Tạp chí Sông Hương - Số 247 (tháng 9)
Phương Chi, người nâng giữ hồn thơ Vĩnh Mai
15:09 | 02/10/2009
TRUNG SƠNVậy là tôi không còn dịp để được thăm chị nữa rồi!Mấy năm trước, khi nhà văn Nhất Lâm, một người cháu của nhà thơ Vĩnh Mai, cho biết chị Phương Chi đã phải vào sống những năm cuối đời tại Trại Dưỡng lão ở Hà Đông, tôi đã phải thốt lên: “Trời! Sao lại thế?!...”
Phương Chi, người nâng giữ hồn thơ Vĩnh Mai
Văn nghệ sĩ Huế dự lễ gắn bia tưởng niệm vợ chồng Vĩnh Mai-Phương Chi tại đồi Từ Hiếu

Một người như chị Phương Chi, kể cũng thuộc hàng “tài sắc vẹn toàn” mà sao phải chịu quá nhiều thua thiệt? Chẳng phải vì thương quý chị mà tôi nói vậy. Nếu không có tài, dễ gì chị được chọn vào Huế dự lớp huấn luyện đào tạo cán bộ tỉnh do Xứ uỷ Trung kỳ mở với các “thầy giáo” danh tiếng như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hải Triều… cho 16 tỉnh ngay khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công và năm 22 tuổi (1946) chị đã được cử làm Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá); khi đã là bà cụ ở tuổi “cổ lai hi”, vẫn biên soạn được mấy cuốn sách, vẫn sáng tác những vần thơ làm xúc động bao người: “Em nơi đây, anh đã xa xôi/ Trăng tròn bỗng sẻ chia hai nửa/ Non nước cũ…bóng lồng hai đứa/ Riêng mình em dõi nửa trăng soi! (Trích bài thơ “Nhớ anh Vĩnh Mai). Và nếu không có sắc, dễ gì trong gần trăm nam thanh nữ tú dự lớp học ở Huế hồi ấy, “thầy giáo” Vĩnh Mai lại chỉ nhìn chị “như thôi miên” và sau mấy năm xa cách vì kháng chiến, bóng hồng quê xứ Thanh ấy vẫn in sâu vào tâm khảm thi nhân: “Tiếp tiếp thư đi, thư chẳng về/ Tâm tình lặng lẽo ngấm trăng khuya/ Chao ôi! Những phút chờ mong ấy/ Cả một nghìn năm đọng nặng nề”. (Trích bài “Nhớ Phương Chi” của Vĩnh Mai viết tại Đô Lương 2 giờ khuya 22/8/1950).

Kể ra, về “tài sắc”, trong lớp thanh nữ có học sớm đến với cách mạng thời ấy, có không ít chị tài sắc hơn Phương Chi, nhưng đức độ “trung hậu đảm đang”, được bà con bạn bè và nhiều văn nghệ sĩ yêu quý như chị Phương Chi thì tôi đoan chắc là hơi bị… hiếm, mặc dù cuộc đời riêng của chị không may mắn. Tôi có thể kể ngẫu nhiên hàng loạt văn nghệ sĩ nhiều thế hệ thân thiết với chị, không chỉ và không phải vì họ là bạn cùng thời với nhà thơ Vĩnh Mai: Trần Hoàn, Trần Hữu Thung, Xuân Hoàng, Lương An, Nguyễn Bao, Đào Ngọc Chung, Thiếu Mai, Sơn Tùng, Trần Lê Văn, Phan Xuân Hạt, Ngô Quân Miện, Phạm Hổ, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Và như tôi, chẳng là đồng hương, cũng khác thế hệ, lại ít khi gặp nhau, vậy mà không sao quên được lần ghé quán nước nhỏ của chị bên đường Lê Trực (Hà Nội) hơn hai chục năm trước để tặng chị cuốn Tạp chí “Sông Hương”. “Em vừa ở Huế ra à!...” Ôi chao! Nụ cười, ánh mắt bừng sáng, giọng nói vồn vã như với người thân lâu ngày gặp lại. Rồi chị hỏi thăm người này người kia với đủ thứ chuyện ở Huế, tưởng như Cố Đô là quê hương của chị…

Về sau, tôi mới biết, hầu như chị đối đãi với mọi người, nhất là anh chị em văn nghệ sĩ, đều thân tình và ân cần như thế; thậm chí có người từ xa về, đã ở lại nhà chị cả tuần. Chị còn nuôi mấy đứa cháu ăn học, dù thời buổi đó muốn đong gạo, mua bìa đậu phụ cũng phải có tem phiếu. Anh Vĩnh Mai lại có tính “hay cho”, có lần chị tích góp đan được chiếc áo len cho anh, ít hôm sau đã thấy “mất”, thế là lại chắt chiu từng đồng mua len rồi cặm cụi đan cho anh chiếc áo khác…

