Chiếc bình cổ Trung Hoa chính là vật hiếm này. Nó lại càng là của hiếm do người ta phát hiện được khi nó chẳng còn nguyên xi, mà ở dạng một ngàn chín trăm tám mươi hai mảnh vỏ, tức thị mảnh vỡ. Người ta lần lượt tìm thấy những mảnh vỡ đó trong vòng mười lăm năm đãi đất phù sa múc từ đáy của một con sông lớn ở Trung Quốc. Phù sa được sấy khô bằng phương pháp đặc biệt, rồi sau đó được sàng lọc bằng loại sàng khảo cổ đặc biệt. Từ những mảnh vụn được khai quật theo phương pháp đó người ta đoán định toàn bộ chiếc bình. Dĩ nhiên không thể làm xong ngay, mà từ từ, mất độ bảy năm sau đó. Và tiếp đó lại mất bảy năm nữa người ta mới có được chiếc bình mà cách đây năm ngàn năm bị vỡ thành một ngàn chín trăm tám mươi hai mảnh, nằm rải rác dưới lòng một con sông cái, vì người ta phải gắn chúng lại, tức thị tái tạo chiếc bình như nó vốn có ngày xưa.
Bởi giá trị của hiện vật này là vô song, cho nên người ta đặt nó ở một vị trí đặc biệt trong bảo tàng và dành riêng cho chiếc bình này một người gác đặc biệt. Thường thường những người canh gác trong bảo tàng họ canh giữ nhiều hiện vật cùng một lúc. Nhưng riêng trường hợp này nhiệm vụ của người gác chỉ là trông nom một chiếc bình cổ Trung Hoa duy nhất. Xem ra nhiệm vụ của người bảo vệ này có vẻ ngon lành hơn nhiệm vụ của các bạn đồng nghiệp của anh ta, nhưng trách nhiệm thì hết sức nặng nề.
Ấy chính vì trách nhiệm nặng nề như vậy cho nên người ta tìm kiếm mãi mới tuyển được một người vừa ý. Đó là một gã đàn ông ở độ tuổi chín chắn, không nghiện ngập thứ gì, là một người chồng, một người cha mẫu mực và mắn phúc, là một con người thực thà, luôn luôn biết lo toan bổn phận. Một chiếc ghế đẩu được đặt ngay bên cạnh chiếc bình cổ Trung Hoa và từ nay gã có bổn phận ngồi ở đó tám tiếng mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần và mười một tháng mỗi năm, mười một, tại vì mỗi năm gã được nghỉ phép một tháng. Tháng đó bảo tàng đóng cửa để sửa sang, tu chỉnh.
Báu vật được canh giữ cẩn thận đến nỗi người gác không lúc nào rời mắt khỏi nó, đó chính là nhiệm vụ của anh ta. Bằng cách như vậy hiện vật này được bảo vệ chu đáo trước mọi hiểm nguy vốn thường đe doạ các hiện vật trưng bày trong bảo tàng này. Lũ cướp hoặc quân phá hoại đội lốt người xen lẫn trong đám đông hễ lảng vảng tới gần chiếc bình là bụng bảo dạ, ở chỗ này thì đừng hòng xơ múi gì. Sự hiện diện liên tục và hết mực cảnh giác của người canh gác ắt tóm cổ ngay tức khắc bất kỳ tên trộm hoặc kẻ coi trời bằng vung nào. Cho nên bọn chúng đành bỏ sang khu khác kiếm ăn. Trong những năm qua cũng đã từng xảy ra những vụ trộm và phá hoại trong bảo tàng này, tuy vậy đối với chiếc bình cổ Trung Hoa thì tuyệt nhiên không, mà ngay cả những hiện vật khác ở khu vực gần đó cũng vậy. Chính là nhờ sự cảnh giác cao độ mà khu vực quanh chiếc bình cổ lúc nào cũng hết mực yên ổn, không hề bị quấy nhiễu.
Tuy nhiên, cái yên ổn đó chẳng thể ru ngủ được sự tỉnh táo của người bảo vệ. Mà trái lại. Thâm niên làm người canh gác càng nhiều gã càng trông nom chu đáo vật báu được giao, càng cảnh giác với người xem. Bởi kinh nghiệm dạy rằng, hễ cái gì lâu lắm không xảy ra thì sác xuất nó sẽ xảy ra càng lớn. Nhưng đồng thời giá trị bất biến của chiếc bình vẫn không ngừng bất biến theo năm tháng, những năm tháng không kẻ nào dám đụng tới chiếc bình. Tuy nhiên, cũng trái lại, nó càng tăng, nhưng không phải về số lượng, bởi sự vô song và vô biên đâu có tăng được, mà là sức huyền bí và huyền thoại. Bởi lẽ, cái huyền bí càng lâu bị đụng đến thì nó càng tăng huyền bí lên gấp bội và chỉ có nghịch thần mới chặn được sự gia tăng này.
