Xuất phát từ môi trường sống, điều kiện tự nhiên và tâm lý dân tộc, dân tộc Ta-Ôi với trách nhiệm cộng đồng được thể hiện đậm nhạt khác nhau trên các phương diện: sinh hoạt kinh tế và đời sống; quan hệ xã hội, dòng họ, hôn nhân; sinh hoạt văn hóa tinh thần.
1. Ở phương diện sinh hoạt kinh tế và đời sống, Trách nhiệm cộng đồng thể hiện khá rõ nét thông qua mô hình “làm chung - ăn chung - ở chung” để cho phù hợp với điều kiện thực tế địa hình hiểm trở, dốc núi cheo leo, khí hậu khắc nghiệt, hệ thống sông suối dày đặc và thói quen di canh, di cư của người dân.
1.1. Trong rất nhiều khía cạnh của mặt sinh hoạt kinh tế thì khía cạnh đáng nói nhất ở đây là lao động sản xuất và săn bắt hái lượm.
Ngày xưa, sau mỗi mùa Ariêu Aya (Lễ tết), tộc người Ta-Ôi lại gọi nhau lên rừng tìm đất phát nương làm rẫy để bước vào mùa sản xuất mới. Rẫy nương được phát cốt đốt trỉa có thể chung của cả một dòng họ hoặc cũng có thể của riêng từng hộ gia đình. Nhưng dù sở hữu sản phẩm riêng hay chung thì cộng đồng người Ta-Ôi cũng vẫn cùng nhau làm hết từ tấm rẫy này đến tấm rẫy kia, từ hộ này đến hộ kia. Họ không tính thời gian mất bao lâu đối với từng tấm rẫy, chỉ biết nghỉ khi nào đã làm xong mà thôi.
Ở công việc săn bắt hái lượm cũng vậy. Đây là công việc tiếp theo sau khi đã hoàn thành việc nương rẫy đồng áng. Người Ta-Ôi xưa chủ yếu tổ chức săn bắt hái lượm theo tập thể dưới sự chủ trì của chủ làng (areaih veel). Đối tượng tham gia thường là các trai làng, các bậc trung niên. Người phụ nữ chỉ tham gia vào các chuyến hái lượm cây trái trong rừng nhưng cũng rất hy hữu. Vì công việc chính của người phụ nữ là nương rẫy và sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống và phục vụ gia đình chồng. Những chuyến săn bắt lớn, đám trai làng có thể vắng nhà cả tháng. Sản phẩm họ kiếm được đều được mang về làng chia đủ phần cho tất cả tùy theo số lượng người trong mỗi hộ.
Mối quan tâm đối với sản phẩm thu được của họ là các cụ già và trẻ con. Những đối tượng này thường được chia nhỉnh hơn, đặc biệt khi họ đang trong cảnh ốm đau bệnh tật. Vì theo quan niệm của người Ta-Ôi, các vị thần rừng, thần núi, thần sông, thần suối... dành sự ưu ái lớn nhất cho người già và trẻ nhỏ về các sản phẩm tự nhiên mà mình đang ngự trị thông qua bàn tay săn bắt hái lượm của đoàn người trong làng. Cho nên đoàn người lên rừng, xuống suối luôn phải làm tròn trách nhiệm được giao phó.
Vốn sống trong sự tương thân tương ái từ ngàn đời nay, người Ta-Ôi bên cạnh cùng hưởng chung sản phẩm làm ra và thu được, còn giúp nhau trong hoạn nạn. Điều này thể hiện ở chỗ, một người nào đó một mình vào rừng săn bắt, không may bị tai nạn (bị thú rừng chống trả hoặc bị trúng bẫy đặt sẵn của người khác) được báo tin, cả làng giang tay cứu giúp, tháo gỡ không một chút câu nệ.
