Tạp chí Sông Hương - Số 249 (tháng 11)
Về quê mùa bão lụt
10:31 | 02/11/2009
NGUYỄN ĐẶNG MỪNGHằng năm con tôi vẫn mua vé hàng không giá rẻ cho ba mạ về quê. Không biết trùng hợp hay người ta đã lường trước là mùa này không ai thèm đi du lịch ở xứ sở năm nào cũng bão lụt nên bán vé còn rẻ hơn đi xe đò. Về Huế ở lại một ngày đêm. Trời quang mây tạnh. Cứ ngỡ trời còn thương vợ chồng mình. Được một ngày rong chơi những con đường Huế. Mùa thu se lạnh. Sông Hương nước hơi đục nhưng cũng còn khá thơ mộng.
Về quê mùa bão lụt
An Cựu- ngập trong mưa lũ- Ảnh: Nguyễn Đăng Hạnh

Tôi về Quảng Trị, vì đi hai vợ chồng nên ngại ngủ lại nhà bà con bạn bè. Chúng tôi chọn một khách sạn trên Quốc lộ 1A. Một đêm mưa gió. Bật TV thấy dự báo bão đã gần kề. Kiểu này không chừng chẳng đi đâu được. Nằm lơ mơ nghe mưa nhớ ngày xưa, những ngày trai tráng lên rừng chặt cây về “dựng lại người, dựng lại nhà”. Lạ. Mấy chục năm rồi, cả khi ở nhà kiên cố, đêm nghe mưa cũng thao thức sợ “dột”, sợ ngập. Mưa bão quê nhà cứ đeo đẳng, không phải ngoài trời mà trong lòng, trong tim. Cứ cảm giác như là đêm nay bão sẽ về, nước sẽ dâng ngập nhà cửa. Không biết bạn bè ở nước ngoài có vậy không. Mưa Sài Gòn thì lâu nhất cũng chỉ vài tiếng. Mưa quê mình cứ ầm ào cả đêm, tưởng không bao giờ dứt.

Thiếp đi trong ầm ào mưa gió, trạng thái nửa thức nửa ngủ, những thước phim về mưa lụt ngày xưa luẩn khuất miên man. Xa. Gần. Nước và gió. Đói và rét. Có lúc lại thấy đi lạc vào rừng, bốn bề là nước. Chân tay cứng đơ không chạy được. Vợ đánh thức tôi dậy lúc nửa đêm, hỏi anh mơ thấy gì mà hét toáng lên thế. Tôi thẫn thờ xâu chuỗi những khúc chiêm bao đứt đoạn, câu chuyện nào cũng buồn. Hình ảnh nào cũng ghê rợn. Tôi vẫn còn nghe loáng thoáng lơ mơ những tiếng rú rởn óc, không biết người của phương nào, đang chạy rượt nhau trong mưa gió. Ngoài cửa kính lờ mờ, dưới đèn đường vàng vọt, mưa như dội những mảng nước lớn xuống đường nhựa trắng xóa. Nơi đây biết bao oan hồn lẫn khuất đâu đó, trong mưa, hút vào làng xóm. Tôi rùng mình nghĩ về giấc chiêm bao, những tiếng rú kinh hồn cứ váng vất trong đầu, mặn chát trên môi. Tôi nhớ lại cái đêm toán đi rừng của chúng tôi bị lạc một đêm trong rừng vùng Trấm.

Chúng tôi một tổ tám người, thường được cắt cử lên vùng rừng non phía thượng nguồn sông Thạch Hãn để chặt những cây rừng về dựng lán trại. Mỗi ngày không biết bao nhiêu nhóm như thế, không biết bao nhiêu cây rừng non bị đốn hạ. Người ta thường bảo là đi cội trên Trấm... Hồi nhỏ đã nghe ba kể về nỗi khổ cực của những thợ cội đi tìm cây quý. Hôm nay, những thanh niên chúng tôi lần đầu lên rừng làm thợ cội, gặp chi chặt nấy, để kịp dựng những chòi tranh sau chiến tranh. Rừng non cứ thế lụi tàn. Dụng cụ đơn giản, chỉ có cây rựa và mo cơm độn sắn. Được nửa đường đói bụng đem cơm ra ăn nhỏ nhẻ vài muỗng, gọi là “đá nhẹ”. Dự trù khi nào đủ gỗ, ra tới bìa rừng sẽ “đá toàn bộ” (ăn hết). Nhiệm vụ khá nặng nề. Phải đem về được một cái “cột mệ” (cột lớn, đường kính trên 20 cm, dài 4,2m) và bốn cột con. Cột lớn bốn người khiêng như kiểu đưa đám. Cột con một người vác.

Những chuyến đầu chưa quen khá vất vả, quen rồi lại vui.

Mùa thu năm đó mưa đến trễ. Sau rằm tháng tám trời vẫn trong vắt. Những đêm khiêng gỗ về muộn đi dưới trăng có đứa còn ngâm thơ nữa.

Hôm đó, như thường lệ chúng tôi đến bìa rừng khoảng mười giờ sáng. Chia thành hai tốp đi tìm cây. Rừng thoạt nhìn rất nhiều cây, nhưng kiếm ra một cây vừa kích cỡ và thẳng thường không dễ. To thì không khiêng nổi, nhỏ thì bị kỷ luật. Đến 2 giờ chiều mà chúng tôi chưa kiếm ra cây nào. Bụng đói nên rủ nhau “đá toàn bộ” (ăn hết phần cơm mang theo), đến đâu thì đến. Tuổi đôi mươi hay liều kiểu chết người như thế.

Hạ cây xong, đang ngồi tán gẫu thì sấm chớp đâu kéo đến ầm ào. Trời dội mưa như trút nước, gió từng trận rít lên, cây gãy đổ răng rắc trên đầu. Chẳng có đứa nào mang theo áo mưa, ướt bê bết. Lạnh và bắt đầu run sợ. Không biết hướng nào mà ra khỏi rừng, đi đâu cũng bị vây với những con suối chảy xiết. Chúng tôi ngồi quay lại, khoác vai nhau im lặng. Mà cũng chẳng biết nói chuyện gì lúc này. Cơn đói bắt đầu, đứa nào cũng run lẩy bẩy. Một đêm ngồi như thế với mưa gió, sáng ra mặt mày tái mét. Cả nhóm bàn tán, chỉ còn một cách liều. Anh C. Có kinh nghiệm rừng rú đề nghị, ở đây thế nào cũng chết. Thà chết mà xác trôi về đồng bằng còn có người vớt. Vậy là cùng nhau kiếm cây kết bè. Sáu đứa ôm bè trôi theo suối. Có đứa xỉu gục đầu như xác chết, phải lấy dây cột vào bè. Chúng tôi “trôi” vài tiếng thì đến sông Thạch Hãn.

Trôi trên suối nước xiết mà không sợ mấy, lúc ra giữa dòng sông mênh mông mới thấy mình nhỏ bé làm sao. Chúng tôi trôi đi như thế giữa mênh mông nước. Càng về gần biển càng lo. Tưởng tượng bè trôi ra biển thì... Tâm trạng lúc đó như những tử tù đi đến pháp trường.

Khoảng xế trưa may thay tấp vào một bụi tre La Ngà ở một làng gần cửa Việt. Lên bờ, khập khiễng dìu nhau tìm nhà dân. Chúng tôi được một gia đình cho tá túc, được ăn một bữa cháo cá nhớ đời.

Năm năm ở quê cũng vài lần tôi sém chết bởi bão lụt. Mạng sống của người dân quê mình thật mong manh khi đối mặt với mưa lũ. Hồi năm bảy hai vào Nam Bộ, thấy nhà cửa trong Nam sao cao ráo, lộng gió. Lại nghĩ sao quê mình nhà nào cũng thấp tè. Sau 1975, về sống ở quê mới biết rằng kinh nghiệm luôn đối mặt với thiên tai nên nhà thấp cũng là một cách chống đỡ hữu hiệu với bão lụt. Vách, cột nhì phổ thông ở quê mình thường khoảng 2,5m, vào nhà thường tối om, nhưng chắc chắn. Gần đây phần nhiều nhà cửa đã được xây dựng kiên cố, an toàn hơn nhưng với bão lụt quê mình cũng không lấy chi bảo đảm.

Tôi lớn lên ở vùng trũng Hải Lăng, nơi năm nào cũng bị lụt. Làng tôi nhà cửa phần nhiều là tranh tre, có khi lụt ngâm cả nửa tháng không thấy ai cứu trợ, vậy mà thời đó rất ít người chết vì bão lụt, vì đói. Lý giải chuyện này sao đây? Tôi nghĩ có nhiều yếu tố:

Thứ nhất về con người: Nông dân lâu đời đã thích nghi với thiên nhiên. Họ luôn dự trữ lương thực trên tra (một kho lương thực thường nằm ở nơi cao nhất của căn nhà). Khoai khô, khoai luộc là lương khô không cần nấu nướng. Dù không có dự báo thời tiết chính xác như bây giờ, họ cũng biết được phần nào diễn biến của thời tiết qua kinh nghiêm nhân gian, qua ca dao tục ngữ về bão lụt. Mọi sự đã được sắp sẵn để đón lụt bão, và có thể sống chung với lụt hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Chính bản lĩnh, sức chịu đựng dẻo dai cộng với kinh nghiệm đã cho người dân quê mình tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt hàng thế kỷ.

Thứ hai, về thiên nhiên: Tôi nhớ thời đó nước lên chậm hơn bây giờ nhiều. Mưa nguồn cả mấy ngày sau mới thấy nước bạc về. Hồi đó rừng đầu nguồn chưa bị tàn sát như bây giờ. Sông suối tự nhiên chảy tạo ra những quy luật nhất định. Chỗ nào nguy hiểm người dân đã biết để tránh. Một yếu tố nữa rất quan trong đó là những thành trì của những lũy tre làng. Nhà nào xung quanh cũng được bao bọc những lũy tre kiên cố. Bờ sông rất nhiều những bụi tre La Ngà giữ đất không bị sạt lở. Những túp lều tranh thấp được tre che chắn lúc giông bão. Người ta không gọi là hàng tre, rừng tre mà gọi là lũy tre có lẽ cũng tự ý nghĩa này.

Về Huế ngày 28 - 9, để sáng 30 vào Sài Gòn như vé khứ hồi đã mua. Chiều 29.9, nhà văn võ sư, Nguyễn Văn Dũng mời vợ chồng tôi ăn chay ở Liên Hoa. Trời mưa xối xả. Vợ chồng tôi và anh Dũng ngồi bàn kiểu Nhật, nhâm nhi bia Hu Đa. Nói chuyện văn chương thời sự mà dạ cứ ngoài mưa gió. Khoảng 21 giờ vợ chồng tôi xin kiếu để về khách sạn kẻo chút nữa không về được thì nguy.

Một đêm khó quên. Khách sạn trên đường Nguyễn Tri Phương chỉ có vợ chồng tôi và hai cặp Tây ba lô người Mỹ. Vợ chồng mình thì hoang mang, bồn chồn. Buồn và lo. Còn hai cặp kia thì chơi ghi ta suốt đêm. Họ hát dân ca, flamenco, cổ điển như không thèm để ý về mưa gió. Vậy mà mình cứ trằn trọc về nước và gió, thao thức nghĩ về bao số phận dưới tàn phá của thiên nhiên, xưa và nay. Rồi vùi vào giấc ngủ muộn.

Buổi sáng mở cửa đã thấy một cặp Tây, chàng ở trần mặc quần soọc, nàng thì mỏng mảnh quần lót áo ngực đứng nhìn mưa, và cười vô tư. Lại nghĩ, ở quê họ có bão lụt như mình không nhỉ!

Điện thoại hàng không báo chuyến bay sẽ được dời qua ngày 1.10. Điện cúp. Đường Nguyễn Tri Phương không còn bóng người đi lại. Thỉnh thoảng có chiếc ghe ai đó lặng lẽ trôi dưới mưa. Nước đục ngầu, cảm tưởng như sánh lại đỏ quạch. Đến gần trưa mà chưa tìm được gì để ăn lót dạ. Thôi liều. Lội nước ngang bụng đi mấy trăm mét mới có quán tạp hóa. Mua được mấy hộp thịt, mì gói.

