Tạp chí Sông Hương - Số 186 (tháng 8)
Người Kinh đô cũ
14:56 | 27/08/2009
HÀ KHÁNH LINH         Trích tiểu thuyếtCHƯƠNG XI
Người Kinh đô cũ
Ảnh: golbook.com

Xếp đặt mọi việc xong Bửu Toàn lái xe về nhà báo cho Đoan Thuận và Phan Tấn biết Ân Thụy Thái Vương đã qua đời, rồi bảo Đoan Thuận cùng theo ông đi về phủ Vinh Quốc Phong. Nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe vì khóc và những nét buồn thảm trên gương mặt của Bửu Toàn - Đoan Thuận bật khóc òa. Cô nhanh chóng thu xếp đồ dùng, dặn Phan Tấn mấy việc rồi cùng Bửu Toàn lên xe về phủ Vinh Quốc Phong.

Người ta đã khâm liệm xong và đang chuẩn bị tang lễ chính thức. Đoan Thuận ngỏ ý muốn để tang cho Ân Thụy Thái Vương, nhưng Bửu Toàn không cho, ông nói:

- Tang khó là nặng nề. Để một mình ba chịu được rồi. Ba cám ơn...

Nghe Bửu Toàn nói vậy Đoan Thuận lại khóc. Ông lúc nào cũng lo cho cô. “Để một mình ba chịu được rồi”. Trong ý niệm của ông, ông với Đoan Thuận là một thể thống nhất, là một “phe”, một phía. Sự nặng nề của tang khó chỉ nên để một mình ông gánh chịu, ông không muốn san sẻ cho cô, và ông luôn tỏ ra lịch sự ngay cả trong mối quan hệ thống nhất nầy, khi ông nói “Ba cám ơn...”

Một tang lễ long trọng và đầy nghi thức lễ giáo phong kiến. Không thiếu hàng chức sắc nào. Không thiếu một quan chức đầu ngành nào. Không thiếu đại diện của tông phái nào trong Hoàng tộc. Đặc biệt hơn cả là bức trướng của Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ngự ban với nội dung ca ngợi công đức của Ân Thụy Thái Vương và thành kính chia buồn cùng tang quyến và họ tộc.

Đoan Thuận được phân công theo dõi ghi chép tất cả danh tánh của quý khách cùng lễ vật phúng điếu.

Tại lễ tang nầy Đoan Thuận được giới thiệu và làm quen với gia đình Tri phủ Bửu Tín - người em ruột của Bửu Toàn, rất giống Bửu Toàn về vóc dáng, hình hài, nét mặt, nhưng tính cách thì hình như khác nhau. Cũng tại đây, lần đầu tiên Đoan Thuận được nhìn kỹ bà Diệu Anh, và gặp con trai của Bửu Toàn - cu cậu Vĩnh Tuấn vừa lên mười tuổi. Bà Diệu Anh mặc đồ tang khóc lóc vật vã bên linh cửu của Ân Thụy Thái Vương rất nhiều. Đoan Thuận thầm hỏi đó là khóc ông nội của Vĩnh Tuấn, hay khóc cho thân phận bẽ bàng của mình? Bởi vì Ân Thụy Thái Vương ra đi mang theo cả niềm hy vọng cuối cùng của bà Diệu Anh, chỗ dựa cuối cùng của bà đã bị sụp đổ! Đoan Thuận thấy bà Diệu Anh có đôi mắt đẹp buồn rười rượi và hay ngó xuống. Đó là vẻ đẹp của cây liễu. Chắc bà Diệu Anh căm thù má Mộc Lan của Đoan Thuận lắm - Đoan Thuận nghĩ. Còn Đoan Thuận thì giờ đây vừa thấy thương hại lại vừa ghen tức với bà ta. Bởi đó là người đàn bà đầu tiên bước vào đời của Bửu Toàn, cũng là người đàn bà duy nhất có con với Bửu Toàn. Vẻ đẹp tinh khôi của tình yêu họ đã trao hết cho nhau một thời...

Sau lễ mở cửa mả cho Ân Thụy Thái Vương xong, Bửu Toàn đưa Đoan Thuận về lại nhà riêng của mình thì được tin Hương Thảo vừa sinh con gái. Đoan Thuận lật đật đi vào bệnh viện để thăm chị và thăm cháu.

Buổi chiều Bửu Toàn đợi Đoan Thuận về để hỏi thăm tình hình sức khỏe của Hương Thảo và cháu bé trước khi trở lại phủ Vinh Quốc Phong để dâng hương cho Ân Thụy Thái Vương.

Đoan Thuận không giấu sự vui mừng khi báo tin:

- Dạ chị Hương Thảo khỏe. Đứa bé cũng khỏe và giống bên nội nhiều lắm ba ạ. Luật sư Kim Hồng Ân đã chọn đặt tên cho cháu nội gái yêu quý của mình là Kim Hồng Mai...

Nghe xong Bửu Toàn yên tâm lái xe đi, quá nửa đêm ông lái xe về.

Sau hôm đó Bửu Toàn ngày hai buổi đều đặn sáng đi thắp hương ở phủ Vinh Quốc Phong, chiều đi viếng mộ ở núi Thiên Thai, còn ban đêm đã có vợ chồng Bửu Tín túc trực bên bàn thờ Ân Thụy Thái Vương.