Cũng về sau tôi mới biết, chị và cả anh Vĩnh Mai luôn coi Huế là quê hương thứ hai của mình. Điều đó, với anh Vĩnh Mai cũng dễ hiểu. Anh quê Quảng Trị, đỗ tú tài ở Trường Khải Định (nay là Quốc học Huế), tham gia hoạt động cách mạng bị đày lên Buôn Mê Thuột, sau Huế 8/1945 ra tù, về làm Chủ tịch thị xã Tuy Hoà, năm 1946 được Xứ uỷ Trung kỳ điều về làm Bí thư Thành uỷ kiêm phụ trách báo “Quyết Chiến” ở Huế… Như thế, dải đất sông Hương núi Ngự là cái nôi sinh thành nên nhà thơ - nhà cách mạng Vĩnh Mai, nhưng với chị Phương Chi thì Huế với lớp huấn luyện ngắn ngày chỉ như là một trạm dừng chân trên đường đời vạn dặm. Vậy mà…

Thì ra, số phận con người ta có khi được định đoạt chỉ trong khoảnh khắc. Với chị Phương Chi, khoảnh khắc đó là lúc đôi mắt “thầy” Vĩnh Mai nhìn như xoáy vào tận con tim đang hồi hộp của cô học viên tỉnh Thanh trong lớp huấn luyện năm 1946 ở Trường Hậu Bổ (Huế). Chị Phương Chi gọi đôi mắt ấy, cái nhìn ấy đã tạo nên cuộc gặp “định mệnh” của đời chị. “Thầy” và “trò” chỉ nhìn ngó nhau, thầm để ý đến nhau trong lớp huấn luyện mấy tháng rồi chia tay. Một chút bâng khuâng, một chút thẹn thò khi “trò” đưa cuốn vở xin “thầy” chép tặng bài thơ. Chỉ vậy thôi, chứ nào đã hò hẹn chi. Mà “kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ”, Phương Chi trở về quê, còn Vĩnh Mai ở lại với “Bình Trị Thiên khói lửa” với cương vị Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị. Vậy mà...

Thật khó biết chắc là vì số phận hay duyên phận đã gắn kết hai người với nhau. Bao nhiêu là xa cách và ngăn trở; không chỉ ngăn cách về không gian mà còn bị một số người ngăn trở, nên mặc cho chàng “tiếp tiếp thư đi” mà “thư chẳng về”. Sau này, chị Phương Chi mới biết một số chị em ở cơ quan đọc lén rồi giấu thư Vĩnh Mai gửi cho chị, vì không muốn hai người nên vợ nên chồng. Có thể vì định kiến máy móc thời đó cho rằng chuyện yêu đương hãy đợi ngày kháng chiến thành công. Cũng có thể vì ảnh hưởng của “người thứ ba”. Đó là một chính trị viên trung đoàn tên là T.Q.C, thuộc loại “đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu” đã ngỏ lời cầu hôn với chị trong dịp chị về dự lớp học chính trị, triết học do Khu uỷ Liên Khu Tư tổ chức ở Nghệ An năm 1949. Nhưng mặc cho “tổ chức” gán ghép, bố trí T.Q.C về tổ chị hướng dẫn học tập để gần gũi nhau, mặc cho C. là một chàng trai “trẻ đẹp, da trắng, hồng, mũi dọc dừa, miệng rất tươi, mắt đen láy thông minh”, rút cục chị vẫn kiên quyết báo cáo với tổ chức để “từ hôn”…

Đã có lúc tôi thoáng nghĩ: Nếu như chị Phương Chi nhận lời với anh C. ngày đó thì có thể… Chỉ thoáng nghĩ vậy thôi, chứ đẩy ý nghĩ đi xa hơn thì không chừng vì cảm thương cho số phận chị, mà hoá ra xúc phạm đến những tình cảm cao quý của chị; vả lại, trong cuộc đời, nào ai học hết chữ “ngờ” và quan niệm “hạnh phúc” đâu phải ai cũng giống ai. Có điều, suy ngẫm về cuộc tình mà chị Phương Chi gọi là “định mệnh” này, tôi có cảm tưởng là chỉ riêng mối tình “sét đánh” trong khoảnh khắc “thầy” nhìn như “thôi miên” trò trong một lớp học ít ngày không đủ tạo nên sức mạnh và cả chất “kết dính” thắng được những lực cản đủ kiểu trên đường đời trắc trở. Cũng không hẳn là vì “định mệnh” nên con người ta không cưỡng lại được. Phải chăng xoắn xuýt, quyện lẫn với mối tình “sét đánh” như của bao đôi lứa trên đời, là tình thơ, tình đồng chí trắng trong, tinh khiết những ngày đầu cách mạng hào hùng mà lãng mạn.

