bà hành” của chúng tôi.

V.T.Q
(181/03-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng