Tạp chí Sông Hương - Số 183 (tháng 5)
Hầm chỉ huỷ chiến dịch Điện Biên Phủ
14:59 | 03/08/2009
NGUYỄN TRI TÂMNgười kể chuyện phải lục tìm những tấm ảnh lưu niệm để nhớ chính xác hơn. Sau tấm ảnh đen trắng cỡ 18x24, tướng Hoàng Văn Thái kí tên và ghi rõ “Thân tặng đồng chí trung tá Lương Văn Chính, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, huyện đội trưởng huyện đội Điện Biên. Kỉ niệm ngày lên thăm Điện Biên 3-4-1984”.
Hầm chỉ huỷ chiến dịch Điện Biên Phủ
Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - Ảnh: dulichvietnam.asia

Tháng tư năm ấy, chúng tôi ra sân bay đón tướng Hoàng Văn Thái và đoàn quân đội cao cấp từ Hà Nội lên thăm Điện Biên Phủ. Đêm hôm đó ông và đoàn ngủ trong nhà khách trung đoàn 82. Sáng hôm sau, xe tôi dẫn đường đưa tướng Hoàng Văn Thái đi Mường Phăng. Đến chân dốc Na Lơi, ông lệnh cho xe dừng nghỉ, xem phong cảnh núi rừng cuối xuân đang xanh tốt, điểm trắng hoa ban muộn. Có lẽ vùng Bắc lòng chảo Mường Thanh Điện Biên Phủ gợi ông nhớ đến chiến trường năm xưa. Tôi được ông cho ngồi cùng xe, để chuyện trò về cảnh cũ suốt đường dài đến trung tâm Mường Phăng. Đường vào Mường Phăng chưa hạ thấp độ dốc và trải nhựa. Hơn chục cây số đường rừng, cả người và xe cùng vất vả. Xe con vào được đến bản Bua, đoạn đường còn lại phải đi bộ. Từ bản Bua sang bản Phăng đi theo con suối nhỏ, hai bên rừng rậm cây lớn, vào đến khu vực hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, khoảng 4 km. Tướng Hoàng Văn Thái vui, nhưng dáng ông không được khoẻ, vừa thủng thẳng đi, vừa kể chuyện về chỉ huy sở... Con suối chúng tôi lội ngược, chảy qua bản Phăng, bản Bua, chính là con suối bọc quanh chân đồi-bố-phòng, có hầm chỉ huy. Hầm ngầm chữ chi, xuyên hết chiều dọc đồi, đủ cho nhiều người ăn ở và làm việc, tránh phi pháo... Xung quanh là hầm hố cá nhân và lán làm việc của cán bộ chiến sĩ, lán chuyên-gia, lán ông Liêm, lán ông Quang, nhà ăn, đại đội bảo vệ... Lán ông Giáp ở cửa hầm ngầm phía trên, lán ông Thái gần cửa hầm ngầm phía dưới...

Tướng Hoàng Văn Thái xa nơi này mấy chục năm, nhưng ông vẫn hướng đi theo vệt đường mòn ngày xưa, nhận ra ngay rừng mạy-thồ-lộ (loại gỗ người Thái thường lấy làm cột nhà sàn bền mấy đời người). Cây cổ thụ che rợp lán hầm ngầm cũ. Ông nhớ lúc chiến dịch căng thẳng ác liệt, có bữa ông thức bẩy ngày đêm liền cùng chiến sĩ của mình. Ông nhớ những lúc tựa lưng gốc cây, khắc vạch vào gốc cây quanh chỗ làm việc, cũng để xoá bớt căng thẳng mệt nhọc lo lắng trong người... Một tiếng đồng hồ nơi hầm Mường Phăng, chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, tướng Hoàng Văn Thái cứ nhìn ngắm thiên nhiên xanh tươi, nắng trưa vàng sáng lá rừng hoang đã ngày tháng tư kỉ niệm chiến trường che chở đùm bọc mình....

