Tạp chí Sông Hương - Số 184 (tháng 6)
Thơ miền Trung đang nói gì
09:09 | 21/08/2009
HOÀNG VŨ THUẬTChúng ta đã có nhiều công trình, trang viết đánh giá nhận định thơ miền Trung ngót thế kỷ qua, một vùng thơ gắn với sinh mệnh một vùng đất mà dấu ấn lịch sử luôn bùng nổ những sự kiện bất ngờ. Một vùng đất đẫm máu và nước mắt, hằn lên vầng trán con người nếp nhăn của nỗi lo toan chạy dọc thế kỷ. Thơ nảy sinh từ đó.
Thơ miền Trung đang nói gì
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật - Ảnh: maivanhoan.vnweblogs.com

Người Quảng Bình, Quảng Trị còn tự hào được sống trên đất đai mà ông vua Chiêm lãng tử cắt ra, làm sính lễ cho đám cưới công chúa vua Trần - Trần Huyền Trân. Một chuyện tình đầy lãng mạn, bi tráng, pha chút ngông cuồng. Chuyện tình ấy như câu thơ miền Trung vừa có cái hương vị ngọt ngào, đằm thắm, vừa có cái đau thương, thấm đẫm của sự bạo liệt.

Với lẽ đó, tôi xin được bày tỏ đôi điều về thơ miền Trung hôm nay. Thơ đang nói gì trong sự vận động, chuyển hoá của cảm thức trước giao thời lịch sử?

Cám ơn các thế hệ nhà thơ đã đi qua suốt thể kỷ 20. Có thể lấy mốc từ phong trào “Thơ Mới” trở về sau làm ví dụ.

Nhưng phải nhìn nhận rằng, thơ miền Trung ngày nay không hoàn toàn nằm trong đường hướng chi phối của phong trào “Thơ Mới” được khởi xướng từ năm 1932, cũng không phải là bước phát triển tiếp theo của “Thơ mới”. Từ sau Cách mạng Tháng 8 đến năm 1975, xu hướng hiện thực đã là cốt lõi của thơ. Đây là thời kỳ thơ miền Trung làm công việc kháng chiến, kiến quốc. Thơ vào cuộc, tạm thời dấu mọi ngóc ngách riêng tư của con người, nén chịu đau thương mất mát để nói tiếng nói chung, đồng điệu về tâm hồn và gặp nhau về quan phương sáng tạo. Nhiều nhà thơ trước khi cầm bút họ từng cầm súng, cầm phấn cầm cuốc xẻng. Thơ anh hùng và nhà thơ cũng anh hùng.

Từ năm 1975 trở đi, nhất là thời kỳ đổi mới, thơ miền Trung có sự chuyển hướng đáng kể. Điều này chứng minh mỗi khi tiêu chí xã hội rộng mở, thơ luôn luôn cập nhật với đời sống thay đổi, diễn ra mọi nơi, mọi lúc. Đây là thời kỳ mà quyền sáng tạo của nhà thơ được tôn trọng, được đề cao. Họ có thể viết cái mà đôi khi suốt cuộc đời bị dồn nén chưa có điều kiện bộc lộ. Họ có thể vạch đường riêng cho mình mà bấy lâu ngõ hầu bị cánh rừng chung che phủ. Họ có thể tìm tòi, thể nghiệm cái chưa thấy, chưa nghĩ tới bao giờ. Thơ len lỏi cả vào những vùng khuất lấp của bản thể con người. Miễn sao vươn tới cái đích cao cả của nghệ thuật, vươn tới chính bản thân thơ.

Sự chuyển hướng thơ thời kỳ này là cuộc trắc nghiệm về nhận thức, nhìn lại chính mình nên nó phát triển khá phong phú, nhiều màu sắc: siêu thực - hiện thực, vô thức - ý thức,cảm giác - trực giác, ngôn ngữ - thoát ly ngôn ngữ... Có lẽ cũng vì thế mà các nhà thơ đã làm quấy đảo tâm trí nhiều nhà phê bình, kinh điển và những nhà phê bình mới xuất hiện chăng?..

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phân hoá đội ngũ những người làm thơ thuộc nhiều thế hệ. Nhiều người cho rằng, bấy lâu anh viết thế nào thì nay hãy viết thế ấy. Nhiều người tìm cách bứt phá chính mình để đi đến cái mới hơn, hợp lý hơn. Nhiều người phủ nhận cái đã qua và chọn cái hoàn toàn mới lạ, đôi khi còn xa lạ nữa.

