Tạp chí Sông Hương - Số 247 (tháng 9)
Giới thiệu chi hội nhà văn Việt Nam tại Huế - Nhà lý luận phê bình Hồ Thế Hà
08:14 | 09/10/2009
Hồ Thế Hà sinh năm 1955, quê ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Anh tham gia quân đội từ 1978 đến 1982, chiến đấu tại Campuchia. Hồ Thế Hà tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Huế năm 1985 và được giữ lại trường. Hiện anh là Phó Giáo sư, Tiến sĩ đang giảng dạy tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Anh đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Huế nhiệm kì: 2000 - 2005; 2005 - 2010. Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, nhiệm kì 2000 - 2005; 2005 - 2010.
Giới thiệu chi hội nhà văn Việt Nam tại Huế - Nhà lý luận phê bình Hồ Thế Hà
Nhà phê bình Hồ Thế Hà - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Hồ Thế Hà đã xuất bản 9 tập tiểu luận phê bình: Thức cùng trang văn (1993), Sức bền của thơ (1993), Tìm trong trang viết (1998), Thơ và thơ Việt Nam hiện đại (1997), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (2004), Thao thức thơ (2005), Những khoảnh khắc đồng hiện (2006); Văn chương - sáng tạo và tiếp nhận (2009); Hành trình tiếp nhận thi ca (2009). Trong đó, tập Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên được nhận giải thưởng Văn học Cố đô lần thứ ba (1998 - 2003) và tập Tìm trong trang viết được nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 1998. Giáo sư, tiến sĩ Mã Giang Lân đánh giá công trình nghiên cứu Thế giới nghệ thuật thơ Chế lan Viên của Hồ Thế Hà “là một ý tưởng hay, một cách tiếp cận mới... Có đóng góp khoa học đặc sắc, đủ sức thuyết phục người đọc”.

Hồ Thế Hà còn là tác giả của 4 tập thơ:
Khoảnh khắc (1990), Nghìn trùng (1991), Xác thu (1996), Thuyền trăng (2009). Trong lời tựa tập thơ Khoảnh khắc, Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: Hồ Thế Hà là người trai đắm đuối mà nhút nhát trong các cuộc tình và bởi vậy, thơ, chính là phương tiện để anh giải bày chính xác và bạo dạn những mê đắm thật sự của mình. Đấy là sự thức nhận sau mỗi lần thất vọng; và rốt cuộc, người thơ thường đau buồn tự trách mình ngu ngơ, vụng dại:

Bao giờ tôi thôi một thân
Để thôi nuối tiếc một lần yêu em?

Thơ Hồ Thế Hà nhẹ nhàng và đằm thắm:

Nụ hôn là lộc của đời
Để cho người lại yêu người. Lạ chưa!
Tôi về vọng triệu năm xưa
Nghe trong thinh lặng cơn mưa đáp lời...

MAI VĂN HOAN giới thiệu


Quan niệm về thơ của Dạ Đài -

nhìn từ sự tiếp biến lý luận văn học phương Tây



HỒ THẾ HÀ

Phong trào Thơ mới 1932 - 1945 là bước phát triển mới của thơ Việt bằng việc xuất hiện cái tôi cá nhân cá thể (individu) thay cho các dạng thái của cái tôi cá nhân của thơ trung đại. Cơ sở xã hội, cơ sở tư tưởng và cơ sở nghệ thuật của Thơ mới giai đoạn 1932 - 1945 đã gặp nhau và cộng hưởng một cách nhịp nhàng, hợp quy luật đã làm bùng nổ ngôn từ đủ chứa đựng cảm xúc và tâm trạng trữ tình điển hình của các thi sĩ tài năng cả phong trào, làm thành “một thời đại thi ca” lộng lẫy, âm vang và giàu hương sắc. Nó mở ra thời kỳ hiện đại chủ nghĩa trong thơ Việt cho đến ngày nay. Thế giới nghệ thuật Thơ mới tích hợp được những yếu tố cần thiết để thực hiện bước nhảy vọt về chất. Đó là sự tích hợp, tiếp biến giữa Đông và Tây, giữa những tương hợp bên trong và bên ngoài, giữa cổ điển và hiện đại, giữa hình thức thơ Việt, thơ Trung Hoa và thơ Pháp - trên cơ sở văn hoá và bối cảnh lịch sử - thi ca Việt.

