Tạp chí Sông Hương - Số 188 (tháng 10)
Ghi chép ở trại sáng tác Vinh Hiền - Phú Lộc
08:49 | 01/10/2009
VĨNH NGUYÊNHội VHNT Thừa Thiên Huế chủ trương đưa văn nghệ sĩ về bám sát thực tế địa phương, vùng sâu vùng xa, nên những năm gần đây đã liên tục mở trại sáng tác ở các huyện trong tỉnh. Các năm trước là Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thuỷ và năm 2004 này là Phú Lộc.

Trại sáng tác VHNT năm nay có 20 trại viên, gồm văn học: 10; âm nhạc: 4; nhiếp ảnh: 3; kịch: 2; hội họa: 1. Thời gian mở trại là 15 ngày (từ 18.8 đến 31.8).

Về đến nơi, chưa kịp nghỉ ngơi, 3 nhà nhiếp ảnh Hoàng Hữu Tư, Nguyễn Văn Thanh, Huỳnh Mẫn đã lao vào sáng tác. Bởi cuộc sống sôi động của nhân dân vùng biển, vùng đầm Cầu Hai - phá Tam Giang đang diễn ra trước mắt đã kích thích họ phải lùng sục ngày đêm, tìm các góc chụp nghệ thuật quên cả mỏi mệt.

Họa sĩ Phạm Đình Trọng ký họa liền 5 bức, vội vàng về phòng vẽ của mình để lên toan.

Các trại viên văn học, kịch ngồi viết trong không khí nhộn nhịp của công trường xây dựng cầu Tư Hiền bắc từ chân núi Vĩnh Phong sang đây. Tiếng xe đổ đất, ủi đất, đầm đất liên hồi ở hai phía móng cầu. Xe ô tô chở vật liệu tới tấp về nơi tập kết.Đường chật, đất cát, bụi bay mù mịt.

Cầu Tư Hiền bắc qua cửa biển này với nhiều tên gọi khác nhau qua bao thời kỳ lịch sử. Đầu tiên là Ô Châu Hải Khẩu, sau đó là cửa Tư Dung rồi Tư Dung, rồi Tư Khách, Cửa Biện rồi mới mang tên Tư Hiền cho tới ngày nay. Và, sự vật đổi thay lạ lùng nơi cửa biển này, cho đến giờ cũng chưa ai có thể tính được sức tiềm ẩn biến động ở trong lòng nó.

Mới đây thôi, lúc đang còn tỉnh Bình Trị Thiên, cửa Tư Hiền bỗng dưng cát lấp. Bao sức người sức của đổ ra nạo vét mà vẫn không xong. Nhưng chỉ một cơn bão lũ sau đó, tự nó “bục” lại dòng chảy.

Và xa hơn, năm Tân Mùi 1811 cơn bão lũ dữ dội kéo dài nhiều ngày từ 18.9 đến 16.10, dòng chảy bỏ cửa Tư Dung (cũ) mà mở ra cửa Tư Hiền (mới); “cửa lạch rộng 27 trượng, sâu 7 thước: (Từ điển lịch sử TT-Huế. NXB Thuận Hoá năm 2000, Đỗ Bang (chủ biên) trang 24).

Và bây giờ cầu Tư Hiền đang thi công. Cầu dài gần 1 cây số, có 11 nhịp. Mỗi nhịp cầu như là một ống kính của người nghệ sĩ nhiếp ảnh - mười một ống kính cầu Tư Hiền lao động không mệt mỏi ngày đêm chụp vào cuộc sống: niềm vui, nỗi buồn rồi sẽ hiện ra, thiện và ác rồi sẽ hiện ra. Bởi 11 ống kính cầu Tư Hiền cũng là những con mắt thần của Nhân Dân chung đúc.

Trại tổ chức một chuyến thuyền máy đi Cảnh Dương - Chân Mây. Cửa Tư Hiền cạn, lộ rõ những gờ cát ngoằn ngoèo. Thuyền chạy chậm. Ba nhà nhiếp ảnh thả sức nâng ống kính. Cửa Tư Dung (cũ) như đang mơ màng đẹp tuyệt trần dưới chân núi Vĩnh Phong. Hèn chi Lộc Khê hầu  Đào Duy Từ để hết tâm huyết vào tác phẩm “Tư Dung vãn” khi được chúa Nguyễn tin dùng, ông ca ngợi thắng cảnh nơi này hay ngầm ca ngợi chúa:

            ... Khéo ưa thay cảnh Tư Dung
            Cửa thâu bốn biển nước thông trăm ngòi
            Trên thời tinh tú phân ngơi
            Đêm treo thỏ bạc ngày soi ác vàng
            Dưới thời sơn thuỷ khác thường

“Động đình ấy nước Thái Hàng kia non” là Đào Duy Từ ví cảnh núi sông hùng vĩ của Tư Dung cũng chẳng kém gì cảnh hồ Động Đình núi Thái Hàng bên Tàu vậy.

Thuyền qua doi Bụt, những vòng cung biển đẹp đến mê hồn. Những bờ cát vàng rực, sáng tinh khôi, như chưa hề có dấu chân người. Nó sẽ trở thành những khu du lịch hấp dẫn mà tỉnh đã đầu tư làm con đường vòng đai biển từ xã Lộc Bình vượt doi Bụt để nối với Cảnh Dương, nhưng đường mới tới cửa Tư Dung thì hết kinh phí nên đang dở dang? Cảng Chân Mây hiện ra. Ba nhà nhiếp ảnh nâng cao ống kính. Ông Tâm (chủ thuyền) cho thuyền lượn trở thêm một vòng sát vào cảng. Cảng xây hiện đại quá! Nhìn những cột trụ cầu lớn như vậy là biết trọng tải của những con tàu vào cập cảng. Nghề ảnh sướng thật. Chắc sẽ có nhiều tác phẩm đẹp, đặc tả sống động.

Nhiều trại viên tham dự một lễ phát thưởng do Hội khuyến học thôn Hiền An tổ chức. Các cháu, các em là những học sinh giỏi con của thôn. Năm nay cấp 1 có 31 em; cấp 2: 15 em; cấp 3: 2 em; đậu đại học: 3 em.

Lễ phát thưởng đơn giản nhưng đầy đủ các cấp lãnh đạo địa phương tới dự. Khách ở nước ngoài về, khách đồng hương Sài Gòn ra đều có mặt.Vui sướng nhất, cảm động nhất là đã 12g mà các cụ lão làng vẫn khăn đóng áo dài chờ đợi các cháu các chắt của mình đi học về đông đủ mới tiến hành phát thưởng. Chúng tôi được biết trước đây có anh chỉ đậu đíp-lôm, làng vẫn mời tới để thưởng cho anh hai chai rượu. Với truyền thống ấy, bây giờ mức thưởng theo các cấp học mà nâng cao dần.

Trại sáng tác VHNT mở trên quê hương Hiền An trong mùa lễ thu tế. Đình làng Phù An kiến trúc đẹp, lộng lẫy. Đình xây về hướng nam,soi bóng xuống đầm Cầu Hai và bình phong là một dãy núi hùng vĩ kéo từ Phước Tượng ra đến Vĩnh Phong. Theo luật phong thuỷ, thế đất như vậy là vượng khí lắm! Thực sự, làng có nhiều người học rộng, đỗ đạt cao. Người đi buôn đi bán đâu xa cũng phát đạt. Bà con ở Mỹ, Úc thường gửi tiền về xây nhà thờ họ, xây lăng tẩm ông bà.

Làng Hiền An mỗi năm một lần thu tế. Năm thứ 3 lễ trọng hơn. Năm nay là năm thứ 3, sân đình rực rỡ oai phong. Ba dãy hương án có tàn lọng che. Vật chính lễ đặt ở chính giữa trên hương án phủ vải điều. Âm nhạc là nhã nhạc - đại nhạc cung đình. Các nhạc cụ đặt trên hương án có lọng che.

Ông Phạm Bạch - trưởng ban lễ làng Hiền An làm tướng lễ. Tướng lễ mặc áo dài đen, khăn đóng. Số người hành lễ mặc lễ phục áo dài đen, quần trắng, tất trắng, đội mũ chụp vuông có đuôi sau như là cách để tóc đánh con trít của vua quan thời Càn Long Trung Quóc. Đoàn hành lễ dàn hàng ngang đi vào điện thờ như động tác múa dật lùi, mũi chân sau chạm vào gót chân trước, dậm một dậm, rồi mới bước lên, kính cẩn dâng lễ vật cúng tiên tổ khai canh.

Người có công khai khẩn ra vùng đất này, dòng họ này, đình miếu này thì nay hậu thế phải biết nhớ về các vị tiên hiền, mà dâng tấm lòng thành. Đó là truyền thống văn hoá làng xã bao đời của dân tộc Việt Nam.

Đồn biên phòng 228 là đơn vị có “duyên” với Hội VHNT. Qua những lần mở trại sáng tác ở Cảnh Dương đồn đều mời toàn thể trại viên đi chơi trăng trên phá Tam Giang.

Gió mát trăng thanh. Thuyền rời bến. Thuyền chạy chậm dọc theo nò sáo, vòng vèo lượn tránh các hàng sáo chắn rồi ra giữa phá tắt máy, thả neo. Ba chiếc chiếu đôi trải xuống ván sàn ba khoang thuyền. Bia rót ra ly, mực nướng xé ra dĩa cùng tương ớt, thơm lừng. Trăng sáng, “Ở giữa lòng thuyền dưới nước trên trăng” câu hát của chốn bồng lai tiên cảnh đây rồi!

Ông Nguyễn Văn Ngọc - trưởng đồn 228 tươi vui nói rõ lý do cuộc mời để hướng mọi người vào cuộc vui. Phía làng Hiền An có trưởng thôn Nguyễn Tuyên cùng phu nhân; có chị Chiến - con gái làng cùng chồng là anh Ấn - Đà Nẵng (con rể làng) cùng các già làng ham vui. Phía trại sáng tác có kịch tác gia Nguyễn Tuyến Trung, hói đầu tóc bạc (73 tuổi lớn nhất trại) và nhà văn Nhất Lâm rung rung mái tóc dài bạch kim như là hai già làng. Kịch tác gia Hồ Ngọc Ánh rủ rỉ rụt rè. Nguyên Quân đang một mình suy tư đằng mũi thuyền? Lê Gia Ninh sôi nổi nâng máy ảnh du lịch bảo mọi người nâng ly để bấm máy. (Ba nhà nhiếp ảnh Hoàng Hữu Tư, Văn Thanh, Huỳnh Mẫn đang đi săn ảnh đêm nơi khác không về kịp, sau đó mới tiếc). Nhà thơ Vĩnh Nguyên đứng trên sạp thuyền giới thiệu “quân mình”...

Không có đàn địch gì. Ai muốn hát, kể chuyện, đọc thơ thì đứng lên trình bày hoặc cứ ngồi tuỳ thích. Cú mời của ông Đồn quá đột ngột nên bốn nhạc sĩ mới lên Huế không còn kịp quay trở. Cây nhà lá vườn ta cứ hát chay. Đồn trưởng Ngọc giọng ấm và khoẻ nhưng hôm nay chẳng hiểu thế nào mà hát hai bài thì cả hai đều không đến được câu cuối. Nhất Lâm mở đầu bằng kể chuyện rồi đọc bài thơ “Khóc Hoài” của nhà thơ Vĩnh Mai quá cố. Anh đọc tiếp bài “Chạng vạng” của Nguyễn Văn Phương để nhớ Phương-xích-lô mới từ giã chúng ta. Trước khi đọc anh không quên rót ly bia thật đầy rồi xin lỗi mọi người, đổ bia xuống phá cho Phương được uống trước mình. Lê Gia Ninh đọc bài thơ “say” của nhà thơ Phùng Quán. Vĩnh Nguyên đọc thơ về bão lũ mà cơn đại hồng thuỷ 1999 phá lại cửa Eo...

Và có một khoảng lặng yên. Khoảng lặng yên như một nốt lặng xao xuyến trong âm nhạc. Nhiều người đưa mắt tình tứ cho nhau. Các cụ già làng ngồi chiếu bên kia đã bàn cãi râm ran. Là dự ứng lực xây cầu với khí động học ở máy bay phản lực, tên lửa khác nhau ra sao? Toàn những thuật ngữ khoa học công nghệ hiện đại mới ghê chứ! Tôi nghe mà mừng thầm: kiến thức dân chúng đã ở tầm cao...

Kết quả trái sáng tác VHNT năm nay thu được: 7 truyện ngắn, 4 bút ký, 16 bài thơ, 4 ca khúc, 5 bức tranh, 60 bức ảnh, 2 kịch bản phim và sân khấu.

Có 6 trại viên được chọn tuyên dương bởi tinh thần lao động cần mẫn mang lại tác phẩm có chất lượng cao: Một là kịch tác gia Nguyễn Tuyến Trung với truyện phim “Vườn trăng huyền thoại”. Phim truyện dài, 30 trang khổ giấy A/4, gồm 37 trường đoạn, phân cảnh. Hai là kịch tác gia Hồ Ngọc Ánh với vở kịch dài 7 cảnh với tựa đề “Chị em Sông Hai Nhánh”. Ba là họa sĩ Phạm Đình Trọng với 5 bức tranh: “Đường về Phú Lộc”, “Thuý Vân”, “Cuộc sống đầm phá”, “Biển và cá”, “Công trường cầu Tư Hiền” (tác giả còn nói: sẽ vẽ tiếp 2 bức khi hai công trình “Cầu Tư Hiền” và “Cảng cá Tư Hiền” hoàn thành. Và ba nhà nhiếp ảnh Hoàng Hữu Tư, Văn Thanh, Huỳnh Mẫn mỗi người chụp hết 10 cuộn phim, mỗi người nộp trại 20 bức ảnh và mỗi người đều có nhiều bức ảnh đẹp, mang tính nghệ thuật cao.

Trại sáng tác VHNT 2004 đã kết thúc, nhiều anh em hội viên lại đang trông ngóng đến mùa mở trại năm sau.

Hiền An, 31-8-2004
V.N
(188/10-04)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng