Tạp chí Sông Hương - Số 182 (tháng 4)
Họ cùng nói về mô hình nhạc viện Huế
10:56 | 30/07/2009
VIỆT HÙNGCuộc toạ đàm với chủ đề Sự cần thiết phải thành lập nhạc viện ở Huế vừa diễn ra vào ngày 10/3/2004. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Trại sáng tác khí nhạc dân tộc và phê bình lý luận âm nhạc, do Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường Đại học Nghệ thuật Huế tổ chức từ 9/3 đến 17/3/2004.

Cuộc toạ đàm đã thu hút sự tham gia của hầu hết các nhạc sĩ ở Huế, cùng nhiều giáo sư, nhạc sĩ thuộc hai nhạc viện Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Giáo sư, nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã về Huế tham gia chủ trì toạ đàm. Những ý kiến phát biểu hôm đó hầu như đã vượt ra khỏi tiêu chí đã nêu. Điều ấy thể hiện nổi bật ở một số vấn đề: Bây giờ mới bàn đến việc thành lập Nhạc viện Huế là quá chậm so với chủ trương của Chính phủ. Không nói "sự cần thiết" nữa, mà là "phải có" một nhạc viện ở Huế. Nhạc viện Huế là của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước. Phải bàn ngay đến mô hình đào tạo, cơ cấu tổ chức có những gì khác với hai nhạc viện Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nếu không Nhạc viện Huế chỉ là bản sao của hai nhạc viện kia. Nhạc viện Huế sẽ phải chú trọng và chuyên sâu đến âm nhạc truyền thống và phải tính đến "đầu ra" trong đào tạo, làm sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế của xã hội.v.v...

Trong bài phát biểu đề dẫn của nhạc sĩ Trương Ngọc Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế có đoạn: "Có thể nói, con đường để hình thành một Trung tâm đào tạo âm nhạc tại Huế (mà cụ thể là Nhạc viện Huế) đã được Chính phủ, Thường vụ tỉnh uỷ và Đảng uỷ Đại học Huế đặc biệt quan tâm. Việc thành lập Nhạc viện Huế cho đến thời điểm này không chỉ còn là ý tưởng như lâu nay chúng ta thường nói với nhau mà đã là nhiệm vụ cấp thiết của cả hai Bộ: Văn hoá Thông tin và Giáo dục Đào tạo; của tỉnh Thừa Thiên Huế; của Đại học Huế, mà trước hết là nhiệm vụ chủ yếu của Trường đại học nghệ thuật. Mặc dù, cho đến nay trường vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo nào của lãnh đạo các cấp: đó là giao cho ai chủ trì, bộ phận nào phối hợp, đơn vị nào là cơ quan tham mưu, tư vấn chủ yếu?... Tuy nhiên, "Sự cần thiết thành lập nhạc viện ở Huế" cần phải có các cơ sở khoa học của nó, trước khi đơn vị nào đó được các cấp lãnh đạo giao nhiệm vụ xúc tiến dự án thành lập  Nhạc viện Huế".

Theo giáo sư Trọng Bằng: Với nhu cầu đòi hỏi cao của xã hội như hiện nay, thì việc thành lập Nhạc viện Huế là điều tất yếu. Không nên chờ cho điều kiện quá đầy đủ rồi mới thành lập. Trước đây Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội) được thành lập trong điều kiện thiếu thốn cả con người lẫn phương tiện giảng dạy; trong chiến tranh phải tổ chức hoà nhạc dưới hầm, dàn nhạc giao hưởng phải biểu diễn trên đồi, dưới ánh trăng... song vẫn đào tạo ra rất nhiều nhân tài âm nhạc cho đất nước. Việc thành lập Nhạc viện Huế hiện nay đang có nhiều thuận lợi; và ở đây phải lấy âm nhạc truyền thống làm nòng cốt. Nhạc viện Huế ra đời phải cố gắng định hình ngay bằng những nét đặc thù của mình...

Đối với giáo sư Minh Khang (Nhạc viện Hà Nội): Việc thành lập Nhạc viện Huế là yêu cầu cấp bách. Điều này đã có chủ trương của Chính phủ và Nghị quyết của Thường vụ tỉnh uỷ. Thế mạnh của Huế là Nhã nhạc và các loại hình âm nhạc truyền thống khác, thể hiện ở các mặt: đội ngũ biểu diễn, các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu. Có thể thành lập ở đây một Học viện âm nhạc Quốc gia theo hướng dân tộc học âm nhạc, giống với mô hình của một số nước trên thế giới. Trong những năm trước mắt, Nhạc viện Huế cần nhanh chóng chuẩn hoá đội ngũ giáo viên; và sẽ có một số giáo sư từ hai nhạc viện Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về trợ giúp...

Phó giáo sư, nhạc sĩ Hà Sâm (Huế) cho rằng: Thành lập Học viện âm nhạc Quốc gia tại Huế là rất hợp lý. Một khi Nhã nhạc Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thì không có lý gì chúng ta lại không có một trung tâm để nghiên cứu nó. Việc đào tạo âm nhạc ở Huế phải có những điểm khác với đào tạo ở hai thành phố lớn hai đầu đất nước; cần chú ý "đầu ra", không đào tạo tràn lan. Theo ông, sau khi Nhạc viện Huế ra đời, thì các đơn vị biểu diễn nghệ thuật của tỉnh nên được quy hoạch lại...

