Tạp chí Sông Hương - Số 213 (tháng 11)
May, rủi
17:32 | 08/03/2008
BÙI MINH QUỐCHoạ sĩ Từ Thành bạn tôi, vào thời khốn đốn nhất phải xoay sang làm mặt nạ để sống qua ngày. Ông thường làm các mặt nạ hề đủ loại, mặt ông địa, mặt chó, mặt khỉ, mặt gấu... và cả các thứ mặt tướng cướp. Khách hàng của ông toàn trẻ con. Vào mùa nắng ráo- mùa vui chơi của lũ trẻ, ông bán khá chạy. Biết tụi nhỏ chẳng có mấy tiền, ông bán rẻ, lấy công làm lãi, nên cũng chỉ tạm đủ sống. Nhưng vào mùa mưa gió bão bùng, hàng ế, thì ông đói. 
May, rủi
Minh họa: từ internet

Một đêm mưa gió, tôi mò đến nhà ông, cắp theo cút rượu gạo vừa mua được nhờ món tiền bán cái truyện ngắn cho một tờ báo còm trong tỉnh. Chúng tôi cùng ngồi nhấm nháp rượu suông, nghe gió hú mưa gào, ngẫm về cái thân phận làm văn làm nghệ. Ông Từ Thành khịt mũi luôn, rồi nước mắt tuôn lã chã. Tạng ông vẫn thế, cứ có tí hơi men vào là lại khịt mũi, lại khóc. Đang giữa lúc bao nhiêu nông nỗi của cái kiếp văn kiếp nghệ ngấm vào tới tận xương tuỷ, thì bỗng nghe có tiếng gõ cửa.
Ông Từ Thành giật mình cái thót, khẽ thì thào, đưa mắt nhìn ra cửa có vẻ sợ hãi.
- Bình tĩnh!- Tôi đặt tay lên vai ông trấn an- Để tôi ra thử. Biết đâu lại là người muốn nhờ vả gì mình...
Tiếng gõ cửa lại cất lên, có vẻ khẩn thiết.
“Chờ một chút”. - Tôi nói to và bước tới thận trọng hé cánh cửa ghép bằng những tấm gỗ dỡ ra từ thùng chứa hàng. Một người không nhìn rõ mặt đứng bên ngoài nghiêng mình khẩn khoản.
- Mưa to quá, xin ông làm ơn cho trú mưa một lát.
Tôi quay lại bảo ông Từ Thành: “Tôi đoán không sai, ông ấy xin vào trú mưa nhờ”- và mở hẳn cửa.
- Mời ông cứ tự nhiên!- Ông Từ Thành nói to.

Người khách trú mưa dáng cao lớn, để ria, mặc một chiếc áo Natô cũ đã sờn gấu, hai vai thấm ướt. Rất khó đoán tuổi ông ta. Có lẽ một phần vì mái tóc dày ướt bết che mất gần nửa khuôn mặt. Nhưng tôi có cảm giác đó không phải là lý do chính. Một lúc lâu sau, tôi mới xác định được rằng ông ta có vẻ mặt khá đặc biệt, biến đổi luôn luôn, thoắt già xọm đi, thoắt trẻ hẳn lại. Thoạt nhiên ông ta thu mình đứng bên mép cửa. Khi ông Từ Thành trỏ chiếc ghế mây ọp ẹp còn trống cạnh tôi ân cần mời, ông ta không khách sáo bước ngay đến ngồi xuống một cách đĩnh đạc.
Tôi lấy thêm chén, rót rượu mời. Người khách đưa cả hai tay nâng chén rượu và xin được chạm cốc.
- Xin chúc sức khoẻ ông- tôi nói.
- Xin chúc sức khoẻ và sức sáng tạo của hai bác - người khách nói, nháy nháy một bên mắt vừa hóm hỉnh vừa xoi mói.

Tôi rờn rợn trong mình. Chắc Từ Thành cũng vậy. Thế ra người lạ này biết rõ công việc của chúng tôi. Y đến đây là có chủ đích chứ chẳng phải trú mưa nhờ gì cả. Y thuộc hạng người nào, một phần tử bất hảo hay một công chúng hâm mộ các tài năng nghệ thuật? Tôi và Từ Thành đều tự biết mình còn lâu mới thuộc cỡ nghệ sĩ có người hâm mộ mò tới nhà thăm vào đêm hôm mưa gió thế này. Vậy nhiều phần chắc y chỉ có thể là một kẻ rất đáng nghi ngại. Khốn nỗi cái tính nhẹ dạ của chúng tôi đã dẫn y vào nhà và trở thành khách nhậu mất rồi.
-Rất hân hạnh cho cháu... - Y xoa tay, giọng nhỏ nhẹ, gương mặt bỗng trở nên trẻ trung lạ- đêm nay được hai bác cho uống rượu. Cháu xin được mời lại hai bác...
Y mở khoá chiếc áo Natô cái rẹt, móc từ lần túi áo trong ra một chai rượu đặt lên bàn. Tôi chưa kịp nhìn rõ nhãn rượu, thì y đã tiếp:
-Đây là chai rượu còn sót lại sau trận đại hồng thuỷ nhờ chiếc thuyền của ông Nôê.

Tôi cũng vừa nhận ra cái nhãn Ararát* cùng với lời giới thiệu đượm vẻ triết lý hóm hỉnh của người khách lạ. Cái kiểu cách tỏ ra là người hiểu biết của y khiến tôi càng thêm bất an trong bụng. Ông Từ Thành cựa quậy trên ghế, nhìn tôi với ánh mắt như muốn hỏi: không biết cái ông khách lạ này định làm gì mà đãi rượu sang thế?
Người khách đã mở nút chai, rót rượu ra. Tay y như có ảo thuật. Y dùng móng tay khía cái vỏ nút bằng kim loại bên ngoài và chỉ vuốt nhẹ là chiếc nút bấc bên trong bật lên nghe đánh pắc. Mùi rượu thơm phức, mùi của quên lãng thoáng ngửi đã lâng lâng
Sau dăm tuần rượu cùng những câu chuyện về nghệ thuật, về nhân tình thế thái, người khách bỗng nhìn thẳng vào ông Từ Thành, cất lời bằng một giọng giá băng:
- Bác Từ Thành...
- Ơ, thế ra ông biết cả tên tôi... - Ông Từ Thành đáp, húng hắng ho.
Người khách lạ hỏi mà nghe như ra lệnh:
- Ông có thể giúp tôi một chiếc mặt nạ được không?
- Ồ, được chứ, xin sẵn lòng biếu ông.
Ông Từ Thành thò tay vào chiếc hòm dưới gầm bàn lấy đưa cho y một chiếc mặt nạ hề.
Người khách phẩy tay, cười khẩy:
- Ô hô, vứt, cái này vứt, cụ “Khốt”** ơi...

Y nhón hai nhón tay kẹp chiếc mặt nạ liệng văng vào góc nhà. A, cứ như thể hắn là chủ ở đây! Chúng tôi cùng cảm thấy giận sôi lên trước cái trật tự bị đảo lộn đánh nhoáng một cách quái đản ngay trước mũi mình. Nhưng cũng ngay sau đó, chúng tôi cùng đưa mắt bảo nhau nén giận, nín thít.
Vốn nhạy cảm với những thế lực phủ phàng của cuộc đời, ông Từ Thành đâm cuống quýt hẳn. Ông móc đại ra một lô mặt nạ, nào mặt khỉ, mặt chó, mặt kẻ cướp, bày cả lên bàn, miệng lắp bắp: “Xin tuỳ ông chọn”.
Gã kia nhăn mũi nhìn ông vẻ thương hại, giọng nhẽo nhợt:
- Sao toàn những thứ dớ dẩn thế, hả ông nghệ sĩ “Khốt”. Tôi cần một cái mặt người thật tử tế, thật đạo mạo kia!
- Ông thông cảm - ông Từ Thành cung kính thưa - bấy lâu tôi chỉ làm những thứ này để bán cho trẻ con chơi. Còn những thứ mặt đạo mạo, tụi nhỏ không thích, nên tôi không làm...
Người khách lạ đứng hẳn dậy, đút hai tay vào túi quần đi đi lại lại trong căn phòng chật chội, vươn ngực nhìn ông Từ Thành từ trên xuống mà hỏi, vẫn bằng cái giọng thật lịch lãm mà như ra lệnh:
- Ông có thể làm cho tôi  một cái mặt người thật tử tế được không?
Ông Từ Thành đáp:
- Dạ thưa, làm được, nhưng không thể làm ngay, vì loại này mất công lắm ạ!
- Bao lâu thì xong?
- Thưa cũng phải ba ngày.
- Vậy ba ngày nữa, ông đem tới địa chỉ này cho tôi nhé. Có người đợi sẵn ở đó để nhận. Tôi hy vọng ông là người biết điều. Biết điều với tôi, ông không sợ thiệt đâu.

Gã nói một cái địa chỉ, rồi nhìn ông Từ Thành bằng cặp mắt vừa đe doạ vừa đầy cám dỗ và bước ra cửa. Trước khi khuất hẳn sau cánh cửa, gã còn khậc khậc cười, ném lại một lời phán: “Nghệ sĩ như các ông, có nhiều đức tính quý đấy, nhưng cốt nhất phải có cái đức biết điều!” Gã nhấn mạnh hai tiếng cuối cùng, đi đã xa rồi mà tiếng gã vẫn còn âm âm vọng lại mãi.
Một buổi tối ba ngày sau, ông Từ Thành đến nhà tôi, mặt mày tái nhợt, thần thái ngu ngơ. “Tôi... Tôi đã đưa cái ấy cho nó rồi...” Ông thều thào báo tin, rồi ngồi dựa vào tường, từ từ xỉu đi. Tôi xoa rượu vào mặt ông, đổ rượu vào miệng ông, lòng nhức nhối thương bạn, thương mình, rờn rợn cảm thấy một tai ương mơ hồ treo lơ lửng trên đầu.
Sau cái vụ hãi hùng đó, tôi phải đi làm ăn xa, bẵng gần hai tháng mới về. Vừa bước vào nhà, thằng con út đã giục:
- Bố ơi, bác Từ Thành dặn hễ bố về thì đến bác ngay. Mà không phải nhà cũ đâu. Bác đã chuyển đến chỗ ở mới rồi.
Nó đưa cho tôi mảnh giấy ghi địa chỉ mới của ông Từ Thành.
Tôi bồn chồn quá. Địa chỉ mới? May hay rủi cho ông đây? Đã quá lận đận trong cuộc đời, nên tôi chỉ quen nghĩ đến sự rủi mà thôi. Không khéo ông lại bị cái thằng lưu manh có vẻ có học kia quấy phá đến phải chuyển nhà.