Nói gì thì nói, nhưng khi đọc từng tác giả, ai cũng thừa nhận mỗi người đều có sự chuyển dịch, thay đổi cả về phương hướng sáng tác và quan điểm thẩm mỹ. Có một Thanh Thảo ngoài Thanh Thảo, Một Nguyễn Duy ngoài Nguyễn Duy. Một Thạch Quỳ, Nguyễn Trọng Tạo, Bùi Minh Quốc, Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây. Một Ngô Minh, Nguyễn Khắc Thạch, Lê Văn Ngăn, Ngân Vịnh, Đông Trình, Inrasara, Hồng Nhu, Hải Kỳ, Xuân Hoài, Vĩnh nguyên. Một Từ Quốc Hoài, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thanh Mừng, Trần thị Huyền Trang, Lệ Thu. Một Văn Đắc, Dương Ánh, Văn Công Hùng, Mạnh Lê, Mai Ngọc Thanh, Nguyễn Ngọc Phú... nằm ngoài họ. Sự thay đổi mặc nhiên, đến mức đôi khi tự thân nhà thơ không thấy được. Bởi không ai chịu viết lại cái cảm xúc mình đã viết rồi, đi lại trên những lối mòn quá quen thuộc đã đi.

Vấn đề đặt ra là, không chỉ tôn trọng các quan điểm sáng tác, các xu hướng sáng tác đa chiều, đa phương là đủ, mà nhà văn phải tôn trọng lao động của nhà văn. Đó chính là tôn trọng quyền năng sáng tạo mà hàng chục năm qua do hoàn cảnh lịch sử, nhà văn buộc phải tạm thời chối bỏ, tuyệt đối hoá phương pháp sáng tác vì một mục tiêu chung của cả dân tộc. Sự nghiệp đổi mới văn học trả về cho văn học đúng bổn phận của nó. Đây là điều phát triển tất yếu của một nền văn học chân chính. Nhưng không phải không làm cho nhiều nhà văn ngỡ ngàng, băn khoăn bởi một thói quen từng ngự trị trong tư duy bấy lâu. Hình như do chưa quen với môi trường mới - môi trường tự do sáng tạo, nên có tình trạng nhà văn lạ lẫm trước những thi pháp sáng tạo mới, hoặc không chịu công nhận nó. Thực chất đó cũng là biểu hiện của tính ích kỷ, bảo thủ nghệ thuật, tư tưởng cực đoan, làm kìm hãm sự phát triển của nền văn học thời mở cửa.

Từ khiếm khuyết này, không ít tờ báo, tạp chí địa phương thực hiện phương châm “bế quan toả cảng” nghệ thuật. Tỉnh nào đăng bài tỉnh đó, thiếu mở rộng giao lưu, trao đổi, học hỏi, bổ sung cho nhau, ắt sẽ rơi vào tình huống tự bằng lòng, thoả mãn việc mình đã làm, đội ngũ mình đã có. Ấy là chưa nói đến bệnh ấu trĩ, tụt hậu trong nhìn nhận, đánh giá văn học thiếu khách quan, qui chụp, thái quá ở một số nơi, một số tờ báo đã làm.

Những năm gần đây miền Trung xuất hiện một thế hệ những người làm thơ trẻ, như Văn Cầm Hải, Phạm Nguyên Tường, Hải Trung ở Huế, Nguyễn Hữu Hồng minh, Trần Tuấn ở Đà Nẵng, Lê Thị Mỹ Ý ở Quảng Bình, Nguyễn Thị Thái, Lê Vĩnh Tài ở Đắc Lắc, Phùng Tấn Đông ở Quảng Nam, Phan Tùng Lưu ở Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Hùng ở Nghệ An... Họ đang nói gì với thơ miền Trung hôm nay? Họ là ai trong dòng chảy văn học đương đại.

