Tạp chí Sông Hương - Số 185 (tháng 7)
Hai bài văn bia ca ngợi cảnh đẹp chùa Thánh Duyên núi Thuý Vân
10:14 | 18/08/2009
TRẦN THỊ THANH…Núi Thuý Vân và chùa Thánh Duyên vì trước kia được xem là một trong những thắng cảnh của đất Thần Kinh nên các Chúa và các vua Nguyễn thường về đây thưởng ngoạn và làm thơ phú ca ngợi. Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả vẫn là những bài thơ được khắc trong hai tấm bia - một dựng trong chùa, một dựng dưới chân núi…
Hai bài văn bia ca ngợi cảnh đẹp chùa Thánh Duyên núi Thuý Vân
Thánh Duyên tự ở núi Thúy Vân - Ảnh: thuvienhoasen.org

1.Vài nét về chùa Thánh Duyên, núi Thuý Vân và hai tấm Văn bia:

Ở đầm nước mặn Cao Đôi (đầm Cầu Hai) nổi lên một ngọn núi có hình dáng tròn trịa. Tuy không lớn lắm nhưng từ xa nhìn lại ta đã thấy ngọn núi nổi bật lên giữa miền đầm phá, tạo nên một cảnh sắc sơn thuỷ hữu tình. Ngọn núi ấy có tên là Thuý Vân thuộc địa phận hai làng Đông An và Hiền Vân, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ Huế xuôi theo đường quốc lộ số 1 vào Nam khoảng gần 30 km ngang qua đầm Cầu Hai chúng ta có thể tới nơi. Trên núi Thuý Vân có ngôi chùa mang tên “Thánh Duyên Tự”. Ngôi chùa này không biết có từ bao giờ, chỉ biết từ mùa thu năm Nhâm Thân (1692), chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho tu sửa. Trải qua chiến tranh và thời gian tàn phá, chùa bị hư hại. Vào năm 1825 vua Minh Mạng đi qua và quyết định trùng tu chùa. Và đến năm 1836 nhà vua lại quyết định “đại trùng kiến” toàn bộ chùa Thánh Duyên với một qui mô lớn để, trước là cầu phúc cho dân – nối chí các vị tiên đế, sau là để mừng lễ thượng thọ mẹ. Chùa này nằm ở một địa thế rất đẹp. Bởi vậy vua Thiệu Trị đã xếp ngôi chùa này vào cảnh đẹp thứ chín ở đất Thần Kinh .

Núi Thuý Vân và chùa Thánh Duyên vì trước kia được xem là một trong những thắng cảnh của đất Thần Kinh nên các Chúa và các vua Nguyễn thường về đây thưởng ngoạn và làm thơ phú ca ngợi. Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả vẫn là những bài thơ được khắc trong hai tấm bia – một dựng trong chùa, một dựng dưới chân núi.

Tấm bia thứ nhất dựng trong chùa đề hai chữ “Ngự  chế”. Nội dung gồm bốn bài thơ ca ngợi cảnh đẹp chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ, tháp Điều Ngự , núi Thuý Hoa. Xen kẽ những bài thơ là các đoạn văn chú thích cho rõ nghĩa. Theo lạc khoản đề ở cuối thì đây là bài văn bia của vua Minh Mệnh được khắc vào một ngày tốt  tháng ba năm Đinh Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 (1837). Bia cao 1,72m,  rộng 0,84m, dày 0,25. Trán bia chạm lưỡng long triều nguyệt, riềm bia chạm hình hoa lá.

Tấm bia thứ hai có tên là “Vân Sơn thắng tích” được dựng trong nhà bia dưới chân núi Thúy Vân nằm ở bên phía tay trái trên đường vào chùa. Tấm bia này có chiều cao là 1,38m, dày 0,8m, lòng bia khắc chín dòng chữ và một dòng lạc khoản “Thiệu Trị tam niên thất nguyệt cát nhật, cung tuyên ngự chế thi nhất thủ” (cung kính khắc một bài thơ do vua làm vào ngày tốt tháng bảy nhuận năm thứ ba đời Thiệu Trị (1843). Thiệu Trị vốn rất giỏi thơ văn. Tác phẩm ”Ngư Đề Đồ Hội Thi Tập” là một trong hàng loạt tác phẩm của ông và bài ”Vân Sơn thắng tích” là một trong 20 bài thơ mang tên là “Thần Kinh nhị thập cảnh” nằm trong tác phẩm này.

2. Cảnh đẹp chùa Thánh Duyên và núi Thuý Vân hiện ra như một bức tranh tuyệt diệu qua ngôn từ ở hai tấm văn bia:

Hai tấm văn bia ở chùa Thánh Duyên và núi Thuý Vân là do hai vị vua thời Nguyễn ngự chế nên tư tưởng và tình cảm trong thơ cũng là tư tưởng tình cảm của người đứng đầu đất nước có ý thức tự hào về nền văn hiến. Trong “Đại Nam Thực Lục” vua Thiệu Trị đã từng nói: ”Nước ta vốn có tiếng là văn hiến” và “văn vật ở nước ta không kém gì  Trung Quốc”. Tự hào về những tài sản văn hoá và thiên nhiên của đất nước, vua Minh Mệnh và Thiệu Trị đã làm rất nhiều thơ. Riêng chốn kinh kỳ tình cảm của các ông được in dấu đậm nét hơn. Cảnh vật kinh đô Huế đã được hiện ra ở trong thơ các ông. Đây là nơi  “sơn kỳ thủy tú” được tô điểm bằng những kiến trúc cung đình và dân gian nên tất cả đã tạo nên một đế đô diễm lệ tuyệt vời mà không có bút nào tả xiết. Chùa Thánh Duyên, núi Thuý Vân là một trong những danh thắng được các vua thường lui tới nên nó đã trở thành “hành cung” (chỗ nghỉ ngơi khi vua ra khỏi kinh thành). Bởi vậy bài văn bia dựng ở trong chùa, vua Minh Mệnh có viết: “Thời xưa núi này chùa rất nhiều, đều do Hoàng Tổ Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế xây dựng. Về sau trải qua nạn giặc Tây Sơn, nơi đây bị tàn huỷ gần hết. Năm ngoái đi kinh tới được đây, nghĩ rằng: danh sơn, thắng tích không thể để mai một mà không truyền lại”­(1). Ý đồ đó của nhà vua cộng với tâm niệm” Chỉ cốt trên phụ giúp hoàn thành thiện tâm của Hoàng Tổ, thứ đến làm đẹp lòng Thánh mẫu, cầu mong cho Thánh mẫu được hưởng thọ sống lâu, quốc gia an bình, dưới thì thần dân được khang thái, mùa màng được tốt, sông nước thuận hoà, nội tĩnh ngoại yên”. Đây chính là một thiện ý của nhà vua. Hoàn thành việc trùng kiến, vua Minh Mệnh nhân dự lễ chùa Thánh Duyên đã làm bài thơ “Thánh Duyên Tự chiêm lễ” (bát vân). Bài thơ này đã ngợi cảnh đẹp của chùa Thánh Duyên:

            “ Bối ỷ Thuý Sơn kiêu
            Diện lâm tiểu hải tân”.
                        (Thánh Duyên Tự chiêm lễ)
            (Lưng dựa núi Thuý Vân
            Mặt hướng về biển cả)

Núi Thuý Vân, chùa Thánh Duyên trong thơ của Minh Mệnh như hoà quyện làm một để tạo nên địa thế vững vàng, thoáng đạt, u tịch của một cõi thiền.

