Tạp chí Sông Hương - Số 130 (tháng 12)
Di tích cố đô Huế chung sống với lũ
08:16 | 01/11/2009
THANH TÙNGSáng 4/11/99, khi còn kẹt ở Đà Nẵng, nối được liên lạc với với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Mễ qua Mobi Fone tôi mới biết mức nước ở Huế đã vượt đỉnh lũ lịch sử từ 1 - 1,2 mét.
Di tích cố đô Huế chung sống với lũ

Nước sông Hương trước kinh thành vượt trên báo động ba hơn 1,5m, đoạn ngã ba Bàng Lãng, nơi hợp lưu của hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch, cao hơn 10 mét. Thế là tuy ở Đà Nẵng nhưng đã biết lăng Minh Mạng chìm sâu trong nước 5 - 6 mét là cái chắc - phép tính đơn giản thôi vì tôi biết biết sân chầu của Hiếu Lăng (lăng Minh Mạng) cao 4 mét so mặt nước đoạn ngã ba sông. Về Huế sau lũ tôi được chứng kiến tường tận: nước tràn vào Hiếu Lăng, ngâm hơn ba ngày, lúc cao điểm ngập sau hơn 5 mét. Tất cả các công trình kiến trúc đều bị ngập từ 1,5 mét trở lên - trừ tầng gác của Minh Lâu. Không riêng gì lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị trừ điện Biểu Đức các công trình còn lại đều bị ngập. Lăng Đồng Khánh ngập toàn bộ, riêng điện Ngưng Hy ngập đến mái hiên. Các lăng Gia Long, Tự Đức, Dục Đức hầu hết các công trình kiến trúc đều được thủy thần thăm hỏi.

Hoàng thành Huế, trung tâm của quần thể di tích cố đô, nước ngập 1,5 mét, trừ điện Thái Hòa và Thái Bình Lâu các công trình đều bị ngập nước. Lượng mưa lớn và kéo dài làm toàn bộ hệ thống mái các cung điện, đình tạ, lầu gác đều bị thấm dột. Hệ thông hồ ao, hộ thành hà bị bùn lấp cạn, đường sá trong và ngoài các di tích đều bị phủ dày bùn, cây đổ ngổn ngang. Các tuyến đường đến các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định đều bị sạt lở đã và sẽ hạn chế số lượng khách tham quan. Các công trình đang tháo dỡ để trùng tu đã trôi và hư hỏng không ít vật tư, vật liệu xây dựng. Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Thái Công Nguyên cho biết, mặc dù lũ năm nay đã phá kỷ lục lũ lịch sử nhưng đã xác định chung sống với lũ cho nên Trung tâm đã có các phương án chủ động phòng chống, nhờ vậy lũ lớn hơn nhưng thiệt hại ít hơn so với các năm trước. Theo KTS Phùng Phu, phó giám đốc Trung tâm, thì hiệt hại ở các công trình đang trùng tu khoảng 300 triêụ đồng, tiến độ thi công các công trình sẽ bị chậm lại.


(Khắc phục hậu quả lũ lụt - Ảnh: Đặng Văn Trân)


Xứ Huế trời hành cơn lụt mỗi năm thì di tích cố đô thoát sao khỏi cảnh chung sống với lũ. Nước vào rồi nước lại ra nhưng ngập sâu như trận lũ đầu tháng 11 vừa rồi thì qúa sức tưởng tượng và quá sức chịu đựng của con người,  huống chi đây lại là di sản văn hóa của cha ông để lại đã xuống cấp theo thời gian, chiến tranh, và thiên tai. Kinh đô Huế bắt đầu xây dựng từ năm 1803, khi vua Gia Long lên ngôi, khởi nghiệp vương triều Nguyễn, thấm thoắt đã gần tròn hai thế kỷ. Trừ lăng Khải Định xây dựng vào đầu thế kỷ có chút ít bê tông cốt sắt hầu hết các công trình kiến trúc đều có khung chịu lực bằng gỗ, lại tồn tại trong môi trường khí hậu khắc nghiệt như thế tránh sao khỏi những thiệt hại sau mỗi cơn hồng thủy,mỗi trận cuồng phong. Trở lại lăng Minh Mạng không riêng gì tôi ai cũng xót xa khi tận thấy 20 cây thông cao từ 12 đến 25 mét bị đổ do mưa lũ xói bật gốc. Phục hồi một công trình kiến trúc chỉ mất từ 1 - 2 năm, tùy theo khả năng kinh phí được đầu tư, nhưng để có những "mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên" như ở đây thì phải mất cả trăm năm. Nếu tình từ ngày vua Thiệu Trị cho khởi công Hiếu Lăng thì những cây thông này đã suýt soát 160 năm tuổi.

Lại thêm một vấn nạn nữa, bờ sông phía trước Hiếu Lăng bị sạt lở một đoạn dài khoảng 300 mét,ăn sâu 50 mét. Bây giờ bờ sông chỉ cách la thành khoảng 60 mét. Không biết chuyện gì sẽ xẩy ra nếu lũ lớn xuất hiện trở lại? Nước chảy mạnh làm cho nhiều đoạn tường thành của các di tích bị sụp đổ. Hồ Lưu Khiêm ở lăng Tự Đức thơ mộng là vậy cũng bị sụp một đoạn dài 15 mét. Ở chùa Thiên Mụ cũng chung cảnh ngộ này. Quốc lộ 49 bó vỉa đồi Hà Khê bị đứt một quãng do lũ xói lở, làm sạt lở bờ kè ở phía tây chùa gây nguy hại cho toàn bộ cụm kiến trúc trước tam quan gồm tháp Phước Duyên, nhà bia, lầu chuông, trụ biểu và hệ thống bậc cấp từ bến thuyền lên chùa. Điện Hòn Chén nằm trên núi Ngọc Trản, soi mình bên sông Hương xanh thẳm vừa thơ mộng vừa thâm nghiêm nay bỗng nên trơ trọi bởi lũ cuốn trôi miếu thờ ông Hạ Ban, Bà Thủy, nhà Thánh và phía sau Minh Kính Đài bị sụp đổ. Các công trình kiến trúc ở di tích này đang đứng trước nguy cơ tiếp tục bị sụp đổ do xói lở. Xử lý xói lở để bảo vệ các di tích lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ đã nằm ngoài khả năng của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô, của ngành Văn hóa, của tỉnh Thừa Thiên - Huế bởi có nhiều phần việc, nhiều hạng mục công trình tùy thuộc vào chuyên môn kỹ thuật và chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường...

Huế, sau lũ thế kỷ - 1999
TH.T
(130/12-1999)



 

Các bài mới
Hai bàn tay anh (01/11/2009)
Các bài đã đăng
Trung thu (28/10/2009)