Tìm đến được chỗ ở mới của ông Từ Thành, tôi sửng sốt đứng sững lại như trời trồng. Một ngôi nhà riêng hẳn hoi, chứ không phải cái căn hộ chật chội nằm trong dãy nhà tập thể lợp giấy dầu. Có cổng, có một mảnh vườn nhỏ trồng hoa nữa. Có cả nút chuông điện trên cột cổng nữa kia. Không sang trọng gì, nhà một tầng lợp ngói cũ thôi, nhưng cũng là một ước mơ của đời nghệ sĩ khốn quẫn triền miên. Đưa tay bấm chuông, trống ngực tôi vẫn thình thịch đập vì nghi ngại không biết đây có đúng nhà ông Từ Thành bạn tôi hay không. Mãi khi thấy thằng con trai cả của ông ra mở cổng, tôi mới hoàn toàn tin chắc.
Ông Từ Thành ôm chầm lấy tôi, ngây ngất chia sẻ với tôi sự ngây ngất. “Sao lại ly kỳ thế này hả? Hả?” Tôi cứ “hả, hả” mãi trong kinh ngạc. “Đừng có hả hả nữa ngồi xuống đây, uống, uống!” Ông vừa “uống, uống” vừa kéo tôi ngồi phịch xuống ghế xa lông nhún mềm thay cho chiếc ghế mây rách nát trước kia. Ông lấy từ chiếc tủ chè mới một chai rượu tây hiệu Nã Phá Luân, bảo rằng dành riêng chờ tôi về và xé gói mực khô xuất khẩu đơm lên cái đĩa sứ Trung Quốc, trong khi vợ ông tiếp tục xào món gì đó trong bếp mùi bay ra thơm nức mũi.

- “Nào uống!” Ông Từ Thành nâng ly rượu quý.
- Khoan đã. Cậu phải giải thích cho tớ vì sao lại có sự đổi đời một cách huyền thoại như thế này đã.
- À, có gì đâu, nhờ cái mặt nạ đấy.
- Mặt nạ nào?
- Thì cái mặt nạ thằng cướp đêm nọ bắt mình làm cho nó ấy mà.
- Ừ, chuyện ấy thì biết rồi. Nhưng tớ vẫn chưa hiểu.
- Cậu mới đúng là loại “khốt” chứ không phải tớ. Với chiếc mặt nạ ấy, trong thời gian ngắn hắn vớ được “quả” bẫm. Và hắn đi xe con đời mới đến tận nhà biếu tớ một khoản nho nhỏ.
Chúng tôi cùng cạn chén. Tôi thấy hiện lên trong đầu cái gã lưu manh đêm nào, một hạng kẻ cướp siêu đẳng luôn luôn cố ăn nói cho lịch lãm và có học, và vô cùng tài tình trong việc biến một vụ trấn lột thành một cuộc hiến dâng tự nguyện.

Chuyện này xảy ra đã lâu rồi, tôi còn nhớ
là đúng vào cái năm có sự lạ: không hiểu sao chó trong thành phố bỗng dưng có giọng sủa cứ sang sảng, nghe rất vui tai. Nhiều năm đã trôi qua, tôi không hề gặp lại thằng cha kia một lần nào nữa, nhưng tôi luôn có cảm giác hắn vẫn thường lảng vảng quanh quất đâu đây, cái cảm giác này dần dần đã biến thành một căn bệnh nan y- hễ cứ gặp người nào có bộ mặt đạo mạo quá là tôi lại đâm ngờ. Tôi và ông Từ Thành thỉnh thoảng vẫn ngồi uống với nhau, nhưng không còn để mừng cái vận may lớn đã đến với ông mà để vợi đi nỗi đau vì một tai hoạ lớn đã giáng xuống đời ông. Từ khi về chỗ ở mới, tự nhiên ông mất hết hứng thú không vẽ được nữa.
B.M.Q

(nguồn: TCSH số 213 - 11 - 2006)

 

 



------------------
* Ararát tên một đỉnh núi nằm giữa Ácmênia và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Kinh thánh, chiếc thuyền của ông Nôê trong trận đại hồng thủy đã tấp vào đỉnh núi này mà thoát nạn. Ở nước Ácmênia có loại rượu ngon nổi tiếng mang tên Ararát.
** “Khốt” bắt nguồn từ tiếng Khốt-ta-bít, tên một nhân vật huyền thoại mới trong một bộ phim Liên Xô, điển hình cho loại người cổ hủ.


 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng