Ông còn nhớ cái đận tôi đưa bà nhà tôi đi một tua du lịch: Đà Nẵng, phố cổ Hội An, biển Nha Trang, Sài Gòn, Đà Lạt, quay ra Hà Nội mới về. Đận ấy các ông bảo tôi là thằng bốc, thằng hâm, tôi đành chịu, giữa thời buổi làm ăn, mà đã là giám đốc giám điếc, quan lớn quan bé gì đâu, chỉ là anh giáo quèn về hưu, mà dám bỏ năm bảy triệu bạc, xách vợ đi lang thang như thằng rồ. Các ông chửi thì tôi chịu, chứ tôi phải đưa bà ấy đi một chuyến, rồi đến đâu thì đến, cho bà ấy biết một chút cái gọi là sung sướng trong một đời làm vợ. Ông là lính, tôi cũng là lính, ông còn lạ gì! Có thằng chỉ cưới vợ được một hai đêm rồi ra đi, một vài năm có dịp, lẻn được về với vợ vài ngày, mấy con gà vợ đã hứa với con bán đi để mua vải may áo cho mẹ cho con, ba ngày hết cả ba con, khi ra đi vợ lại ngồi vá áo, thế rồi chín tháng sau lại một thằng cu hay con hĩm ra đời, cả đơn vị reo hò “Thế là lại thêm tay súng, hay một cô thanh niên xung phong Trường Sơn” - lính mà. Cứ thế một lũ ra đời. Anh có phải nuôi nấng, chăm bẵm gì đâu! Các bà ấy cả! Con sống rồi con chết, đều một tay các bà ấy, bây giờ về, nghề ngỗng không, chức vị không, lại các bà ấy hầu hạ. Thương lắm ông ạ!
Giọng ông Thân nghẹn lại, ông Tiến ngồi im. Ông Thân vỗ vỗ chiếc điếu cày, vê thuốc, châm lửa rít một hơi, ngửa mặt phả khói lên trời, mắt ông nhìn xa xăm như nhìn vào quá khứ, nơi sâu thẳm của lòng ông.
- Chuyện ngày xưa ở Trường Sơn của anh em mình thì kể khi nào cho hết, mà bây giờ mấy ai thích nghe đâu ông.
- Thì biết là thế! Nhưng chúng mình thì quên sao được. Chuyện cái quạt cũng liên quan đến một thằng ở Trường Sơn. Chính cái hôm chúng tôi vào Vinh để đi, tầu mãi 8 giờ mới chạy, tôi đang ngồi hóng gió ở sân ga, bỗng một lão chống gậy, đeo toòng teng hai xâu quạt kè, một cục cõng sau lưng, một cục ôm trước ngực đi bán rong cho khách đợi tàu. Hắn đi lại phía tôi, tôi đã hơi bực, lên tàu có quạt điện, ai mua làm gì thêm lỉnh kỉnh, hắn lại gần nhìn tôi chăm chắm:
- Bác còn nhớ em không?
Tôi giật mình nhìn lại hắn, thấy hơi quen à phải rồi, tôi đứng dậy đập tay lên vai hắn.
- Tố Hữu phải không?
Lão ớ mặt ra như tượng, sau lão cười xoà, ôm lấy tôi đấm vào lưng thùm thụp:
- Bác vẫn hóm.
- Thế tên lão là Tố Hữu thật à? Láo thật! - Ông Tiến chen vào
- Ông cứ để tôi kể tiếp: Thế rồi lão túm tay tôi:
- Bác đi S6 chứ gì? Còn lâu! Đi uống nước với em.
- Nước nôi cái gì. Từ sáng tới giờ bán được mấy cái quạt, mỗi chiếc mấy ngàn? Mà đòi chiêu đãi?
- Cũng tùy, bán cho ta thì 3 ngàn, còn cho Tây thì không kể.
- Mười đô à?
