Tạp chí Sông Hương - Số 213 (tháng 11)
Nỗi cô đơn "Đời mới"
17:40 | 10/03/2008
NGUYỄN THỤY KHA(Đọc “Gửi VB” thơ của Phan Thị Vàng Anh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2006)Có một thời, người ta giấu kín nỗi cô đơn như một khuyết tật của mình để được hoà nhập vào đám đông ồn ào, hơn hớn lên đường, để được hy sinh và dâng hiến vô danh. Nhưng đã là khuyết tật thì có giấu mãi cũng đến lúc phải lộ ra, nữa là nỗi cô đơn không thể thiếu ở mỗi kiếp người. Mãi đến thời thanh bình, nỗi cô đơn của thân phận dần dà mới được nói ra.
Nỗi cô đơn

Hình như cho tới khi tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của G-Market (bản dịch của Nguyễn Trung Đức) được ấn hành ở Việt Nam và lúc bắt đầu thời kỳ đổi mới thì Trần Tiến mới hát rằng: “Con người - chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”, thì nỗi cô đơn của thân phận xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật như một thứ hàng xa xỉ. Thậm chí có nhà thơ còn kêu lên “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”. Nhưng một khi nỗi cô đơn đã có quyền nghênh diện trong các tác phẩm nghệ thuật thì ngay lập tức nó cũng bị phân loại thành nhiều tầng mức. Có người cứ gào lên ngay chính từ “cô đơn” trong sáng tác của mình, nhưng khi đọc họ lại chẳng thấy “cô đơn” một chút nào, chỉ thấy tiếng rao “Cô - đơn - hoàn – tán” của mấy chàng bán thuốc dạo. Nói thế, cô đơn nào phải dễ. Thời nào cô đơn cũng là một đặc sản. Cô đơn như đỉnh núi vậy. Nhất là nỗi cô đơn của thời hiện đại hôm nay - Nỗi cô đơn “đời mới”.

Tôi không ngờ bài thơ “Mèo con đi học” của Vàng Anh ngày thơ ấu lại vận vào cô một ám ảnh cô đơn cho tới tận bây giờ từ những chữ “một” được thốt ra hồn nhiên thời bé dại: “Hôm nay trời nắng chang chang – Mèo con đi học chẳng mang theo gì - Chỉ mang một chiếc bút chì - Và thêm một mẩu bánh mỳ con con”. Bài thơ ám ảnh đến nỗi, Vàng Anh đã ngoặt hẳn sang nghề y, mà rồi thế nào lại quẹo về nghề văn mới tài. Còn ám ảnh hơn khi Vàng Anh đã bước vào nghề bằng văn xuôi, rồi thần xui, phật khiến Mèo con thế nào lại “tập làm thơ” như cô tự bạch trong tập thơ “Gửi VB” vừa ấn hành tại Nhà Xuất bản Hội Nhà văn. Và ở tập thơ này, tôi đã cảm nhận được một nỗi cô đơn “đời mới”.
Không tìm ra một từ “cô đơn” nào trong toàn bộ tập thơ, mà sao khi đọc, thấy một nỗi cô đơn lành lạnh ùa ra vây bủa mình đến gai buốt - nỗi cô đơn của những cá nhân càng ngày càng mạnh mẽ, càng bản lĩnh trên đường vươn tới những đỉnh cao khát vọng. Ở bài thơ nào, cũng thấy cá nhân ấy loay hoay với nỗi cô đơn khép kín xung quanh. Nỗi cô đơn khiến tác giả khám phá ra những điều mới mẻ giữa cái thế giới quen thuộc, máy móc đến nhàm chán của một công chức thời hiện đại cũng chẳng khác gì một người máy:
Đến khi máy lạnh chưa mở, bình đun nước chưa mở, và cửa còn đóng
Khi mùi giấy tờ còn ẩm suốt hành lang và tiếng giầy của chính mình còn vang lên nhức óc
Thấy yêu đến nghẹt thở cái công tắc đèn mỗi ngày mình là người đụng đến đầu tiên

Đấy không phải là thời vàng son của những người lính mặc quân phục giống nhau mà là thời “du khách đều giống nhau - Giống nhau đeo máy ảnh - Áo thun quần soọc - vịn nhau lập cập bước lên tàu...” Đấy là thời không còn đói khát đến mức “thèm quá, thèm cả một cái chợ” (thơ Đặng Đình Hưng) hay “Tôi hốc hác vì miếng ăn miếng uống” (Thơ Trúc Cương) hoặc “Ăn rau dại cả cơ quan nôn mửa” (thơ Ngô Thế Oanh) mà là thời no đủ “Lòng rất thờ ơ với quả - Lờ mờ treo như không phải để ăn” nhưng cũng lại là thời “Những chiếc taxi bỗng nhiên trở mặt gọi không dừng lại”, thời mà nhiều người đàn bà không còn “tại gia tòng phụ - xuất giá tùng phu - phu tử tòng tử” mà chỉ toàn “Nghĩ chuyện tình yêu? - Chụm đầu nghiêm trọng như âm mưu chỉ để bàn về một người đàn ông bé nhỏ?” Thời xen kẽ giữa những cũ kỹ, chật chội với những mới mẻ, cao rộng khiến cho con người càng cảm thấy cô đơn, bức bối:
Bóng đèn cuối cùng của chung cư đã cháy
Dò dẫm đi lên những cầu thang ướt như bùn chảy
Cái điện thoại cả tối không một tiếng reng
Trong tay làm một ngọn đèn
Loạng choạng...