Ngôi nhà của vợ chồng Bửu Tín cũng nằm ngay trong vườn phủ, có cổng trước và lối đi riêng ra đường lớn, nhưng bên trong ăn thông với khu nhà ở của Ân Thụy Thái Vương, ăn thông với phòng - phủ. Ngôi nhà của Bửu Tín bấy lâu nay đóng cửa vì không có người ở, thời gian nầy mới được mở cửa trở lại. Có hôm Bửu Toàn ở lại chuyện trò tâm sự với vợ chồng Bửu Tín đến quá khuya mới trở về. Các cu cậu Vĩnh Cơ, Vĩnh Bảo đã làm thân với anh Vĩnh Tuấn, được anh Vĩnh Tuấn dắt đi chơi khắp vườn phủ, vừa chạy nhảy đùa giỡn đuổi bắt bươm bướm chuồn chuồn và hái trái ngắt hoa trong vườn phủ. Các em xúng xính trong bộ đồ tang, cứ vui tươi, cứ hồn nhiên. Đám gia nhân thì lo chạy theo phòng hờ các em bị té ngã. Chỉ có bé Liên Chi không về được dịp nầy làm cho ông bà Bửu Tín cứ nhắc nhở vì thương nhớ con. Bửu Toàn nói:

- Sau này chú thím phải cho bớt anh một đứa con, để anh nuôi giúp. Nuôi một lúc ba đứa thì vất vả đấy! Lương Tri phủ có là bao? May ra thì có chút bổng lộc, nhưng Thiệu Hóa là chỗ đất nghèo. Tính khí của chú thì anh cũng biết rồi, có bao giờ dám...

Bà phủ cười ý nhị nói:

- Khi nào anh cưới vợ lại, chừng đó vợ chồng em sẽ đem cháu đến giao cho anh chị nuôi. Muốn nuôi đứa nào chúng em cũng cho hết. Nuôi cả ba đứa càng tốt.

Bửu Toàn gật gù:

- Công Huyền Tôn Nữ Liên Chi rất xinh đẹp phải không? Sau nầy chắc chắn cháu sẽ ở với anh. Nó kém Vĩnh Tuấn gần hai tuổi đấy nhỉ? Sau nầy cả hai anh em chúng sẽ đi học với nhau. Anh sẽ mua cho mỗi đứa một chiếc xe đạp. Vĩnh Tuấn sẽ học trường Khải Định, Liên Chi sẽ học trường Đồng Khánh...

Thời gian nầy Đoan Thuận thường thức khuya chấm bài cho học sinh, soạn bài giảng rồi đan những đôi bít tất nhỏ xinh cho bé Kim Hồng Mai - con gái của Hương Thảo, và đợi Bửu Toàn về cô đi hâm lại thức ăn cho nóng để ông dùng. Có lúc Bửu Toàn không ăn mà đi thẳng vào buồng tắm rồi đi ngủ. Buổi sáng Đoan Thuận dậy sớm lo bữa ăn sáng, Phan Tấn lau chùi xe cho ông thật sạch bóng. Ông dùng bữa xong là đi ngay. Trưa Bửu Toàn về ăn cơm, nghỉ ngơi một lát rồi đi đến chiều, đến tối, có khi đến khuya. Đoan Thuận hiểu Bửu Toàn không chỉ đi viếng mộ đi dâng hương cho Ân Thụy Thái Vương, mà ông còn đi nhiều chỗ, ghé nhiều nơi, gặp gỡ nhiều thân hữu của ông để chuyện trò, hoặc tham gia các trò chơi giải trí như từ trước đến nay. Lúc nầy mà Bửu Toàn vui chơi giải khuây được một chút như vậy là tốt - Đoan Thuận nghĩ - Bởi Đoan Thuận không thể nào chịu nổi khi nhìn thấy vẻ sầu não buồn chán trên gương mặt của ông. Ông đau đớn là Đoan Thuận đau đớn, ông buồn phiền là Đoan Thuận buồn phiền, ông hạnh phúc là Đoan Thuận hạnh phúc... Đoan Thuận âm thầm chia sẻ mọi trạng thái tình cảm với ông.

Đảng Tân Việt tuyên bố giải tán và ủng hộ Việt Minh. Một số thành viên có động cơ đúng đắn và giàu lòng yêu nước đã tham gia Việt Minh. Điều đó làm cho tổ chức Việt Minh Nguyễn Tri Phương rất vui mừng, Bửu Toàn vui mừng vì có công sức đóng góp không nhỏ của ông. Ông được biểu dương và khen ngợi trước tập thể bởi thành tích nầy. Ông lặng lẽ mang niềm vui ấy về nhà riêng của mình và về phủ Vinh Quốc Phong. Nhưng tại phủ Vinh Quốc Phong, niềm vui ấy đã không còn chỗ đứng trong lòng ông - khi gặp phải nỗi buồn đau tuyệt vọng to lớn choán tràn cả tâm trí vợ chồng Bửu Tín.

