Tạp chí Sông Hương - Số 188 (tháng 10)
Đọc lại “Cỏ dại” của Lỗ Tấn (1881 - 1936)
09:10 | 01/10/2009
TRẦN ĐÌNH SỬTrong sáng tác văn học của nhà văn Lỗ Tấn, Cỏ dại  là tập thơ văn xuôi giàu tính hiện đại nhất xét về tư duy, tư tưởng và hình ảnh. Tuy nhiên trong một thời gian dài, phẩm chất nghệ thuật này đã không được nhìn nhận đúng mức.
Đọc lại “Cỏ dại” của Lỗ Tấn (1881 - 1936)
Nhà văn Lỗ Tấn - Ảnh: wikimedia.org

Mọi người đều biết việc đánh giá tác phẩm văn học cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào việc đánh giá tổng quát sáng tác của tác giả hoặc cả một thời đại. Khi đã có một đánh giá tổng quát, hoàn tất về một tác giả hoặc một thời kỳ văn học thì nhiều khi tính độc đáo của một tác phẩm cụ thể nào đó dễ dàng bị hi sinh.

Thật vậy, trong phương hướng chính trị hoá việc nghiên cứu Lỗ Tấn ở Trung Quốc, “nhà văn vĩ đại”, “vị chủ trương của cách mạng văn hoá”, “ngọn cờ của văn học cách mạng phản phong phản đế”, thì mọi tác phẩm của ông phải được đánh gía theo những tiêu chí đó. Trong bước đường tư tưởng của nhà văn từ chủ nghĩa cá nhân, giải phóng cá tính đến với lý tưởng cộng sản, từ tiến hoá luận đến giai cấp luận, thì rất dễ hiểu là một tác phẩm văn học như Cỏ dại sẽ không có nhiều ý nghĩa, khó có vị trí, thậm chí nhiều lắm, nó chỉ là một hiện tượng văn học có tính chất nhất thời, là khúc đệm để nhà văn tự vượt qua mà tiến tới chủ nghĩa cộng sản! Một khuynh hướng nghiên cứu khác là khẳng định Lỗ Tấn như một nhà văn hiện thực nghiêm nhặt, tỉnh táo, sâu sắc, vĩ đại, mà như vậy thì bút pháp tượng trưng, siêu thực trong Cỏ dại sẽ trở thành khó hiểu, không dung hoà, nó chỉ được xem như là một chút dao động của nhà văn trên con đường của chủ nghĩa hiện thực, hoặc một chút mềm lòng của nhà văn vĩ đại.

Một khuynh hướng phổ biến là nghiên cứu Lỗ Tấn theo chủ đề chủ nghĩa nhân đạo, theo đề tài nông dân và trí thức, theo đó, người ta thật khó mà đặt Cỏ dại vào vị trí nào trong hệ thống đề tài và chủ đề đó. Tôi nhớ vào cuối những năm năm mươi, nhà nghiên cứu Tiệp Khắc là bà Bentra Klêbôxôva đã cảm thấy nghiên cứu hình tượng tượng trưng trong Cỏ dại là một việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, vì dễ rơi vào hố sâu suy diễn chủ quan (Lỗ Tấn và “Cỏ dại” của ông). Thời ấy người ta đánh giá Cỏ dại như tập thơ văn xuôi nói về cuộc đấu tranh riêng tư để tự vượt lên chính mình của nhà văn, về cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống thế lực đen tối đang ám ảnh, là tập thơ thể hiện nỗi u uất và buồn đau, nỗi căm hờn và tinh thần chiến đấu!

Ngày nay nhìn lại, cách đánh giá tác phẩm của nhà văn theo các xu hướng tư tưởng như vậy, tuy vẫn đúng, nhưng đã tỏ ra không còn đầy đủ, vô tình đã biến tác phẩm thành minh họa cho một mô hình tư tưởng. Nhiều nhà văn Trung Quốc đương đại tỏ ra tâm đắc với nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, khi ông viết trong tác phẩm Di sản đã mất giá của Xecvantex: “Trước đây tôi cũng tin rằng tương lai là kẻ duy nhất có tư cách đánh giá tác phẩm và hành vi của chúng ta, về sau tôi hiểu rằng chạy theo tương lai là kẻ nịnh bợ đê tiện nhất trong những kẻ nịnh bợ, là sự xun xoe khiếp nhược trước cường quyền. Nhưng nếu tương lại không còn là một giá trị đối với tôi thì đâu là điểm quy về của tôi? Thượng đế ư? Quốc gia ư? Nhân dân ư? Cá nhân ư? Câu trả lời của tôi tuy rất phi lý nhưng cũng rất thành thực.Tôi không lấy cái gì làm điểm quy về cả... Chỉ nhìn về tương lai là đã làm giảm đi ý nghĩa của hiện tại! Nhưng chính cái hiện tại mở đường cho tương lai”. Có lẽ tất cả các nhà văn đi tìm cứu cánh, sau chặng đường tan vỡ đều dễ dàng rút ra kết luận tương tự như Kundera. Điều đó có nghĩa là nghiên cứu tác phẩm phải trở về với tác phẩm cũng như nghiên cứu tác giả phải trở về với bản thân tác giả.

Giá trị nổi bật của Cỏ dại trước hết là thể hiện sự thể nghiệm của bản thân nhà văn đối với cuộc đời, đối với hoàn cảnh và thái độ sống của ông trước hoàn cảnh đó. Đọc Cỏ dại mới thấy hình ảnh tượng trưng là thích hợp nhất để nói lên một cách khái quát những phạm trù về cảm giác nhân sinh.

Thế giới trong Cỏ dại là thế giới tượng trưng đầy những đồng vắng, mồ hoang, địa ngục hoang phế, thung lũng băng giá, trận địa không có đối tượng, thế giới của hoang tàn và đầy bụi bặm. Đó là hình ảnh của đời sống xã hội văn hoá giữa và cuối những năm 20 của thế kỷ XX ở Trung Quốc, một thời kỳ cực kỳ đen tối. Thời gian trong các tác phẩm thường là đêm đen, hoàng hôn, đêm khuya. Thế giới trong Cỏ dại phần nhiều là thế giới trong mơ, giấc mơ có thể đưa nhà thơ trở về quá khứ hoặc vượt tới ngày sau, hoặc đi vào thế giới siêu thực. Trong thế giới ấy không gian sinh tồn rất hạn hẹp. Chiếc bóng muốn từ giã người chỉ quẩn quanh lựa chọn giữa ánh sáng và bóng tối: bóng tối sẽ nuốt chửng cái bóng, còn ánh sáng thì sẽ làm nó biến mất! Người khách trong bài Kẻ qua đường phía sau là con đường chứa đầy giả dối, không muốn quay lại, mà phía trước thì chỉ là nghĩa địa. Ngọn lửa hồng trong bài Ngọn lửa chết nếu ở trong hang băng giá thì bị đông cứng, trở thành ngọn lửa chết, nhưng nếu ra khỏi hang băng thì sẽ bị cháy hết veo. Đó là thế giới buộc con người phải tự lựa chọn quyết liệt. Thế giới Cỏ dại hầu như không có tương lai đáng để trông chờ. Cái cảnh vợ chồng đứa con gái sỉ nhục bà mẹ đã từng bán mình để nuôi nó khôn lớn, rồi đuổi bà đang đêm ra chốn đồng không mông quạnh đã cho thấy điều đó. Cái nghĩa địa trong Khách qua đường cũng vậy. Cái cảnh sau khi chết cũng không có gì lạ - kẻ yêu thì cầu cho được yên, kẻ ghét lại chúc cho thối rữa, còn ruồi nhặng được dịp vo ve. Những đoa hoa nhỏ trong bài Đêm thu đang mơ một mùa xuân, ngọn lá xanh mơ mùa thu, bốn mùa tuần hoàn cũng chẳng có gì mới. Có thể nói toàn bộ tượng trưng trong Cỏ dại là tượng trưng về hiện thực, nó hướng người ta quan tâm tới hiện thực. Toàn bộ hứng thú của nhà văn là hướng vào cảm nhận tình huống thực tại với những mâu thuẫn, lựa chọn khắc nghiệt của nó. Nhưng thực tại là gì cũng không nắm bắt được! Đó là một thực tại bi kịch, bóng đen lấn át tất cả. Lỗ Tấn đã tuyệt vọng tới mức hoài nghi các hy vọng. Ông nhắc lại bài thơ của Pêtôphi:

            Hy vọng là cô gái điếm

            Ai nó cũng quyến rũ, ai cũng dâng mời.

            Chờ đến khi anh tiêu phí hết cái quý nhất đời

            Là tuổi trẻ, cô ả liền rời bỏ anh.

