Tạp chí Sông Hương - Số 190 (tháng 12)
Người con đồng bệnh tương liêu của Văn Cao
10:26 | 12/10/2009
Cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao luôn là những bí ẩn đối với hậu thế. Ai sẽ là người dựng lên được một Văn Cao - một trong những tượng đài của dân tộc Việt Nam thế kỷ 20, nhưng cũng là một con người của cuộc đời thực với những vui buồn, đớn đau, hạnh phúc...?
Người con đồng bệnh tương liêu của Văn Cao
Nhà thơ Văn Thao - Ảnh: vnexpress.net

Cuộc trò chuyện giữa nhà văn Võ Thị Xuân Hà với nhà thơ Văn Thao, con trai cả của Văn Cao có lẽ sẽ giúp bạn đọc hình dung ra đôi phần dáng nét công trình dựng một tượng đài... Đồng thời giúp bạn đọc hiểu thêm về một trong những người con của Văn Cao, nay đang sống và âm thầm thắp sáng những ngọn nến sáng tạo.

*Võ Thị Xuân Hà (VTXH): Anh viết cuốn Văn Cao đời và nghiệp với tâm thức nào: Con trai cả đồng bệnh tương liêu? Một người bình thường ngưỡng vọng một nhân cách? Hay một sự câu thúc của hậu thế trong dòng sử về văn nhân dân tộc thế kỷ 20?

*Văn Thao (VT): ý định viết cuốn Hồi ức Văn Cao đời và nghiệp đến với tôi hơi muộn. Chỉ sau khi cha tôi mất tôi mới dần dần cảm nhận sự cần thiết phải thu thập tài liệu liên quan đến cuộc đời của ông. Khi ông còn sống, người ta rất dè dặt viết và đánh giá về ông. Đó phải chăng là số mệnh của những bậc văn nhân?

Sau ngày ông mất mọi người mới thực sự bàng hoàng nhắc và viết về ông. Có người ca ngợi, tung hô ông hết lời. Tôi tìm được và cảm nhận được đâu là tình cảm chân thực dành cho ông, đâu là những điều giả dối được che giấu đằng sau những câu chữ rất hoa mỹ sáo mòn (để làm gì nhỉ?).

Và tôi nhớ lại, có một lần tôi hỏi ông: “Sao bố không viết hồi ký?”. Ông im lặng một lát rồi mới nói: “Với bố, phải ngồi lại để viết hồi ký có nghĩa là cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình đã chấm hết. Để viết cho trung thực và khách quan, khi nhìn lại cả cuộc đời mình, dám nhận những sai lầm của mình trong các mối quan hệ xã hội đã khó, tự đánh giá và khẳng định được những tác phẩm của mình ở tầm cỡ nào và bảo vệ những quan điểm nghệ thuật của mình còn khó hơn. Còn viết hồi ký để đề cao mình, thanh minh cho mình, có khi dẫn đến việc nói xấu và hạ thấp vai trò của người này người khác... thì bố không làm được. Vì thế mà bố không viết hồi ký. Theo bố hãy để mọi người nghĩ, tìm hiểu và viết về bố thông qua chính những tác phẩm của mình thì khách quan hơn”. Ông ngừng lại một lát rồi bất chợt quay sang nhìn thẳng vào tôi, đôi mắt ánh lên hóm hỉnh: “Mà biết đâu con cũng sẽ là người viết cho bố?..”

Câu nói đó của ông đã ám ảnh tôi nhiều năm và nó đã giúp tôi tự tin, bỏ qua những mặc cảm để quyết định viết cuốn Văn Cao đời và nghiệp... Làm sao mà tôi không mặc cảm được khi tôi lại là con của một người quá nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Cuộc đời của ông cũng rất phong phú, phức tạp, chịu đựng nhiều những bước thăng trầm do thời cuộc tạo nên.

Con viết về bố mà hay thì sẽ được độc giả tin hơn vì có nhiều chuyện riêng tư trong gia đình chỉ có vợ con mới biết được. Vấn đề là phải viết cho trung thực và khách quan, những vấn đề động chạm đến lịch sử phải chính xác. Viết không cẩn thận sẽ sinh chuyện. Mà người đời thì rất thích “bới chuyện”.

Con viết cho bố không cẩn thận sẽ trở thành chuyện “mẹ hát con khen hay”. Nhưng đối với Văn Cao đâu cần phải khen ngợi, ca tụng ông ấy làm gì nữa. Ông ấy là Văn Cao! Và thế đã là quá đủ, phải không?

Tôi là đứa con đầu của ông, được ông tha lôi trên khắp nẻo đường kháng chiến cho đến ngày giải phóng Thủ đô mới trở về sống ở Hà Nội cho đến bây giờ.

May mắn cho tôi là những năm tháng gay go nhất trong cuộc đời ông, tôi đã được sống bên ông, cảm nhận, chứng kiến và gánh chịu kiếp nạn cùng ông.

Rồi những năm tháng chiến tranh phá hoại, cả gia đình đi sơ tán chỉ còn lại hai bố con tôi sống ở Hà Nội giữa cái sống cái chết và bom đạn rình rập. Những lúc rỗi rãi ông thường rủ rỉ kể cho tôi nghe nhiều chuyện trong cuộc đời của ông. Cả những chuyện riêng tư của ông thời trẻ.

Khoảng thời gian 30 năm (1956-1986) là những năm tháng cam go và buồn nhất trong cuộc đời ông. Ông nhẫn nhịn, chịu đựng một cách kiên cường. Ông tin những gì ông đã làm là đúng, con đường ông đã chọn đã đi là đúng. Và ông đã đúng.

Tôi yêu quý ông, đồng cảm được cùng ông và ngưỡng vọng một nhân cách lớn nơi ông. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm viết lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ông là một tài năng lớn của nền Văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20.

Như bạn nhận định, tôi đã viết Văn Cao đời và nghiệp với cả ba tâm thức: Con trai cả đồng bệnh tương liêu. Một người bình thường ngưỡng vọng một nhân cách. Và một sự câu thúc của hậu thế trong dòng sử về văn nhân dân tộc thế kỷ 20.

VTXH: Anh viết cuốn sách này trong thời gian bao lâu? Có thể đã có nhiều trở ngại vì đi tìm bóng dáng người xưa giống như đi trên cái “lối xưa yên ngựa hồn thu thảo”... Mà chữ tâm và chữ tiền cũng là những chuyện muôn thuở trên những nẻo đường?
VT: Tôi bắt đầu có ý thức thu thập tư liệu để viết cuốn Văn Cao đời và nghiệp từ hơn 10 năm nay. Tôi đã đi nhiều, tìm đến những vùng đất ông đã hoạt động trong những năm kháng chiến. Gặp gỡ lại rất nhiều bạn bè cũ của ông-những nhân chứng lịch sử còn sống...
Vâng, rất vất vả và tốn kém. Nhưng in đậm trong tôi là chữ Tâm của họ.

VTXH: Một chút riêng tư: trong một tai nạn giao thông anh đã bị mất một bên chân. Sức mạnh nào nâng anh đứng vững trên những nẻo đường đi tìm bóng hình người cha của mình? 
VT: May mà tôi có một người bạn đời rất thông cảm, ủng hộ, động viên, giúp đỡ tôi. Cô ấy đã dành dụm tiền bạc để cho tôi đi lấy tư liệu. Có lần cô ấy còn phải bán cả tư trang để chúng tôi có tiền tiêu trên đường... Cô ấy cũng là một nhà thơ - nhà thơ Trần Lan Vinh. Có lẽ nhờ thế nên chúng tôi đồng cảm và chia sẻ được những công việc của nhau. Thực sự nếu như không có cô ấy, công việc của tôi chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại...

Còn nữa, đó là những người đã từng là bạn, từng cùng sống, làm việc, chia sẻ với cha tôi. Cả những người chưa từng gặp Văn Cao, nhưng khi biết tôi rong ruổi đi lấy tư liệu về ông, họ đã giúp đỡ hết sức vô tư...

VTXH: Anh dự định thời gian nào cho ra mắt độc giả cuốn sách?Đã có một mạnh thường quân nào quan tâm đến việc này?
VT: Lẽ ra tôi đã có thể cho ra mắt độc giả trong năm nay nhưng vì còn có nhiều chuyện trong cuộc đời của cha tôi mà tôi thấy còn phải cân nhắc... Mạnh thường quân ư? Có nhiều người rất quan tâm đến chuyện đỡ đầu cho ra cuốn sách, nhưng nơi tôi mong nhận được sự giúp đỡ là Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Toàn quốc.