Và như một qui luật, khi các khuynh hướng phát triển đến trình độ cao của nghệ thuật thì sẽ dẫn đến sự hình thành các trào lưu, trường phái mới. Và đến lượt mình, các trào lưu, trường phái ấy cũng phải thực hiện bước nhảy vọt mới khi lượng biến thành chất, khi nó đạt đến thành tựu đỉnh cao và khi xuất hiện đối tượng thẩm mỹ mới. Phong trào Thơ mới 1932 - 1945 là điển hình cho qui luật này. Sự xuất hiện của các nhóm thơ, trường thơ như Trường thơ Loạn, Xuân Thu nhã tập, Dạ Đài... là biểu hiện hiển minh cho sự tìm tòi, đổi mới nghệ thuật của các nhà thơ tiên phong, khát khao thể nghiệm và cách tân thi ca. Trong bài viết ngắn này, tôi muốn minh chứng cho nhận định trên bằng việc tìm hiểu quan niệm thơ của nhóm Dạ Đài. (Chúng tôi xem Dạ Đài như là hướng tìm tòi nối tiếp cuối cùng của Phong trào Thơ mới vì nó được các thi sĩ của nhóm chấp bút trước 1945 và có một số sáng tác thể nghiệm được in trong thời gian này, dù Bản tuyên ngôn tượng trưng được in năm 1945 - 1946).

Với tinh thần tiên phong và ước vọng cao đẹp về sự đổi mới thi ca Việt, Dạ Đài đã đưa ra những quan niệm thơ mới lạ và giàu ý nghĩa. Nhưng do nhiều lý do và hoàn cảnh nên lâu nay hiện tượng văn chương này chưa được nghiên cứu một cách khách quan, khoa học. Nó không được xếp vị trí chính thức trong tiến trình văn học Việt Nam thế kỷ XX. Nghiên cứu Dạ Đài, qua đây, chúng tôi muốn đặt nó trong dòng chảy liên tục của hành trình thơ Việt thế kỷ XX để thấy công lao và tinh thần duy tân của nhóm Dạ Đài mà khởi điểm của nó là Bản tuyên ngôn tượng trưng với những quan niệm thơ tân kỳ, độc đáo được tiếp biến từ lý luận văn học phương Tây, khi Phong trào Thơ mới đi hết hành trình lãng mạn u buồn của nó.

Dạ Đài gồm có Đinh Hùng, Trần Dần, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, Nguyễn Văn Tậu. Dạ Đài ra được số 1 (16. 11. 1946). Tất cả đều nhận mình là thi sĩ theo trường phái tượng trưng, nhưng họ đã có ý thức vượt lên trên quan niệm sẵn có để làm một cuộc tiếp biến, đưa nhóm mình theo một hướng riêng, trước nhất, là ở cấp độ lý thuyết. Còn thực tiễn sáng tạo thì chưa có điều kiện để thể nghiệm. Vì cả nước, lúc bấy giờ, hướng về nhiệm vụ trọng đại là kháng chiến, giành độc lập dân tộc. Một ước nguyện không thành. Đó là lý do chính để Dạ Đài không đạt được mục tiêu như mơ ước.

Vậy Tuyên ngôn tượng trưng của Dạ Đài đặt ra những quan niệm gì, với tinh thần tiên phong nào? Với ước nguyện cháy bỏng muốn làm đổi thay cả thời cuộc, trả lại cho thi ca những giá trị đích thực của nó, Dạ Đài đã đề ra những quan niệm năng động và tân kỳ, dù thoạt nhìn, chúng có vẻ như xa vời. Họ muốn thâu tóm tất cả tinh hoa của thi ca nhân loại về một mối,rồi nhào nặn lại để tạo thành những giá trị mới ưu tú nhất: “Cho nên buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy nghĩ giấc mơ của những người thuở trước” (Từ đây, những câu để trong ngoặc kép đều trích từ Tuyên ngôn tượng trưng của Dạ Đài ). Họ bỏ qua lãng mạn vì nó đã chứng tỏ sự cạn kiệt, bất lực của thi nhân: “Làm sao người ta cứ khóc mãi, than mãi, rung động mãi theo con đường rung động cũ? Làm sao người ta cứ nhìn mãi vũ trụ ở ba chiều, và thu hẹp tâm tư ở bảy giây tình cảm! Chúng ta còn có nghèo nàn thế nữa đâu?”. Và một ước nguyện thay đổi hình thành: “Chúng tôi có nói cũng chỉ là nói cái tâm trạng của thời nhân,của những thời nhân đã có ngày cô độc”. Quan niệm về thơ của nhóm Dạ Đài thấm đẫm tính chất của chủ nghĩa tượng trưng. Họ muốn dứt bỏ những ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, vì nó đã đi tận mút của con đường cùng. Họ khác với tiền nhân: “chúng tôi không còn khóc vì người ta đã khóc mãi cái tình, công danh và thế sự”, “không còn rung động với trần tâm”, bởi đó là “con đường tuyệt vọng”. Họ muốn “nối lại: - nghiệp dĩ của một Baudelaire, Tâm sự của một Nguyễn Du - Sự nổi loạn và Ra đi của một Jimbaud - Nỗi cô đơn của những nhà thơ lãng mạn”.

Thật ra, đó là cách nói hình tượng. Cái chủ đích mà Dạ Đài hướng đến là trả thơ ca về với nguồn gốc xa xưa, muốn tái hiện lại những hình tượng cổ mẫu (mẫu gốc - archétype). Họ chịu ảnh hưởng của K.G.Jung ở thuyết Phân tâm khi nhà tâm lý học này muốn đi tìm ngọn nguồn cơ chế của sáng tạo ở vô thức tập thể, ở những mẫu gốc - tức những dấu vết ký ức của quá khứ nhân loại, những kinh nghiệm, văn hóa truyền thống được lưu lại ở cõi vô thức bên trong của con người. “Chúng tôi cố vén cao bức màn nhân ảnh, viết lên: “quỹ đạo của trăng sao “đường về trên cõi chết. Chúng tôi đã sống, lấn cả sang bờ bến u huyền, cho nên buổi chúng tôi quay về thế tục,chúng tôi nhìn hoa lá với những cặp mắt mờ hoen. Nhỡn tiền bỗng thấy đổi thay những hình sông vóc núi. Chúng tôi lạ: lạ từng đám mây bay, từng bóng người qua lại - Chúng tôi lạ từ sắc nắng bình minh đến màu chiều vàng vọt. Chúng tôi lạ, lạ tất cả”.