Do vậy, Vua Thiệu Trị đời sau (con trương vua Minh Mạng) cũng nói về địa thế của núi Thuý Vân và chùa Thánh Duyên như sau:

                        “Thuý vân sơn
                        Tủng thuý sầm khâm
                        Hư thanh phân úc
                        Ngoại lâm minh bột       
                        Nội hám hải nhi.”
                                    (Vân sơn thắng tích)

                        (Núi Thuý Vân
                        Non xanh cao ngắt       
                        Cây biếc ngát hương
                        Ngoài ngắm đại dương
                        Trong nhìn biển nhỏ)

Như vậy, núi Thuý Vân có địa thế đẹp cũng là cái đẹp của chùa Thánh Duyên. Nằm trên một quả núi nổi lên giữa đầm nước lợ Cao Đôi nên chùa Thánh Duyên đúng là một cõi thiền thoát tục bởi ngọn núi “cao ngất” và một rừng cây “ngát hương”. Trên những lối đá mòn, chim chóc hót véo von như chào đón khách vãn cảnh. Tiếng khánh chùa rung xuyên rừng rậm vang xa đến tận thinh không hoà vào tiếng đọc kinh giọng trầm bổng các vị sư sãi làm cho chốn thiền lâm đẹp tươi như tranh vẽ bởi trúc biếc, tùng già, mưa hoa, lối sỏi, khánh rung, chim hót, tiếng mõ vang...

                        “Tùng quan hoa tiếu khách,
                        Thạch kính điểu nghênh nhân.
                        Khánh vận xuyên lâm hưởng,
                        Kinh thanh nhiễu thụ tần.
                        U nham ứng thắng hoạ,
                        Diệu cảnh khả di thần.”
                                    (Thánh Duyên Tự chiêm lễ)

                        (“Cửa tùng hoa mừng khách
                        Lối đá chim đón người.
                        Khánh rung xuyên rừng rậm,
                        Tiếng kinh rộn hàng cây.
                        Núi sâu đẹp như vẽ,
                        Cảnh đẹp vui lòng người.”)

Cảnh đẹp này còn được miêu tả rõ nét hơn trong bài văn bia ”Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị :

                        “Thuý trúc trường tùng tín thị Linh Sơn Thứu Lãnh.
                        Hoàng hoa tề thảo nghiễm nhiên Hương Quốc Kỳ Viên.
                        Thanh u chi tự tại thiên,
                        Cực lạc chi từ bi cảnh.”
                                       (Vân Sơn thắng tích)

                        (Trúc biếc tùng già khiến tin là Linh Sơn Thứu Lãnh
                        Hoa vàng cỏ mịn nghiễm nhiên là Hương Quốc Kỳ Viên.
                        Trời thanh u tự tại
                        Cảnh cực lạc từ bi.)

Những khóm trúc ven bậc lên chùa, những cây tùng già cao vút như đã có từ lâu tạo nên một cảm giác như đưa du khách đến nơi Thứu Lãnh (Thánh địa của Phật giáo nơi Phật Như Lai từng giảng kinh Pháp Hoa). Nơi đây có hoa vàng cỏ mịn và nhiều cảnh đẹp xứng đáng là một kỳ viên trên một đất nước đầy hương thơm để Phật cư ngụ. Đây chính là cảnh cực lạc của cõi từ bi. Chính cảnh đẹp đó đã làm nảy sinh cảm hứng và vua Thiệu Trị đã ca ngợi rằng:

                        “Tích thuý toàn ngoan bất kế xuân.
                        Cầu long ẩn phục liệt luân tuân.
                        Huệ phong chung độ u lâm hưởng.
                        Không vũ hương la pháp hải tân
                        Thụ luyến từ đàm phù bích lạc.
                        Kính nha tăng lũ tạp hồng trần
                        Thánh Duyên phổ tế hàm qui thiện.
                        Phật tích tăng quang tư hữu nhân”
                                                            (Vân Sơn thắng tích)