1.2. Một khía cạnh khác, thuộc phương diện đời sống vật chất chính là việc Làm nhà. Nhà của người Ta-Ôi được làm cũng phải trải qua nhiều công đoạn và thủ tục cúng bái phức tạp mang tính đặc trưng dân tộc. Từ việc chọn đất làm nhà, chọn hướng nhà, mô hình nhà, dựng đá tảng (đào móng, dựng cột), dựng bếp cho đến khánh thành nhà mới đều phải được thực hiện lễ cúng tương ứng. Lễ vật cúng nhỏ nhất là con gà và lớn nhất là con trâu. Một hộ làm nhà được sự góp mặt đông vui của cả dân làng. Dân làng không chỉ giúp chủ nhà về mặt công sức mà còn có cả lễ vật cúng nhà. Mỗi hộ một con gà, dăm ba lon nếp, vài ống rượu đoác... chung lại cũng chất đầy cả một nửa ngôi nhà Rông (roong) của làng rồi. Họ chung sức làm nhà và chung sức làm tiệc thật vui vẻ và hài hòa.
Một ngôi nhà mới có thể làm mất ba tháng (kể cả thời gian đi tìm vật liệu) nhưng với tấm lòng thành họ dành cho nhau, người Ta-Ôi chẳng hề từ nan, quyết làm việc cho đến lúc hoàn thành. Mỗi năm, mỗi làng có thể làm từ 1 - 2 ngôi nhà mới và sửa sang, tu bổ dăm ba ngôi nhà. Dẫu làm việc cho riêng từng hộ nhưng hễ lên tiếng đều được dân làng đáp lại hồ hởi, vui tươi.
2. Ở phương diện quan hệ xã hội, dòng họ, hôn nhân cũng bắt gặp nét văn hóa trách nhiệm cộng đồng mà người Ta-Ôi đã thể hiện một cách tự nhiên.
2.1. Về mặt quan hệ xã hội. Dẫu cũng trải qua đời sống phân tầng giai cấp (giàu - nghèo) nhưng cộng đồng tộc người Ta-Ôi vẫn sống theo tính chất khép kín của veel (làng), không theo sự phát triển của phân công lao động xã hội một cách dứt khoát. Trong môi trường như thế này, các thành viên thuộc các giai cấp khác nhau sống không có sự phân biệt lớn, chưa hình thành một tổ chức quản lý thực sự tách khỏi các hoạt động sản xuất. Bởi thực ra, do phải đối đầu với vấn đề lương thực có tính chất sống còn nhiều hơn là khả năng tạo ra những sản phẩm thặng dư, để có thể có điều kiện cho những người đảm nhiệm các công việc lãnh đạo trong veel (areaih veel, koonh parnha, nokuru) tách ra khỏi cộng đồng sản xuất lương thực thực phẩm...
Trong xã hội người Ta-Ôi, tổ chức veel từ xưa đã được thiết lập khá vững chắc. Trong đó chứa đựng nhiều mối quan hệ của con người. Sự tương trợ giúp đỡ nhau trong mọi mặt của đời sống không chỉ thể hiện trong những nóc nhà của một họ, một làng mà còn mở rộng giữa các veel với nhau, kể cả veel của những người láng giềng khác tộc.
2.2. Về mặt quan hệ dòng họ. Dòng họ (yaq) được người Ta-Ôi xem là cơ sở để nhìn nhận mối quan hệ cao nhất của những người cùng huyết tộc. Các thành viên cùng một yaq thường sống chung một làng, thương yêu, đoàn kết, gắn bó, thống nhất tuân theo thẩm quyền quyết định (định liệu kế họach, đưa ra bàn bạc giải quyết) các vấn đề thuộc về vật chất lẫn tinh thần của trưởng họ (xút yaq).
Một tổ chức nhỏ nhất của dòng họ là kantooh. Đó là một tổ chức gồm những thành viên có quan hệ máu mủ gần gũi nhất (hay còn gọi đó là quan hệ thân tộc trực hệ và cùng một dòng).
