Tạp chí Sông Hương - Số 190 (tháng 12)
60 năm gian khổ và kiêu hãnh
09:10 | 14/10/2009
TÔ VĨNH HÀTrong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, 60 năm qua là một chặng đường đặc biệt. Chưa bao giờ dân tộc ta phải đương đầu với nhiều thử thách đến như thế, phải chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù đến như thế. Pháp rồi Nhật, Tưởng và Anh; hết Mỹ đến Khơmer “đỏ”... Kẻ thù và đau khổ nhiều đến mức tưởng chừng như đất nước Việt Nam được tạo hoá sinh ra là để cho các loại kẻ thù nhòm ngó, tìm mọi cách thôn tính.

“Chiếc đòn gánh uốn cong”- mềm, dẻo nhưng bền bỉ đến mức; sự ngạo mạn, hùng mạnh của các triều đại đế quốc không thể bẻ gãy, không thể đồng hoá, không thể làm mai một. Lịch sử - khi đã viết ra rồi, thật giản đơn. Đó là truyền thống được tích tụ qua bao đời. Dân tộc Việt Nam là một trong rất ít các dân tộc trên trái đất này biết cách để chứng minh một chân lý: Một khi có tình yêu (Tổ Quốc), quyết tâm, dám hy sinh, sáng suốt và vững vàng trước những thách đố hiểm nghèo, không gian khó nào là không thể vượt qua.

Sự ra đời của Quân đội Nhân dân Việt Nam là cả một câu chuyện thần kỳ. Trong cái bí hiểm của núi rừng Việt Bắc, trong cái mù sương giá buốt của mùa đông, 34 người lính hàng thứ nhất chắc hẳn đã không bao giờ nghĩ rằng - ngày mai, sau nhiều năm nữa, họ sẽ là những người đầu tiên làm thay đổi cách biết, cách hiểu, cách tư duy của cả một thời đại. Được ủ ấp và nuôi dưỡng từ khởi nghĩa Bắc Sơn (27/09/1940); trưởng thành sau khi Nguyễn Ái Quốc về nước (28/01/1941), với một đơn vị vũ trang nhỏ; lực lượng vũ trang Việt Nam đã ra đời với một tên gọi chưa bao giờ thấy ghi trong lịch sử: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ). Nhiều năm sau này, khi nghĩ về tên gọi đó, những người nghiên cứu lịch sử chúng tôi càng ngày càng thấm thía về sự sâu sắc trong cách đặt tên của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.

Là một đơn vị vũ trang, nhưng Hồ Chí Minh muốn mọi người phải hiểu rằng, nhiệm vụ - chức năng đầu tiên của đội quân cách mạng là giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng. Sâu xa hơn nữa, Người muốn nhắn gửi một chân lý: nhiệm vụ tuyên truyền, giải phóng nhất thiết phải gắn bó với nhân dân; quan hệ quân dân là quan hệ cá - nước, đó là sức mạnh để làm nên sự vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Vừa mới ra đời, chỉ trong hai ngày 25 và 26/ 12; VNTTGPQ đã hạ gục hai đồn Phay Khắt và Nà Ngần. Đó là hai chiến thắng mở đầu cho muôn vàn chiến công vang dội sau này. Từ đây, Quyết thắng trận đầu đã trở thành một nguyên tắc, một bản lĩnh, một đặc điểm nổi bật của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Một năm sau, quân đội ta lại có vinh dự mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám lịch sử. Cách mạng tháng Tám đã được bắt đầu từ sự kiện Việt Nam Giải phóng quân tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên. Đây là điều đặc biệt vì hình thái chủ yếu của Cách mạng tháng Tám là sức mạnh của chính trị. Thế nhưng, lực lượng vũ trang nhất thiết và phải, đóng vai trò nòng cốt, xung kích.

Dường như QĐNDVN là hiện thân rực rỡ và đầy đủ nhất của hai chữ Việt Nam. Vượt về phương Nam là cội nguồn, tính cách làm nên hồn Việt, sức mạnh Việt. Có lẽ vì thế nên cả hai lần nam tiến, quân đội ta đều làm nên những chiến thắng thần kỳ. Lần thứ nhất, đoàn quân Nam tiến ra đi để cùng đồng bào Nam bộ kháng chiến chống Pháp. Lần thứ hai, đi ta đi giải phóng miền Nam là tiếng gọi hào hùng của hồn sông núi; của khí phách tuyệt vời của hai chữ Việt Nam. QĐNDVN đã thực sự “Cầm cành hoa đi giữa loài người” để “đi qua thời gian” ( thơ của Chế Lan Viên).

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp là chiến thắng đầu tiên của “một dân tộc nhược tiểu đánh bại một đế quốc thực dân hùng mạnh” ( Hồ Chí Minh). Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ là chiến thắng cho đến nay là duy nhất của loài người trước đế quốc lớn nhất mọi thời đại. Đế quốc Hoa Kỳ chưa từng thất bại trước bất kỳ đối thủ nào, trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào(!)

Sức mạnh của QĐNDVN là sức mạnh của sự kết hợp tài tình giữa truyền thống với hiện đại. Có thể nêu ra một dẫn chứng tiêu biểu: Ngày 16/ 09/1950, quân ta nổ súng tấn công Đông Khê. Mất Đông Khê, Thất Khê bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập. Quân Pháp hoảng loạn rồi vỡ vụn trên toàn tuyến Biên Giới. 25 năm sau, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã tạo ra bước đột biến thần kỳ với một chiến công gần giống như thế. Ngày 25/03/1975, quân ta giải phóng Thừa Thiên - Huế. Huế cách Đà Nẵng 105 km. Thế nhưng, liên tiếp trong ba ngày, cùng với Huế, ta giải phóng Tam Kỳ(24/03), Quảng Ngãi(25/03), Chu Lai(26/03). Thế trận này đã biến Đà Nẵng thành cái bẫy khổng lồ nhốt chặt 10 vạn quân ngụy trong tình trạng bị cô lập hoàn toàn. Có thể nói, cách đánh đó là nghệ thuật tiến hành chiến tranh kỳ tuyệt của QĐNDVN.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tạo nên cách định nghĩa mới về sự phi thường. Nếu như hơn 20 năm trước, để giải phóng mấy chục km2 ở Điện Biên Phủ, quân đội ta phải chiến đấu ròng rã suốt 56 ngày đêm. Thì giờ đây, cũng với thời gian tương tự, ta giải phóng cả một nửa giang sơn của Tổ Quốc. Tất nhiên, “mọi sự so sánh đều khập khiễng”; chỉ có điều, nguồn cội của mọi thần kỳ tất yếu là của kết quả tích luỹ từ biết bao mồ hôi, xương máu và nước mắt...

60  năm chiến đấu gian khổ, QĐND Việt Nam anh hùng đã rút ra được những bài học bổ ích nào?

Thứ nhất, Thắng trận đầu là một nguyên tắc. Từ Phay Khắt, Nà Ngần của thời kỳ cách mạng, trận thắng lớn đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp là chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947. Đánh ngụy ta có Ấp Bắc (tháng giêng-1963); đánh Mỹ ta có Vạn Tường(18/08/1965)... Đây không chỉ là nguyên tắc về tinh thần, quyết tâm, tâm lý mà còn phản ánh sự tin tưởng vào một quyết định sáng suốt.

Thứ hai, quân đội ta luôn biết cách để tập trung một lực lượng quyết định, tại một địa điểm quyết định, ở một thời điểm quyết định để giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Đây không phải là vấn đề mới bởi đã có rồi trong binh pháp của người xưa. Thế nhưng, vận dụng trong hoàn cảnh cụ thể là điều có ý nghĩa quyết định. Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân năm 1953-1954 với đỉnh cao là trận Điện Biên Phủ là một dẫn chứng điển hình. Cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân 1968 để buộc Johnson phải rời khỏi Nhà Trắng, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược là một chiến công mẫu mực...

Thứ ba, trong hầu hết các chiến thắng, đều chứng minh tính cơ động cao, thần tốc là sức mạnh. Đây là điểm độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới. Tôi xin dẫn ra một trong rất nhiều dẫn chứng. Di chuyển quân và vận chuyển đạn pháo 155 ly (chiến lợi phẩm) từ nam Lào đến Điện Biên Phủ, băng qua hơn 1000 km đường rừng núi hiểm trở, trong thời gian chưa đến 30 ngày là một thành công đứng trên cả sự phi thường.

Thứ tư, những trận đánh có ý nghĩa chiến lược của quân đội ta đều diễn ra trên các vùng rừng núi. Đây có thể là một trong những đặc thù của chiến tranh cách mạng. Từ chiến thắng đầu tiên, đến Điện Biên Phủ, chiến dịch Tây Nguyên 1975 cho đến những trận đánh ở biên giới phía Bắc năm 1979...; tất cả đều chứng minh rất rõ, hình thái chiến tranh chủ yếu của quân đội ta là giữ nước. Chính vì vậy, địa bàn rừng núi đã, và luôn luôn là địa bàn quan trọng nhất.

Thứ năm, Chưa có một cuộc chiến tranh nào mà ta hơn hẳn kẻ thù về vũ khí, trang bị. Chúng ta chiến đấu chủ yếu bằng tinh thần, bằng lòng dũng cảm. Đây là điều bắt buộc của một nước nhỏ, nghèo nàn. Tuy nhiên, chiến đấu trong những hoàn cảnh như thế, tổn thất vô cùng lớn. Đây là một bài học theo tôi nghĩ là cực kỳ cần thiết khi kinh tế đất nước phát triển. Quân đội cần phải được hiện đại hoá theo đúng nghĩa của từ này.

Trên đây là 5 bài học được trình bày hoàn toàn theo chủ quan của người viết. Có không ít những bài học nữa, nhưng đã được nêu trong nhiều cuốn sách nên tôi nghĩ không cần thiết phải đưa ra.

Một trong ba đặc trưng đáng chú ý nhất của thế kỷ 20 và bốn năm đầu tiên của thế kỷ 21 là chiến tranh.  Trong hơn 100 năm qua số người chết vì chiến tranh - dù trực tiếp hay gián tiếp, không dưới 300 triệu người. Đó là một con số khủng khiếp. Tuy nhiên, số liệu đó cũng phần nào giải thích vì sao dân tộc ta phải luôn ở trong tình trạng chiến tranh nhiều đến thế.

Cũng rất đáng để nhấn mạnh rằng, thật ít những chiến công có được tầm vóc của thế kỷ hay của thời đại. Điện Biên Phủ rồi “Điện Biên Phủ” trên không và Thời đại Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử bất tử của loài người. Hôm nay, khắp nơi đều thích nói đến sự biến động của giá vàng, giá dầu... Loài người đang mơ về một giấc mơ của một nền kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, chừng nào còn chủ nghĩa đế quốc; chừng nào vẫn còn những mưu toan quyền lực nhân danh các giá trị tôn giáo, chủng tộc...; thì chừng đó, Việt Nam vẫn là biểu tượng rực rỡ sáng ngời của lòng kiêu hãnh; vẫn mãi là tấm gương mẫu mực về sự hy sinh và lòng dũng cảm. Trong muôn vàn tia sáng làm nên niềm tự hào của hai tiếng Việt Nam; các anh - những người lính, chính là tia sáng đáng trân trọng nhất.

Huế, tháng 12/ 2004
T.V.H
(190/12-04)



 

Các bài mới
Trạng của tôi (20/10/2009)
Các bài đã đăng
Kho báu (13/10/2009)