                        (Vòi vọi non xanh ước mấy xuân,
                        Rắn rồng nương náu chốn hang thần.
                        Gió thiền chuông điểm rừng sâu dội.
                        Cõi diệu đưa hương biển pháp nhuần.
                        Cây vướng mây lành lên thượng giới,
                        Đường xuyên guốc sãi lấm hồng trần
                        Duyên vua rưới khắp đời qui thiện
                        Cảnh đẹp huy hoàng hẳn có nhân.)(2)

Cảnh đẹp ở núi Thuý Vân không những do thiên nhiên tạo nên mà còn do bàn tay con người xây đắp. Bởi vậy trong tấm văn bia dựng trong chùa vua Minh Mệnh đã chú thích dưới bài thơ “Thánh Duyên tự chiêm lễ“ rằng: “trên lưng chừng núi cho xây một cái gác tên là “Điều Ngự Tháp”. Chính Đại Từ Các và Điều Ngự Tháp đã tô điểm làm cho núi Thúy Vân đẹp hơn. Và chính nhờ núi Thúy Vân mà gác Đại Từ, tháp Điều Ngự càng trở nên nguy nga, hùng vĩ. Trong bài thơ “Đại Từ Các” vua Minh Mệnh đã miêu tả gác Đại Từ ở một thế đứng:

                        “Đăng lâm du bách cấp.
                        Tuấn trĩ tủng tằng tiêu
                        Nam liệt quần phong củng
                        Bắc lai đại hải triều “
                                                 (Đại Từ Các )

                        (Vượt lên cao trăm bậc
                        Núi thẳm vờn mây trời
                        Phía nam ngàn núi phục
                        Phía bắc biển rộng chầu.)

Gác Đại Từ ở một thế đứng rất cao để giao hoà với đất trời. Đây thật là cái thế “âm dương giao cảm” trong thuật phong thủy của Quản Lộ (Quản Lộ 209- 256 người Sơn Đông, sống vào thời Tam Quốc, thuở nhỏ thích thiên văn, lớn lên tinh thông kinh dịch và giỏi về bói toán, phong thuỷ. Ông có cuốn sách “Quản thị địa lí chỉ mông “nói về thuật phong thuỷ), và nó cũng thật là đăng đối bởi “Phía nam ngàn núi phục, phía bắc biển rộng chầu”. Thế đứng của Đại Từ Các còn là cái thế “tả thanh long”, “hữu bạch hổ” (theo thuyết “phương vị” trong thuật phong thuỷ ở thời Tần Hán - Ngụy Tấn bên Trung Quốc ). Nhìn như vậy thì thấy Đại Từ Các được xây theo thuật phong thuỷ, bởi đây là một môn cảnh quan văn hoá, được xây dựng trên cơ sở tư tưởng truyền thống phương Đông (Thuật phong thuỷ nhấn mạnh sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Nó thực sự chi phối việc chọn địa điểm để xây dựng kinh đô, làm nhà, trổ cửa, cất mộ và nó còn liên quan đến Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo, bởi đó chính cách lựa chọn môi trường để phát triển và thực hiện lí tưởng sống của con người). Nhìn thế thì thấy núi Thuý Vân, chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ là nơi làm cho con người dễ tĩnh tâm để tu hành. Nơi đây thực sự là “chân như” nhưng cũng vừa là “thắng địa”, vừa là cõi phật thanh tịnh nhưng là cảnh đẹp giúp con người trút mọi ưu phiền của đời sống thường nhật mà vui với cảnh thiên nhiên.

                        “Chân như cư thắng địa”
                                                    (Đại Từ Các)
                        (Chân như nơi thắng địa )

để:                   “Diệu cảnh khả di thần”
                                                    (Thánh Duyên Tự chiêm lễ)    
                        (Cảnh đẹp vui lòng người).