Trách nhiệm của mỗi một người đối với các thành viên trong cùng một yaq được người Ta-Ôi rất coi trọng. Điều đó lại càng được coi trọng hơn khi thể hiện trách nhiệm đối với những người anh/chị/em cùng kantooh với nhau, đặc biệt là trong vấn đề nuôi dạy con cái của nhau.
Trong một kantooh, nếu gia đình một thành viên nào đó gặp khó khăn trong việc nuôi con vì con quá đông, bố mẹ không đủ sức nuôi thì các gia đình thành viên khác, có điều kiện hơn, sẵn lòng nhận nuôi con cho đến khi trưởng thành mà không đặt ra một điều kiện nào về mặt vật chất hay tinh thần. Những người cháu được nuôi đến khi đủ tuổi dựng vợ gả chồng thì gia đình người nuôi nấng thường đứng ra làm chủ hôn.
Ngày nay, dẫu sống trong thời đại mới nhưng người Ta-Ôi vẫn luôn coi trọng việc giúp anh/chị/em trong cùng một kantooh nuôi con cái (của ho) nhằm chia sẻ gánh nặng gia đình của những người khó khăn hơn để cùng đưa mức sống gia đình của nhau đi vào ổn định.
2.3. Ở quan hệ hôn nhân, người Ta-Ôi rất coi trọng lễ cưới hỏi và còn đặt nặng tục thách cưới. Để hoàn thành một lễ cưới hỏi, một gia đình (gia đình chú rể) không thể có đủ các lễ vật để cung ứng. Chính vì ý thức được điều này, người Ta-Ôi luôn xòe rộng bàn tay cộng đồng để mở lòng giúp đỡ người thân, bà con, láng giềng.
Của cải vật chất cho ngày cưới thường được hình thành từ sự trợ giúp của các thành viên cùng dòng họ, cùng gia tộc và còn theo các con đường quan hệ hôn nhân như Khơi, Nnoo kiểu như nếu con cái của ông cậu thành lập gia đình thì gia đình bà cô chịu trách nhiệm lo phần lớn của cải cho lễ cưới... Còn công sức nhân lực phục vụ ngày cưới là do sự hợp sức của trai làng gái bản. Thời gian tiệc cưới diễn ra ngắn nhất là 1 ngày 1 đêm và dài nhất là 3 ngày 3 đêm với sự góp mặt chung vui của toàn thể bà con dân làng. Tinh thần và thái độ của người giúp việc hết sức cởi mở, phóng khoáng và tích cực. Dường như ở họ không có sự bon chen tính toán về công sức mà mình đã bỏ ra để phục vụ một đám cưới cho một gia đình nào đó trong làng. Vì người Ta-Ôi quan niệm, hạnh phúc của mỗi thành viên sẽ là một tập hợp hạnh phúc của dân làng.
Ở tổ chức kantooh, trách nhiệm lo cho việc cưới xin của các thành viên được thể hiện rõ nhất. Những người anh, người chị trong gia đình đã thành gia thất đều có bổn phận lo lễ vật, tiền của cưới xin cho người em kế tiếp. Lẽ dĩ nhiên, những món đồ được đáp lại từ nhà gái sẽ được chủ hôn chia phần cho các thành viên nhà trai đã đóng góp tiền của một cách xứng đáng.
Bên cạnh đó, người Ta-Ôi xưa còn có những nghĩa cử cao đẹp giữa anh em cùng huyết thống với nhau. Nếu một ai đó đã đến tuổi lấy vợ nhưng không đủ tiền của thì sẽ được một thành viên khác trong dòng họ giúp đỡ bằng cách bỏ ra các khoản tiền của nhất định để cưới vợ cho. Thực ra, dẫu cùng sống trong một gia đình, một dòng họ nhưng mỗi thành viên có những tính cách khác nhau nên mức thu nhập riêng của mỗi cá nhân trong những điều kiện cho phép cũng không như nhau. Chính vì điều này mà ta chẳng ngạc nhiên khi thấy anh em trong một nhà mà có người thì giàu sang với của cải, có người túng bấn suýt không lấy được vợ...
3. Sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng là phương diện cho việc tìm hiểu trách nhiệm cộng đồng của người Ta-Ôi.
3.1. Ở khía cạnh phong tục và tín ngưỡng, người Ta-Ôi nêu cao tính cộng đồng trong các lễ hội, tục cúng bái tang ma, lễ rửa tội.
Ngày trước đời sống người Ta-Ôi luôn bị vây quanh bởi những điều kiêng kị, chứa đựng nhiều thế lực siêu nhiên. Những thế lực này, trong chiều sâu tâm thức của họ, không những ban sự sống ấm no, bình yên, hạnh phúc cho con người mà còn sẵn sàng giáng xuống nỗi bất hạnh, sự trừng phạt đối với những ai phạm vào một trong những điều cấm kị do dân làng, dòng họ, gia đình đặt ra.
Khi phạm tội thì phải làm lễ rửa tội theo tục lệ đã được đặt ra. Người phạm tội không bị hắt hủi, dèm pha, thóa mạ mà ngược lại nhận được rất nhiều lời khuyên răn, dạy bảo, động viên của chủ làng, già làng, nhiều niềm an ủi, tin tưởng vượt lên hoàn cảnh của người thân, gia đình và sự đồng cảm của những người bạn cùng trang lứa. Mục đích của lễ rửa tội là làm cho người có tội biết nhìn nhận sai trái và không phải đau khổ, hổ thẹn đến tuyệt vọng với hành vi lầm lỡ của mình. Nhưng thiết nghĩ, mục đích cao cả hơn vẫn là sự khẳng định vai trò đùm bọc che chở của cộng đồng tộc người dành cho nhau, hướng về nhau.
3.2. Trách nhiệm cộng đồng còn len vào ngự trị dai dẳng ở “vương quốc” văn nghệ dân gian. Nó biểu hiện ở sự trân trọng gìn giữ bản sắc phong phú độc đáo của dân tộc dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Nó thể hiện trong nền văn hóa văn nghệ dân gian đa dạng, hồn nhiên, khỏe mạnh, giàu tính chất chiến đấu và giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Dẫu không có chữ viết riêng và mới xây dựng chữ viết theo chữ cái Latinh từ năm 1957 nhưng ngừơi Ta-Ôi đã luôn ý thức gìn giữ lưu truyền sản phẩm tinh thần dân gian của họ bằng phương thức truyền miệng, kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca và truyện cổ từ thế hệ này sang thế hệ khác qua các thời đại. Họ truyền nhau các loại hình văn nghệ dân gian ấy bằng nhiều phương tiện, qua nhiều phương diện khác nhau của đời sống...
Cơ chế thị trường xuất hiện làm thay đổi nền kinh tế tự cung tự cấp cũ, thiết lập nhiều quan hệ xã hội phức tạp, nhiều thành phần kinh tế mới với yêu cầu cao của khoa học và công nghệ, song nó vẫn không làm mất đi nét văn hóa trách nhiệm cộng đồng (mà vốn chỉ phù hợp với thời đại trước).
Với người Ta-Ôi, trách nhiệm cộng đồng như là một món ăn tinh thần nuôi sống họ từ ngàn xưa đến mai sau. Vì điều này, muốn khẳng định một lần nữa, mang ý nghĩa cao hơn cả nghĩa vụ, bổn phận chính là thiên chức làm thành viên của cộng đồng tộc người Ta-Ôi. Trách nhiệm cộng đồng là sợi chỉ đỏ gắn kết con người với con người, con người với tự nhiên và gắn kết nhiều cá thể thành một tập thể vững mạnh, đoàn kết và giàu tính nhân văn...
N.T.S (190/12-04)
---------------- (1), (2) Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội 1994, Tr. 985 và Tr. 205.
|