Họ quan niệm thi sĩ phải là người hội đủ các thế giới của thực và mộng, hồn và xác: “Chúng tôi muốn những cảm giác thâm u mà chúng ta mới chỉ có những thi sĩ của lòng. Đã đến lúc chúng ta đợi những thi sĩ của linh hồn, những thi sĩ của cái tâm thầm kín”. Dạ Đài “cố đánh thức cái thế giới im lìm đương nằm ngủ ở trong lòng nhân loại”. Họ thiết tha muốn thực hiện một cuộc trở về cái nguyên uỷ của cội lòng khi đất trời khai lập: “Người ta đã tìm mãi Đạo lý ở đường lên: ghìm giữ bản năng kham khổ - Nhục hình. Chúng ta sẽ tìm Đạo lý ở con đường xuống: thả lỏng thiên năng đam mê và khoái lạc”. Vậy Dạ Đài muốn đưa thơ trở về với cội nguồn của con người, bởi thơ ca đương thời là quá gò ép. Phải đưa thơ về với “vô thức tập thể” để làm sống lại những gì đã mất. Dù vậy, sự ảnh hưởng của K.G.Jung ở Dạ Đài là không lớn lắm. Quan niệm chủ yếu của Dạ Đài vẫn là tượng trưng, nhưng có sự tiếp biến cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Sự nông cạn với những “cảm giác đơn nghèo”, “nỗi lòng nhạt nhẽo”, “cái tôi nông cạn” là sản phẩm cũ xưa của thi ca lãng mạn đương thời. Dạ Đài muốn thi ca phải “trở về cái bản năng mà thế tình che đậy.Hãy mơ những giấc mơ cầm thú. Hãy gợi lên những cõi sống âm thầm. Hãy đánh thức hư không, nghĩa là cả tấm lòng xưa man rợ”. Thi ca trước mắt và tương lai phải giàu sức ẩn chứa,phải huyền diệu. Đằng sau mớ ngôn từ bình thường đó phải tiềm ẩn, hàm chứa cả muôn nghìn thế giới lung linh khác được gợi lên ở ngôn từ hình tượng: “Thơ cũng phải âm u như cảnh giới của cái tôi thầm lặng”. Thơ phải cấu tạo bằng tính chất của vô biên. Sau cái thế giới hiện trên hàng chữ, phải ẩn náu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương huỷ”. Đó chính là một cách phát ngôn từ tuyên ngôn của chủ nghĩa tượng trưng, vì chủ nghĩa tượng trưng vốn xem thế giới là “không rõ ràng”. Nghệ sĩ tượng trưng không phải chỉ cảm thấy thế giới bên ngoài mà còn nhận biết thế giới bên trong, không chỉ nắm bắt cái huyền diệu mà còn phải nghe thấy, cảm thấy cái vô hình, cái bí ẩn, mơ hồ nằm trong một màn sương dày đặc để tìm ra mối dây liên hệ giữa thế giới vô thức và hữu thức. Nghệ sĩ phải có cái nhìn “thấu thị” xuyên suốt các sự vật để qua đó,hướng đến chân lý nghệ thuật. Cho nên thi ca phải thâm u và huyền diệu để làm sáng lên muôn nghìn thế giới. Dạ Đài không tìm cảm hứng nghệ thuật ở chốn tiên cảnh, bồng lai trên chín tầng mây như các thi sĩ lãng mạn. Với họ, “thi cảm phải gây trong thực tại”, nhưng cũng phải có khả năng dự báo về cái sẽ có, sẽ phải có: “Một bài thơ phải chứa đựng những cái gì đã có, nhưng phải mang ở trạng thái tiềm tàng,những cái gì có thể có và cả những cái gì không có nữa”, “phải xáo trộn cả thực hư”, “thấm trộn cùng nhau trong một cuộc giao hòa bí mật”, “tất cả những phong cảnh trần gian sẽ phải hư lên vì sự thực” thông qua hình tượng thơ đa dạng, giàu biến ảo.

Từ quan niệm thơ âm u, huyền diệu, giàu ý nghĩa, các nghệ sĩ tượng trưng của Dạ Đài xem thơ là một chỉnh thể thống nhất đặc biệt giữa hình thức và nội dung. Ở đây,hình thức không đơn thuần là hình thức chứa nội dung, bởi vì thơ là hình tượng - âm nhạc - ý tình. Thơ phải được tự do lựa chọn hình thức biểu hiện và nội dung được phản ánh. Nếu thơ không chịu sự ràng buộc của ngôn từ thì nội dung cũng không chịu sự gò bó của đề tài, chủ đề. Vì “thi đề của chúng tôi có cả vũ trụ muôn chiều, thi liệu của chúng tôi là tất cả mớ ngôn từ rộng rãi”. Điều này giúp nhà thơ phát huy khả năng tự do sáng tạo, miễn sao hình tượng thơ mang lại hiệu cảm thẩm mỹ trong tiếp nhận của người đọc.

Dạ Đài vốn tâm huyết và xuất phát từ thuyết “tương ứng giữa các giác quan” nên rất đề cao tính nhạc trong thơ nhờ các hình tượng “tạo tác được những âm thanh huyền diệu nữa”. Âm nhạc của họ cũng được quan niệm rất lạ và có tính phát hiện mới. Nó “không phải chỉ kết hợp hoàn toàn bởi những cú điệu số học, những luật lệ trắc bằng”, “âm nhạc của một bài thơ phần lớn là do ở sức rung động tâm lý bài thơ ấy”. Và nữa, “nói đến âm nhạc trong thơ là phải nói đến sức gợi khêu của chữ”. Tất cả đều xuất phát từ hình tượng. Hình tượng có thể làm nên những điều tuyệt vời nhất, có quyền năng vô biên. Chủ nghĩa tượng trưng xem trực giác, âm nhạc, trữ tình là 3 yếu tố then chốt, cho nên, tính nhạc trong thơ phải được coi trọng thường trực. “Hình tượng mang nặng những tình ý nên âm nhạc gây nên cũng mang đầy âm sắc. Câu thơ đọc xong sẽ còn đi mãi trong từng ngõ vắng linh hồn và sẽ tắt nghỉ ở tận đáy sâu tiềm thức”. Thi ca phải thông qua hình tượng, khi ấy thi sĩ tượng trưng sẽ tạo ra sự hàm súc, giàu ý nghĩa với tính nhạc cao. Đó phải là “thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của những thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là của cái thế giới âu sầu đây nữa”. Dạ Đài chú ý sử dụng ngôn từ mang tính tương hợp cao, thể hiện mối quan hệ giữa con người và sự vật, khai thác giấc mơ vô thức - là sự phiêu lưu của ngôn từ để đạt những nhịp thơ siêu tự nhiên, những im lặng âm vang.

Dạ Đài cũng đề xuất quan niệm tiếp nhận thi ca rất trừu tượng. Thơ không được tiếp nhận bằng lý trí mà bằng trực giác, thông qua hình tượng. Hình tượng tạo nên âm nhạc, âm nhạc tạo tình ý; lúc đó mới hiểu được thơ. Dựa trên thuyết “sự tương ứng giữa các giác quan” của chủ nghĩa tượng trưng, Dạ Đài cho rằng tiếp nhận một bài thơ siêu thực không được dùng một quan năng tách bạch để cảm thụ, không chỉ là ý tứ hay tình cảm mà phải là sự tổng hợp tất cả các giác quan. Sự tương hợp giữa các giác quan, sự cộng hưởng các màu sắc, âm thanh, hương thơm và ý nghĩa giúp con người lĩnh hội được chiều sâu tư tưởng và giá trị của thi ca.

Có một điểm mà Dạ Đài gặp quan niệm về thơ của Xuân Thu nhã tập và Trường thơ Loạn (ở Quy Nhơn), đó là họ luôn để thơ “đi giữa bến bờ U Huyền và Hiện Thực, chúng tôi sẽ nói thay cho tiếng nói những loài ma. Chúng tôi sẽ khóc lên cho những nỗi oán hờn chưa giải. Chúng tôi sẽ bắt hiện lên những đường lối U Minh. Chúng tôi sẽ kể lại những cuộc viễn du trong những thế giới âm thầm sự vật”. Họ đón nhận và hiện hữu trong thơ “tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi... và một bài thơ phải vô cùng linh động”.

Và Dạ Đài đã khái quát quan niệm, mục tiêu của tuyên ngôn tượng trưng như là những cuộc phiêu du vào thế giới với hành trình xáo trộn miên viễn: “Hãy đưa chúng ta đi. Đưa chúng ta ngược về dĩ vãng, qua bờ tương lai, đưa chúng ta đi cho hết cõi dương trần, đi cho hết những trời xa đất lạ. Để chúng ta sống muôn ngàn cõi sống. Để chúng ta có hàng triệu năm già và vô vàn ký ức: Ký ức của những dân tộc đã tàn vong, ký ức của những cõi đời xa thẳm, ký ức của những thế kỷ đã lùi xa. Để cho muôn ngàn ký ức chất chồng lên ký ức chúng ta, cái ký ức bi thương, cái ký ức đơn nghèo đã lượm thâu bằng những giác quan trần tục”.