- Ôi giời! Thằng Mỹ khôn bỏ mẹ, một đô nó còn trợn mắt: ”lắt lắt”, nó toàn trả tiền ta, năm ngàn là cùng. Vào quán nước tôi mới hỏi thực lão:
- Này mình hỏi thật, ông bỏ nghề đi xin, sang nghề này có kiếm hơn không?
- Chẳng hơn đâu bác ạ! Phải bỏ vốn mua lá, phải đan, mà cũng mấy tháng nắng, chứ rét mà đi bán quạt có mà dở hơi.
- Mùa đông lại về đi xin hả?
- Không! Lão trả lời vậy rồi ngồi im, mắt ươn ướt buồn.
- Thế lão là ăn mày à? Sao lại quen ông?
- Chuyện là thế này. Ông Thân nhắp thêm ngụm trà rồi kể tiếp:
- Hồi năm ngoái, một hôm tôi vừa pha ấm trà hương, con nó ở Hà Nội gửi về, chè Thái chính hiệu, còn ngon hơn thứ tôi với ông đang uống đây, thì thấy một lão ăn xin, chân đi khập khiễng, chống gậy, vắt vai chiếc bì xác rắn, chưng trong là gạo. Vào sân, lão bỏ chiếc nón cời xuống, lão cứ ngập ngừng không nói gì.
- Tôi vừa pha nước đây! Để đồ ngoài đó vào uống tôi chén nước đã.
Lão rón rén vào, còn nhìn lại xem vết chân có làm bẩn nền gạch hoa không. Tôi phải kéo tay ấn lão mới chịu ngồi vào ghế nệm.
- Tôi đã mời ông vào, thì tôi coi ông là khách, ông cứ tự nhiên đừng ngại.
Lão bê chén trà ngửi hương, rồi mới nhấp từng tí, ngửa mặt nhìn trần nhà. Tôi chêm nước hai, rót vào chén cho lão.
- Trà ngon quá! Hình như bác ủ sen, ủ sen chứ không phải thứ trà sen miền Nam đâu. Em cứ tưởng chỉ cụ Nguyễn mới uống thứ trà cầu kỳ này.
- Ông biết cụ Nguyễn sao?
- Dạ! Không dám! Em cũng chỉ nghe. Bác cho phép, em xin thú thực với bác, em đã nghe tiếng bác, nên hôm nay tìm đến, xin được gặp bác, lúc đầu em cũng ngại, nhưng bây giờ thì...
- Thì sao?
- Thì em tin lời họ nói.
- Thôi đừng vòng vo nữa, tôi giúp gì được cho ông nào?
- Dạ! Cũng chẳng có gì, chỉ xin được hầu chuyện bác.
- Ô, thế thì ta làm ly rượu để đàm đạo cho thoải mái, hình như ông cũng rành văn chương. Tôi mở tủ lấy chai rượu, hai cái ly.
- Nào xin nâng ly mừng buổi gặp mặt.
Trông lão vừa lúng túng, vừa ngỡ ngàng.
- Bây giờ ông hỏi gì?
- Bác có biết bác Tố Hữu còn sống hay đã chết?
- Cụ ấy vẫn sống, tuy đã 82 nhưng nghe nói còn khoẻ.
- Có phải bây giờ bác ấy vẫn là nhà thơ cách mạng lớn nhất phải không ạ?
- Lâu nay sách vở vẫn nói vậy.
- Em thì chẳng nhiều sách bằng bác, nhưng em cũng có tập ”thơ Tố Hữu”, và em cũng thuộc nhiều.
- Thế là tôi thua ông rồi! Mấy trăm cuốn sách lại toàn sách lăng nhăng, mà không có tập thơ Tố Hữu.
- Bác hóm thật. Em hỏi thật bác, bác thấy thơ Tố Hữu có hay không ạ?
