Trước hết hãy nói về người vừa vĩnh biệt chúng ta... Francoise Sagan – nữ văn sỹ Pháp nổi tiếng là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất thế giới: Buồn ơi, chào mi!; Anh có yêu nhạc Brams?; Một chút mặt trời trong nước lạnh... Thành công, tiếng tăm, tiền bạc đã đến với bà rất nhanh chóng và sớm sủa. Ở tuổi 19, cô sinh viên khoa ngữ văn Trường đại học Sorbon Francoise Sagan đã viết chuyện về một cô gái trẻ kể lại một cách công khai, không dấu diếm cô đã được yêu, được trải qua những năm tháng tuổi trẻ như thế nào. Cuốn tiểu thuyết đầu tay này của bà lập tức trở thành biểu tượng của tuổi trẻ những năm 1950, cũng ngay lập tức khiến tên tuổi của tác giả vượt ra khỏi biên giới nước Pháp. Chỉ trong một năm Buồn ơi, chào mi! đã bán được hơn một triệu cuốn, các nhà phê bình văn chương đồng thanh gọi cuốn sách là “Hiện tượng Sagan“. Vinh quang đến sớm không làm cho bà ngây ngất, choáng ngợp. Sagan hỏi cha phải sử dụng số tiền nhuận bút khổng lồ ấy vào việc gì. Bà đã đi du lịch vòng quanh thế giới trên thuyền buồm, đã lấy một ông chồng hơn mình 12 tuổi để rồi nhanh chóng chia tay, đã sinh con và vun quén một số việc khác cho cuộc đời mình. Năm 22 tuổi, Sagan vấp phải một tai nạn xe hơi suýt bỏ mạng...
Riêng về mặt văn chương bà thành đạt hơn nhiều, Bà đã viết gần 50 tác phẩm tiểu thuyết, truyện vừa, kịch sân khấu, bút ký... Về bản thân, Sagan thường nói bà “rất thích tốc độ và sự nồng nhiệt”. Chính lòng ham muốn ấy cũng đã mang đến cho bà nhiều lời dị nghị, quở trách và tên tuổi của bà rất thường gặp trên những trang báo bàn về những chuyện đường phố. Đầu năm 2002 Francoise Sagan đã phải ra hầu toà vì tội trốn thuế. Nhưng khác với phần nhiều các nhà văn cùng thời thường dùng sự thăng trầm của cuộc đời riêng tư biến thành chất liệu cho tác phẩm, Francoise Sagan không bao giờ hành động như vậy. Hầu như bạn đọc không tìm được những nét tự thuật trong các tác phẩm của bà. Francoise Sagan đã sống một cuộc đời với tất cả ngọt ngào - cay đắng, hạnh phúc – khổ đau để viết về tình yêu, sự cô độc, về thế giới nội tâm của con người. Và văn chương của bà làm xao động, thổn thức con tim của hàng triệu triệu bạn đọc.
Với Brigitte Bardot, nếu nói rằng bà nổi tiếng vào những năm 1950 thì cũng có nghĩa là chưa hề nói gì về bà cả. Brigitte Bardot (mà người ta thường gọi vắn tắt là B.B) đã trở thành ngọn cờ, thành biểu trưng cho một cuộc cách mạng do những người đàn bà không phải từ trang bìa của các tạp chí mode, mà từ những bộ phim khởi xướng. Vai diễn đầu tiên của B.B là trong bộ phim hài Lỗ thủng Normandi - tên phim thật không xứng với sự khởi nghiệp công danh màn ảnh của nữ diễn viên mà vẻ trẻ đẹp ngay lập tức hút hồn thiên hạ. Lẽ đương nhiên trên thực tế B.B được sinh ra từ bộ phim Và Thượng đế sinh ra đàn bà của đạo diễn trẻ Rogie Vadim. Chính bộ phim này đã mở màn cho những trang huyền thoại về B.B. Juylietta-cô gái tóc bạch kim, với cặp môi gợi cảm, với đường cong mền mại, uyển chuyển thể hiện trong từng dáng đi nước bước đã làm sửng sốt óc tưởng tượng vốn đã quá dồi dào của người Pháp. Và không chỉ người Pháp. Vinh quang ào đến với Brigitte Bardot như thác nước Niagara. Vinh quang của riêng B.B, đến lượt nó hệt giống như chứng loạn thần kinh, giống như cơn điên khùng tác động đến cuộc cách mạng do giới trẻ phất cờ vào những năm 1960.
Brigitte Bardot - Ảnh: cinemaviet.blogspot.com
Không phải là “chất nữ tính bất tử “ mà là điều gì đó tương tự, gần gặn được phát lộ ra từ B.B. “Vị hôn phu của thế giới “, “ Bà nữ chúa sự bùng nổ của giới trẻ “ – cô gái trẻ người Pháp này ẩn chứa một điều gì đó còn lớn lao hơn biểu tượng gợi cảm của nước Pháp. Cô thiếu nữ Paris, Babetta ra trận, Người đàn bà và anh hề và nhiều bộ phim khác có vai của B.B. Thiên huyền thoại điện ảnh không thể chỉ tồn tại trong bốn khung viền của màn ảnh. Nó vọt sôi, ào ạt tràn vào cuộc đời thực, để rồi cuộc đời của từng người lại trở thành đối tượng săn lùng của thiên huyền thoại điện ảnh. Với sự khó khăn, chật vật B.B chèo chống trước sức cuốn hút của quá trình huyền thoại hoá ấy. Và dẫu sao, B.B cũng đã giữ mình được! Cuộc đời riêng tư, Viava, Maria, Sự khinh bỉ – những bộ phim này về thực chất là sự tái sinh của nữ diễn viên. Đó cũng là đỉnh cao vinh quang của B.B. Sau những bộ phim ấy B.B dần dà rút lui khỏi điện ảnh. Vào những năm 1970 trong bộ phim Don Juyan 73 B.B vụt loé sáng lên lần cuối cùng. Huyền thoại đã lùi vào dĩ vãng. Còn lại với B.B là cuộc đời hàng ngày, cuộc đấu tranh bảo vệ súc vật, ngôi nhà, những cuốn sách và hồi ức.
Không thể và cũng không nên so sánh chỗ giống nhau, điểm khác nhau giữa Francoise Sagan và Brigitte Bardot. Chỉ biết rằng cả hai vừa là con đẻ vừa là người phất cờ của bầu không khí rất nồng nhiệt, rất trẻ trung, mới mẻ, sục sôi khát vọng được sống như ý muốn của thập niên những năm 1960 không thể quên đối với người Pháp và tất cả những ai yêu văn chương –nghệ thuật Pháp.
T.H (Theo báo chí nước ngoài) (190/12-04)
|