Lỗ Tấn cảm thấy xung quanh là đêm tối đang tấn công. Ông cầm cái mộc ra chống đỡ, nhưng làm sao chống được, khi cả đằng trước và đằng sau cái mộc lại vẫn là đêm đen! Và ông rơi vào tình huống hoàn toàn tuyệt vọng, khi ngay cả đêm đen như cũng không phải là có thật! Thế giới của ông đầy xảo quyệt, ngụy trang, dối trá. Ông rơi vào một thế giới không có đối tượng. Trong bài Người chiến sĩ như thế ông viết: “Trên đầu những kẻ (kẻ thù mà ông gặp - TĐS) đều có đủ các loại cờ, thêu đủ loại danh hiệu đẹp đẽ, nhà từ thiện, học giả, nhà văn, trưởng giả, thanh niên, tao nhân, quân tử, dưới đầu lại có đủ các loại áo khoác, thêu các loại hoa văn, học vấn, đạo đức, quốc tuý, dân ý, logic, công ích, văn minh, phương Đông...:. Nhưng khi bị đánh gục thì những kẻ thù đều biến đâu mất, chỉ còn lại các danh hiệu, và hoá ra ông chỉ chống lại các danh hiệu! Ngay nỗi đau cảu bản thân mình ông cũng không cách gì cảm thấy được. Trong bài Văn bia mộ, ông mơ thấy một nấm mồ hoang, tấm bia lở lói, còn đọc được mấy chữ: “Moi tim tự ăn để muốn biết mùi vị nỗi đau. Nhưng đó là lúc đau đớn tột cùng thì còn làm sao biết được mùi vị nữa! Sau khi hết đau, mới từ từ ăn tim. Nhưng lúc ấy trái tim đã cũ rồi còn làm sao biết được mùi vị của nó nữa?!.” Vậy là hiểu môi trường đã khó, mà hiểu bản thân mình cũng hầu như không được! Qua những bài này, Lỗ Tấn đã thể hiện được cái giới hạn nhận biết hữu hạn của con người, đó cũng là một giới hạn bi kịch của con người muốn chiếm lĩnh thế giới. Thậm chí phải trải qua cái chết, con người mới nhận thức được mình. Trong bài Đề từ Lỗ Tấn nói: “Sinh mệnh quá khứ đã chết. Tôi rất vui mừng vì nhờ cái chết  đó mà tôi biết mình đã từng sống. Cái sinh mệnh chết đã rữa nát rồi. Tôi rất vui mừng, vì nhờ sự rữa nát đó mà tôi biết nó chưa từng trống không”. Cỏ dại tuy là tượng trưng nhưng lại là rất thực. Nhiều người đã nhận xét rất đúng Cỏ dại là nhật ký tâm hồn của nhà văn.

Giá trị nổi bật thứ hai của tập Cỏ dại là thể hiện một con người tỉnh táo, ngoan cường, một cá tính mạnh mẽ. Tập sách đã thể hiện tất cả tình cảm yêu, ghét, vui, buồn, khinh bỉ của một nhân cách lớn.

Lỗ Tấn là người khinh bỉ và căm ghét mọi thứ che đậy, giả dối và lừa bịp. Ông ghét nhất mọi thứ danh hiệu và chiêu bài để lừa mị. Cuộc sống không thể thiếu các danh hiệu, nhưng có lẽ Lỗ Tấn là người hiểu rõ hơn ai hết mặt trái và sự nguy hiểm của các thứ danh hiệu, chiêu bài! (trong bài Người chiến sĩ như thế). Lỗ Tấn ghét mọi giọng điệu và tư thế van xin đê tiện (Đứa van xin). Lỗ Tấn ghét sự vô ơn (Sự run rẩy trên đường đồi bại), ghét sự phỉnh nịnh (Lập luận), ghét sự xu phụ (Người thông minh, thằng ngốc và nô tài). Lỗ Tấn ghét  đám đông thích xem sự ồn ào, xem cảnh người khác ẩu đả, xâu xé, đánh ghét nhau (Trả thù) một cách ngu muội.

Có một loại người không sáng tạo cái gì, không làm được gì, nhưng thích xúm đen xúm đỏ, đưa chuyện, bình phẩm một cách ngu xuẩn mọi sự mà họ chẳng hiểu gì. Chúng ta đồng loã của các thế lực xấu xa, khiến Lỗ Tấn muốn trả thù. Lỗ Tấn có hai bài Trả thù dành riêng cho loại người đó.

