Tạp chí Sông Hương - Số 186 (tháng 8)
Khởi nghĩa
09:53 | 01/09/2009
TỐ HỮU        Trích chương V, hồi ký Nhớ lại một thời
Khởi nghĩa
Nhà thơ Tố Hữu và phu nhân - Ảnh: tohuu.wordpress.com

Vào khoảng tháng 5, tôi được chỉ thị của Trung ương đi tìm các đồng chí ở tù về đang ở các tỉnh miền Trung, lựa chọn một số đại biểu đi dự hội nghị Đảng toàn quốc. Lúc này đi lại dễ dàng vì bọn Nhật mất tinh thần. Bọn Pháp thì sợ bị bắt giam, bọn Nam Triều thì rất sợ lực lượng cách mạng. Tôi đi từ Thanh Hoá vào các tỉnh miền Trung, qua Huế gặp Tỉnh uỷ, rồi vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đến huyện Tam Kỳ, làng Kỳ Khương thì gặp các đồng chí ở Buôn Ma Thuột mới về và cả các đồng chí đã tham gia khởi nghĩa Ba Tơ. Tôi gặp lại các anh Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý Hai, Nguyễn Chánh, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt, Trần Quang Giao. Chúng tôi họp nhau, tôi thông báo tình hình và truyền lệnh Trung ương và đề nghị cử đại biểu đi họp hội nghị Đảng. Vì đi đường không tiện nên các anh chỉ cử hai anh Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý Hai. Tôi đưa các anh ra Bắc. Khi thì đi bộ, khi thì đi xe, mất cả nửa tháng mới ra đến Vĩnh Yên. Tôi giới thiệu anh Thanh và anh Hai với đồng chí Lê Đức Thọ phụ trách tổ chức rồi xin phép ra về ngay. Anh Thọ tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao cậu không đi dự?” Tôi nói: “Tình hình đang rất khẩn trương, tôi cần vào ngay các tỉnh trong đó để kịp thời lập Uỷ ban khởi nghĩa đón đợi thời cơ. Trung Kỳ đã có hai anh Thanh và Hai là đại biểu rồi”.

Về Thanh Hoá, bàn kế hoạch khởi nghĩa, đề nghị cử đồng chí Điệt thay tôi làm bí thư tỉnh, rồi vào Vinh, ở lại một tháng, lập tỉnh bộ Việt Minh, giúp các đồng chí ra báo Kháng Địch. Sau đó, đi ngay vào các tỉnh phía trong: Quảng Bình, Quảng Trị. Song, mục tiêu quan trọng nhất lúc này là Huế, bởi đây là Kinh đô cuối cùng của triều Nguyễn, là chỗ dựa của bọn xâm lược Nhật. Nếu không kịp lật đổ cái ngai vàng Bảo Đại và “Chính phủ” bù nhìn này, trước khi quân Đồng minh (Anh, Pháp, Mỹ, Hoa) vào và công nhận nó là đại diện hợp pháp của Việt Nam, thì tình hình sẽ rất phức tạp. Tôi về đến Huế thì đã là ngày 10/8. Lúc này tỉnh uỷ đã thành lập. Phong trào phát triển khắp tỉnh, sẵn sàng nổi dậy ở khắp các huyện.

Công việc ở nông thôn là thuận lợi, chỉ còn vấn đề khởi nghĩa ở Huế thế nào thôi. Lúc này Bảo Đại còn ở ngôi vua cùng nội các Trần Trọng Kim với một số quan lại, nhân sĩ trí thức như các ông Phạm Khắc Hoè, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Vũ Đình Hoè, Vũ Văn Hiền... Đó là tầng lớp không dễ tiếp cận. Chúng tôi đến gặp anh Tôn Quang Phiệt là một trí thức có tiếng, thậm chí đã có lúc được mời làm thủ tướng nội các. Chúng tôi đề nghị anh không nên nhận cái chức nguy hiểm này dễ bị hiểu lầm là thân Nhật, không ủng hộ Việt Minh. Vốn là một đồng chí ở đảng Tân Việt trước và có cảm tình với Đảng, có nhiều uy tín trong giới trí thức nên anh rất đồng tình với chủ trương của Đảng và bắt tay hoạt động ngay. Chúng tôi yêu cầu anh thuyết phục ông Phan Tử Lăng - lúc ấy là Tổng chỉ huy quân đội Hoàng gia Trung Kỳ, thực tế là đội cận vệ của Nam Triều, có đến cả ngàn thanh niên có học, được vũ trang, binh phục rất đàng hoàng. Ông Lăng vốn là một người yêu nước, nên mau hiểu tình hình và đồng tình tham gia khởi nghĩa. Cũng qua anh Tôn Quang Phiệt mà tiếp cận với ông Phạm Khắc Hoè lúc ấy là Đổng lý Ngự tiền văn phòng và các ông Bộ trưởng trong nội các Trần Trọng Kim. Ông Hoè có hỏi anh Phiệt “Thực tế ai là người lãnh đạo Việt Minh?”, đó cũng là câu hỏi của Bảo Đại. Anh Phiệt hỏi chúng tôi nên trả lời thế nào? Tôi đề nghị anh cứ nói thẳng là cụ Nguyễn Ái Quốc, vì từ lâu, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã có uy tín rất lớn đối với nhân dân ta và cả nhân dân thế giới. Cụ đã có lời hiệu triệu gửi đồng bào toàn quốc đứng lên cứu nước từ năm 1941. Tôi lại nói với anh Phiệt nên nói rõ cho họ biết khắp nơi đều sắp nổi dậy, cả ở Thừa Thiên - Huế cũng đã sẵn sàng khởi nghĩa. Không nên có ý nghĩ chống lại, có hại cho đất nước và bản thân. Anh Phiệt nói lại với các ông trong nội các những điều tôi vừa nói, đều được họ đồng tình. Lúc này Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, song chúng còn một lực lượng khá mạnh 5000 quân đóng ở Huế, 4000 lính Pháp vừa được thả ra, sẵn sàng đón quân Đồng Minh, không thể coi thường. Chúng tôi cử cán bộ đến gặp viên Tư lệnh Nhật, báo cho họ biết lực lượng cách mạng Việt Minh đã phát triển rất mạnh trong cả nước, yêu cầu họ không nên can thiệp vào nội bộ của Việt Nam. Bây giờ  họ không có vai trò gì ở Việt Nam nữa, sắp về nước, càng nên giữ thái độ trung lập trước phong trào cách mạng đang nổi lên, và cũng khuyên họ nếu có thể thì bán lại cho lực lượng cách mạng một số vũ khí; đổi lại, chúng tôi sẵn sàng cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo đảm không làm gì có hại cho họ. Bọn chỉ huy Nhật tỏ ý đồng tình nên ngay những ngày sau đó chúng tôi công khai tổ chức những cuộc biểu tình, diễu hành mang cả gậy gộc đi qua các trại lính Nhật để biểu dương lực lượng cách mạng và thăm dò thái độ của họ. Bọn lính Nhật chỉ đứng nhìn không chống đối gì. Đối với 4000 người Pháp, chúng tôi cũng khuyên họ không chống lại cách mạng Việt Nam và bố trí lực lượng sẵn sàng đối phó nếu chúng trở mặt.

Công việc chuẩn bị thế là xong.

Ngày 17, 18/8 bỗng chúng tôi nhận được tin ngày 23/8,  quân đội Nhật sẽ tổ chức lễ trọng thể trao quyền độc lập cho chính quyền Bảo Đại. Có thể đó là một âm mưu tráo trở của địch, cần hết sức cảnh giác. Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế do tôi làm chủ tịch, liền quyết định lấy ngày 23/8 làm ngày khởi nghĩa, không để địch biến ngày ấy thành ngày lễ trao quyền độc lập cho chính quyền Nam Triều. Chúng tôi quyết định tất cả các huyện nổi dậy trước, giành chính quyền ở nông thôn; và huy động các lực lượng khởi nghĩa không chỉ ở thành phố mà cả các đội tự vệ và hàng vạn đồng bào các huyện trong tỉnh tập trung về Huế đúng ngày 23/8.

Tin Hà Nội đã khởi nghĩa ngày 19/8 thổi một luồng phấn khởi lớn đến thành phố, càng tăng mạnh uy tín của cách mạng.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 23/8, nhân danh Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, tôi viết một tối hậu thư cho Bảo Đại với ba nội dung chính như sau:

1- Lực lượng cách mạng Việt Nam khắp cả nước và ở Thừa Thiên - Huế đã sẵn sàng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Quân Nhật đã đầu hàng, không có quyền lực gì ở Việt Nam nữa và chính quyền Nam Triều càng không thể tồn tại được nữa.

2- Yêu cầu chính quyền Nam Triều phải giải tán và vua Bảo Đại phải tuyên bố thoái vị ngay.

3- Chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân, tuyên bố bảo đảm tính mạng và tài sản cho Hoàng gia và toàn bộ nội các, kể cả gia đình họ. Đối với lăng tẩm của các vua ngày trước, cách mạng vẫn giữ nguyên vẹn, không làm gì hư hại.

Bức tối hậu thư ấy được đưa cho anh Phiệt để trao ông Phạm Khắc Hoè giao ngay đến Bảo Đại. Chúng tôi không đợi trả lời, vẫn tiếp tục công việc phát động quần chúng. Đến 2 giờ chiều, 10 vạn người toàn thành và các huyện xung quanh đã tập trung về sân vận động Huế. Khắp các đường lớn nhỏ và cả sông Hương đều đỏ rực cờ. Có lẽ trong lịch sử ở Thừa Thiên - Huế chưa có một ngày hội lớn và đẹp đến thế.

Đợi đồng bào tề tựu đầy đủ, tôi nhân danh Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố: “Xoá bỏ chính quyền Bảo Đại, lập chính quyền nhân dân toàn tỉnh, bảo đảm tính mạng và tài sản cho toàn thể đồng bào. Yêu cầu đồng bào tiếp tục sản xuất làm ăn và giữ vững trật tự an ninh. Từ nay, nước ta đã hoàn toàn độc lập tự do. Nhân dân ta được hoàn toàn làm chủ cuộc đời của mình”. Tôi vừa nói đến đây thì thấy một ông đứng tuổi mặc áo gấm xanh được anh em tự vệ đưa đến. Không đợi tôi hỏi, ông ta nói: “Thưa ông, tôi là Phạm Khắc Hoè, Đổng lý Ngự tiền văn phòng, xin được thưa lại với ông rằng nhà vua hoàn toàn chấp nhận những điều Ủy ban khởi nghĩa đã nói trong thư và sẵn sàng tuyên bố thoái bị ngay”. Tôi gật đầu tỏ ý vui lòng và nói “Ông có thể về nói với ông Bảo Đại là cách mạng sẽ làm đúng như lời hứa”. Nói xong tôi tuyên bố to với đồng bào rằng vua Bảo Đại sẵn sàng thoái vị để chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân. Hàng vạn người hô vang như sấm “Việt Nam độc lập muôn năm! Chính quyền nhân dân muôn năm!”. Tôi giới thiệu ngay với đồng bào, đồng chí Tôn Quang Phiệt từ nay là Chủ tịch Ủy ban nhân dân của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng bào lại hò reo vang dậy, vui mừng khôn xiết. Buổi lễ long trọng thế là kết thúc. Đồng bào kéo nhau ra về, từng đoàn, đi qua các đường lớn trong thành phố Huế, hát vang những bài hát cách mạng “Tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh...”

Cuộc khởi nghĩa ở Huế thành công hoàn toàn, không mất một viên đạn và một sinh mạng nào.

Ở đây cần nói thêm một chủ trương mới rất kịp thời và chính xác: Ngay khi về Huế, tôi đã đề nghị Tỉnh uỷ rút khẩu hiệu “Đánh đuổi giặc Nhật, tiễu trừ Việt gian” đã nêu trước đó trong cả nước, vì tình hình lúc này hai khẩu hiệu ấy không còn thích hợp nữa, có thể gây hại, thậm chí đổ máu vô ích. Sau này ra gặp Trung ương, tôi báo cáo lại, được các đồng chí tán thành, cho rằng làm như vậy là đúng vì tình hình ở Huế vào thời điểm ấy vừa có cả quân Nhật, quân Pháp, vừa có cả chính quyền Nam Triều và hàng ngàn quan lại nội các của bộ máy cai trị. Nếu họ hiểu lầm cách mạng tiến công họ, tất nhiên sẽ có những phản ứng phức tạp, thậm chí nguy hiểm.

Khởi nghĩa xong, đêm 23/8 chúng tôi điện ra Trung ương báo cáo kết quả và đề nghị Chính phủ Trung ương cử một đoàn đại biểu vào Huế để chính thức nhận lễ thoái vị của Bảo Đại. Đến ngày 28, đoàn đại biểu của Chính phủ gồm các anh Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế, được đồng bào hoan nghênh nhiệt liệt. Với niềm vui lớn: nước ta đã có Chính phủ Trung ương và vị đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ai cũng biết là cụ Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta.

Ngày 30/8 chính thức làm lễ Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho Đoàn đại biểu Chính phủ Trung ương, trong khi lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ phấp phới bay trên đỉnh cột cờ, vang dậy tiếng hò reo của hàng vạn đồng bào đứng chật đầy trên bãi rộng trước cửa Ngọ Môn.

T.H
(186/08-04)

Các bài mới
Horla (09/09/2009)
Các bài đã đăng