Tin tức về Việt Minh nổi dậy khắp nơi trong tỉnh Thanh Hóa dội vào Kinh đô Huế làm cho ông bà Bửu Tín ruột gan như lửa đốt. Huyện Hoàng Hóa đã lọt vào tay Việt Minh ba ngày sau khi ông vào đến Huế đã đành, mà liên tiếp từ hôm ấy đến nay ngày nào cũng nghe tin Việt Minh đánh vào các phủ đường, huyện đường, các đồn trại của quân Nhật và quân đội Hoàng gia, rồi đỉnh điểm là đêm hôm kia 18.8.1945 nghe nói phủ đường Thiệu Hóa đã bị tấn công. Bà phủ nằm ngất xỉu trên ghế bành, ông phủ Bửu Tín cũng chẳng hơn gì vợ. Khi thấy Bửu Toàn bước vào nhà cả hai níu lấy Bửu Toàn mà khóc nức nở, khóc nhiều hơn cả khi khâm liệm thi thể của Ân Thụy Thái Vương.

Bửu Toàn mấy hôm nay đã suy nghĩ nhiều không biết làm cách nào để giúp em trai mình, bây giờ chứng kiến cảnh nầy Bửu Toàn chỉ biết gạt nước mắt dìu em mình ngồi vào ghế để cùng thảo luận bàn bạc. Tuy bên ngoài cố tỏ ra bình tĩnh vậy, nhưng trong lòng của Bửu Toàn cũng rối như tơ vò.

Với khí thế cách mạng đang ngày một dâng cao ngùn ngụt như thế nầy thì ai dám quay trở về phủ đường Thiệu Hóa để tìm gặp bé Liên Chi? Cách đây mấy hôm Bửu Tín đã định liều mình đi ra Thiệu Hóa để đưa con gái về Huế, nhưng tất cả mọi người và Bửu Toàn đã không cho Bửu Tín đi, bởi ai cũng sợ rằng chính bản thân Bửu Tín sẽ khó mà toàn mạng khi trở ra nơi đó! Cứ nhìn không khí ở Huế thì có thể hình dung ra những vùng miền khác trên đất nước. Ở Huế những ngày nầy đi đâu làm gì người ta cũng nói tới Việt Minh, nhắc tới Việt Minh, người ta công khai tụ họp, bàn bạc, công khai may cờ đỏ sao vàng, công khai nói câu phương châm: Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta...

Mặc dầu rất lo lắng cho sự an nguy của Công Huyền Tôn Nữ Liên Chi, nhưng Bửu Toàn vẫn cố giữ nét mặt điềm tĩnh và lựa lời an ủi vợ chồng em trai. Bửu Toàn nói:

- Chú thím phải gắng giữ gìn sức khỏe để lo cho hai cháu Vĩnh Cơ, Vĩnh Bảo còn quá nhỏ dại. Theo lời chú thím thì anh được biết vú Ngần là một người tốt bụng, chăm chỉ, hiền hậu và trung thành. Khi có sự biến gì chắc chắn vú sẽ không bỏ mặc cháu Liên Chi đâu. Có một điều thuận lợi cơ bản ở vú Ngần là người địa phương, là người lao động chân chất, chắc chắn Việt Minh sẽ không bao giờ làm gì phương hại tới vú, và đối với một em bé gái lên tám tuổi như Liên Chi lại càng không có vấn đề gì...

Nghe Bửu Toàn phân tích đến đây vợ chồng Bửu Tín cảm thấy dịu bớt nỗi đau đôi chút, nhưng bà phủ vẫn cứ khóc, khóc mãi.

Khi nói những lời an ủi vợ chồng em trai, Bửu Toàn đã nghĩ đến phương án nhờ người quen trong hàng ngũ Việt Minh tìm cách liên lạc với Việt Minh Thanh Hóa để may ra có thể biết được tin tức của bé Liên Chi. Trong lúc đó Bửu Tín đã bí mật phái người lái xe thân tín của mình tìm đường về Thiệu Hóa để dò tìm tin tức của bé Liên Chi.