Phải! Nếu trong những tháng ngày Vĩnh Mai bám chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa”, thư anh gửi ra xứ Thanh lại không đến được tay chị, mà Phương Chi không bất ngờ đọc được bài thơ “Khóc Hoài” trên một tờ báo treo ở mái “Nhà Thông tin” bằng tre lá bên đường kháng chiến Thanh Hoá - Cầu Bô thì biết đâu…chị đã nhận lời với một chàng trai khác! Trong hồi ký “Đến Huế” (“Vĩnh Mai - bản lĩnh thi nhân”- NXB Lao động, 2008) chị đã kể lại cảm giác của mình lúc đó: “…Lòng tôi thật khó tả, vừa vui mừng, vừa hồi hộp, tự hào đến nghẹn ngào. Tôi đọc một mạch bài thơ đến hai lần là thuộc trong niềm say sưa phấn khích….” Nói đến Vĩnh Mai, những người “sành thơ” đều nhắc hai câu thơ: “Mùa thu dừng lại ở Long Biên/ Để lại mình tôi lên Vĩnh Yên”. Nhà thơ Ngô Văn Phú từng thú nhận: “Tôi ở Hà Nội nhiều mà vẫn không khỏi sửng sốt khi đọc câu thơ” ấy. Tuy vậy, những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, bài thơ “Khóc Hoài” của Vĩnh Mai với giọng điệu dân dã mà chân thật - “những dòng chữ nứt ra từ máu thịt nông dân” (Hoàng Phủ Ngọc Tường) đã được rất nhiều người thuộc: “Tau với mi hẹn nhau từ Khu Bộ/ Lúc trở về cố sáng tác văn chương…/ Nhưng một hôm như sét đánh ngang tai/ Tau sửng sốt nghe tin mi đã chết…/ Chiều hôm nay lật đống báo trong hầm/ Tau thấy một bài thơ mi nóng hổi…/ …Nghe lau lách xạc xào bên phía cửa/ Nghe giun dế rì rầm tau ngờ ngợ/ Như nghe mi tâm sự với lòng tau..”

Tôi bỗng hình dung trên những nẻo đường kháng chiến, người cán bộ phụ nữ tỉnh Thanh, thỉnh thoảng lại đọc “Khóc Hoài” cho bạn bè nghe, hoặc nghe người ta ngâm ngợi “Khóc Hoài” trong các cuộc họp, lòng tự hào thầm nhủ: “Thơ của thầy Vĩnh Mai… người yêu của mình đó!” Ai có thể xen vào được trái tim người con gái tràn đầy tình cảm đắm say mà thiêng liêng như thế!

Và Trời đã không phụ lòng người: Mùa thu năm 1948, cũng trên đường Cầu Bô-Thanh Hoá, lúc Phương Chi đi ngang một cái quán thì chợt nghe tiếng gọi tên mình, chị reo lên: “A! Anh Vĩnh Mai!…” Anh cùng hai người bạn ra họp và sắp trở lại Bình Trị Thiên. Chị mời các anh bữa cơm với tôm cá tươi, nghe đọc thơ, hẹn năm sau lại gặp nhau rồi chia tay. Anh tặng chị tấm ảnh nhỏ với lời ghi như không có tình ý gì và rất “lập trường”: “Tặng Phương Chi để nhớ Huế đẹp và thơ nhưng không kém anh dũng”. Chị dõi nhìn anh, hình dung những chặng đường cheo leo nguy hiểm qua U Bò, Ba Rền, lòng thắt ruột vì lo lắng. Và đúng như lời hẹn, một năm sau, Vĩnh Mai được điều ra công tác tại Ban Tuyên huấn và Chi hội Văn nghệ Liên khu Tư. Và cũng lại là một ngày thu - 9/8/1950 (có phải hai người muốn nhắc nhớ kỷ niệm lần đầu gặp nhau tại Huế 8/1946), đám cưới Vĩnh Mai - Phương Chi được tổ chức...