Đọc các tác giả này mỗi người có một bước đi riêng, không ai giống nhau. Giống chăng ở những ý tưởng táo bạo, mạnh mẽ, những khuynh hướng sáng tác mà các nhà thơ lớp trước còn băn khăn. Mỗi người trong số họ là một dấu hiệu, một tín hiệu. Thừa nhận họ hay không thừa nhận? Hạ thấp, đề cao, hay chờ xem? Điều đáng lưu tâm, khi các nhà thơ trẻ này viết bằng thể loại truyền thống như lục bát, thất ngôn, tứ tuyệt, thì cấu tứ, hình tượng ngôn ngữ, chất thơ vẫn rất mới, đủ làm cho chúng ta suy nghĩ.

Vậy mà trong số các nhà thơ trẻ này đã có người phải chịu nhiều tai tiếng, thậm chí còn coi họ như kẻ quấy nhiễu địa hạt bình yên của thơ ca. Trong khi họ đến với thơ bằng tấm lòng trong sáng, thiện cảm, mong mỏi mình sẽ làm được điều gì đó, cho dù rất nhỏ ở chặng đầu tiên cuộc đời.

Tại sao trong chúng ta có người lại không lấy làm vui mừng, trân trọng trước sự ra đời của thế hệ cầm bút mới? Tại sao chúng ta không đặt vào nơi họ một niềm tin, hy vọng ở họ? Giả sử có những quan điểm chưa thật sự thống nhất, cũng nên bình tĩnh trao đổi trên tinh thần xây dựng, lấy học thuật làm chính. Chẳng lẽ thế kỷ 21 lại chờ đợi ở những người cầm bút hôm qua, mà hẹp vòng tay đón nhận những người cầm bút thế hệ mới hôm nay?

Sau cùng tôi xin được đề cập thêm vai trò đối tác của thơ. Hàng chục năm qua độc giả quen thơ như thứ ngôn ngữ đời thường, bởi cái chất đời thường, ý tưởng, hình tượng dễ hiểu, dễ nhớ, đễ thuộc. Giờ đây bên cạnh luồng mạch thông dụng kia, xuất hiện nhiều luồng mạch mới hơn, lạ hơn. Tự nhiên như thể thơ đang rời bỏ công chúng. Hoặc nói ngược lại công chúng đang quay lưng với thơ. Chẳng lẽ để được công chúng dễ dàng chấp nhận, thơ phải “án binh bất động”, cam chịu sự già nua của thời gian hay sao? Thưa rằng liên tục vận động để thể hiện thiên chức của mình là con đường duy nhất tồn tại của thơ. Không có sự vận động nào mà không làm thay đổi, chuyển hoá sự vật, chuyển hoá cả đời sống tinh thần, tư tưởng con người.

Nhà thơ Henri Deluy sinh năm 1931, được coi là một trong các nhân vật chủ chốt của thơ Pháp đương đại vừa sang Việt Nam, ông phát biểu rằng: “Tôi tin không có nhà thơ nào cố tình làm cho thơ mình khó hiểu. Song cần chú ý điều này: Thơ không phải là một sản phẩm tự nhiên như mấy thứ trái cây trên bàn này, thơ là sản phẩm văn hoá, trong một bài thơ hôm nay có tất cả quá khứ của thơ dân tộc và nhân loại. Cho nên thơ khó là tất nhiên. Thưởng thức thơ cũng đòi hỏi tập luyện như xem tranh, nghe nhạc vậy. Không thể đòi nhà thơ viết dễ đi để cho người có trình độ thấp nhất hiểu được, tại sao không làm ngược lại là nâng cao trình độ thưởng thức của quần chúng?” (+).

Rõ ràng việc nâng cao trình độ thưởng thức thơ của công chúng là cấp thiết, bức bách. Đây không phải đòi hỏi riêng của thơ, mà là sự đòi hỏi của dân trí, của văn hoá trong sự phát triển.

Nếu chúng ta coi công việc đổi mới của đất nước mang lại cho thơ sự đổi mới sâu sắc trong tư duy và nghệ thuật sáng tạo, thì cũng nên đặt ra vấn đề đổi mới thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Được như vậy thơ sẽ có quảng trường rộng mở, thênh thang cho mọi thế hệ nhà thơ bình đẳng tới đó mà không bị vướng bận, liên lụy bất cứ điều gì.

H.V.T
(184/06-04)

-------------
(+) Báo Lao Động Chủ Nhật số: 203/2002, ngày 4/8/2002

Các bài mới
Các bài đã đăng
Xem trộm (18/08/2009)
Thôi em về đi (13/08/2009)