Quan điểm của nhạc sĩ Việt Đức, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Thừa Thiên Huế: Nhạc viện Huế sẽ lấy việc nghiên cứu Nhã nhạc làm nòng cốt, sau đó là âm nhạc truyền thống của cả miền Trung và Tây Nguyên. Tương lai nếu cần học nghệ thuật giao hưởng, Huế sẽ cử người đến hai nhạc viện ở hai đầu đất nước; ngược lại nếu cần học tập, nghiên cứu âm nhạc truyền thống thì hai nhạc viện kia phải cử người về Huế ...

Nhà thơ Võ Quê, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế: Huế là nơi hội tụ tinh hoa của âm nhạc dân tộc. Cả nước có thể phải về Huế để nghiên cứu âm nhạc truyền thống Huế. Việc thành lập Nhạc viện Huế là mong muốn của nhân dân Huế và nhân dân cả nước...

Nhạc sĩ Minh Phương (Huế): Nhạc viện Huế sẽ là nơi nghiên cứu, lý luận, phê bình, đánh giá, tôn tạo cái hay, cái đẹp của âm nhạc miền Trung và của cả nước; chắc chắn sẽ góp một phần làm ổn định đời sống âm nhạc. Nhạc viện Huế sẽ có con đường đi của nó...

Tiến sĩ Lê Toàn, Phó viện trưởng Viện âm nhạc Hà Nội nhận thấy, khi ông đến thăm Bảo tàng cung đình Huế thì còn rất nhiều thông tin về âm nhạc truyền thống đang còn để trống; việc này cần sớm được nghiên cứu. Theo ông, nếu Nhạc viện Huế cũng giống mô hình của hai nhạc viện Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ không đuổi kịp họ và sẽ bị mờ nhạt. Tuy nhiên, nếu ở đây chỉ giáo dục riêng về âm nhạc dân tộc thì sẽ không phù hợp, cần phải hoà nhập với thời đại...

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Thừa Thiên Huế coi việc thành lập  Nhạc viện Huế lúc này đang là một vận hội, cũng là điều kiện để Trường Đại học Mỹ thuật Huế tồn tại độc lập. Theo ông, mỹ thuật và âm nhạc là hai chuyên ngành nghệ thuật khác biệt nhau, nếu cùng tồn tại trong một trường đại học là bất hợp lý, có thể ví như "hai con hổ nhốt chung một chuồng". Ông cho rằng Nhã nhạc chỉ là một bộ phận quan trọng của Nhạc viện Huế, nên không phải thành lập nhạc viện vì Nhã nhạc, và chúng ta cũng đừng quá choáng ngợp với Nhã nhạc. Nhạc viện Huế là nhạc viện của miền Trung - Tây Nguyên đặt tại Huế ...

Y kiến của ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế: Nhạc viện Huế phải mang được tính kế thừa của các nhạc viện đi trước, và phải mang tính tập trung, không bị phân tán khi mô hình đã hình thành. Về phương hướng hoạt động cần được xây dựng thật cụ thể...

Với phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Nhật Thăng (Nhạc viện Hà Nội) thì Nhạc viện Huế thành lập rồi sẽ chuẩn hoá dần đội ngũ. Chỉ thành lập các khoa cần thiết, căn cứ vào mục tiêu đào tạo và khả năng cho phép của mình. Phải chú ý người dân miền Trung đang cần gì và chúng ta chỉ đào tạo theo hướng đang cần đó. Theo ông, Việt Nam chỉ có hai khối nhạc là nhạc mới và nhạc cổ. Hai nhạc viện ở hai đầu đất nước chủ yếu làm nhạc mới, hầu như không có nhạc cổ truyền. Cho nên, Nhạc viện Huế nên thiên về nhạc cổ, song cũng không xem nhẹ nhạc cụ phương Tây.

Theo ý kiến của giáo sư mỹ học Dương Viết Á (Nhạc viện Hà Nội) thì chức năng của Nhạc viện Huế nên tăng cường bộ phận nghiên cứu và phải lấy bản sắc của địa phương đó để làm cốt lõi...

Nhạc sĩ Trần Thanh Trung (Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh): Đi ngược lại thời gian, từ thời phong kiến thì Huế là nơi đầu tiên có trường đào tạo nghệ thuật tuồng của đất nước. Việc thành lập Nhạc viện Huế phải chăng là sự tiếp nối truyền thống của vùng đất văn hoá. Ông đề nghị Nhạc viện Huế nên hình thành những nét đặc trưng để các miền và các nước đến đây học tập...

Cuộc toạ đàm khép lại trong không khí đầy hào hứng. Tất cả các ý kiến tham gia đều thể hiện sự mong muốn Nhạc viện Huế sớm ra đời và trở thành Nhạc viện Quốc gia thứ ba của Việt Nam sau hai nhạc viện Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

VIỆT HÙNG  (Lược ghi)
(182/04-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng