Tạp chí Sông Hương - Số 184 (tháng 6)
Festival Huế 2004 - Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển
14:23 | 13/08/2009
NGUYỄN XUÂN HOAĐúng như lời hẹn trong đêm bế mạc Festival Huế 2002, một Festival Huế 2004 đang khởi đầu với những nhịp điệu đầy sôi động. Chiều 12/05/2004, bên công viên ở bờ bắc sông Hương, đối diện với cổng thành Thể Nhân vừa mới tu bổ, Trại Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Huế- Việt Nam 2004” trong khuôn khổ Festival Huế, với 27 nhà điêu khắc đến từ 15 nước Á- Âu-Mỹ- Úc đã bắt dầu. Và xa hơn, từ phía đầu sông Hương, Trại Điêu khắc dân gian quy tụ 20 nghệ nhân của các dân tộc thiểu số cũng đang bước vào gian đoạn sáng tác đầu tiên.

Hình ảnh một trại điêu khắc quốc tế sẵn sàng chấp nhận những xu hướng sáng tác đương đại của nhiều nước trên thế giới, đi liền với một trại điêu khắc dân gian mang đậm sắc thái truyền thống của các dân tộc ít người ở miền Trung và Tây Nguyên, diễn ra quanh một cố đô đang được tôn tạo là hình ảnh tượng trưng cho một ý tưởng mang tính chiến lược: đưa di sản Huế hội nhập với cuộc sống đương đại, xây dựng Huế trở thành một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới mà vẫn không đánh mất bản sắc văn hóa độc đáo của mình.

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, diễn ra sau thời điểm Nhã nhạc cung đình Việt Nam ở Huế vừa được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại, Festival Huế 2004 còn là thời cơ để quảng bá và tôn vinh Nhã nhạc Huế.

Trong đêm khai mạc, giữa quảng trường Ngọ Môn hoành tráng với sức chứa trên 7 vạn người, trong sắc màu lấp lánh của một sân khấu rộng lớn, một sân khấu nhỏ hơn, tái hiện lại không gian trình diễn của lễ nhạc cung đình Huế xưa, những nghệ nhân lão thành của cố đô trong trang phục của lễ nhạc cung đình sẽ xuất hiện với nghi thức trang trọng để trình tấu bài “Tam luân cửu chuyển”- một bài bản lớn của Đại nhạc Huế. Sân khấu sẽ mở rộng dần với sự tham gia của đông đảo những nhạc công thuộc thế hệ trẻ trình tấu các bài Nhã nhạc “Phẩm tuyết, Nguyên tiêu”, kết hợp với 64 văn vũ sinh, võ vũ sinh trình diễn một trích đoạn vũ khúc cung đình Huế độc đáo- vũ khúc “Bát dật” ở bên dưới sân khấu, kết hợp với sự tái hiện lại khúc “Tam luân cửu chuyển” trong rộn ràng của dàn trống đại, trống trung, trống tiểu và tiếng kèn bầu của Đại nhạc để chào mừng Nhã nhạc Việt Nam được tôn vinh là kiệt tác văn hóa của nhân loại.

Với ý tưởng kết hợp tính dân tộc với tính hiện đại, với xu hướng hữu nghị và đoàn kết, kết hợp hài hòa nghệ thuật chuyên nghiệp của Việt Nam, nghệ thuật chuyên nghiệp của quốc tế và nghệ thuật dân gian truyền thống của nhiều vùng miền Việt Nam, chương trình khai mạc Festival Huế 2004 sẽ nối tiếp với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật xiếc và múa lân Trung Quốc, múa hát của các dân tộc Pà Thẻn, Chăm, của vùng Việt Bắc và Cửu Long Nam bộ, xen với những giọng ca nổi danh của các ca sĩ trẻ rồi khép lại với dàn hợp xướng trên sân khấu và màn múa của thiếu nhi Huế ở bên dưới quảng trường, với trò diễn dân gian múa Xuân Phả của hàng trăm nghệ nhân Thanh Hóa trên nền pháo hoa rực sáng cả quảng trường Ngọ Môn và Kinh thành Huế.

Ngay sau đêm khai mạc là những ngày đêm đại tiệc về văn hóa văn nghệ với trên 130 chương trình biểu diễn nghệ thuật và trên 40 các hoạt động văn hóa, lễ hội cộng đồng đa dạng, phong phú, có sức hấp dẫn và hướng đến tính chuyên nghiệp của một Festival có quy mô quốc gia và tầm quốc tế.

Từ Đại Nội, hạt nhân của Festival Huế, gắn với quảng trường Ngọ Môn ở bờ Bắc, từ biệt cung An Định ở bờ Nam sông Hương, liên tục diễn ra những chương trình nghệ thuật có tính chuyên nghiệp, giới thiệu về Nhã nhạc Huế, vũ khúc cung đình Huế, ca nhạc truyền thống Huế, âm sắc độc đáo của hát Ả đào, ca Huế, ca Cải lương, ca múa nhạc Thăng Long-Hà Nội, ca múa nhạc Bông Sen-thành phố Hồ Chí Minh, ca múa nhạc Việt Bắc, ca múa nhạc Đắc Lắc-Tây nguyên, ca múa nhạc Chăm-Bình Thuận, cùng với các chương trình xiếc hiện đại, nhạc kịch, vũ nhạc kịch của Pháp, xiếc và múa sư tử của Trung Quốc, ca múa nhạc dân gian của Nga, nhạc trữ tình và vũ điệu Tango của Achentina, nhạc điệu Nam Mỹ của Brazin, bộ sưu tập thời trang “Trở lại Thiên Đường” của Minh Hạnh, ca nhạc ATC-Ánh Tuyết, đặc biệt là 4 đêm dạ nhạc tiệc sẽ giới thiệu nghệ thuật ẩm thực Huế gắn với các màn trình diễn nghệ thuật pháo hoa độc đáo của nghệ sĩ Pháp Pierre Alain Hubert trong không gian lấp lánh của Hoàng cung Huế về đêm sẽ là những ấn tượng độc đáo khó quên của một Festival.

Hồ Tịnh Tâm cũng được đánh thức dậy để đón về đây 14 phường rối dân gian đến từ các vùng quê Bắc Bộ, sẽ cùng với Câu lạc bộ rối “Tuổi Thần tiên” Huế bước vào một Liên hoan rối Việt Nam liên tục diễn ra từng chiều, từng tối từ 14/06 đến 19/06/2004.

Điểm mới và hấp dẫn của Festival Huế 2004 không phải chỉ là những chương trình chuyên nghiệp trong khu vực IN. Bên ngoài khu vực Đại Nội, biệt cung An Định và hồ Tịnh Tâm còn có gần 40 hoạt động văn hóa lễ hội cộng đồng đa dạng và đầy sắc màu diễn ra ở nhiều nơi trong thành phố và vùng phụ cận, có những hoạt động quy mô rất hoành tráng. Nổi bật lên như một nét mới và độc đáo của Festival Huế 2004 sẽ là lễ hội Nam Giao diễn ra từ Trai Cung đàn Nam Giao rước về Đại Nội. Với quy mô trên 500 người tái hiện lại hình ảnh các quan binh ngày cũ, có các dàn Nhã nhạc, Đại nhạc, dàn hoa đăng, Bát dật, phường ngũ lôi đồng cổ cùng diễu hành trong rộn ràng chiêng trống, âm nhạc, với hàng trăm cờ, phan, tàng, lọng, với voi ngựa rộn ràng, lễ hội Nam Giao Huế sẽ tái hiện lại vẻ đẹp của một lễ hội cung đình Huế xưa với văn hóa nghi lễ, văn hóa phục trang và không gian diễn xướng của lễ nhạc cung đình Huế, nhằm thể hiện lại những ước vọng muôn thưở của con người: mong cầu quốc thái dân an, phong hòa vũ thuận, thiên hạ thái bình.

Festival Huế 2004 cũng tổ chức lại một lần nữa Lễ hội Áo dài Việt Nam với 500 chiếc áo dài truyền thống trên nền vải lụa, taffeta, chiffon thêu hoa văn với nhiều sắc màu khác nhau của 20 nhà thiết kế, được 100 người mẫu trình diễn dưới ánh sáng lung linh của Hoàng thành, ngay dưới chân Kỳ đài Huế để tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam.

Trong chương trình văn hóa lễ hội cộng đồng, tài hoa của những nhà nghệ sĩ lừng danh: Họa sĩ Lê Bá Đảng, nhà nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ cũng sẽ cùng các họa sĩ Hà Nội- Huế- Thành phố Hồ Chí Minh, với giới nhiếp ảnh trong nước, với các nghệ nhân làm hàng thủ công mỹ nghệ, các doanh nghiệp sản xuất dịch vụ, những người dân quê,... làm nên những cuộc triển lãm nghệ thuật, những hội chợ, những ngày hội thủ công mỹ nghệ, những hội thi, liên hoan, hội chợ mỹ thuật, những cuộc liên hoan diều, hát về âm vang Trường Sơn cũng sẽ diễn ra từ bãi biển Thuận An, từ khu nước khoáng nóng Thanh Tân Ồ Ồ. Và cả một Festival thơ cũng sẽ được dựng lên lần đầu tiên ở Việt Nam ngay trên thành phố Huế, thành phố của thi ca và nhạc họa. Những hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội cộng đồng sẽ tiếp tục dội vào lòng người dân Huế niềm tự hào về những giá trị văn hóa độc đáo của Huế, của không gian văn hóa cố đô, đánh thức trong họ những năng lực mới, sôi động hơn, để người dân cố đô từ trong di sản sẽ vươn dậy hội nhập với xu thế phát triển của thời đại.

Cả thành phố đang chuyển mình. Huế đang thay chiếc áo mới, làm đẹp thêm những con đường dọc theo hai bờ sông An Cựu, những tuyến đường lên lăng tẩm, vào Thành Nội, lên chùa Thiên Mụ, lên hồ Thủy Tiên. Những cổng thành: Quảng Đức, Thể Nhân, cửa Hậu, cửa Thượng Tứ, cửa Chương Đức đã được tu bổ khôi phục lại dáng xưa. Huế về đêm lại lung linh hơn với nhiều ánh đèn, nhà ga sân bay Phú Bài mới đã hoàn thành. Một khu vui chơi giải trí ẩn giữa khu rừng thông bạt ngàn và hồ nước Thủy Tiên đang đưa vào hoạt động. Thêm nhiều khách sạn được mở rộng, xây mới. Một thành phố Huế đang ngày càng đẹp hơn và tiện ích hơn.

Tất cả vẫn đang hướng về phía trước, với rộn ràng ngổn ngang. Chưa ai bằng lòng với những gì đang có, những gì đã làm được nhưng niềm tin về một thành phố di sản mang đậm bản sắc truyền thống đang chuyển mình hướng đến một tương lai phát triển ngày đã rõ dần.

N.X.H
(184/06-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kỳ lạ ông tôi (12/08/2009)