- Đọc tập truyện ngắn “Kẻ dự phần” cũng như nhiều truyện ngắn của chị, bạn đọc cảm nhận chúng lưu giữ và lan tỏa một “luồng khí nóng”, vậy đâu là bí quyết tạo nên điều này trong tác phẩm của chị? Nóng và “hot” có phải là thế mạnh của truyện ngắn Phong Điệp? - Tôi tự nhận thấy rằng: Nếu như trước kia tôi có thể viết rất nhanh những câu chuyện bất chợt hình thành trong đầu, còn bây giờ tôi phải ngẫm ngợi nhiều hơn, để cho cảm xúc đến trong mình thật trọn vẹn và khi những cảm xúc lắng lại thì tôi bắt đầu ngồi vào bàn.Tôi sẽ dừng lại nếu tự cảm thấy mình đang bắt đầu nhàm chán và nhạt nhẽo. Dừng lại để làm nóng lại cảm xúc, nóng lại những câu chữ. Và vì vậy tôi rất vui khi nghe bạn nói điều này - đó là “luồng khí nóng”. Sự giao hòa giữa người đọc và người viết đó là điều mà người cầm bút chúng tôi rất cần, như một chất xúc tác để khuyến khích mình viết tiếp. Nhưng cũng xin dừng lại một chút ở ý này, nóng và “hot” trong truyện của tôi - như cách nói của bạn, thực ra không phải nằm ở đề tài. Có thể thấy gần đây có những xu hướng văn học gây “hot” trong độc giả, ví như xu hướng khai thác truyện đồng tính. Truyện của tôi xin khước từ những “cơn nóng lạnh” có tính nhất thời ấy của thị trường. Tôi bắt đầu bằng chính những câu chuyện giản đơn của cuộc sống hàng ngày, những điều giản đơn mà có thể vô tình bạn bước qua.
- Vừa là nhà văn, vừa là phóng viên, có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Điều này đã tác động tới các sáng tác của chị như thế nào? - Vâng, nếu chỉ ngồi yên một chỗ, vốn liếng của người viết sẽ cạn dần. Nghề báo cho tôi tiếp cận những cảnh đời, những số phận, và chính những câu chuyện đời thực ấy - chúng sống động hơn bất kì trí tưởng tượng nào - đã thúc giục tôi viết.
- Gần như tất cả các tác phẩm của chị đều được viết bằng thể loại truyện ngắn, vậy tại sao chị lại chọn thể loại này? - Sự ngắn gọn, sức “công phá” của thể loại này khiến truyện ngắn luôn là sự lựa chọn số 1 của tôi. Tuy nhiên có những vấn đề buộc phải giải quyết bằng thể loại tiểu thuyết nên tôi vẫn tìm cách duy trì song song cả hai. Mặc dù nếu “nướng thời gian” vào việc viết tiểu thuyết thì thật khó làm được những việc khác. Nên lâu nay tôi ưu tiên truyện ngắn hơn chăng? Bạn biết không, thậm chí tôi đã lên kế hoạch viết cho mình khi về hưu (cười)
- Những con người từ làng quê “lạc bước chốn thị thành” trong truyện ngắn của chị đều mang những nét khó nhọc, như hai ông bố trong truyện ngắn “Bát phở”, hay anh Nhân trong “Trở về” và cô Phan trong “Tầng hai”, vậy thông điệp của chị là gì? - Tôi luôn mong muốn điều này: khi tôi viết ra tác phẩm của mình, tôi gửi gắm những suy tư, hay nói cách khác là những thông điệp của mình ở trong đó; nó sẽ giống như những “mã khóa” cho tác phẩm, và chờ sự giải mã ở người đọc. Bạn sẽ hào hứng hơn khi tham gia một trò khám phá mà chưa biết kết thúc sẽ như thế nào. Tuy nhiên, những vấn đề mà bạn vừa đặt ra, tôi cũng xin được chia sẻ thế này: dù đã sống ở Hà Nội 15 năm, hưởng những điều kiện sinh hoạt tiện nghi của một thành phố hiện đại; nhưng trong thẳm sâu lòng mình - tôi luôn tự thấy mình giống như một đứa trẻ nông thôn bị lạc vào chốn đô thành ồn ã, với đầy những hoang mang, đầy sự lạc lõng trong mình. Tôi chú ý nhiều hơn những người có cùng “cảnh ngộ”. Thực ra ai cũng có những nơi chốn thiêng liêng, giữ riêng trong tim mình, song vì cuộc sống mà phải cất bước “giang hồ” vậy. Tôi có người em họ, cách đây mấy năm cậu ấy đi lao động ở Malaysia. Công việc là thợ xây dựng. Có một năm mùng một tết, cậu ấy gọi điện về hỏi thăm và chúc tết tôi. Tôi nghe sóng điện thoại réo ù ù, nên hỏi: “em đang ở đâu?” Bên kia trả lời: “em đang trên nóc công trình, đang đặt sắt để chuẩn bị đổ mái”. Giọng nói bên kia đứt quãng. “Ở nhà chị đón tết thế nào?” Mùng một tết, lẽ ra người ta có thể ở bên người thân, bên đứa con gái vừa chào đời, thế mà vì mưu sinh, người ta phải lưu lạc nơi xa. Những cuộc đời ấy, những số phận ấy - lẽ nào không đủ sức nặng khiến người cầm bút phải ngồi vào bàn để viết?
- Những bậc làm cha, làm mẹ được đề cập trong các truyện ngắn “Tiếng ru”, “Bát phở”, “Ngôi nhà hoang vắng” trong tập “Kẻ dự phần” đều rất giàu đức hy sinh? Vì sao chị đi theo đề tài này khi mà hiện nay giới cầm bút trẻ lại chỉ thích viết về những cái lập dị, méo mó? - Có thể tôi ảnh hưởng từ chính mẹ mình. Bà là người cả đời chỉ biết hy sinh cho con cho cái. Và tôi thiển nghĩ thế này: gốc của cuộc sống này nếu không là sự hy sinh, nhân ái thì sẽ là điều gì đây? Văn học nếu không hướng thiện thì sẽ là gì đây? Người viết - đương nhiên có nhiều sự lựa chọn về phong cách, về đề tài… cho tác phẩm của mình. Điều ấy giúp làm nên một đời sống văn học phong phú, đa dạng.
- Đọc truyện “Thùng rác” dễ khiến bạn đọc có liên tưởng tới F.Kafka, A.Camus,... (những nhà văn viết theo khuynh hướng huyền thoại), vậy chị có ảnh hưởng gì từ họ không? - Tôi khước từ những “người quen” khi ngồi trước trang giấy của mình. Những thay đổi trong cách viết cũng là cách giúp người viết tự làm mới mình và khám phá thế mạnh của mình. Vì vậy tại sao chúng ta không thử xem, phải không?
- Được biết chị là một nhà văn trẻ và đã từng tung ra tác phẩm “Mạn đàm văn chương thời @”, vậy theo chị, nét nổi bật lớn nhất của văn chương thời @ là gì? - Quả là một câu hỏi có tầm vĩ mô. Cảm ơn bạn đã nhắc đến cuốn sách tản mạn văn học của tôi có nhan đề là “Mạn đàm văn chương thời @”. Trong cuốn sách này, tôi chỉ xin phép làm vai trò như một cầu nối để chính các tác giả bộc lộ mình. Bạn đọc được gặp những tác giả đã rất quen thuộc như: Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Triều Hải,… và qua những tâm sự văn chương của họ, chắc hẳn bạn sẽ khám phá thêm nhiều điều thú vị. Mỗi người trong số họ đang đóng góp một viên gạch vào con đường “văn chương thời @” này. Vì vậy xin đừng tìm một mẫu số chung cho họ. Chúng ta hãy nhìn nhận “văn chương thời @” như một giai đoạn văn học đa phong cách, mà những người viết trẻ hôm nay vẫn đang nỗ lực hết mình để đóng góp cho nền văn học nước nhà những giá trị văn học đích thực.
- Vâng, xin cảm ơn chị!
VƯƠNG QUỐC HÙNG thực hiện (247/09-09)
|