Trở lại bản Phăng, tướng Hoàng Văn Thái mệt, lại nắng nóng, ông ngả lưng ngay đống gỗ chân sàn nhà dân mà nghỉ. Chúng tôi đã chuẩn bị võng và “cáng vải” để ông đỡ mệt, nhưng ông không chịu ngồi. Chậm rãi đi bộ, ông cùng chiến sĩ về bản Bua, lên nhà sàn ông Bóng, nằm nghỉ, chăn đệm Thái màu chàm xanh thêu hoa bông cỏ lau đất Mường Phăng. Bữa cơm đãi khách, bày thịt rượu trên lá chuối rừng trải dọc sàn nhà đông vui, ông không dự được. Ông ăn cháo nóng và ngủ thiếp đi...

Việc tu bổ, nâng cấp, tôn tạo khu di tích lịch sử hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chưa kịp hoàn thành, tướng Hoàng Văn Thái đã mất tại Hà Nội, chuyến đi thăm Mường Phăng ấy hoá thành lần cuối... Chúng tôi lặng nhìn hình ông trong tấm ảnh kỉ niệm: tướng Hoàng Văn Thái giản dị, ngồi bên ông Lò Văn Bóng, người du kích Thái bản Bua, làm công tác bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chính Chỉ huy sở Mường Phăng này...

Năm 1984, chúng tôi cũng đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Mường Phăng, nhưng đến Pa Khoang phải quay về. Đường kéo pháo năm xưa đã nằm dưới lòng hồ-thuỷ-nông Pa Khoang mới làm, đường vượt đèo vào Mường Phăng lại đang mở rộng, kiến thiết lại, đi không an toàn... Đại tướng không vui.

Năm 1994, nhân dân Mường Phăng thoả ước vọng được đón khách quí. Bản Phăng có bãi đất rộng vùng ruộng một vụ thênh thang. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bãi rộng bản Phăng này là nơi hội quân, tuyên dương công trạng, nghe đọc thư khen của Bác Hồ, của Trung ương Đảng và Chính phủ mừng ngày Điện Biên Phủ toàn thắng. Đến hôm nay, ai cũng gọi vùng ruộng này là vùng ruộng chiến thắng. Nhân dân già trẻ, phụ nữ địu con, váy áo dân tộc mới, hoa thêu đẹp xếp hàng đón khách quí từ sớm còn lãng đãng sương đêm... Gần 4 giờ chiều, mới thấy bóng máy bay lên thẳng lượn vòng hạ cánh. Gió cuộn xoáy lên. Tiếng hò reo bằng đủ thứ tiếng Thái, HMông, Khơ-mú, Kinh, sung sướng khi lần đầu có máy bay đến đây, khách quí lại là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai cũng biết tên... Tóc bạc trắng, quân phục xuân-hè, ông hiện ra ở cửa máy bay... Người bảo vệ Đại tướng ở chính hầm Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đón ông ngay chân thang máy bay. Hai người đồng chí, hai người bạn già ôm nhau mừng tủi trong tiếng vỗ tay kéo dài không dứt của nhân dân các dân tộc Mường Phăng. Giọng nói miền Trung thân thương của Đại tướng xin lỗi nhân dân vì máy bay đến muộn... Đại tướng thăm hầm chỉ huy cũ, ông không nói, chỉ nhìn ngắm lắng nghe...

Trước lúc chia tay nhân dân Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nhắc: Ở đây xưa nhiều tiếng chim, tiếng con nai, tiếng gà rừng; nhiều cây lớn, phong lan nở hoa đẹp lắm, ta hãy cố giữ rừng cho tươi tốt mãi mãi...

Ở Điện Biên Phủ thì nhiều lắm, những kỉ niệm cảm động giữa các bạn chiến đấu năm xưa. Tác giả chọn ghi lại thành những đoạn văn ngắn, mà chiến sĩ Điện Biên Lương Văn Chính nhớ và kể lại...

ĐBP 1998 - Vũng Tàu 2004
N.T.T
(183/05-04)

Các bài mới
Chùm thơ Trà Mi (06/08/2009)
Các bài đã đăng