VTXH: Anh đã có những tập thơ riêng. Trong bài thơ “ Những con chữ” anh đã viết “Con chữ như định mệnh/ Số phận từng thi nhân/ Bao con tim ứa máu/ Nước mắt/ Mồ hôi/ Chắt gạn biển đời” Và từ đó đến nay, Văn Thao vẫn âm thầm đi theo lối nhỏ trong dòng chảy văn học...
VT: Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật nhưng con đường đến với thơ văn của tôi khá muộn. Hình như là một sự bức xúc đã thúc đẩy tôi đi vào cái nghiệp này. Tôi thường được chứng kiến các bậc tiền bối đàm đạo văn chương tại nhà. Rồi sau này các nhà thơ trẻ thường hay đến nhà tôi để đọc thơ cho cha tôi góp ý. Nghe họ tán tụng và tâng bốc nhau tùm lum, anh nào cũng coi thơ của mình là nhất- nghe mà tức. Đã thế mình cũng làm thơ chơi xem sao. Và thế là tôi làm thơ.

Mãi đến năm 1995 sau ngày bố tôi qua đời tôi mới cho ra mắt tập thơ đầu tiên có tên là Trái muộn do NXB Văn Học in. Tập thơ thứ 2 có tên Mảnh trời qua ô cửa cũng do NXB Văn Học in năm 1997. Tôi sáng tác không xô bồ và cũng không ồn ào. Tính tôi thế. Và tôi cũng tìm ra cho mình một cách viết riêng, một góc nhìn, một cách tư duy riêng. Tôi không thích sự cầu kỳ, rắc rối, đánh đố người đọc. Đối với tôi câu thơ phải có hình ảnh, ngôn từ chắt lọc, tránh sự vô nghĩa trong câu chữ...

Tôi tin ở mình. Tôi viết cái gì tôi thích, tôi viết cái gì tôi cảm. Cái gì đến sẽ đến. Thời gian sẽ trả chúng ta về đúng giá trị thật của nó.

VTXH: Được biết anh đã tham gia đóng một vài bộ phim truyền hình. Đó có phải là đam mê mới của anh?
VT: Tôi đã tham gia đóng phim truyện truyền hình của điện ảnh chiều thứ 7. Tôi đi theo đoàn làm phim của đạo diễn Huy Hoàng (Hãng phim truyện I) để thâm nhập thực tế vì tôi đang viết một vài kịch bản cho điện ảnh. Đạo diễn Huy Hoàng khi đó đang làm bộ phim Chuyện làng một. Trong kịch bản có một vai thầy địa lý. Chắc cái bản mặt của tôi hợp với vai đó nên đạo diễn Huy Hoàng và nhà quay phim Nguyễn Văn Đức đã mời tôi đóng. Tôi đọc kịch bản thấy vai cũng ngắn và cũng có đất diễn nên tôi nhận lời. Tôi đã đóng phim bao giờ đâu nhưng vì nể bạn nên cũng liều một cái xem sao. Âu cũng là một cuộc chơi. Và thế là tôi diễn. Không ngờ mọi người xem xong đều khen cái mặt tôi diễn được, vào vai không giống ai cả. Tôi cũng thấy khoái.

Và rồi mọi người lại mời tôi đóng tiếp một vai nữa trong phim Không cô đơn. Lại một cuộc chơi nữa. Tôi vốn ham chơi mà, chơi được là chơi, chơi cho hết mình...

Không! Đây đâu phải là sự đam mê. Có điều đã nhận vai rồi thì phải tìm ra cho mình một kiểu diễn thế nào đó để gây được ấn tượng tốt. Nhưng khi vào cuộc mới biết lao động nghệ thuật của cái nghề diễn viên vất vả lắm, không đơn giản như mọi người và tôi từng tưởng.

VTXH: Anh đã tốt nghiệp Mỹ thuật Công nghiệp. Vậy giữa hai vai trò: nhà thơ và hoạ sĩ, anh dành tâm huyết phía nào?( “ Cuộc chơi làm diễn viên” thì rõ rồi.)
VT: Tìm tòi, sáng tạo đấy mới là mục đích để tồn tại. Nhưng vai trò nhà thơ, nhà văn mới là tâm huyết chính của tôi - Cùng là sáng tạo, nhưng hội hoạ là màu sắc và dáng nét. Còn câu chữ là sự đánh đố của số phận người nghệ sĩ. Chắc rằng điều này thì bạn biết rất rõ.

VTXH: Hy vọng cuộc trò chuyện này sẽ mang đến cho anh một hối thúc lớn để thực hiện tiếp những dự định lớn của mình. Xin cảm ơn nhà thơ Văn Thao!

(190/12-04)


Các bài mới
Trạng của tôi (20/10/2009)
Các bài đã đăng