Thêm một ngày đêm tự cầm tù trên khách sạn. Sáng 30.9 chúng tôi quyết định dời qua khách sạn bên đường Đội Cung. Nước rút nhanh. Công nhân vệ sinh hối hả làm việc. Những con đường vừa được tắm tươi mới trở lại. Buổi sáng chúng tôi quyết định đi bộ qua thăm nhà chị Thái Kim Lan bên đường Bạch Đằng. Từ cầu Gia Hội chúng tôi phải đi ghe máy và “cập bến” ngay cửa nhà. Chị Lan từ Đức về Huế đã mấy tháng, ở một mình trong căn nhà cổ. Chị cười bảo “Sướng chưa. Về quê mà lựa mùa mưa gió như ri thì đi chơi mô được. Thôi nấu cơm ăn với tôm chua chị làm ngon lắm”. Mấy ngày không có bữa cơm. Được ăn cơm nóng với tôm chua ngon chi lạ.

Buổi chiều, chị Lan cùng mấy người bạn tranh thủ nước rút để dọn hành lang trước nhà. Dùng chổi khuấy nước cho trôi bùn đi. Chị bảo ngày xưa mỗi lần lụt là vui lắm. Bạn bè trông cho có lụt để đi lội. Hồi đó nước không đục như chừ. Nhìn con đường Bạch Đằng nhầy nhụa, bùn có chỗ ngang đầu gối. Một lượng lớn đất màu mỡ từ rừng đầu nguồn trôi về đây, trôi ra biển. Nước đỏ ngầu, cuồng bạo nhanh chóng mang đi bao tài nguyên, gieo bao thảm họa cho xứ sở miền trung nghèo nàn này. Con người đang trả giá với thiên nhiên.

Xế chiều trời ngớt mưa. Chúng tôi lội bùn ra tới cầu Gia Hội, đi xích lô vào thành nội. Định ghé thăm nhà anh Nguyễn Tư Triệt mà đường còn ngập. Gọi điện thoại nghe ọ i è, có lẽ mấy ngày này bị cúp điện, máy hết pin.

Trước khi về lại khách sạn chúng tôi ghé thăm vợ chồng thầy Cao Hữu Điền. Thấy bảo lụt Quảng Trị đang lên nhanh. Tôi gọi điện thoại cho bạn bè ngoài quê, Lê Thị Dũng la ơi ới, bảo nước trong nhà đã ngang ngực rồi. Kiểu ni chắc dưới Triệu Phong, Hải Lăng bị nặng lắm.

Chúng tôi về khách sạn chuẩn bị ngày mai vô sớm. Lại một đêm nóng ruột nghĩ về quê.

Chuyến bay đầu tiên của hãng Jestar sau bão lụt khởi hành lúc 8h. Nhìn qua đám hành khách phần đông là người nghèo qua cách ăn mặc của họ. Những người nghèo không có quyền chọn ngày đi ngày về. Số phận họ bị khuyên lại trong cái vé máy bay giá rẻ.

Tôi ngồi cạnh một chị tuổi trung niên. Chị cứ nhìn ra cửa sổ máy bay mà khóc tức tưởi. Khi máy bay cất cánh tôi hỏi chị về hay đi. Chị bảo đi cũng như về, không biết gọi sao cho đúng. Chị đang làm công cho một người bà con trong Sài Gòn, mỗi năm được về quê một lần. Năm nay đứa cháu mua cho cái vé máy bay giá rẻ, lần đầu được đi máy bay, những tưởng có một chuyến về thăm mạ thăm quê. Ai dè tới Huế thì đường về Phú Vang ngập không đi được. Ở lại Huế mấy ngày, sáng ni phải vô cho kịp… máy bay.

Máy bay lên cao. Đầm phá như biển nước phía dưới, loáng thoáng lù mù trong mây, làng xóm nhỏ dần, nhỏ dần. Chị ấy lại khóc, bảo có phải đó là làng tui không biết, tui thấy có cái đình như đình làng tui. Mạ tui đang còn ở đó.

Nhìn xuống những tầng mây đen nghịt trời, xóm làng khuất hút dưới đó, có bao người trong chuyến bay này đang nhìn xuống quê mình, mang theo bao niềm cay đắng quê nhà trong tâm tưởng.

N.Đ.M

(249/11-09)




 

 

 

Các bài mới
Đám tang (04/12/2009)
Các bài đã đăng
Oan gia ngõ hẹp (02/11/2009)