Tạp chí Sông Hương - Số 183 (tháng 5)
Hồi ức: con đường tử địa (*)
10:01 | 04/08/2009
ĐÀ LINHĐể có trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, trước đó quân đội Nhân dân Việt Nam đã có những trận đánh để đời mở ra những khả năng to lớn về thế và lực cho chúng ta. Trong đó Trận chiến trên đường (thuộc địa) số 4 - biên giới Cao Bắc Lạng 1950 là một trận chiến như vậy.
Hồi ức: con đường tử địa (*)
(Ảnh: fahasasg.com.vn)

Với tác phẩm Đường 4 rực lửa của tác giả Đặng Văn Việt (Đại tá, nguyên chỉ huy mặt trận biên giới Đường số 4 - Cao Bắc Lạng 1947 - 1950) đã giúp một cái nhìn của “phía ta”. Nhưng với Hồi ức La Route Morte (Con đường tử địa) của Charles - Henry De Pirey (Chỉ huy phó đại đội Goum 60 tiểu đoàn Tabor số 1 (**)) góp phần cho ta thấy rõ cái nhìn của “phía địch”.

Với gần 300 trang, chia 33 chương, khổ lớn (16x24) - Hồi ức của De Pirey tái hiện lại khoảng thời gian thực dân Pháp tăng viện cho vùng biên giới phía Bắc (1949 - 1950), cho đến khi quân đội Nhân dân Việt Nam giải phóng Cao Bằng và chiếm lại vùng biên giới (10/1950).

Trong năm 1950, trước những cuộc tấn công ngày càng dồn dập, quyết liệt của quân đội Nhân dân Việt Nam - Con đường số 4 đã trở thành con đường tử địa của những binh đoàn viễn chinh Pháp chiếm đóng dọc biên giới Cao-Bắc-Lạng (nói theo tên sĩ quan chỉ huy: binh đoàn Lepage, Charton).

Trên con đường tử địa này, có những đại đội Tabor bị xoá sổ hoặc hầu như bị xoá sổ. Đại đội của thiếu uý De Pirey bị tổn thất nặng nề, cuối cùng còn lại De Pirey và dăm ba sĩ quan khác cùng một số lính Tabor.

Điều cần ghi nhận, như đại tá Đặng Văn Việt tâm sự “Chiến thắng của quân ta trên đường số 4 không hề dễ dàng, có những đơn vị đối phương đã chống trả quyết liệt”.

Hồi ức của De Pirey đã miêu tả hết sức chân thật cuộc “tận chiến” của đối phương, “những hành động giản dị” không hề có sự thêm thắt “mắm muối”: Cảnh chiến đấu trên mỏm 703, 477, Lèn Cốc Xá,... một bên quyết giữ, một bên quyết chiếm, sự mất mát quả cảm có khi cả hai bên “ngang nhau”; cảnh hành quân xuyên rừng trên những sườn núi sình lầy, đầy vắt và muỗi, áo quần tả tơi, mặt mày chân tay xây xát dọc ngang; cảnh tình đồng đội trong chiến đấu và những binh lính, sĩ quan bị thương được giúp trở về từ cõi chết; cảnh những binh lính sĩ quan cần cù, quả cảm, gắn bó, luôn đi đầu trước hàng quân... nhưng không bao giờ còn trở về! Cảnh cứu chữa thương binh quên mình của bác sĩ quân y Ejnalbert, bác sĩ Huard (người đã vinh dự được gặp Chủ Tịch Hồ Chí Minh).

Những miêu tả chân thật ấy, đáng nói ở chỗ: không để ngợi ca những gian khổ, hy sinh mất mát, mà đội quân viễn chinh đã trải qua, chịu đựng - mà muốn thông qua những diễn biến của một thất bại nặng nề, dù đã rất ngần ngại nhưng De Pirey đã không thể im lặng được nữa, vì ông đã tham gia vào “cuộc chiến tranh Đông Dương bẩn thỉu” của thực dân, vì những ánh mắt thi thể của đồng đội ngã xuống vô ích, nỗi đau khổ của những binh đoàn Charton và Lepage cùng nỗi ám ảnh của sự rút chạy khỏi vùng biên giới, rút những đồn bốt trên đường thuộc địa số 4... với De Pirey thì có tầm quan trọng đến mức chỉ riêng việc đó với Điện Biên Phủ, đủ cắt nghĩa kết cục bi thảm của cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp.

Với Con đường tử địa, hay qua bài học Cao Bằng, De Pirey đã nói với các nhà chính trị, quân sự và nhân dân mình - hãy can đảm làm một tổng kết: nước Pháp để lại một xứ Đông Dương rách nát sau tám năm của những trận chiến ác liệt... Nó đã tiêu phí 2.385 tỷ Frăng, mất 92.000 sinh mạng và bị mất mặt trên thế giới. Trước cái tài sản nợ đáng khủng khiếp ấy, tốt hơn cả là không nên ghi gì trong khoản cho vay vì để bảo vê danh dự - đó là cái giá phải trả cho suốt một quá trình.

Sự chân thật hay thú nhận, thức nhận! Từ Hồi ức của một sĩ quan Pháp, đã từng nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh, Thập tự Chương 4 sao, Huân chương Hàng không Pháp, 2 lần bị thương... quả đã đưa lại cho ta một cảm xúc phức tạp, đan xen. Ta đồng tình với De Pirey “Cuộc chiến tranh bẩn thỉu đã kết thúc! Hoà bình muôn năm! Mong sao nó bền vững”.

Một điều cần được nói thêm, người dịch tác phẩm này là đại tá Đặng Văn Việt, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn 174 chủ lực Cao-Bắc-Lạng, nguyên chỉ huy Mặt trận Đường số 4 (1947 - 1950), ông cũng chính là tác giả của Hồi ký Đường số 4 rực lửa (được giải thưởng UBTQ HLHVHNT VN).

Đ.L
(183/05-04)


--------------------
(*)
Tác giả: Charles-Henry De Pirey. Người dịch: Đặng Văn Việt. Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 4/2004. (Tử địa là chữ của Tôn Tử (trong binh pháp Tôn Tử, chương Cửu địa)).
(**)Lính mộ Marốc.

Các bài mới
Chùm thơ Trà Mi (06/08/2009)
Các bài đã đăng