Thế rồi dần dà, song liên tục, người gác chiếc bình cổ vô giá nhích dần đến tuổi nghỉ hưu. Gã vẫn tiếp tục có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, lại được đề bạt, vì ngần ấy năm gã phục vụ không chê vào đâu được và nhờ tằn tiện, vì như ta đã biết, gã chẳng nghiện ngập thứ gì, gã đã trở thành chủ nhân của một ngôi nhà nho nhỏ, có vườn tược hẳn hoi.
Rốt cuộc, ngày làm việc cuối cùng đã đến, chỉ hôm sau là gã bàn giao vị trí của mình cho thế hệ kế tiếp và về nghỉ hưu. Trong hội trường người ta đang khẩn trương chuẩn bị cho buổi lễ. Tối nay sẽ có cuộc chia tay với một nhân viên có nhiều cống hiến, có trao huân chương và bằng khen, sau đó là cuộc chiêu đãi với sự có mặt của Ban giám đốc, đại diện của Bộ và các bạn đồng nghiệp. Gã thực thi bổn phận như mọi ngày, tuy nhiên lần đầu tiên gã có linh cảm, một chuyện gì đó bất thường rồi sẽ xảy ra. Bởi giác quan thứ sáu của người canh gác, được phát triển thêm qua suốt ba mươi năm ròng công tác, mách cho gã hay rằng hôm nay sẽ xảy ra một vụ việc mà lâu nay chưa bao giờ xảy ra cả. Nỗi lo lắng của gã là dễ hiểu. Gã ngại, đúng vào hôm nay, ngày cuối cùng gã làm nhiệm vụ, cái nhiệm vụ suốt ba mươi năm qua gã đã làm tròn không chê vào đâu được, có kẻ đột nhập vào chốn có vật thiêng mà gã đang canh giữ và làm đổ bể toàn bộ công danh của gã, nếu gã không ngăn chặn kịp thời hành vi phạm thánh.
Rồi gã mài sắc tới cùng tinh thần cảnh giác vốn được thử thách và nâng cao suốt mấy chục năm qua. Gã căng mắt quan sát kỹ từng người đi lại gần thánh địa, lường trước mỗi bước đi, mỗi cử chỉ, canh chừng từng tiếng sột soạt và từng hơi thở. Gã luôn luôn giữ tư thế sẵn sàng, chỉ cần nhận thấy một chút dấu hiệu nguy hiểm là nhảy vào chặn đứng và tóm cổ. Thế rồi hàng giây, hàng giờ chậm rãi trôi qua. Nhưng thói thường, hễ đợi mãi mà không thấy chuyện gì xảy ra thì người ta lại càng đinh ninh là rồi nhất định nó phải xảy ra.
Lúc đó trời đã về chiều, đã hoàng hôn, gần kết thúc cái giờ khổ sở. Có điều, lúc này sự linh cảm của gã là sẽ xảy ra chuyện bất thường đã biến thành điều chắc chắn và khi tiếng chuông nổi lên báo cho dân chúng hay, đã đến giờ họ phải ra khỏi bảo tàng, thì gã không thể tin nổi là một ngày đã qua mà chẳng hề xảy ra chuyện gì cả. Cả ngày hôm nay, cả ba mươi năm qua là vậy.
Gã không dám tin cho tới tận phút chót, thậm chí cả khi người xem cuối cùng đã khuất khỏi cánh cửa đàng kia và sau đó nữa, khi trong nhà bảo tàng chỉ còn lại độc một mình gã, một mình gã bên chiếc bình cổ Trung Hoa, chiếc bình vẫn tiếp tục không bị đụng tới, không hề suy suyển. Và vẫn vô giá.
Đập tan chiến bình dễ như bỡn. Gã làm chuyện đó một cách dễ dàng trong vòng mấy giây nhờ có cái can. Chả là, từ dạo bị thấp khớp gã phải chống chiếc can cỡ bự. Rồi gã tăng gấp ba con số một ngàn chín trăm tám mươi hai mảnh vỡ của báu vật, dùng gót giầy nghiền từng mảnh vỡ. Sau đó gã mới qua cổng hậu ra khỏi bảo tàng, chẳng ai nom thấy.
Gã ra về với cảm giác cuộc đời gã đã không trôi qua một cách vô nghĩa. Bởi lẽ, hoá ra ba mươi năm cảnh giác của gã là hoàn toàn có cơ sở. Cái nguy cơ mà gã có bổn phận phải chống trả hoá ra là có thực. Thêm nữa, gã thấy khoan khoái trong người, tựa hồ trẻ lại. Chẳng phải trẻ lại ba mươi năm, mà là năm ngàn năm.
LÊ BÁ THỰ dịch (183/05-04) |