Sự giao lưu văn hoá Đông - Tây đã tạo ra “một thời đại trong thi ca” lộng lẫy, âm vang. Những nhà Thơ mới tài năng 1932-1945 đã làm một cuộc hội ngộ ngoạn mục để tích hợp thành những thế giới nghệ thuật thơ lung linh, huyền diệu. Thơ mới, sau đó đã nhanh chóng đi qua sự ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn để tìm đến, tiếp nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực của Phương Tây. Nếu giai đoạn đầu của Thơ mới, ta bắt gặp những hồn thơ rộng mở, những vần thơ dễ hiểu thì càng về giai đoạn cuối, tính trong sáng của Thơ mới càng nhạt dần, nhường chỗ cho tính tượng trưng, hàm súc, bí ẩn xuất hiện. Chủ nghĩa lãng mạn giờ đây không còn đủ sức làm thỏa mãn các nhà thơ có tinh thần đổi mới. Họ gặp chủ nghĩa tượng trưng và hình thành một tư duy thơ theo lối khác. Không chỉ thiên về cảm xúc nội tại, ước vọng tìm cái đẹp trong hình tượng, chủ nghĩa tượng trưng còn đưa ra lý thuyết về sự tương ứng của các giác quan, sự cộng hưởng giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh. Khi Thơ mới ở vào buổi hoàng hôn của nó, Dạ Đài đã thực sự tìm thấy chỗ dựa thi ca ở chủ nghĩa tượng trưng để làm cuộc hành trình cuối cùng trong kiếm tìm nghệ thuật của Phong trào Thơ mới. Dạ Đài muốn thơ mang trong mình những giá trị lớn lao, nhưng lại hàm súc và ảo ẩn. Đó chính là sự tượng trưng. Họ khát khao đi tìm cái đẹp, nhưng lại ngụp lặn trong thế giới vô cùng và chìm sâu vào cõi hư vô, huyền bí.

Đến đây, cần phải xem xét một quan niệm mới nữa của Dạ Đài. Đó là quan niệm: thơ không cần lý luận. Phải tìm cảm giác trước khi tìm nghĩa: “Thơ không còn lý luận, và cũng không còn phải tự dinh dưỡng bằng những thi đề rõ rệt”. Họ đề cao im lặng. Vì trong những phút giây im lặng, có tất cả. Dạ Đài không cần thi đề vì với họ, thi đề là tất cả “một vũ trụ muôn chiều, và thi liệu của chúng tôi, là tất cả mớ ngôn từ rộng rãi”. “Chúng ta muốn xâu vào ngoại vật, nội tâm và muốn đi xa thiên đường, địa ngục”, khi đó, thơ có sức “khêu gợi vô cùng”. Họ cho rằng thơ không nói thẳng, gọi tên đối tượng. Họ chỉ dẫn ra những cái biểu đạt tượng trưng, còn ý nghĩa cái biểu đạt- giá trị của sự biểu trưng, họ giành cho độc giả- thi nhân - những người bằng kinh nghiệm sống, vốn ký ức, tâm hồn nhạy cảm, tư duy năng động sẽ khám phá ra. Dạ Đài muốn thơ phải “thâm u như cảnh giới của cái tôi thầm lặng. Thơ phải cấu tạo bằng tinh chất vô biên sau cái thế giới hiện lên trên hàng chữ, phải ẩn náu muôn nghìn thế giới đương thành và đương hủy”. Các nghệ sĩ tượng trưng Dạ Đài đã hiện thực hóa quan điểm đó vào thơ của mình. Trong thơ của họ, ít nhất có một hình ảnh tượng trưng, có khi có cả siêu thực. Dạ Đài ảnh hưởng nặng thơ tượng trưng Phương Tây. Họ ảnh hưởng sâu sắc quan niệm của Mallarmé: “Không nắm bắt và trình bày ra hết, mà chỉ gợi bằng những hình ảnh có tính chất ám thị... Gọi tên đối tượng có nghĩa là phá huỷ ¾(ba phần tư) sự hưởng thụ bài thơ... khêu gợi, đó là ước mơ và mục đích”.

