Mô típ “đi” của “đôi chân”, “bàn chân” trở đi trở lại trong tập thơ, được biểu hiện sáng rõ nhất trong bài “Nhói trắng” mở đầu tập thơ. Cách đây dăm năm, nghĩ nhan đề cho một bài báo, cuối cùng tôi tìm được câu châm ngôn của Brecht: “Con người không có rễ, nó có hai bàn chân”, tôi lấy làm đắc ý với nhan đề này. Với hai bàn chân, con người đi từ vùng này đến vùng nọ, từ nước này sang nước khác, vượt qua những đại dương, châu lục, mở rộng tầm nhìn và chân trời văn hoá... Trong tập thơ “Ma thuật ngón”, “đi” không phải là “xê dịch trong không gian”, đi là “hành trình” của “ý nghĩ”, của tư tưởng. Lúc “ý nghĩ chậm dần/rồi ngưng lại đâu đó”(2) cũng là lúc “đôi chân đã dừng lại bao giơ”, mỉa mai thay “người có đôi chân” cứ tưởng là “vẫn đi”. Hoá ra người ta đi “không phải bằng đôi chân”, mà bằng “bàn chân tưởng tượng”(3) và “ý nghĩ”. Hình ảnh ý nghĩ - sợi bấc của Trần Tuấn khiến ta nghĩ đến hình ảnh “cây sậy nghĩ ngợi” của Pascal(4). Suy nghĩ của con người cũng mong manh như sinh mệnh của nó nhưng “không bao giờ cạn”. Trong tập thơ có những bài nói về những liều lĩnh, quẫn bách, giãy giụa, vùng thoát, tung bay... của ý nghĩ trong cuộc hành trình đầy phiêu lưu và bất trắc của nó (Ý nghĩ (1), Ý nghĩ (2), Cắt...).
Mở đầu bài thơ “Nhói trắng” là hình ảnh: nụ hoa khẽ trắng khi bóng đêm bắt đầu quánh đặc
Kết thúc bài thơ là ý tưởng: người đi “không phải bằng... ngọn đèn trên tay”, “mà bằng nụ hoa nhói trắng kia”.
Độc giả sẽ suy nghĩ những “ngọn đèn” nào tác giả không tin cậy, những “nụ hoa” nào vẫy gọi “ý nghĩ” của người làm nghệ thuật trong những bước đi phiêu lưu đầy gian truân của nó. Tôi muốn hiểu “nụ hoa khẽ trắng”, “nụ hoa nhói trắng” là những khát vọng, những hy vọng, những ước mơ... của người làm nghệ thuật. Đây không phải là lý tưởng, vì lý tưởng nào cũng có tham vọng “viên mãn” của nó. Đây chỉ là những nụ hoa, mãi mãi là những nụ hoa, lúc chói “sáng nhất” vẫn là “nụ”. Lý tưởng chung của nhiều người, của mọi người. Trong sáng tác nghệ thuật, những khát vọng, những hy vọng, những ước mơ chỉ gắn với cảm hứng sáng tạo, không dính líu đến bất kỳ lợi ích “thế tục” nào ngoài sáng tác và là những cái rất riêng ở mỗi người làm nghệ thuật. Chính những “nụ hoa” này làm cho lý tưởng - nếu quả như thực sự có lý tưởng - trở nên sinh động và có hồn.
Mô típ ước mơ của những người làm thơ, của những “cái đầu mất ngủ” được thể hiện khá tinh tế trong bài “Giấc mơ sống sót”. Ước mơ với những “giấc mơ” có những gian truân của nó. Có giấc mơ lơ ngơ ở ngã tư đường “lơ đễnh bị kẹp xe mà không biết mình đã chết”. Có những “cơn mơ” chỉ còn “xác” “lưu cữu... trong những cái đầu đang tưởng mình còn sống”. Liệu có cơn mơ nào “sống sót” để nhà thơ bấu víu vào đấy ? Hoá ra hy vọng của người làm nghệ thuật, số phận những cơn mơ của nó và cả “sợi bấc” tư duy của nó... tất cả đều mong manh như thân phận và số kiếp con người.
Thế giới nghệ thuật trong bài “Giấc mơ sống sót” là một sự hòa trộn thực tại và chiêm bao (những cơn mơ). Người bán cà phê đêm đẩy mãi chiếc xe “lanh canh tiếng ly muỗng” vào “cái đầu mất ngủ” và “từ cái đầu tôi mất ngủ” “vì uống bao nhiêu đen tối vào người”, “bấy nhiêu giấc mơ bước ra”... Bài “Giấc mơ sống sót” là một bài thơ hay, thực tại thì rất “thực tại” và chiêm bao thì mon men biểu tượng “ảo giác”.
Tiêu biểu cho mô típ “về” là bài thơ “Về” (5), một trong những bài thơ hay nhất của tập thơ. Chị Trìu, người được đề tặng bài thơ - sau ba mươi mấy năm - mới đến Ba Tơ tìm được hài cốt của người anh tử sĩ đưa về quê nhà. Thời gian đã xoá sạch, không còn vết tích của bi ai. Không có cả hương khói và vong linh. Chị Trìu thầm nói với người quá cố như nói với người đang sống: “nào về thôi...”, “về thôi anh”, “...chật chội giờ anh đừng trách”... Lời lẽ hết sức đơn giản và chân thật như “chân như”. Hài cốt của người tử sĩ được định nghĩa là “anh và chiến tranh”. Thực ra chỉ còn lại “một nắm đất Ba Tơ”, nó được “xếp chung cùng với... chai nước, ổ mì khô, viên thuốc chống nôn, bộ quần áo...” trong “chiếc túi mòn” “chưa một lần được ra khỏi làng”. Trước hiện hữu hết sức đời thường này, hình ảnh người tử sĩ càng lớn:
biết lấy gì đựng linh hồn anh về được những hàng quân vẫn đâu đó giữa đồi
Rồi thời gian sẽ lần lượt xoá những vết tích chiến tranh. Ba Tơ “đồi đồi úp bóng” vẫn như xưa. Hoạ chăng còn lại ít nhiều “phù phiếm” của chiến tranh.
H.N.H (247/09-09)
-------------- (1) Trần Tuấn, “Ma thuật ngón” N.x.b Hội Nhà Văn 2008 (2) Như trên, tr.13 (3) Như trên, xem bài Bàn chân tưởng tượng, tr.52 (4) Pascal (1623-1662). triết gia Pháp, thấy sinh mệnh con người mong manh và yếu ớt như “cây sậy” thôi, nhưng đây là “cây sậy nghĩ ngợi” (roseau pensant) (5) Ma thuật ngón, tr 88,89
|