Nhưng nổi bật nhất trong tập Cỏ dại  là hình ảnh một người sẵn sàng hy sinh và chiến đấu đến cùng, không run tay, không dao động. Đó là hình ảnh Người chiến sĩ như thế, lúc nào cũng sẵn sàng nâng cao ngọn lao ném vào thế lực đen tối. Đáng tiếc là ở bản dịch tiếng Việt, người dịch đã dịch hỏng hoàn toàn bài này, biến nó thành một nhân vật phản diện “Hạng chiến sĩ ấy”. Đáng lẽ phải dịch là “Nhưng anh ta đã nâng ngọn lao lên” thì lại dịch ngược lại thành “Nhưng anh ta đã  bỏ mũi lao xuống” một cách không sao hiểu được?! Lỗ Tấn khi là cái bóng, ông thà bị bóng tối nuốt chửng chứ không muốn choán phần ánh sáng. Lỗ Tấn khi là ngọn lửa chết, ông muốn được bùng cháy để toả sáng. Lỗ Tấn khi cần cầu xin ông sẽ vô vi và im lặng để nhận lấy phần trống không cho mình. Ông thà đi tới phía nghĩa địa chứ không trở lại với con đường đầy sự lừa dối! Ông sẵn sàng làm thằng ngốc để trổ một cái cửa cho ngôi nhà ngột ngạt, mặc cho người ta vu cáo ông là kẻ phá nhà. Là vị chúa Giêsu, ông thà không chịu uống thuốc giảm đau, mặc cho bọn đồ tể đóng đinh lên câu rút để cảm thấy được sự tàn bạo của chúng. Lỗ Tấn luôn là người hành động để chống lại sự tuyệt vọng. Nhưng Lỗ Tấn cũng chống lại mọi hy vọng và không tưởng! Chỉ có hành động và chiến đấu mới chứng tỏ tồn tại của chính mình. Đó là cả một triết lý nhân sinh của ông, triết lý của một người tri thức trong một xã hội lạc hậu. Lỗ Tấn là một con người cô đơn, nhưng là một con người mạnh mẽ. Lỗ Tấn là một Đông Ki sốt tỉnh táo và không hề hoang tưởng, một Đông Ki Sốt có ý thức, vì vậy mà ông là một hình tượng bi kịch sâu sắc.

Cỏ dại của Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng sâu sắc của tác phẩm thơ văn xuôi Con đường tình yêu của Tuôcghenhep. Đó là một tập thơ rất nhiều tượng trưng. Thiếu nữ tượng trưng tuổi trẻ, tiên nữ tượng trưng thiên nhiên, rặng núi tượng trưng vĩnh hằng, bậc của tượng trưng cho trở ngại, buộc phải bước qua... Trong tập thơ Tuốcghenhép cũng xây dựng hình tượng một cô gái Nga quyết tâm hiến dâng tuổi trẻ cho Tổ Quốc, dù có phải chịu đói, chịu rét, chịu nhục, ốm đau, ngục tù... Đặc biệt, trong tập thơ của mình, Tuốcghenhép cũng nhiều lần sử dụng hình thức giấc mơ, như “Tôi mơ thấy”. Tuôcghenhep có 9 bài mơ, Lỗ Tấn có 7 bài mơ. Tuốcghenhép có nhiều bài nói đến cảm giác về tuổi già; đến cái chết, nấm mồ. Lỗ Tấn cũng có nhiều bài nói tới các chủ để ấy. Tuy nhiên Lỗ Tấn thể hiện một tinh thần chiến đấu không khoan nhượng, một tinh thần tự khẳng định bằng hoạt động. Lỗ Tấn tự khắc họa mình thành một kẻ qua đường rách rưới như kẻ ăn mày, như một kẻ lưu đày, và cũng tự khẳng định sự tồn tại của mình bằng hành động. Ông có vẻ như một nhân vật của chủ nghĩa hiện sinh. Nhưng khác với tất cả, Lỗ Tấn muốn phá huỷ cái địa ngục hiện tại, muốn dòng dung nham dưới mặt đất tuôn trào để thiêu huỷ mọi thứ cỏ dại. Cây táo trong vườn của ông vẫn vươn những cành nhọn đâm thẳng lên bầu trời kì dị mà lại cao. Điều nổi bật ở Cỏ dại vẫn là một tinh thần chiến đấu chống các thế lực đen tối.

Cỏ dại hoàn toàn không phải là một tác phẩm đệm, một sản phẩm quá độ trên bước đường tư tưởng của nhà văn Lỗ Tấn. Cỏ dại là một tác phẩm độc lập hoàn chỉnh có hệ thống hình tượng và nội dung triết lý nổi bật. Tính chất này càng ngày càng được các nhà nghiên cứu Trung Quốc đương đại nhận ra. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu Tiền Lý Quần lấy hệ thống biểu tượng trong Cỏ dại làm điểm xuất phát để viết cuốn Tìm kiếm tâm hồn năm 1988, tái bản năm 1999; nhà nghiên cứu Uông Huy dựa vào nội dung Cỏ dại để làm sáng tỏ tinh thần “phản kháng tuyệt vọng” trong truyện ngắn Lỗ Tấn. Càng trở về với bản thân Lỗ Tấn, người ta càng hiểu sâu sắc hơn tính độc đáo trong sáng tác của ông. Đó cũng là bài học chung cho nghiên cứu văn học.

T.Đ.S
(188/10-04)



Các bài mới
Các bài đã đăng