- Nói thật với ông, thơ nó như đàn bà con gái vậy, chẳng thể so sánh mặt trái xoan đẹp hơn mặt chữ điền, mắt lá răm đẹp hơn mắt hạt nhãn. Đại khái là tuỳ, mỗi thời mỗi khác, ai thích kiểu nào thì cho kiểu đó đẹp. Ông bảo con Thị Nở của ông Nam Cao nó xấu đến thế, mà thằng Chí Phèo khi nó yêu nó vẫn cho là đẹp, bởi lúc ấy nó cần thị để yêu. Thơ cũng vậy, ông thích thơ tôi thì ông bảo thơ tôi hay, mà có khi ông chỉ thích tôi thôi, ông cũng khen thơ tôi hay. Có đúng không nào?
- Bác hóm thật! Bác nói vậy thì em đành chịu.
- Thôi, nhà tôi đi vắng, tôi chẳng giữ đồng tiền nào, ông chờ tôi xuống nhà, xúc gửi ông bát gạo gọi là, hôm nào chủ nhật, ông thích thì vào tôi nói chuyện đừng ngại.
- Ây chết! Bác đừng làm thế, em vào đây không phải để xin bác, chỉ muốn gặp bác hỏi đôi điều, bây giờ bác phải đi làm, xin được lần sau bác cho phép. Nói rồi lão đi.
- Đấy! Tôi gọi lão là Tố Hữu là vì vậy, nào tôi có kịp hỏi tên lão đâu. Từ đấy chẳng thấy lão trở lại, và tôi cũng quên, bởi cũng chỉ là chuyện tầm phào. Vừa rồi gặp lại lão ở Vinh. Mà cũng lạ ông ạ, chính cái hôm lão vào nhà tôi thì ngay hôm sau ti vi đưa tin Tố Hữu mất. Ngồi đối diện nhau ở bàn nước, tôi hỏi lão:
Này tôi hỏi thật, sao ông bỏ nghề ăn xin? Lão ngồi lặng một lúc rồi mới trả lời tôi.
- Sau cái hôm em vào bác, suốt mấy đêm liền không ngủ, em thấy nhục quá, không thể bỏ cái con người, để làm con vật mãi được.
- Làm sao? Hôm ấy tôi có điều gì xúc phạm tới ông?
- Không phải thế! Chính bác làm em tự xấu hổ, vì bác coi em là con người, lúc đó em mới thấy mình là con người thực, còn lâu nay đi xin, em phải đi tập tễnh, giả giọng rên rỉ như sắp chết,và họ bố thí năm trăm hay một ngàn, có ai nhìn mặt em đâu, mà em cũng đã là một thằng lính, gần mười năm ở Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử, nào có kém cạnh ai, thế mà... Nói tới đó lão ngừng hẳn, hai giọt nước mắt hiếm hoi ứ ra ở khoé mắt đỏ quạch. Ông ạ, lúc đó tôi cũng lặng người, có cái gì chèn ở ngực tôi khó thở. Một thằng lính 10 năm ở Trường Sơn, bây giờ xách bị đi ăn xin. Khốn nạn! Thật khốn nạn! Tôi điên tiết nắm lấy tóc hắn.
- Làm sao lại đến nông nỗi này, thật nhục nhã!
- Vâng! Bác có đánh có chửi, em cũng đành chịu, nhưng thời thế nó vậy, mỗi kẻ một số phận riêng của mình, cũng như cái sống cái chết ở chiến trường, biết làm sao được.
Chuyện thì dài, nhưng đại khái là thế này: à, bác cũng lạ là một thằng ăn mày như em lại thuộc thơ Tố Hữu, cũng biết văn chương cụ Nguyễn chứ gì? Ngày xưa nhà em cũng khá giả, em cũng được học hết cấp ba rồi mới vào lính, em biết đàn hát, biết vẽ, cũng tập tễnh làm thơ, thế rồi em cũng mò được cái chức chính trị viên phó đại đội, phụ trách văn hoá văn nghệ. Sau chiến thắng 75 đơn vị về Huế, em ở một gia đình công giáo ở Phú Cam. Nhà chỉ có hai mẹ con, Lựu có khuôn mặt thánh thiện, đôi mắt như mẹ Ma-ri-a. Em cũng chỉ nghĩ đơn giản lương giáo gì thì cũng là người Việt Nam, Bác Hồ kêu gọi lương giáo đoàn kết, không phân biệt đảng phái hễ là người Việt Nam thì là phải yêu nước đánh giặc. Hình như trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến Bác nói vậy. Anh của Lựu cũng đi giải phóng đã hy sinh. Thế thì có vấn đề gì đâu mà phân vân. Thế mà rắc rối và đời em thành khốn nạn. Lão bê cốc bia uống ừng ực một hơi, đặt mạnh chiếc cốc xuống bàn, mặt đỏ lên như gấc, lão kể tiếp:
- Bà mẹ đi bán hết cả ngày, Lựu ở nhà làm hến, đôi cánh tay trắng nõn nà, chiếc áo lót bó sát tấm lưng tròn lẳn, bác bảo một thằng đàn ông gần ba mươi tuổi, tám chín năm ở rừng, có đợt hàng năm không gặp một bóng đàn bà, thì làm sao chịu nổi, thế là chúng em yêu nhau, và chúng em có con. Lựu thì đi trình cha, em thì đi báo cáo đơn vị. Bố mẹ em thì chết cả rồi, em sẽ để Lựu ở đây với mẹ, cho có mẹ có con đỡ cô quạnh, sau khi cưới nhau. Ở đơn vị về, em đang nẫu cả ruột, thì thấy Lựu khóc sưng cả mắt. Cha doạ: Nếu lấy Việt cộng cha sẽ rút phép thông công, kiếp sau phải đày đoạ dưới địa ngục, còn em thì chờ quyết định của trung đoàn. Ba ngày sau anh Hữu chính trị viên đại đội gọi em lên bảo:
Trung đoàn đặt cho đồng chí hai hướng, một là:
Bỏ cô Lựu, thì tiếp tục công tác, và chuyển đồng chí lên đại đội hai, hai là khai trừ Đảng và giải ngũ.
- Thế còn con tôi?
- Con nào? Đến thế rồi cơ ư? Chết chết! Thế này thì đại đội mất quyết thắng.
Suốt đêm em ngồi bên dòng sông Hương, dòng nước lững lờ trôi, vài con thuyền xuôi ngược, giọng nam ai loang trên mặt sông, da diết buồn. Em gỡ đôi phù hiệu thiếu uý cầm trên tay, thôi thế là hết một thời chinh chiến, một thời vẻ vang của người lính! Em lia mạnh xuống dòng sông, ngôi sao bạc cứ dập dềnh, long lanh dưới dòng nước, trôi mãi, trôi mãi về phía biển. Sáng hôm sau em lên trung đoàn nhận kỷ luật, đồng chí chính uỷ hỏi:
- Đồng chí nghĩ kỹ chưa?
- Thưa chính uỷ tôi đã nghĩ kỹ, nếu tôi bỏ cô ấy, thì có thể tôi thành kẻ giết người, không chỉ một mà ba mạng, thà tôi về làm người dân thường, còn hơn mang tội và ân hận suốt đời. Thế là xong. Không hiểu sao lúc ấy lòng em thanh thản lạ. Về nhà hai đứa quỳ xuống lạy mẹ để xin bà ra đi. Vì làm sao những con chiên ngoan đạo lại chịu được điều tiếng thị phi của người đời. Mẹ khóc nhưng cũng đồng ý cho chúng em đi. Cuộc chia ly chắc bác là nhà văn bác cũng tưởng tượng được là buồn như thế nào rồi, em chẳng phải kể làm gì.
- Thế về quê sao lại ra nông nỗi này?
