Tạp chí Sông Hương - Số 183 (tháng 5)
Tình bạn trong thơ Ngô Đức Tiến
14:42 | 03/08/2009
HOÀNG VĂN HÂNLướt qua 30 bài thơ của Ngô Đức Tiến trong “Giọng Nghệ”, hãy dừng lại ở những bài đề tài tình bạn. Với đặc điểm nhất quán, bạn của anh luôn gắn liền với những hoài niệm, với những địa chỉ cụ thể, về một khoảng thời gian xác định. Người bạn ấy hiện lên khi anh “nghĩ về trường” “Thăm trường cũ”, hoặc là lúc nhớ quá phải “Gửi bạn Trường Dùng” “ Nhớ bạn Thanh Hoá”. Bạn của anh gắn với tên sông, tên núi: sông Bùng, sông Rộ, Lạt, Truông Dong, Đồng Tháp.

Những câu rất cảm, rất tình: “Nước mắt nhớ Tường chảy trên giấy thành thơ” (Người bạn cũ). “Có phải Truông Dong ngăn bớt gió nồm/ Nên bầu bạn ít về thăm Lạt.” (Một thoáng Tân Kì). “Chẳng đứa nào quên được/Tiếng còi tàu thổn thức một đêm Sy” (Sông Bùng). Một đêm Sy, một đêm thức trắng chờ tàu ở ga đầu cầu cho cả xứ “Đông Yên nhị huyện” vào nam ra bắc.

Tạp chí Sông Hương số tết Giáp Thân (số 179 và 180) tạp chí được coi là “Văn nghệ địa phương tầm vóc trung ương” đăng tải một lúc 81 bài thơ đa tài, đa dạng, đa phong cách, giọng điệu và quan niệm thơ hiện đại. Lọt thỏm vào rừng 81 ấy, có 1 bài lục bát tứ tuyệt xinh xắn, bình dị, ý, tình, lời, nhạc đều khá. Đọc xong thuộc ngay vì nó gọn ghẽ, thuần phục có ray rứt nghĩ suy, ám ảnh người đọc. Đó là bài Bạn của nhà thơ Ngô Đức Tiến, Yên Thành, Nghệ An.

Bạn
Bạn đi hơn chục năm trời
Hòn Thàng ngày ấy bời bời cỏ lau.
Bạn bè nhìn trước ngó sau,
Gần nhau thì lắm, hiểu nhau mấy người.

Phải nói ngay rằng thơ về đề tài tình bạn của Ngô Đức Tiến ở mỗi bài đều có một địa chỉ được bộc lộ qua thời gian và không gian khá rõ. Người bạn thân đã mất ở đây là người bạn ấy. Những người sống quanh anh, có thể xác nhận được điều đó qua thơ và đối chứng vào cuộc sống. Đây mới thực là điều khó.

Nếu trong cuộc đời không có bạn tri âm thì làm sao diễn tả được một cách chân thực tự nhiên về tình bạn? Thay vào đó là những giọt nước mắt gượng hoặc hoài niệm chung chung mà thôi. Thế là bạn đã mất “hơn chục năm trời” Câu thứ 2 là câu hay nhất của bài lục bát tứ tuyệt này. Ai làm tứ tuyệt cũng có ý thức trau chuốt, dồn nén, đầu tư cho câu 4 thật hay, thật kết và dứt luôn (Tuyệt) thì mới rõ người thơ tứ tuyệt có nghề. Bài thơ tứ tuyệt cuối cùng của Tố Hữu câu kết là “Sống là cho mà chết cũng là cho”, khái quát quá và chấm dứt, không ai có thể phát triển bài thơ được nữa. Bài này câu 4 cũng hay nhưng chưa bằng câu 2. Anh vừa giới thiệu xong về thời gian hoài niệm người bạn ấy đã khéo léo cho mọi người biết người bạn ấy là người nào. Địa chỉ Hòn Thàng xuất hiện đúng lúc để xác nhận tính chân thực của 4 dòng thơ hướng nội này. Hòn Thàng ngày ấy, hơn 10 năm trước còn “bời bời cỏ lau”. Có thể nói từ hay nhất trong bài thơ là từ láy “bời bời”. Bốn chữ “bời bời cỏ lau” là mới, là gợi, là hồn của bài thơ. Ngày ấy, nơi ấy quê tôi hoang dại lắm, cỏ lau tốt lút người. Xưa nơi đây từng có khỉ, có hồ, có nhiều rắn ở rừng sâu về thấp thoáng xứ cỏ lau này. Hình tượng cỏ lau trong văn của Nguyễn Minh Châu từng là biểu tượng của văn học thời đổi mới. Hình ảnh cỏ lau quê tôi đồng nghĩa với một “thời xa vắng” thiếu lương thực, thiếu đủ thứ, người dân phải “thắt lưng buộc bụng” sau chiến tranh. Họ dùng ý chí cần lao ‘mo cơm quả cà” để “sắp đặt giang sơn”. Câu thơ của anh Tiến làm tôi nhớ đến ngày ấy, nơi ấy, chỉ một đêm thôi hàng trăm ngôi nhà ngói vùng đồng bằng được xếp gọn lên xe bò lốp nối đuôi về Hòn Thàng lập xóm mới, đào giếng sâu 16m chưa có nước.

