Niềm đam mê CÁI ĐẸP trong văn chương đến với Văn Tâm khi anh còn là cậu học sinh trung học ở xứ Thanh thời chống Pháp. Cứ đến những ngày chủ nhật, với chiếc xe tòng tọc và cái bụng lép kẹp vì phải nhịn ăn dành tiền mua sách, anh tìm đến Rừng Thông, Cầu Bố... những tụ điểm dân tản cư từ miền Bắc đem bán đủ thứ hàng hóa. Trong kho sách quý của anh hiện nay (những tập thơ “Lửa thiêng” của Huy Cận, “Thơ thơ” của Xuân Diệu, “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, “Bức tranh quê” của Anh Thơ... bản in lần đầu từ hơn nửa thế kỷ trước với nhiều tranh minh họa của các họa sĩ nổi tiếng) rất nhiều cuốn đã được anh sưu tầm từ thời đó. Văn Tâm cũng rất “mê” hội họa, đồ cổ, ca trù, nên căn nhà anh có thể gọi là một địa chỉ lưu giữ những vẻ đẹp nghệ thuật không sợ thử thách nghiệt ngã của thời gian.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Văn Tâm cùng với những tên tuổi như Cao Xuân Hạo, Phạm Hoàng Gia, Thái Vũ, Ninh Viết Giao, Bạch Diệp... là lớp sinh viên văn khoa-sư phạm đầu tiên ở miền Bắc. Xứng đáng là học trò của những giáo sư nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu..., ngay từ năm 1957, khi không ít người còn nhìn Vũ Trọng Phụng là nhà văn “có vấn đề” cần hạn chế và cấm đoán, thì chàng sinh viên vừa tốt nghiệp Văn Tâm đã nhiệt thành đề cao tác giả những “Giông tố”, “Vỡ đê”, “Số đỏ”... trong tác phẩm “Vũ trọng Phụng - nhà văn hiện thực”. Thật tiếc là sau đó vì một “tai nạn nghề nghiệp” không đâu, anh phải “gác bút” hơn một phần tư thế kỷ, cần mẫn làm người thầy gieo niềm yêu thích văn chương cho bao lớp học sinh đất Hà Thành. Mãi cho đến thời kỳ đất nước đổi mới, cây bút tài hoa Văn Tâm lại “tái xuất giang hồ” với những tác phẩm được đánh giá cao như “Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù” (viết chung, 1990, tái bản 1993,1995) “Giảng văn văn học lãng mạn” (1991) và “Góp lời thiên cổ sự” (1992- Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), “Thơ Việt Nam 1930-1945 - Tuyển và bình chú” (viết chung, 1993)...
Những trang sách anh Văn Tâm hoàn thành trong 8 năm qua, sau khi bị tai biến não, thì thật đáng gọi là kỳ công. Mỗi nét chữ, mỗi bước đi, mỗi lần gọi điện thoại đối với anh đều phải gắng sức hơn người. Vậy mà anh vẫn giữ nguyên tắc “biết 10 viết 1”; để có một bài viết về nhà văn Phùng Quán, tôi đã thấy trên bàn làm việc của anh chồng tài liệu tham khảo dày hơn cả gang tay, có một chi tiết không rõ, anh gọi điện vào Huế mấy lần nhờ xác minh... Anh chỉ đặt bút viết khi đã nắm bắt được những gì là tinh túy, là “hồn” của tác phẩm, đã “sống” cùng nghệ sĩ, để có thể truyền xuống mỗi dòng chữ những điều tâm huyết và cả sự mê đắm như một nghệ sĩ. Góp sức làm nên những trang sách đầy chất trí tuệ và tinh tế trong cảm thụ văn chương ấy còn phải kể đến tình yêu thương, sự tận tụy vô bờ bến của chị Xuân Cam “ái nữ” của giáo sư Cao Xuân Huy, người vợ hiền thục của anh, ngày ngày dìu anh tập đi, sưu tầm tư liệu, chép lại bản thảo cho anh...
Nhà giáo ưu tú-nhà nghiên cứu Văn Tâm đã ra đi vào một đêm Hà Nội nóng bức cuối tháng 6, nhưng tôi tin rằng hàng ngàn trang sách tôn vinh những giá trị đích thực của văn chương, lấp lánh những vẻ đẹp không phai nhòa theo thời gian mà anh để lại sẽ còn đồng hành với nhiều thế hệ mai sau...
Trường An-Huế, 26/6/2204 N.K.P (186/08-04) |