Sự đời thật trớ trêu là mối tình đẹp như thế lại không khai hoa kết quả. Có thể do nhà thơ trải qua quá nhiều phen phải vật vã đấu tranh với mình, với những ngộ nhận và ấu trĩ một thời đến “khô cạn”, cũng có thể vì đời sống vật chất quá khó khăn, hai người chỉ có một căn phòng 7 mét vuông, “chật đến nỗi không còn chỗ làm liếp mà che cửa để người qua lại khỏi nhìn thấy…” Dù sao thì Vĩnh Mai cũng tự nhận mọi sự “trục trặc” là vì mình, nên đã hơn một lần bàn với vợ chuyện li dị để chị có hạnh phúc. Chị Phương Chi chỉ biết khóc ròng, khóc vì nỗi bất hạnh của mình mà cũng vì cảm động trước sự hy sinh cao cả của người bạn đời. Như thế, làm sao chị có thể bỏ anh lại một mình? Chỉ còn cách tìm con nuôi, nhưng hai lần rút cuộc đều trắng tay! Lần đầu, công an tìm giúp một đứa trẻ bị lạc, lần sau nuôi đứa cháu ở quê, nhưng được ít lâu, “chim lại bay về tổ cũ”!

Chỉ riêng chị, có thể nói là suốt mấy chục năm sau ngày người bạn đời đi xa, không một phút giây nào rời xa anh, kể cả khi chị đưa di hài của anh từ Hà Nội về an táng trên đồi thông Từ Hiếu (Huế) thuận theo ý nguyện của nhà thơ Vĩnh Mai trước lúc anh qua đời (16/2/1981). Với sự trân trọng và một tình yêu lớn, từ năm này qua năm khác, chị sưu tầm những tác phẩm của anh đã xuất bản, những di cảo, thư từ của anh với bạn bè; một mình một bóng, chị lặn lội đi suốt chiều dài đất nước tìm gặp những người từng sống với Vĩnh Mai để gom nhặt những kỷ niệm vui buồn mà anh chưa có dịp kể với chị… Từ đó, chị đã biên soạn mấy ngàn trang sách, bao nhiêu tiền bạc để dành và tâm huyết chị dồn tất cả cho việc xuất bản những cuốn sách đó. Nhiều Nhà xuất bản và các bạn văn thơ đã sát cánh bên chị. Nhờ đó, các tuyển tập “Thơ văn Vĩnh Mai” (NXB Văn học 1992), “Thơ Vĩnh Mai” (NXB Hội Nhà văn, 1997) và các tập “Thơ tình Vĩnh Mai-Phương Chi” (NXB văn học, 2001), “Sống với nhà thơ Vĩnh Mai” (Tập hồi ký, NXb Thuận Hoá, 2003), “Vĩnh Mai-Phương Chi, Thơ văn và cuộc đời” (NXB Văn học, 2005), “Vĩnh Mai - bản lĩnh thi nhân” (NXB Lao động, 2008), “Chuyện tình các nhà thơ Việt Nam” (NXB Thanh niên, 2008)… đã đến tay bạn đọc.

Hưởng thọ hơn 80 tuổi, cuốn sách cuối cùng đã in xong, anh Vĩnh Mai thì đã được truy tặng Huân chương Độc lập, Hội Nhà văn và bạn bè văn nghệ đã nhiều lần tổ chức kỷ niệm nhân ngày sinh và ngày mất của anh…Thế cũng có thể gọi là toại nguyện. Chị đã chuẩn bị cho cuộc “ra đi” của mình một cách bình thản, dặn người cháu Nhất Lâm đến lúc đó nhớ mang một nửa di hài của chị về Huế… Vậy mà một ngày đầu tháng 6/2009, nghe tin chị qua đời, tôi cứ thảng thốt và thoáng chút ân hận. Lời hẹn ra thăm chị tại Nhà Dưỡng lão đã thành một lời hứa suông! Ước nguyện cuối cùng của chị cũng không thực hiện được. Chị thuộc hàng “lão thành cách mạng”, lại đã có sinh phần ở Hậu Lộc…

Thì thôi, cũng là số phận. Mà một người như chị, dù mộ phần ở đâu, tôi tin là “chị” vẫn đang cùng “anh” Vĩnh Mai “bay lượn” dọc theo đất nước thăm bạn bè văn nghệ và tất nhiên là “anh chị” sẽ về lại Huế - nơi chứng kiến cuộc tình “định mệnh” Vĩnh Mai-Phương Chi.

Trước mắt tôi, chị mãi trẻ với những trang sách đằm thắm tình yêu đời, yêu thơ, yêu người - một tình yêu giản dị, trinh trắng, không vụ lợi như dòng nước nguồn tinh khiết không bao giờ vơi…

Huế, Tháng 7/2009
T.S
(247/09-09)

 

Các bài mới
Di động (14/10/2009)
Các bài đã đăng