- Quả là phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí, mới về thì cũng lắm chuyện, nhưng em còn gì nữa để mà mất, đã liều thì ba bảy cũng liều, điều tiếng rồi cũng qua. Dựng vài gian nhà tre trên nền nhà cũ của ông bà, thôi thế là cũng yên phận, nào ngờ tai hoạ lại ập xuống, nhà em sinh cháu, đứa con gái không bằng con mèo con, phần vì buồn đau thương mẹ, thương chồng, phần vì vất vả kiếm sống, Lựu khóc suốt nên ảnh hưởng thai nhi, chỉ được dăm ngày là cháu mất. Cô ấy rũ ra như tàu lá, mất gần một năm cô ấy mới lại người. Cô ấy lo là Chúa phạt, nên bắt em lập bàn thờ Chúa. Ừ thì có sao, em phải sang mãi xã bên mới mua được tượng Chúa, ngày ngày cô ấy cầu nguyện, em cũng thành tâm quỳ lạy, may ra còn đấng linh thiêng nào cứu rỗi. Lựu có thai, lần này thì em gánh vác hết việc nặng nhọc, cố làm để có mà tẩm bổ cho Lựu. Lựu béo ra, đẹp ra, chúng em sung sướng, thấp thỏm chờ ngày sinh nở, rồi ngày ấy cũng đến, để chắc chắn em chở Lựu lên viện. Họ bảo con to phải mổ. Em thì chẳng có tiền thành cứ dềnh dàng mãi chiều mới mổ, nhà em mất máu nhiều, máu em lại khác nhóm, loay hoay mất một ngày em mới đủ tiền mua máu. Lúc ấy Lựu đã kiệt, và cô ấy lặng lẽ ra đi!
Em bồng đứa con đỏ hỏn trên tay thất thểu về nhà như người mất hồn.
- Làm sao ông nuôi nổi cháu?
- Ngày ngày em bồng cháu đi khắp làng xin sữa, rồi từ làng này sang làng khác, bố con em thành kẻ hành khất.
- Thế ông bỏ nhà à?
- Ít ngày em về một lần, căn nhà hoang vắng lạnh lẽo, lòng như điên dại. Em nhìn lên Chúa đang treo mình trên cây thánh giá, tim Chúa rỉ máu. Còn nỗi đau nào hơn! Em phá tất, phá nhà phá cửa, phá chiếc giường duy nhất mà chúng em đã có những ngày hạnh phúc. Em như
một thằng điên, em bồng con ra đi lang thang hết vùng này sang vùng khác, tối đâu là nhà, ngả đâu là giường.
- Bây giờ cháu thế nào?
- Chuyện thì dài, hơn hai mươi năm rồi còn gì. Đời em coi như là hết, nhưng em phải lo cho cháu thành người, bây giờ cháu đang học năm cuối Đại học Y Thái Bình.
- Ông giỏi quá!
- Giỏi giang gì đâu bác. Cháu bảo phải thành bác sĩ để cứu giúp người nghèo khỏi chết oan như mẹ nó, nhưng thời thế này cũng khó bác ạ, chẳng biết rồi cháu nó làm nên trò trống gì không!
Tiếng loa trên ga đã gọi khách ra tàu, lão xách đồ đưa vợ chồng tôi lên tàu. Khi con tàu chuyển bánh tôi ló cổ ra cửa sổ, vẫn thấy lão cõng cục quạt kè đứng một mình trên sân ga. Tôi cầm chiếc quạt lão ấn vào tay tôi lúc tôi bước lên tàu, chiếc quạt thì nhẹ mà lòng tôi thì nặng trĩu.
- Đấy! Lai lịch cái quạt kè tôi đã kể hết với ông, bây giờ thì tôi biếu ông, người đã từng là sĩ quan cao cấp trong quân đội, đã từng là lính Trường Sơn.
X.C (185/07-04) |