Thời mà phải nghi ngờ cả những người ăn mày khi chất lưu manh ngấm vào tất cả “như ăn mày luẩn quẩn trước cửa nhà - Muốn đuổi mà ngại ra”. Thời mà vì những chuyện xấu xa, người ta cứ muốn lấp liếm, che đậy, xuê xoa, hoà cả làng khiến cho con người chân thực bị cô đơn và thấy “Buồn làm sao, chuyện gì rồi cũng thành ấm áp”.
Giữa cái thời hôm nay như thế, nỗi cô đơn cũng không thể như cũ được mà phải là nỗi cô đơn “đời mới”. Cũng là một người đơn độc đi trong rừng Cúc Phương, có lẽ nhiều nhà thơ thời chiến tranh gặp văn cảnh như thế sẽ thốt lên “tôi cô đơn mà nhớ Trường Sơn - nhớ những bạn bè không bao giờ về nữa” chẳng hạn. Nhưng nỗi cô đơn “đời mới” thì lại nhận ra một khác lạ:
Đi cả ngày không giáp mặt một con thú
Chỉ những đàn bướm trắng bay đơn điệu
Bay
nhanh nhanh như thôn nữ ngày đi chợ
Bị trai trêu
..........
Hơi rừng như hơi mật
như kẹo the
như góc phố Thuốc Bắc

Nỗi cô đơn “đời mới” không phủ nhận quá khứ, vẫn kế thừa bằng những liên tưởng ngầm để nhận ra một triết lý thời nào cũng có nhưng hoặc không nhận ra hoặc cố tình không thấy rằng: “Tất cả tiếng chim hót đều giấu mặt” cũng như “Mới biết lũ chó không hề ngủ - Hớn hở đi theo chủ - thành đàn”. Nỗi cô đơnđời mới” tinh tế đến trắc ẩn. Vừa ngợi ca tự do “hai con mèo vắng mặt - không lý do”, lại ý vừa xót xa về sự lạnh nhạt khi “Không hỏng gì - không mất gì... Chỉ chó con - lớn phổng phao - lạnh nhạt”. Cô đơn đến hoang mang “Quờ tay tìm viên thuốc - Ba năm rồi không sợ đụng nhầm tay ai”. Cô đơn lấn cả vào giấc ngủ “chỉ nghiêng mép chiếu đã gần đã xa”. Cô đơn giữa “Người đi từng đàn, đổ về phía bờ sông”. Cô đơn đến đau lòng trước kỷ niệm “Hồ Gươm ngay dưới kia cũng đã thành người lạ”. Chính nỗi cô đơn ấy đã khiến cho tác giả trân trối nhìn vào quá vãng thiếu thời để có những câu thơ về Hồ Gươm thật độc đáo:
Hồ Gươm rút hết hơi những ngày oi Hà Nội
Hồ Gươm khiến cái buồn không còn chịu đựng nổi
Hồ Gươm như hũ nước cốt tinh thần sóng sánh trêu ngươi
Lấp loá bên kia đường
Tôi không trốn được tôi
..........
Hồ Gươm vào năm tôi tám tuổi
Nhiều rùa hơn vào những năm tôi ba mươi tuổi.
Nỗi cô đơn khiến cho một ngày lạnh tự nhiên của Hà Nội cũng hoá thành nỗi trống trải, bơ vơ của một cá nhân đầy nữ tính:
Sao phải chịu mùa đông lạnh nhất ở đây?
Mặc nhiều áo tới nỗi xa lạ với da thịt của chính mình
......
Nhớ Sài Gòn quá, tựa lưng vào tường mà khóc
Nhớ lúc phong phanh áo mỏng rất gần tim
Cô đơn tới mức cảm thấy mình bị cầm tù trong chính cơ thể mình:
Cái nhà tù bọc bằng da, tường bằng xương, nệm thịt lót, máu âm ỉ tưới
Mắt như song cửa ngó ra trời
........
Khép mắt lại vẫn còn tiếng nói
nhà tù khổ sai, tiếng nói rỉ rã trong đầu - cai ngục suốt ngày dài
Lối ví von này khiến tôi nhớ đến một câu thơ Lê Đạt: “Rồi từ đấy anh nhốt sách như nhốt tù chính trị” hay câu thơ Huy Cận: “Ta suốt đời ngủ trên lưng ta”.