Chiều nay thứ 3 ngày 21 tháng 8 năm 1945 thời khóa biểu của Phan Tấn có hai tiết thực hành. Bài vở phần lý thuyết Phan Tấn đã học thuộc, đã làm xong bài tập. Đang lúc giữa trưa, ông đang nghỉ trong phòng, cô Đoan Thuận đang ngồi thêu khăn mùi soa bên cửa sổ. Chắc lại để tặng một anh chàng nào đó ở trường Võ bị Thanh Niên Tiền Tuyến? - Phan Tấn nghĩ vậy. Phan Tấn không nằm nghỉ trưa được, mà đạp xe tới trường giờ nầy thì quá sớm. Lòng Phan Tấn cứ rạo rực một cái gì rất khó tả. Mấy hôm nay ở trường Phan Tấn, thầy cũng như trò đều bị cuốn hút vào một không khí bừng bừng tựa như một chất men say, nó cứ ngấm dần, lan tỏa, lan tỏa mãi, nhân rộng ra... Đi đâu cũng nghe nói tới Việt Minh, đi đâu cũng thấy người ta tìm mua vải đỏ vải vàng để may cờ, rồi phân công nhau cắt dán những câu khẩu hiệu của Việt Minh... Người ta công khai bàn bạc công việc của Việt Minh mà không còn e ngại như trước nữa. Phan Tấn đi vòng quanh sân, ngắm hoa trong các bồn hoa và tiện tay vặt những ngọn lá sâu vàng... Qua cánh cổng khép hờ Phan Tấn thấy có hai người đàn ông vận sắc phục của trường Võ bị Thanh Niên Tiền Tuyến, mũ ca lô hai sừng kiểu kỵ mã vàng, đôi giày cao cổ, súng đeo vai, đẩy hai chiếc xe đạp cùng tốc độ như một chiếc đòn khiêng, ở giữa là một bó vải màu đỏ rực, to tướng và nặng lặc lè. Bó vải dài ngoẳng vắt theo chiều dài của hai chiếc xe ghép lại mà vẫn còn thòng xuống phía sau xe một đoạn, có nguy cơ chạm mặt đất. Tự nhiên Phan Tấn thấy muốn giúp họ một tay, Phan Tấn đẩy cổng bước ra, một tay đỡ lấy phần sau của bó vải đỏ, tay kia vịn vào một chiếc xe đạp rồi cùng đẩy đi. Một anh trong họ nhìn Phan Tấn mỉm cười tỏ ý hài lòng. Khi hai chiếc xe đạp đi hết con đường Chương Đức thì ngoặc vào con đường nhỏ dưới chân Kinh thành, men theo đường nầy tiến về phía Kỳ đài. Phan Tấn nghĩ mà không dám hỏi - chẳng lẽ đây là băng cờ hoặc khẩu hiệu của Việt Minh? Những sĩ quan tương lai nầy của trường Thanh Niên Tiền Tuyến - trường do luật sư Bộ trưởng Thanh Niên Phan Anh lập ra thuộc chính phủ Trần Trọng Kim, cớ sao lại chở cờ Việt Minh đi đến đây? Và đến để làm gì?... Khi Phan Tấn đang bị những câu hỏi như thế bủa vây trong đầu óc mình, thì hai anh cho xe đạp dừng lại dưới chân Kỳ đài. Một anh nhìn Phan Tấn mỉm cười hỏi bằng giọng Bắc:

- Chú em có biết cái gì đây không? Lá cờ đó. Cờ của cách mạng.

- Cờ Việt Minh hả anh? - Phan Tấn mừng rỡ kêu lên.

- Ừ. Cờ Việt Minh.

Nói rồi cả hai anh thoắt leo lên những bậc cấp của Kỳ đài vác theo lá cờ nặng trĩu trên vai. Phan Tấn liền chạy theo đỡ một tay. Lần đầu tiên Phan Tấn được đến gần Kỳ đài, nhìn rõ Kỳ đài, ôi chao nó cao lớn đồ sộ làm sao! Trước đây hàng ngày Phan Tấn ở trong nhà hoặc đi lại ngoài đường phố, từ đằng xa nhìn thấy lá cờ của nhà vua bay phấp phới. Và cứ mỗi buổi sáng lúc 6 giờ có ba phát pháo nổ ngay ở Kỳ đài. Trưa, lúc 12 giờ có ba phát pháo, và chiều - lúc 18 giờ lại có ba phát. Cứ đều đặn quanh năm suốt tháng như thế, ngày ba lần đốt pháo lệnh do đám lính gác Kỳ đài thực hiện. Lúc Phan Tấn mới từ Hội An ra Huế mấy hôm đầu Phan Tấn cứ giật mình vì những tiếng nổ đó, Phan Tấn tưởng là tiếng súng. Sau khi nghe cô Đoan Thuận giải thích đó là tiếng pháo lệnh của đám lính bảo vệ cờ, Phan Tấn không sợ nữa, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị giật mình. Từ đó trở thành thói quen, đi đâu đứng đâu trong thành phố hễ nghe tiếng pháo lệnh là biết giờ chính xác. Kỳ đài trở thành điểm tập trung chú ý, vừa là sự ngưỡng mộ. Bây giờ được đứng trên những bậc cấp của Kỳ đài càng thấy Kỳ đài đồ sộ hơn, vĩ đại hơn. Chỉ tính riêng ba bậc cấp cũng cao ít nhất là hai chục mét. Cột cờ cao phải đến ba chục mét, hoặc có thể hơn... Hai sĩ quan tương lai của trường Thanh Niên Tiền Tuyến nói gì với mấy người lính khố vàng xong, thấy mấy người lính nầy vâng dạ rồi phụ giúp với hai sĩ quan tương lai tháo dây buộc, trải rộng lá cờ đỏ sao vàng ra. Trời ơi, lá cờ to rộng dễ gần bằng hai phòng học của trường Phan Tấn ghép lại! Những người lính khố vàng giúp hai sĩ quan tương lai buộc lá cờ đỏ sao vàng vào đầu dây ròng rọc. Trong lúc làm việc nghe hai sĩ quan nầy gọi nhau một anh tên là Lương, một anh tên là Việt.

Khi buộc cờ xong, những người lính khố vàng giúp hai anh Lương và Việt kéo dần lá cờ lên. Ròng rọc kéo cờ đỏ sao vàng lên đến đâu thì lá cờ của nhà vua hạ dần xuống chừng ấy. Khi lá cờ đỏ sao vàng lên đến đỉnh của cột cờ liền tung bay phần phật trong gió, cũng là lúc lá cờ của nhà vua đang đổ gục dưới chân cột cờ. Anh Lương, anh Việt đứng nghiêm đưa tay lên chào cờ theo kiểu nhà binh. Những người lính khố vàng bảo vệ Kỳ đài cũng đứng nghiêm thẳng hàng bên cạnh các anh. Phan Tấn đứng sau lưng các anh cũng bắt chước đứng nghiêm đưa tay chào. Chào cờ xong anh Lương và anh Việt nhanh chóng rút lui. Phan Tấn còn lưu luyến đứng nhìn thêm một chút rồi bước xuống theo, bỗng Phan Tấn thấy phía bên kia bậc cấp một vị quan lớn dẫn theo một số lính rần rật chạy lên Kỳ đài. Phan Tấn nghe họ la hét quát nạt và có tiếng những người lính bảo vệ Kỳ đài run sợ:

- Bẩm quan lớn Đại Nội đại thần, chúng con không dám treo cờ của đức Hoàng đế lên được nữa, chúng con sợ Việt Minh...

Phan Tấn chạy về nhà lấy xe đạp, đạp nhanh tới trường lòng băn khoăn tự hỏi lẽ nào những người vận quân phục sĩ quan Thanh Niên Tiền Tuyến lại là những anh Việt Minh? Ôi chao, Phan Tấn phải mau mau tới trường kể cho bạn bè nghe việc treo cờ chiều nay... Khi xe Phan Tấn chạy gần đến cổng trường Phan Tấn mới sực nhớ ra một điều tại sao lúc nãy Phan Tấn quên không hỏi thử anh Lương, anh Việt có phải là chỗ bạn bè thân thiết của cô Đoan Thuận không? Cô Đoan Thuận vẫn thường lui tới trường để thăm các anh đang học ở đó, và cô vẫn cảm thấy tiếc vì trường không tuyển nữ quân nhân để cho cô được theo học. Còn Phan Tấn lại nghĩ rằng nếu một mai cô Đoan Thuận đi lấy chồng, thì người chồng của cô chắc chắn phải là một sĩ quan trường Thanh Niên Tiền Tuyến chứ không thể là một người nào khác!

- Chỉ có những sĩ quan tương lai của trường Thanh Niên Tiền Tuyến mới xứng với cô Đoan Thuận...

Phan Tấn nghĩ vậy, và buổi tối khi ngồi kể lại sự kiện treo cờ vào đầu giờ chiều ngày 21.8.1945 Phan Tấn bỗng nói lên ý nghĩ thầm kín ấy của mình với cô Đoan Thuận.

Đoan Thuận nghe xong không khỏi bật cười vì ý tưởng chân thành và có chút gì ngộ nghĩnh của Phan Tấn. Làm sao cô có thể lấy một người nào trên cõi đời nầy để làm chồng hở em? Em Phan Tấn ơi!... Đoan Thuận thầm kêu lên trong tâm khảm mình. Nhưng dẫu sao cô cũng rất cảm ơn em đã để tâm “ngắm nghía” cho cô một đám ở chỗ mà theo em là danh giá nhất! Xứng đáng nhất... Khi nào em lớn lên vài tuổi nữa em sẽ hiểu được rằng người xứng đáng chính là người mình yêu nhất, Phan Tấn ạ.

Đêm cận rằm tháng bảy trăng sáng vằng vặc. Bầu trời trong vắt. Dịp lễ hội Vu Lan rằm tháng bảy năm nào trái cây ở Huế cũng được bày bán khắp nơi mấy ngày trước đó. Trái cây trong vườn cũng chín rộ. Từ buổi chiều Đoan Thuận đã cắm mấy bình hoa thật đẹp và hái cam quýt thanh trà sắp lên đĩa bưng lên bàn thờ. Buổi tối Đoan Thuận bảo Phan Tấn ra vườn chọn hái vài trái thanh trà đem vào ngồi bên cầu Ô Thước gọt thanh trà trộn khô mực xé nhỏ với nước mắm chanh ớt tỏi, xong sắp một đĩa nhỏ với chiếc thìa nhỏ bảo Phan Tấn bưng vào phòng của ông mời ông, rồi trở ra hai cô cháu cùng ngồi ăn. Ăn thanh trà với khô mực, uống nước xi rô dâu, ngắm trăng cận rằm trong trẻo đầy hứa hẹn và ngắm sen bách diệp với tiểu bạch liên nở trong hồ. Các loài hoa hồng, hoàng mẫu đơn lấp ló sau rặng liễu đưa hương thoang thoảng, chỉ có cây dạ hạp và dạ lý hương ở tận góc vườn đằng xa kia mà tỏa hương thơm ngát đến tận chỗ Đoan Thuận và Phan Tấn ngồi, len lỏi vào các gian phòng trong nhà, vươn ra khỏi khuôn viên, và đi xa, xa hơn nữa... Khách qua đường ai đi ngang qua khu biệt thự cũng đều cố ý đi chậm lại để thưởng thức hương của các loài hoa Phan Tấn để ý thấy như vậy và rất tự hào về khu vườn của mình.

Đoan Thuận nhớ ngày mới dọn tới ngôi biệt thự nầy, cũng vào một đêm trăng, Hương Thảo và Đoan Thuận ngồi ở chân cầu Ô Thước ăn chè hạt sen và nói chuyện phiếm, một lát sau Bửu Toàn ra nhắc bảo con gái không nên ngồi lâu dưới trời đêm, sương có thể làm ướt tóc và dễ bị cảm... Bây giờ ông không còn nhắc bảo Đoan Thuận nữa, cô muốn ngồi bao lâu cũng được, muốn đến đâu và giao du với những ai ông như không cần quan tâm. Hình như trong trái tim và trong ý niệm của ông chưa bao giờ có một cô Đoan Thuận hiện hữu, mà chỉ có cô bé Đoan Thuận của ngày xưa? Cô bé ấy bây giờ đã chết? Còn một cô Đoan Thuận trưởng thành với trái tim nồng cháy tình yêu thương thì không tồn tại chút nào trong tâm thức của ông? Có phải vậy không?

Đêm nay rằm tháng bảy. Trăng viên mãn bao giờ cũng đẹp và buồn, vì không còn phát triển, không có tương lai. Đoan Thuận đi ngủ sớm hơn mọi ngày. Quá nửa đêm cô mơ một giấc mơ lạ với những hình ảnh lộn xộn trong đó có Bửu Toàn, Hương Thảo và cô. Họ sống với nhau như ngày xưa, nhưng thiếu vắng má. Bửu Toàn lặn lội đi tìm bà Mộc Lan kêu mình hỡi mình ơi lạc cả giọng. Trong khi Đoan Thuận lại chạy đi tìm Bửu Toàn. Càng chạy càng xa. Đoan Thuận chạy đã đuối sức mà Bửu Toàn vẫn cứ cách cô một quãng, gần như bất di bất dịch... Đoan Thuận vẫn tiếp tục chạy đuổi theo và nghe trái tim mình nện thình thịch như muốn phá vỡ tung lồng ngực. Gần về sáng Đoan Thuận choàng thức giấc bởi một tiếng nổ và tiếng chân người chạy rầm rập trên đường. Cô nghe tim mình đập mạnh vì cuộc chạy kiệt sức trong mơ. Cô thầm cám ơn tiếng nổ và tiếng bước chân người đã kéo cô ra khỏi giấc mơ đó. Đoan Thuận bật dậy mở hé cửa sổ nhìn ra ngoài đường, hình như họ cầm cờ, cầm súng, và cả giáo mác, gậy gộc... Một cảnh tượng kỳ lạ quá, Đoan Thuận xoay người lại định đến gõ cửa gọi Bửu Toàn ra xem Việt Minh hay là ai đang định làm gì, thì bất ngờ bắt gặp Bửu Toàn đang đứng giữa nhà dõi mắt qua khung cửa sổ phía trên đầu Đoan Thuận nhìn cảnh tượng ngoài kia.

- Cách mạng đó, Việt Minh đó, đừng sợ! Việt Minh đang đi lùng bắt bọn mật thám và Việt gian. Dân chúng đang đi cùng Việt Minh vào đánh chiếm các công sở và văn phòng Lục Bộ...

Ông nói để trấn an cô. Giọng ông điềm tĩnh như thể ông đã biết rõ mọi việc từ trước. Đoan Thuận nhìn ông đầy nghi hoặc. Về sau nầy Đoan Thuận mới biết ngôi nhà ma ở thị xã Hội An thực ra chẳng có ma nào cả, trên thực tế Bửu Toàn không hề bán nhà cho ai. Và hồ sơ bệnh án do bác sĩ Thomas Guillau lập cho Bửu Toàn với bệnh trạng nhiễm lao nặng cần phải chữa trị dài ngày là một bệnh án giả, cũng như trường Võ bị Thanh Niên Tiền Tuyến bên trong cũng có một tổ chức Việt Minh, và điều quan trọng hơn hết là Bửu Toàn cũng Việt Minh!... Nhưng đó là những hiểu biết về sau nầy của Đoan Thuận. Còn bây giờ thì chưa. Bây giờ cô chỉ mở to mắt nhìn Bửu Toàn trong ánh sáng mờ nhạt của ngọn đèn chong. Nhìn thấy cái vẻ điềm tĩnh đến lạnh lùng của ông, cô cảm thấy như nghẹt thở. Bất chợt cô chạy bổ tới ôm chầm lấy ông, ôm rất chặt. Và một ý nghĩ vụt thoáng qua trong đầu óc cô, rằng cô chẳng bao giờ buông tha cho Bửu Toàn, cô không thể để cho ông cứ chạy cách xa cô một quãng mãi, làm cho cô chạy đuổi theo ông hụt hơi, đứt hơi, kiệt sức... như trong giấc mơ kia! Đôi bàn tay ông dẫu có sức mạnh ngàn cân cũng không thể tháo rời được đôi cánh tay trần mảnh dẻ của cô đang bám siết vào vai vào cổ của ông... Đoan Thuận nói trong hơi thở dồn dập:

- Cách mạng đã về đến nơi rồi! Cuộc đời thay đổi rồi. Hãy tháo gông xiềng đi! Cái gông xiềng lễ giáo phong kiến đã trói buộc ngài bấy lâu nay! Hãy đập vỡ nó ra cho tan nát thành trăm ngàn mảnh! Tôi sẽ giúp ngài làm việc đó. Tôi là của ngài...