Dù vậy, Dạ Đài không phải thuần tuý tượng trưng mà còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực và một ít phân tâm học của K.G.Jung. Dạ Đài đề cao trực giác, vô thức và tiềm thức của con người trong sáng tạo cũng như trong cảm thụ thi ca. Dạ Đài đề cao cảm nhận thơ bằng trực giác “cảm thấu những bài thơ siêu thực không dùng tình cảm... hãy đem tất cả linh hồn, mở tất cả các ngách của tâm tư mà lý hội - trận gió se lên tức khắc và ngạc nhiên”. Chủ nghĩa siêu thực vốn cũng xuất phát từ ảnh hưởng Phân tâm học của Freud và chủ nghĩa trực giác phi lý tính của Bergson nên nó “hướng về thế giới vô thức của con người mà họ cho là lĩnh vực vô tận đối với sự khám phá và sáng tạo nghệ thuật của con người. Họ vứt bỏ những phân tích logic, đập tan gông cùm của lý trí, chỉ tin cậy ở trực giác, giấc mơ, ảo giác, ở những linh cảm bản năng và tiên tri”(1). Từ đây, ta thấ
y giữa chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực có điểm gặp gỡ, đó là khi cả hai cùng phủ nhận lý tính và đề cao cảm tính trong tư duy nghệ thuật. Dạ Đài không chỉ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực trong quan niệm và trong sáng tác. Tính chất siêu thực luôn đi kèm với tượng trưng, chúng hòa quyện vào nhau, làm cho thơ của Dạ Đài càng huyền bí, siêu thoát, khó giải mã ngay tức thì. Đó là sự tiếp biến lý luận và thơ ca phương Tây một cách chủ động, sáng tạo. Từ những thực tế trên, đã tạo ra cái tôi trữ tình dị biệt với hệ thống ngôn từ, thể loại, hình ảnh thơ vô cùng mới lạ mà tuyên ngôn tượng trưng của nhóm Dạ Đài đã đề xuất.

Là nhóm thơ tiên phong và tâm huyết trong đổi mới, làm sống lại cả “một thời đại trong thi ca”, các thi sĩ Dạ Đài đã dâng hiến cho đời những quan niệm thi ca rất mới lạ, cao siêu, có nhiều ý nghĩa tích cực. Họ ước mơ thơ ca Việt đạt đến trình độ, giá trị vĩnh hằng, dù trong tuyên ngôn không tránh khỏi có nhiều yếu tố siêu hình và duy tâm. Đó là tâm nguyện đáng trân trọng. Nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn sáng tạo bao giờ cũng có một khoảng cách giới hạn và cảnh báo cho sự bất cập trong sáng tạo. Hơn nữa, thời gian này, thi sĩ Dạ Đài chưa có điều kiện để thể nghiệm thì Cách mạng tháng Tám diễn ra và sau đó toàn dân tộc phải kháng chiến, kiến quốc. Họ không có “thiên thời” hậu thuẫn để sáng tạo. Lúc này, Thơ mới hạ cánh và kết thúc sứ mệnh thi ca của mình. Cho nên dù quan niệm có đúng thì cũng không phải ngày một ngày hai mà biến khát vọng thành hiện thực. Nó chỉ dừng lại ở lý thuyết, còn sáng tác thì chỉ là khúc dạo đầu, không đủ sức tạo ra cái vệt sáng chói lòa bên sau như Trường thơ Loạn. Dù vậy, những quan niệm về thơ của Dạ Đài vẫn chứng tỏ tính tiên tiến và đổi mới của nó trong hành trình nghệ thuật của dân tộc. Những gì mà Dạ Đài chưa thực hiện được, sau 30 năm chiến tranh và cả trong thời bình kéo dài sau 1975, thì khi có điều kiện chín muồi, nó lại khởi động lại trong ý thức nghệ thuật của các nhà thơ trẻ hôm nay. Dù muộn, nhưng là sự tiếp nối để làm tròn những gì còn dang dở của các thế hệ thi sĩ tiền chiến. Dĩ nhiên là, những quan niệm ấy gặp nhau ở điểm sáng nghệ thuật khác trên đường xoắn trôn ốc khác cao hơn, do hằng số lịch sử - thi ca thời đại quy định.

Dạ Đài mãi mãi là khúc ngân của những tiếng lòng vọng vang một thời mà ngày nay cần phải trả lại cho nó vị trí xứng đáng, giúp thi ca Việt hôm nay vươn lên và vượt qua những giới hạn của mình để đưa chân trời khát vọng đi về phía viên thành, cao đẹp.

H.T.H
(247/09-09)

------------
(1) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử và... Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1992, tr.62-63



 

Các bài mới
Di động (14/10/2009)
Các bài đã đăng
Gã đười ươi (02/10/2009)