Đọc hết “Gửi VB” của Vàng Anh, mới thấy rằng tác giả chẳng hề cố ý đổi mới hay cách tân thơ gì hết trọi. Bởi vì nếu khi cố ý thì lại không bao giờ đạt được: “Tập làm thơ như tập múa, những ngón tay thô kiểu gì cũng không thành hình sen nở”. Không cố ý nhưng quyết liệt chống lại sự lười biếng, sự giả danh truyền thống: “Cũng có lúc tôi lủi vào cái chăn lục bát đống rơm bà ngoại - Những sáu những tám cùng nhau dặt dìu ru ngủ tôi có tài...”. Bằng cách sống mới, nghĩ mới, vui buồn mới, tự nhiên Vàng Anh đã viết ra những câu thơ mới rợi. Những cách nói, cách tu từ có vẻ tưng tửng nhưng thắt vào ta biết bao nỗi, bao điều. Không cố ý nhưng không thể viết: “Sương đầu ngọn lá hốt hoảng rơi” giống như thế hệ cha chú, mà phải là:
Sương đầu ngọn lá hốt hoảng
Rơi
Không thể viết về tân hôn thanh cao như Hàn Mặc Tử và cũng không thế tục như Vũ Hoàng Chương. Tân hôn qua Vàng Anh chính là sự “nướng chín” khát khao trong trắng thời thiếu nữ thành món “heo sữa quay”, một thứ tân hôn thời thượng bấp bênh tiềm ẩn những giả dối như “Vòng giả ngọc trai”.

Cái hoang vắng của căn nhà goá phụ bây giờ cũng không thể giữ nhịp như “Chinh phụ ngâm” được nữa mà phải là nhịp biến phách của những đơn âm:
đã lâu gà không ở
đậu tất cả dòng họ
 trên cành

đẻ
rơi
quả
rụng cùng chanh...
Cũng từ “Làm sao giết được người trong mộng” của Hàn thi sĩ, mà nhà thơ của hôm nay sử dụng làm mô típ phát triển cái tứ cần tôn trọng sự tự nhiên trong nghệ thuật, mô típ: “Làm sao vẽ?”:
Làm sao vẽ được hoa mới nở
Người nhìn nghiêng và thú nhìn thẳng?
......
Làm sao vẽ ngoại và dì
Nhìn cho giống sau này còn nhớ được
Khi không còn ở bên...
Vàng Anh thường có những thi ảnh riêng biệt:
- Mực một nắng nướng kiểu gì không nhận ra hình thù nắng
- Nước ánh bạc, lưới không sao giấu mặt
- Ba cái bình hoa
Bát Tràng
Nung ẩu
Hình như đất còn
giẫy giụa
Những cơn mưa phùn mùa rét buốt Hà Nội lãng mạn qua “Thương nhớ Hà Nội” của Vũ Bằng thì đến Vàng Anh hoá thành hiện thực đành chấp nhận: “Phố nhoen nhoét và mưa van vát”. Để nói được cảm xúc theo kiểu mình, Vàng Anh còn sử dụ cả phép tu từ phủ định chênh vênh:
Chúng ta - hai kẻ ghét Hà Nội
Lại bồn chồn khi vào đến Cửa Ô
........
Vào một ngày rất bình thường
Bị làn gió nhẹ góc Hồ Gươm
thổi cho
xiêu vẹo
Nỗi tiếc nhớ kỷ nệm quen bị mất mát khi chuyển rời sang một không gian mới cũng được kìm nén trong một giọng điệu “rất lạnh”:
Đồ đạc không nhiều cố mà nhớ hết
Một lồng chim hàng xóm sáng nào cũng hót
Tiếng rao bánh khúc không rõ lời
Tia nắng đúng chín giờ vào lọt khe cửa sắt
Chạm viên gạch số ba...

“Hành trình của cây” bày tỏ sự thông minh sắc sảo chẳng kém gì Ba Hoan (tên thật của nhà thơ Chế Lan Viên). Thật là “Hậu sinh khả uý”. Năm 1954, khi 34 tuổi, Chế Lan Viên đã mở ra sự nghiệp thơ cách mạng của mình bằng “Gửi các anh” thời của cái ta bao trùm cái tôi. Năm nay, cô con gái Vàng Anh ngấp nghé tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” cũng mở ra con đường thơ của mình bằng “Gửi VB”, thời khẳng định những cái tôi mạnh mẽ và bản lĩnh trên hành trình hội nhập và toàn cầu hoá. Chúc Vàng Anh tiếp tục thời “chín muộn” của thơ mình bằng những bài thơ không bao giờ bị xay “thành bột giấy”.
 N.T.K

(nguồn: TCSH số 213 - 11 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
May, rủi (08/03/2008)