Cảnh đẹp ở đây còn được tăng thêm bởi Tháp Điều Ngự nguy nga ở tận đỉnh núi cao. Du khách muốn ngắm cảnh có thể trèo lên tháp phóng tầm mắt xa để nhìn cái mênh mông của đại dương, sự hùng vĩ đến kiêu hùng của dãy Trường Sơn ăn sát ra tận biển, rồi lại thỏa thuê ngắm nhìn hàng ngàn, hàng ngàn mẫu ruộng trải dài dưới chân núi. Đầm Cầu Hai mênh mông xanh như một tấm thạch bích khổng lồ. Đứng tại đây quan sát ta thấy núi Linh Thái đầu hướng ra phía Bắc tới gần biển. Núi Cao Đôi nằm phía Nam của Miêu Ngạn cao ngất như chạm tới trời. Bởi vậy vua Minh Mạng đã miêu tả quang cảnh ấy trong văn bia rằng:

                        “Thái đầu thốn Bắc hải
                        Đối đỉnh kình Nam thiên”
                                    (Thuý Hoa Sơn Hành Cung tức cảnh)

                        (Non Thái nuốt Bắc hải
                        Núi Đôi chạm nam thiên)

Còn khi nhà vua làm bài thơ về tháp Điều Ngự thì:

                        “Nguy nga bảo tháp cứ sơn điên
                        Thập cấp nhi đăng khởi quyện yên
                        Tứ diện hà quan lâm đại địa
                        Tam tằng cao súc lập trung thiên”
                                    (Đăng Điều Ngự tháp)

                        (Bảo tháp nguy nga tận núi cao
                        Mười bậc trèo lên há mỏi sao
                        Bốn mặt mênh mông ngàn đất rộng
                        Ba tầng chọc thẳng giữa trời cao)

Bảo tháp này có ba tầng. Tầng trên cùng thờ Thích Ca Mâu Ni. Tầng giữa thờ Nhân Gian Điều Ngự. Tầng dưới thờ Địa Phủ Điều Ngự. Trên đỉnh tháp còn dựng trục pháp luân bằng đồng. Bánh xe gắn chuông. Đến lúc gió thổi vào, bánh xe chuyển động phát ra tiếng xa gần đều nghe thấy. Bảo tháp này thật đẹp, thật nguy nga. Nó ở thế đứng vững chãi lại ở thế cao chọc trời. Ba tầng dựng lên thờ Phật để hoằng dương Phật giáo, khuyến thiện lòng người. Thật là một cõi từ bi hiếm thấy.

Có thể nói núi Thuý Vân và chùa Thánh Duyên trước kia là thắng cảnh và sau này mãi mãi vẫn là thắng cảnh của đất Thần Kinh. Nhà nước đang có chính sách tu bổ để thắng tích thời xưa khỏi bị mai một. Đặc biệt ở Huế nên tổ chức thành một tuyến du lịch từ thành phố xuôi theo đường quốc lộ vào Nam để đến những vùng du lịch sinh thái như Suối Voi, Bạch Mã, núi Thuý Vân, chùa Thánh Duyên. Bởi đến những nơi này con người sẽ được hưởng một không khí trong lành, được tận mắt nhìn ngắm cảnh đẹp của non sông đất nước. Đặc biệt là cảnh chùa, tháp ở núi Thuý Vân sẽ làm cho lòng người tĩnh lại bởi sự thiện tâm của đạo Phật luôn mở rộng, lòng từ bi của đức Phật thật bao la. Đến đây lòng chúng ta sẽ lắng lại và con người sống với nhau sẽ nhân ái hơn.

Huế, 9/2001
T.T.T
(185/07-04)


------------------
(1) Tất cả các đoạn trích trong bài đều do tác giả tự dịch từ nguyên bản chữ Hán.
(2) Đoạn dịch thơ này chúng tôi có sử dụng bản dịch của Trần Đình Sơn.
(3) Bài viết này có tham khảo cuốn “Thần Kinh nhị thập cảnh – Thơ vua Thiệu Trị” NXB Thuận Hoá 1997.

Các bài mới
Miếu làng Đông (27/08/2009)
Sonny không buồn (26/08/2009)
Các bài đã đăng