Bửu Toàn cảm thấy mình đột nhiên như rơi vào vực thẳm của hạnh phúc. Trong giây lát, ông như một đứa trẻ ngây thơ đang tự do vẫy vùng bơi lội ngụp lặn trong vực thẳm ấy mà không cần biết trên đầu mình, chung quanh mình đang xảy ra những gì...

- Bây giờ tôi có thể lìa bỏ cuộc đời nầy được rồi!

Đoan Thuận nói khi nằm gọn trong vòng tay của Bửu Toàn.

- Vì sao lại nói đến sự lìa bỏ gì ở đây?

- Bởi vì từ lâu tôi nguyện ước rằng tôi phải trao tặng cái quý giá nhất của đời người con gái cho người mình yêu quý nhất... Trời ơi! Giá mà ngài biết được rằng tôi yêu ngài đến nhường nào!...

Đoan Thuận nói và nước mắt chực trào ra.

- Tôi biết chứ... Tôi biết! Nhưng vì tôn trọng Đoan Thuận nên từ lâu tôi phải giữ gìn...

Đoan Thuận ngồi phắt dậy vừa quơ tấm khăn mỏng khoác hờ lên đôi vai trần, đôi mắt long lên những tia nhìn dữ dội nói:

- Ngài nhầm rồi! Ngài giữ gìn có nghĩa là ngài khước từ tôi!... Tôi đã hơn hai mươi tuổi. Tôi tự định đoạt cho cuộc đời mình được rồi! Cám ơn ngài đã không còn khước từ tôi...

Bửu Toàn khẽ nhích người ra khỏi làn hơi ấm và mùi hương thơm dịu tỏa ra từ cơ thể mềm mại uyển chuyển trẻ trung tươi mát của Đoan Thuận. Ông đứng dậy kéo chăn đắp kín khuôn ngực thanh tú đang phập phồng theo từng nhịp thở đều và êm ái. Đoan Thuận đã ngủ say mà nét mặt vẫn còn rạng ngời niềm hạnh phúc. Trên làn môi xinh đẹp như đang phảng phất một nụ cười...

Bửu Toàn trở về phòng mình chải tóc, mặc quần áo chỉnh tề rồi mở cửa bước ra. Ông hòa mình vào dòng người trên đường đi về phía sân vận động Tự Do bên bờ Nam sông Hương. Mỗi bước chân đi ông đều nhớ về Đoan Thuận và hình dung rõ mồn một nét mặt rạng ngời niềm hạnh phúc của cô, trên làn môi xinh đẹp như đang điểm một nụ cười trong lúc vùi mình ngủ trong chăn ấm...

Từ cuộc met tin trên sân vận động do Ủy Ban Khởi nghĩa và Ủy Ban nhân dân cách mạng tổ chức - Bửu Toàn trở về khi trời đã xế chiều. Chẳng nhìn thấy Đoan Thuận ở đâu. Tìm khắp nhà không có. Vào phòng riêng của Đoan Thuận thấy tư trang đồ dùng của cô đã dọn đi gần hết. Hỏi Phan Tấn, Phan Tấn cho biết cô đã ra đi từ buổi sáng với một chiếc va ly, nhưng không nói là đi đâu. Phan Tấn đòi đưa tiễn nhưng cô nhất định không cho.

Thật là những biến động dữ dội liên tục và nhanh chóng xảy ra ngoài khả năng dự đoán của Bửu Toàn! Đoan Thuận ra đi không để lại cho ông một lời một chữ. Bửu Toàn cố bình tĩnh sắp xếp lại các sự kiện quá nửa đêm về sáng hôm nay... Y hệt như một giấc mơ! Trong giấc mơ ấy Đoan Thuận đã nói gì? Đoan Thuận nói “Bây giờ tôi có thể lìa bỏ cuộc đời nầy được rồi...”

Không, không thể như thế! Bửu Toàn phủ định và lý giải - Đó là lời nói chân thành được thốt lên ở thời điểm con người ta thấy mình đã thỏa nguyện ước. Hơn nữa, một khi con người có ý định rời bỏ cuộc đời nầy thì không ai lại đem theo đồ dùng cá nhân...

Suốt cả đêm Bửu Toàn thức trắng và ra ngẩn vào ngơ. Trong tâm thức ông luôn cất lên tiếng gọi Đoan Thuận ơi, Đoan Thuận!...

Mặc dầu cái ý nghĩ mà chính Bửu Toàn cũng cho là nông cạn và ngờ nghệch - rằng Đoan Thuận có thể lại đến ở trong ngôi nhà thuê dạo trước trên đường Doudet de Lagret, nên ngày hôm sau, đấy là một trong những nơi mà Bửu Toàn tìm tới với hy vọng mong manh được tìm thấy Đoan Thuận. Nhưng không có Đoan Thuận, nơi nào cũng không và không...

