Nói dưỡng lão, nhưng bác vẫn luôn bận bịu. Lúc tôi phóng chiếc xe máy từ từ leo lên cái dốc nhỏ để vào khu vườn của bác, thì bác đã đứng sẵn ở ngoài cổng lớn. “Tôi vừa tiễn một ông khách xong. Ông ấy người ở làng trên, vừa xuống xin chữ” - bác nói. Tôi theo bác Lại vào nhà, ngồi xuống bên chiếc bàn quen thuộc mà lần trước bác đã tiếp tôi. Trên mặt bàn còn la liệt những tờ giấy với các chữ Nho viết với các kiểu khác nhau. Chưa kịp uống ly trà thì có chuông điện thoại. Bác xin lỗi tôi để vào phòng trong tiếp điện thoại. Trở ra, bác thông báo: “Có một ông bạn ngoài Huế hỏi tôi về một vài từ trong cuốn sách tôi dịch cho ông ấy làm tài liệu”. Rồi bác lại nhẹ nhàng vào chuyện.
- À! Lần trước tôi đã nói với anh rằng, khi người ta giới thiệu tôi là người cuối cùng trong nhóm biên dịch MLCBTN, tôi đã xin được nói lại cho rõ, rằng tôi chỉ tham gia trong nhóm đó một thời gian ngắn, và cũng chỉ dịch được chưa đầy nghìn trang. Còn thì công lao của các cụ lão nho cả! Lúc ấy tôi chưa đầy ba mươi, các cụ đều ở cái tuổi trong ngoài sáu mươi cả rồi. Nhưng khi nghe tôi là người đậu đầu kỳ thi vào Viện Hán học, lại là người xứ Quảng, các cụ thích lắm, tôi được tín nhiệm và được “đặc cách” tham gia vào nhóm dịch thuật ấy. Hồi đó là những năm cuối thập kỷ năm mươi, đầu thập kỷ sáu mươi, chính quyền Ngô Đình Diệm dành cho Huế vị trí trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo, một trung tâm bảo tồn, lưu giữ những di sản văn hoá cổ của dân tộc cũng như của vùng Á Đông. Viện Đại học Huế được thành lập năm 1957 thì ba năm sau, Viện Hán học được mở ra, trực thuộc Viện Đại học Huế. Cụ Lương Trọng Hối, một lão nho từ trước 1945, từng làm quan Tuần vũ cùng thời Ngô Đình Diệm, được bổ làm Viện trưởng Viện Hán học. Khi tôi làm việc ở Uỷ ban phiên dịch sử liệu thì Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu làm Trưởng ban, ông Nguyễn Duy Bột được cử làm Thư ký Uỷ ban. Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu người Hà Tĩnh, là cháu của cụ Nguyễn Huy Tự, một gia đình có truyền thống Nho gia nổi tiếng. Trước đó, Giáo sư Trần Kinh Hoà từ Đại học Hồng Kông sang thỉnh giảng đuợc mời làm Trưởng ban Dịch thuật. Chính Giáo sư Trần Kinh Hoà đã thu thập từ các trung tâm tư liệu ở Nhật, Hồng Kông, Anh quốc... đưa về Huế nhiều bộ sách quý. Bộ sử đầu tiên mà Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam chọn dịch, cuốn An Nam Chí Lược của tác giả Lê Tắc, cũng chính là từ nguồn sách mà Giáo sư Trần Kinh Hoà đem sang.
... Còn về MLCBTN, tôi có thể giới thiệu tóm tắt như thế này. Châu bản Triều Nguyễn là tập hợp rất đồ sộ các văn bản biên chép suốt 143 năm trị vì của các vua nhà Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại, bao gồm các loại văn bản: Sắc, Dụ, Chiếu, Chỉ của vua ban; các tờ Tấu, Sớ của các quan trong triều; các tờ truyền, sai, phó, khiển (tương đương với các loại công văn hành chính của các cơ quan, tổ chức nhà nước). Trước năm 1959, theo tôi được biết, thì toàn bộ Châu bản Triều Nguyễn có hơn 700 tập, với hàng trăm nghìn bản ghi bằng chữ Hán. Đó là một kho sử liệu quý giá được các nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử rất quan tâm. Tuy vậy, việc nghiên cứu bị hạn chế, vì kho sử liệu thì đồ sộ, chưa được sắp xếp, phân loại, mà lại được viết bằng chữ Hán. Trước năm 1959, Châu bản Triều Nguyễn bộ gốc với hơn 700 tập được Viện Văn hoá Huế quản lý. Từ năm 1959, Viện Đại học Huế tiếp nhận toàn bộ Châu bản còn lại, khoảng hơn 600 tập, đưa vào khai thác để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu. Để việc nghiên cứu được thuận tiện, từ năm 1959, Uỷ ban phiên dịch sử liệu tiến hành chỉnh lý tài liệu theo thứ tự các đời vua, rồi biên dịch tài liệu theo phương pháp tóm lược, thành từng bản phiếu có phần trích yếu nội dung bằng song ngữ Hán Việt. Theo cách làm việc như thế, không phải toàn bộ Châu bản được dịch, mà chỉ phân loại và dịch tóm lược, vì thế, số văn bản này được gọi là Mục lục Châu bản Triều Nguyễn. Còn cách làm việc lúc đó là như thế này. Theo kế hoạch được sắp xếp đặt từ trước, mỗi thành viên trong nhóm nhận một tài liệu. Ông Nguyễn Duy Bột, Thư ký Uỷ ban, là người trực tiếp đi nhận tài liệu gốc từ người quản thư, rồi giao cho từng người trong nhóm. Người nào cũng phải đọc kỹ các tài liệu được giao, có khi là một bản sớ dài 2 đến 3 ngàn từ, nhưng người biên dịch phải tóm tắt nội dung tài liệu đó trong khoảng 100 từ bằng tiếng Hán, sau đó dịch ra tiếng Việt. Cứ làm một bản tóm tắt khoảng một trăm từ và dịch ra tiếng Việt thì được thù lao khoảng mười đồng. Công việc đó mới đầu làm thì háo hức, nhưng về sau thì nhàm chán lắm. Một điều khác mà tôi thấy, đó là nhiều bản dịch lúc bấy giờ chuyển ngữ còn yếu lắm. Nhiều cụ có hàng vạn chữ Hán nhưng dịch sang tiếng Việt thì rất lúng túng. Thì ra, việc dịch này không phải chỉ có vốn tiếng Hán là đủ, mà chính lại là phải giỏi, phải thạo tiếng Việt mình... Sau gần một năm tham gia Uỷ ban phiên dịch sử liệu ấy, do hoàn cảnh riêng, tôi xin thôi việc, đồng thời cũng thôi học ở Viện Hán học mà chuyển sang Đại học Sư phạm, học chuyên ngành Việt Hán. Dẫu sao, quãng đời ấy cũng để lại cho tôi một vốn tri thức lớn lao, và đa số những người làm việc ở đó cũng đã có nhiều nỗ lực để tạo nên một công trình khoa học rất có giá trị. Chỉ tiếc là, người ta đã không gìn giữ được nó như khi nó được biên dịch công phu ngày nào...”
Chuyện nay
Nhìn vẻ băn khoăn của bác, tôi hỏi: “Vậy số phận của công trình khoa học đó hiện giờ ra sao? Bác còn quan tâm đến đứa con tinh thần đó nữa không?”. “Ồ, sao lại không. Dẫu còn một số khiếm khuyết, nhưng đó vẫn là một kho tài liệu quý hiếm. Tôi chỉ tiếc rằng, nó đã bị mất mát, thất lạc khá nhiều.”
Gần đây, khi tham dự một cuộc hội thảo khoa học ở Huế, tôi được ông Nguyễn Hồng Trân, nguyên Giám đốc Thư viện Đại học Huế một thời gian khá dài sau ngày giải phóng, cho biết hiện nay, thư viện Đại học Khoa học Huế tiếp nhận và lưu giữ được 121 tập bản gốc viết tay của MLCBTN, với 18.191 bản phiếu ghi. Đại học Huế cũng còn lưu trữ 2 tập MLCBTN đã được Viện Đại học Huế xuất bản năm 1960 (Triều GIA LONG), và năm 1962 (Triều MINH MẠNG, phần I, từ năm 1820 đến 1824). Mãi đến năm 1998, nhờ sự tài trợ của quốc tế, thư viện Trường Đại học Khoa học Huế phối hợp với Cục Lưu trữ Nhà nước và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hoá thuộc ĐHQG Hà Nội đã biên tập và xuất bản tiếp được quyển sách MLCBTN tập II MINH MẠNG 6 (1825) và 7 (1826). Tuy vậy, sự mất mát là rất lớn so với thời kỳ Viện Đại học Huế biên dịch và phân loại MLCBTN. Thí dụ, khi Viện Đại học Huế tiếp nhận Châu bản Triều Nguyễn, triều đại Minh Mạng còn 83 tập, thì nay chỉ còn 33 tập. Tương tự, triều Thiệu Trị còn 35/51, triều Tự Đức bị mất mát nhiều nhất, chỉ còn 53 tập so với 352 tập, thiếu hẳn đi 25 năm, từ năm thứ 11 đến năm thứ 35. Còn các tập châu bản từ triều đại Kiến Phúc đến Bảo Đại thì không biết đã chuyển đi đâu. Nhưng dẫu sao cũng thật đáng mừng là, những người quản lý ở Đại học Huế đã rất “biết người biết của”. Họ đã trân trọng giữ gìn những gì còn lại của kho tài liệu này. Từ năm 1985, Thư viện Đại học Tổng hợp Huế bắt tay vào việc chỉnh lý những tài liệu đó trước khi đưa ra phục vụ cán bộ, giáo viên và sinh viên tham khảo, nghiên cứu. Ông Nguyễn Hồng Trân cho biết chính ông và ông Nguyễn Cửu Sà đã bỏ ra 3 tháng sắp xếp lại kho tư liệu quý hiếm đó, bảo quản các tư liệu ấy trong các hộp carton dày và có đánh số, ghi tên triều đại từng vua. Đến năm 1993 Tiến sĩ sử học Đỗ Bang tài trợ cho thư viện sao chụp một bản dùng để phục vụ người đọc, còn bản gốc được sắp xếp cẩn thẩn để lưu giữ bảo tồn. Tuy đã được giữ gìn trân trọng như thế, nhưng chất lượng các bản gốc viết tay của MLCBTN hiện nay đã giảm sút rõ rệt. Ông Trân cũng cho biết, hầu hết các tờ bản phiếu ghi đã vàng thâm, mục ải. Có khoảng 50% bản phiếu giấy bị vàng thâm, 30% giấy bị mục ải...
- “Theo bác thì bây giờ có nên dịch lại Châu bản Triều Nguyễn như nhiều người đề nghị hay không?” Tôi hỏi chen vào, khi bác đang chậm rãi nhấp một ngụm trà.
- “Cần chứ, vì đó là một kho sử liệu lớn và quý lắm. Công việc nghiên cứu càng phát triển, càng đòi hỏi tính khoa học cao, những sử liệu dẫn chứng cần rất chuẩn xác. Xung quanh những những vấn đề về triều Nguyễn, về phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta chống Pháp xâm lược, về nhiều nhân vật trong thời kỳ đó, vẫn còn nhiều điều phải được bổ sung, làm sáng tỏ thêm. Mà những tư liệu trong kho sử liệu quý hiếm như Châu bản Triều Nguyễn, dẫu còn nhiều điều hạn chế, nhưng vẫn là những chứng cứ rất quan trọng cho những nhà nghiên cứu...” Rồi chỉ vào quyển sách mà bác đưa cho tôi lúc tôi vừa đến, bác nói: “Bây giờ, một số người chạy theo mục đích riêng của mình, hoặc chạy theo cơ chê thị trường, vẫn thường ngụy tạo ra một số những tư liệu gọi là tư liệu lịch sử, nhưng thực chất có thể gọi là tư liệu giả hiệu. Tôi viết cuốn sách đó, dựa theo những tư liệu mình đã được đọc trực tiếp từ những ngày xa xưa, có tham khảo thêm tư liệu của mấy người bạn, để bày tỏ ý kiến của mình trước một số hoạt động nghiên cứu sử học của một số nhà biên khảo theo khuynh hướng “đặt lại vấn đề”...
Chiều đã xuống trên vùng xóm đối ven sông. Ánh nắng nhạt của một chiều giữa mùa xuân nhuộm vàng những vòm cây cao trong khu vườn nhà bác Lại và cả khu đồi Phong Bắc mênh mông, nơi có vùng lăng mộ của danh nhân Ông Ích Khiêm vừa được trùng tu tôn tạo khang trang. Bác Lại tiễn tôi ra cổng, cũng vừa lúc những đứa cháu nhỏ đi học về ríu rít ùa vào khoảng sân rộng, lễ phép khoanh tay: “Thưa nội, con đi học về!”. Nét mặt của bác Lại lúc này bỗng như sáng lên, khi nhìn những chiếc khăn quàng đỏ phất phơ trên ngực mấy đứa cháu nhỏ, in lên khuôn mặt các cháu những ánh hồng tươi.
N.T.Đ (186/08-04) |