Ơi quê tôi, vùng ấy, thời ấy, “hồi ức Làng Che”, “Dòng sông cụt” qua truyện ngắn Nguyễn Đức Thọ mãi mãi đi vào văn học. Chỉ thiếu hình tượng ông Khúng nữa là rừng cỏ lau bời bời này thành cỏ lau của nhà văn mở đường đổi mới.

Sau khi đã hoài niệm và hé mở hình ảnh người bạn tri âm tri kỉ của mình, phần còn lại dành cho suy ngẫm (kiểu kết cấu cổ điển của thơ tứ tuyệt). Bạn thân đã ra đi mòn dần, ở lại với đời không còn nhiều nữa, hàng ngày anh phải “nhìn trước ngó sau” mới tìm được bạn hiền trong hàng hàng các gương mặt thường gặp. Vẫn còn chạm trán hàng ngày đấy thôi, nào đồng chí, đồng môn, đồng hương, đối tác, người cùng cơ quan, người các hội, các cơ sở, nhiều lắm. Có lúc bắt tay giật giật rồi, óc vẫn lục tìm danh tính. Có người đã quên béng tên bạn vẫn dùng tiểu xảo “tên cậu vẫn như xưa chứ”? Đúng cứ gọi Bá thế thôi có thay gì đâu”. Nhờ thế để bớt sự trơ trẽn “Xin lỗi cậu tên gì nhỉ, mình đoảng quá.”. Vậy nên “bạn hiểu nhau” là bạn tâm đắc, bạn thân, bạn vàng với tất cả nghĩa cao quý của các từ đó. Ai có nhiều bạn thân đến mức so được với tình bạn Dương Khuê - Nguyễn Khuyến. Bao nhiêu điếu văn khóc bạn thời nay xuất hiện có so nổi bài song thất lục bát “Khóc Dương Khuê” không? Chân thành, thống thiết, những cái trái thông thường vãn thấy cảm động rằng mình nhiều tuổi hơn vẫn công khai tôn xưng bạn bằng bác “Bác Dương thôi đã thôi rồi”, “Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác”.

Bạn trong thơ và bạn trong đời của Ngô Đức Tiến là một. Sống sao viết vậy. Viết về những người sống quanh ta cả mà. Đấy có phải là một giá trị, một tính chất cần và đủ của thơ không? Nhất là trong những bài thơ hướng nội?

Không dám bàn về thơ hiện đại, nhưng tôi nghĩ đơn giản rằng: Ngôn ngữ của thơ không thể là ngôn ngữ của báo chí và văn xuôi. Ai đã có ý, nhưng chưa có từ, có hình ảnh và nhạc điệu thì cứ tha hồ trổ tài bằng đoản văn, tạp bút, chứ cần gì phải nhảy vào thơ. Muốn có một bài thơ về bạn thì nhất thiết phải có bạn thuỷ chung, nối khố đã. Ngô Đức Tiến là một người như thế.

H.V.H
(183/05-04)

Các bài mới
Chùm thơ Trà Mi (06/08/2009)