Những tiếng kêu, tiếng gọi thầm Đoan Thuận não nùng đau xót nối kết nhau liên tục, ngày nối đêm, đêm liền ngày... dài dằng dặc nhiều năm tháng sau đó nếu đem sắp xếp lại, có thể ôm kín một vòng quanh trái đất! Nhưng Đoan Thuận ở đâu dưới gầm trời nầy mà không hề nghe thấy? Hoặc có nghe thấy được mà không chịu đáp lại lời ông?! Nỗi buồn tang chế mất cha đã bị phai nhòa bởi nỗi buồn mất Đoan Thuận. Bửu Toàn mất ăn bỏ ngủ, ngày càng trở nên gầy guộc xanh xao.

Vợ chồng Bửu Tín đau xót vì sự sụp đổ của Vương triều quá nhanh chóng làm tiêu tan hết công danh sự nghiệp của Bửu Tín đã đành, mà bão táp cách mạng dồn dập kể từ khi ông về chịu tang Ân Thụy Thái Vương đến nay đã làm cho ông phải ém mình tại quê nhà, không trở ra vùng Thiệu Hóa để đón con gái được, làm cho cả nhà luôn khóc than đau đớn lo lắng vật vả đứng ngồi không yên, nuốt cơm không vô, uống nước không lọt... Giờ đây lại nhìn thấy cảnh Bửu Toàn lo lắng quay quắt vì Đoan Thuận bị mất tích. Bửu Toàn đi tìm kiếm Đoan Thuận nơi nào cũng không có. Những người tin cẩn do Bửu Tín phái đi Thiệu Hóa để tìm Liên Chi cũng biệt tăm biệt tích luôn, không thấy trở lại, không một dòng thư, không một bức điện tín... Ô hay, vận nhà nầy đã đến hồi tàn mạt suy vong, vừa mới qua cơn tử biệt lại đến hồi sinh ly!... - Bửu Tín đau đớn nghĩ vậy rồi tự mình đứng lên an ủi vợ, động viên anh trai, vỗ về các con, và sắp xếp lại nơi ăn ở để làm lụng trên mảnh vườn trồng hoa trái quanh năm hòng kiếm sống cho cả gia đình.

Ngược lại với em trai mình, Bửu Toàn bỏ hết nhà cửa vườn tược phòng phủ cho bà Diệu Anh. Ngôi nhà đầy kỷ niệm trên đường Chương Đức vẫn là chỗ ở chính của ông. Phan Tấn đi học về vừa trông coi nhà cửa vườn tược và lo cơm nước cho hai người.

Phan Tấn nói:

- Nếu cô Đoan Thuận không bỏ nhà ra đi như thế, thì dịp nầy Phan Tấn đã xin tòng quân để được làm anh lính Vệ quốc. Nếu bây giờ Phan Tấn cũng ra đi nữa, thì tội cho ông lắm! Không có ai chăm sóc ông, không có ai hôm sớm cùng ông...

- Nhưng cô Đoan Thuận đi đâu mới được chứ?

Mấy người bạn Phan Tấn cùng đặt câu hỏi. Rồi chính những người bạn đó và Phan Tấn lại tự tìm lấy câu trả lời:

- Còn đi đâu được nữa, nếu không phải là đi với các sĩ quan trường Thanh Niên Tiền Tuyến? Bây giờ mọi chuyện lộ ra hết cả rồi, trường ấy là một cơ sở của Việt Minh, hầu hết các học viên đều ủng hộ Việt Minh, đi theo Việt Minh...

Những suy nghĩ của Phan Tấn và bạn bè anh cũng là một hướng dự đoán của Bửu Toàn. Chính Bửu Toàn đã tìm tới gặp Ban chỉ huy trường Thanh Niên Tiền Tuyến để đặt vấn đề tìm Đoan Thuận. Ngoài ra Bửu Toàn còn đến các địa điểm tuyển quân, các tổ chức hội đoàn vừa mới thành lập...

Luật sư Kim Hồng Ân và bạn bè cũng đã tích cực tìm Đoan Thuận giúp ông, nhưng không có kết quả.

Hương Thảo sinh em bé vừa đầy tháng. Hôm cúng mụ, khẳm tháng bé Kim Hồng Mai không có dì Đoan Thuận tới dự, Hương Thảo buồn lắm. Hương Thảo bây giờ không thể lặn lội đi tìm em như lần trước. Và Hương Thảo có cảm giác rằng lần ra đi nầy của Đoan Thuận hoàn toàn không giống với lần trước. Lần trước nói theo cách của Đoan Thuận là một sự tập dượt. Là Đoan Thuận tập xa nhà, xa ba Bửu Toàn xem thử có được không, có chịu nổi không. Nếu chịu được thì cô sẽ vâng lời ba lên đường đi du học. Còn lần nầy Hương Thảo nghĩ chắc chắn Đoan Thuận sẽ tìm đến một vùng trời vùng đất xa xôi nào đó, chung quanh không có một người thân, để sống một đời tự lập, trước hết cho thỏa chí tự lập của Đoan Thuận, đồng thời để tìm quên, để chôn chặt một tình yêu nghiệt ngã ngang trái trong lòng Đoan Thuận!...

Cứ mỗi lần nghĩ đến Đoan Thuận và cho trí phán đoán của mình đi theo chiều hướng nầy, Hương Thảo lại trào nước mắt.

H.K.L
(186/08-04)

Các bài mới
Horla (09/09/2009)